Tin tức chuyên ngành

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Việt Nam 'buông' Hoàng Sa cho TQ?

  • 6 giờ trước


Image copyrightNguyen Huy Kham Reuters
Image captionÔng Tập Cận Bình thăm Việt Nam sau các diễn biến giàn khoan 981 và các xung đột với ngư dân trên Biển Đông

Cựu quan chức cao cấp của Hội Hữu nghị Việt - Trung nói 'dường như' Việt Nam trên thực tế đã từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa trước sức ép của Trung Quốc.
Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch và Tổng thư ký của hội nói ông đã khuyến cáo lãnh đạo Việt Nam yêu cầu ông Tập Cận Bình chấp nhận đàm phán về quần đảo Hoàng Sa, mà hiện Trung Quốc đang chiếm toàn bộ, trong chuyến đi này.
Tuy nhiên ông Phan nói với Nguyễn Hùng trong Bàn tròn thứ Năm hàng tuần của BBC rằng phía Việt Nam đã bỏ ngoài tai.
Tiến sỹ Phan, người cũng là Viện trưởng Viện Chính trị và Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Bình Dương, nói:
"Theo tôi có lẽ bức xúc cơ bản của người dân là chính quyền chưa nhìn thẳng vào sự thực...
"Tôi đề xuất cũng có gì lớn đâu. Điều kiện như thế này ta có thể nói được mà cũng không nói...
"Chúng ta cứ tuyên truyền ở trong nước về Hoàng Sa và Trường Sa và triển vọng thế này thế khác...
"Chúng ta nói thế giới nào có biết đâu. Rất nhiều bạn bè quốc tế nói với tôi rằng đối với Hoàng Sa hình như Việt Nam buông."
Trong khi đó Phó Giáo sư Nông Lập Phu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, Trung Quốc nói ông đã được họcNam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) là của Trung Quốc.

Ông nói: "Tôi từ nhỏ cũng đọc địa lý Trung Quốc nói là Tây Sa, Nam Sa là đất nước của Trung Quốc."

'Nói mãi đá cũng phải mòn'

Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói quan điểm "nhìn về đại cục" trong quan hệ Việt - Trung rất mơ hồ và Việt Nam còn có vẻ còn "sợ" khiến Trung Quốc dựa vào đó để lấn át.
Ông nói: "Rõ ràng trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc hình như là Việt Nam chịu sự dẫn dắt của Trung Quốc và Việt Nam thiếu chủ động.


Image captionTiến sỹ Vũ Cao Phan nói ít nhất ngư dân Việt Nam phải được đánh cá tại những nơi họ từng hoạt động ở Hoàng Sa

"Chúng ta là nước nhỏ, chúng ta khiêm tốn, chúng ta tôn trọng Trung Quốc, chúng ta tôn trọng tình hữu nghị và chúng ta phấn đấu cho điều đó nhưng điều gì có thể thì chúng ta phải nói chứ, ưỡn ngực, thẳng lưng lên mà nói chứ...
"Người dân người ta đánh giá có thể vì một lợi ích nào chăng? Hay vì bản thân mình không tự đánh giá mình cao hay tự mình nhìn Trung Quốc quá cao, quá lớn chăng?"
Ông Phan nói quan hệ hai bên "phải hữu nghị, phải tốt đẹp nhưng phải bình đẳng" và rằng Việt Nam phải đòi Trung Quốc đặt Hoàng Sa lên bàn đàm phán và nêu giải pháp:
"Tôi đã nói có biện pháp nữa là ba tháng, sáu tháng một lần ta gửi công hàm qua đường ngoại giao yêu cầu đàm phán.
"Nói mãi đá cũng phải mòn chứ. Mà những chuyện này đàm phán cũng có lợi ích cho Trung Quốc chứ.
"Ít nhất hình ảnh của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam và đối với dư luận thế giới sẽ khác đi...
"Mong muốn tối thiểu của tôi là ngư dân Việt Nam có quyền đánh cá hợp pháp trên ngư trường lịch sử và truyền thống của mình."

