Tin tức chuyên ngành

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Tướng Lê Duy Mật: vị tướng trải ngàn trận ” nam chinh bắc chiến” đã ra đi…

Bài và ảnh của Phạm Viết Đào.
( Ảnh P.V.Đ chụp Tướng Lê Duy Mật tại nhà riêng hồi cuối tháng 8/2015...)

Rửa sạch bụi trần về với cảnh; Buồn vui, thành bại, xin gởi lại; Hạt cát giữa đời hạt cát thôi…
( Lời dặn vợ , con, cháu... của Tướng Lê Duy Mật)

Sáng nay, theo tin từ gia đình, vào khoảng 4 giờ sáng, ngày 20/10/2015, Tướng Lê Duy Mật đã từ giã gia đình, vợ con…Hiện gia đình đã báo cho Lãnh đạo Quân khu 2 để làm các thủ tục theo chế độ chính sách đối với một quân nhân cấp tướng qua đời…
Biết ông bị bạo bệnh, vào những ngày cuối tháng 8 năm 2015, tôi đã đến thăm Tướng Lê Duy Mật tại nhà riêng cùng với một vài nhà báo để xin tài liệu và xin được phỏng vấn ông; lúc này khi ông đang phải chịu đựng căn bệnh ung thư phổi đang bước qua giai đoạn cuối…
Theo anh Văn con trai ông cho biết: Để chống với sự dày vò của cơn đau, cứ sau 3 tiếng đồng hồ ông lại phải uống thuốc giảm đau. Cho dù bị bênh tật hành hạ, nhưng vốn bản chất can trường  của một người lính từng xông pha qua ngàn trận, ông là một trong những sĩ quan cao cấp có thể mệnh danh từng “ nam chinh, bắc chiến’, từng “ chinh đông, chinh tây”; Khi gặp chúng tôi, ông vẫn tỏ ra lạc quan, tin tưởng vào tương lai đất nước, sự trường tồn của dân tộc mặc dù trong ông còn không ít băn khoăn, dày vò cả thể xác lẫn tinh thần…
Theo gia đình, Tướng Lê Duy Mật sinh tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng năm 1927; tháng 10/