'Hải quân đáng gờm'

Trong lúc đó bà Phương Nguyễn, chuyên gia Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế gọi tắt là CSIS ở Washington cho rằng cần đặt Hoàng Sa và Trường Sa vào bối cảnh rộng hơn.


Image captionBà Phương Nguyễn nói những gì Trung Quốc có hứa với Việt Nam 'chỉ là lời nói'

Bà nói với Bàn tròn thứ Năm:
"Tôi nghĩ về các vấn đề trên biển chúng ta không nên chỉ nhìn vào những tiến triển giữa Trung Quốc và Việt Nam mà chúng ta phải đặt nó vào bối cảnh Trung Quốc muốn gì trong vùng biển này.
"Trung Quốc muốn dùng Trường Sa và Hoàng Sa để làm bàn đạp để thiết lập Trung Quốc là lực lượng hải quân đáng gờm ở tây Thái Bình Dương.
"Về lâu dài, nếu việc này tiếp tục, mục tiêu của Trung Quốc là đẩy Hải Quân Hoa Kỳ khỏi vùng biển tây Thái Bình Dương...



"Trung Quốc có nói gì với Việt Nam, có ký kết gì với Việt Nam, có hứa gì với Việt Nam cũng chỉ là lời nói.
"Hành động trên biển của Trung Quốc sẽ không phụ thuộc gì vào những gì hai bên đàm phán hoặc là đồng ý với nhau mà phụ thuộc nhiều hơn vào tham vọng của Trung Quốc ở phía tây Thái Bình Dương."
Bà Phương Nguyễn cũng nói Bắc Kinh hiện đang ở vào thế khó xử theo sau việc Hoa Kỳ cho tàu chiến áp sát đảo đá do Trung Quốc đang chiếm tại quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cùng các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Nếu ngăn cản tàu Hoa Kỳ, bà Phương Nguyễn nói, Trung Quốc sẽ vi phạm luật quốc tế vì hai đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên đá ngầm Subi và Vành Khăn (Trung Quốc gọi là Chử Bích và Mỹ Tế), không được hưởng 12 dặm hải lý xung quanh mà vẫn phải để tàu quốc tế qua lại.

Phản đối Tập Cận Bình

Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từ Nha Trang nói khoảng 150 người đã xuống đường phản đối chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/11 khiến công an bắt giữ hàng chục người.


Image captionBà Như Quỳnh nói Việt Nam cần bảo vệ quyền lợi của ngư dân ngay cả khi muốn có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc

Cũng có những hình ảnh cho thấy người biểu tình bị đánh đổ máu.
Bà Như Quỳnh cho rằng chính quyền cần tôn trọng quyền 'tiếp đón' ông Tập của người dân theo cách của riêng họ.
Nhà hoạt động từng được giải thưởng nhân quyền quốc tế cũng nói thêm về chuyện chính quyền cũng phải bảo vệ các ngư dân trên Biển Đông khi họ muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc: "Nhà nước nào cũng tồn tại trên nguyện vọng và lợi ích của người dân bởi vậy một bộ phận dù nhỏ của người dân cũng phải được đảm bảo về đời sống, lợi ích và sự an toàn trong việc mưu sinh của họ, phải được đảm bảo và nhà nước phải xem đó là một phần cốt lõi tạo nên giá trị bền vững của nhà nước để đặt lên bàn ngoại giao."
Trong lúc đó nhà nghiên cứu Đông Nam Á của Trung Quốc ở Quảng Tây, ông Nông Lập Phu, phản đối các cuộc biểu tình chống ông Tập ở Việt Nam và cho rằng nó không có lợi cho việc cải thiện quan hệ hai bên.
Ông nói thêm: "Những vấn đề trên biển hai nước lãnh đạo hai Đảng hai nước đã có cơ chế để giải quyết vấn đề này rồi.


Image copyrightNong Lap Phu
Image captionPhó Giáo sư Nông Lập Phu nói từ bé ông đọc rằng Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) là của Trung Quốc

"Vừa rồi tôi xem TV theo Tiến sỹ Vũ Cao Phan giới thiệu, Đảng, Chính phủ Việt Nam đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình rất long trọng, trọng thị.
"Trong điều kiện này có một số người lên đường bày tỏ phản đối là không có lợi cho việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam."
Phó Giáo sư Nông Lập Phu cũng nói thêm chính Việt Nam cũng bắt tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc chứ không chỉ có Trung Quốc đơn phương làm như vậy với ngư dân Việt Nam.
Ông nói người dân Việt Nam không hiểu hết tình hình quan hệ hai bên và đã có những hành động mà ông cho là không hợp lý.


Tập Cận Bình sẽ phát biểu như thế nào về Biển Đông trước Quốc hội Việt Nam?


Lâm Bình Duy Nhiên
Vậy là Tập Cận Bình đã đến Việt Nam. Từ Hoàng Thành Thăng Long, 21 phát đại bác đã được bắn để chào mừng nhà lãnh đạo Trung cộng. Gặp nhau, tay bắt, mặt mừng, ông Tổng bí thư đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng, đã có buổi làm việc với Chủ tịch Trung Quốc. Và chỉ sau một buổi hội đàm với ông Trọng, hệ thống báo chí của đảng đã bắt đầu đưa toàn những tin tốt đẹp, ca ngợi mối quan hệ hữu nghị cũng như khẳng định thiện chí của Việt Nam «mong muốn phát triển tốt đẹp, thực chất với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi… ». Về vấn đề Biển Đông, chính ông Trọng đã đề nghị hai bên «kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hoà bình, ổn định, không để vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ hai nước » và thậm chí «không quân sự hoá Biển Đông ».
Trong khi đó, tại Hà Nội và Sài Gòn, những người dân tham gia biểu tình ôn hoà đã bị lực lượng an ninh của chế độ dùng bạo lực để quấy rối và ngăn cản. Những khẩu hiệu lên án sự bành trướng của Trung cộng đã bị cướp giựt và xé rách. Những tiếng hô dõng dạc tố cáo thái độ hung hăng của kẻ láng giềng khi dùng tàu chiến tấn công, giết chết những ngư dân vô tội Việt Nam tại Biển Đông, đã bị bịt miệng, trấn áp bởi những công an trá hình du côn…Thậm chí máu đã đổ trên khuôn mặt của những người biểu tình và nhiều người đã bị bắt giữ một cách trái phép.
Thật ra, việc một nhà lãnh đạo cao cấp của Trung cộng sang thăm Việt Nam, trước mỗi sự kiện lớn của chính phủ, của đảng CSVN đã trở thành một thông lệ. Có chăng, lần này, ông Tập Cận Bình, là vị Nguyên thủ quốc gia đầu tiên, được mời phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, trước ông Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cùng 500 nghị sĩ của nhà cầm quyền. Tất cả trong bối cảnh Trung Quốc đang leo thang tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Những gì ông Tập sẽ phát biểu trước Quốc hội Việt Nam được cho là chờ đợi nhất. Cần nhắc lại Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có «quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước » cũng như «giám sát mọi hoạt động của nhà nước ». Phát biểu trước Quốc hội, tức trên lý thuyết, trước toàn xã hội và nhân Việt Nam. Lý thuyết thôi, vì trên thực tế, hơn 90% các đại biểu Quốc hội đều là đảng viên. Số còn lại, ít nhiều cũng có quan hệ mật thiết với đảng cầm quyền. Chưa bao giờ chuyện quyền bầu cử ở Việt Nam được thực thi và tôn trọng một cách dân chủ. Vì vậy, việc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội sẽ chỉ là việc nội bộ trong nhà, giữa hai đảng cộng sản, giữa ông và vài trăm đảng viên trung thành của nhà nước CSVN. Chắn chắn, đảng đã sàng lọc và chuẩn bị tinh thần, chỉ đạo cho các ông nghị của họ, nhắc nhở họ phải im lặng lắng nghe bài phát biểu của Tập Cận Bình.
Vậy Tập sẽ nói gì trong tình hình nhân dân Việt Nam đang bày tỏ thái độ căm phẫn trước Trung cộng. Có khả năng một trong ba kịch bản sau sẽ xảy ra.
Tránh đá động đến vấn đề chủ quyền Biển Đông
Đây là kịch bản ít xảy ra nhất. Không nhắc đến Biển Đông tức tự phủ nhận chủ quyền Biển Đông trước đối phương. Hoặc chấp nhận một cách gián tiếp những chứng cứ trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông của Trung cộng là thiếu thuyết phục. Đó hoàn toàn không phải là thái độ cũng như chính sách của họ, nhất là đối với một quốc gia vệ tinh, chịu nhiều ảnh hưởng, lệ thuộc như Việt Nam.
Khẳng định chủ quyền Biển Đông một cách ôn hoà nhưng cứng rắn
Có thể Tập Cận Bình sẽ khẳng định, trước 500 nghị sĩ-đảng viên của Quốc hội Việt Nam, chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc, nhưng đồng thời chấp nhận những bất đồng và tranh chấp đang tồn tại với Việt Nam. Ông ta sẽ khuyên bảo chính phủ CSVN nên tiếp tục đối thoại song phương để giải quyết mọi tranh chấp, tránh dẫn đến xung đột, bất hoà. Không nên phản ứng như Philippines khi đưa vấn đề ra Toà án Quốc Tế vì Trung cộng sẽ không chấp nhận mọi phán quyết khác. Tập Cận Bình cũng sẽ mềm mại nhưng cứng rắn trước Quốc hội bằng những lời phát biểu nhắc lại lịch sử quan hệ«hữu nghị, truyền thống », gắn bó, ân nghĩa, nợ nần, giữa hai đảng cầm quyền. Qua đó, ông ta sẽ không quên cảnh báo phía Việt Nam về quyền bảo vệ chủ quyền biển và đảo của Trung cộng trong trường hợp bị xâm phạm!
Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất, để chứng minh với thế giới bên ngoài rằng Trung cộng luôn sử dụng đường lối đối thoại ôn hoà làm kim chỉ nam cho mọi giải quyết xung đột. Trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét rằng «Việt Nam có truyền thống, đạo lý mến khách đến nhà », qua đó, cũng có thể đoán được không khí của cuộc gặp gỡ. Cả Quốc hội Việt Nam sẽ im lặng, ngoan ngoãn và đồng loạt vỗ tay tán thưởng vị Chủ tịch Trung cộng!
Hùng hổ khẳng định chủ quyền, bác bỏ mọi lập luận của phía Việt Nam
Đứng trước Quốc hội Việt Nam, trước các vị nghị sĩ bù nhìn của đảng cộng sản, dẫu biết rằng sẽ khó có một phản biện nào, dù rất yếu ớt xuất phát từ phía Việt Nam, nhưng Tập Cận Bình chắc chắn sẽ không « điên khùng » đến mức hùng hồn, khẳng định Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa là của họ từ ngàn đời. Họ Tập sẽ chẳng cần hao công tốn sức để hăm doạ vì Quốc hội, nhà nước và đảng CSVN đã bị Trung cộng thao túng một cách quá dễ dàng. Trung cộng cũng sẽ chẳng dại gì làm bùng nổ thêm tinh thần chống Tàu đang ngày dâng cao trong xã hội Việt Nam. Mọi việc đã có nhà cầm quyền CSVN lo! Hơn bao giờ hết, Hà Nội đang chịu ảnh hưởng lớn của Bắc Kinh để duy trì sự cầm quyền của chế độ và sự tồn tại của đảng cộng sản.
Vì vậy, kịch bản này cũng sẽ không thể xảy ra, vì nó sẽ chỉ làm mất mặt vị thế đàn anh, cường quốc của Trung cộng.
Kết luận
Tập Cận Bình sang Việt Nam khi những xung đột về Biển Đông ngày càng căng thẳng. Trước thềm Đại hội 12 đảng CSVN, Tập Cận Bình muốn nhắn gởi đến Hà Nội một bức thông điệp: mọi tranh chấp phải được giải quyết trong nhà. Đồng thời, Tập muốn ngăn chặn, dập tắt mọi luồng tư tưởng thân Mỹ, nếu có, trong nội bộ đảng CSVN. Những động thái, có vẻ như, muốn xích gần Mỹ, trong thời gian qua của Hà Nội, không hề làm cho Bắc Kinh lo lắng vì mối quan hệ khắng khít, chồng chéo, ẩn chứa nhiều bí mật của hai chế độ cộng sản. Bắc Kinh nắm trong tay nhiều tài liệu liên quan đến sự sống còn của Hà Nội. Nội tình của đảng CSVN luôn nằm trong tầm kiềm soát của Trung cộng. Vấn đề nhân sự cho những chiếc ghế lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam, chắc chắn, cũng sẽ do Trung cộng thao túng, thậm chí quyết định. Họ cũng không cần bày tỏ thái độ quyết liệt về Biển Đông vì mọi thương thảo, đàm phán với Việt Nam, chắc chắn, đã được diễn ra trong vòng bí mật, trước chuyến đi của Tập Cận Bình. Trung thành với chính sách tung tiền mua chuộc các quốc gia độc tài, chắc chắn Tập Cận Bình sẽ một lần nữa hứa hẹn những món tiền khổng lồ gọi là giúp đỡ và xây dựng tình hữu nghị láng giềng.
Thế cho nên, có thể gọi, cuộc gặp gỡ và phát biểu trước Quốc hội Việt Nam là một màn kịch vụng về được dựng lên bởi hai nhà cầm quyền. Hà Nội và Bắc Kinh cho rằng khi Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội, tức trước nhân dân Việt nam, sẽ là một động thái tích cực, minh bạch, bày tỏ lòng tôn trọng lẫn nhau trước công luận Việt Nam. Điều đó hoàn toàn giả tạo vì cái gọi là Quốc hội Việt Nam này chưa bao giờ do dân bầu một cách dân chủ. Quốc hội chỉ là chiếc bình phong do đảng cộng sản dựng lên để đánh lừa dư luận.
Tập Cận Bình đã khẳng định, ngay khi đặt chân đến sân bay Nội Bài, Trung cộng rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, và «nguyện cùng với phía Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, cùng nhau thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện, phát triển ổn định, lành mạnh và lâu dài ». Đó, một lần nữa, lại chỉ là những lời sáo rỗng nhằm xoa dịu thái độ bài Trung đang bắt rễ trong lòng xã hội Việt Nam.
Vì thế, mọi phát biểu của Tập Cận Bình tại Quốc hội vào ngày 6/11 sẽ vô giá trị vì chưa bao giờ Quốc hội đại diện hay lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Hơn bao giờ hết, nhà cầm quyền CSVN đã im lặng, khuất phục trước ngoại bang. Đó mới chính là vấn nạn, là nỗi đau của dân tộc Việt Nam. Trung Quốc có lộng ngôn, có chèn ép, thậm chí có dã tâm thôn tính Việt Nam thì cũng chỉ là hệ quả của đường lối ngoại giao yếu đuối, của một chế độ độc tài đã và đang bỏ mặt quyền lợi của dân tộc. Cảnh tượng an ninh ngăn chặn, hành hung những người biểu tình đã phản ánh trung thực thái độ chư hầu của CSVN trước Thiên triều!
Cũng có thể, sẽ có một kịch bản khác sẽ xảy ra, nhưng nó sẽ vẫn bị che giấu, bưng bít bởi Việt Nam. Chúng ta đã quá quen thuộc với bộ mặt giả dối của bộ máy nhà nước, và càng không thể hy vọng vào cái Quốc hội bù nhìn, tham nhũng, chỉ biết trung thành với đảng cầm quyền.
Ngày mai, việc Tập Cận Bình phát biểu như thế nào trước Quốc hội, hoá ra không quan trọng, vì tất cả đã được thương lượng, thoả thuận, thông đồng từ trước. Nhưng ngược lại, đó là một vết nhơ, một nỗi nhục lớn cho chính đảng CS mà dân tộc Việt Nam không bao giờ chấp nhận đồng loã và tha thứ!
Đảng CSVN cùng với chế độ độc tài toàn trị này, từ lâu, đã không còn một chút tính chính danh nào để điều hành đất nước!
Lâm Bình Duy Nhiên, 5/11/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét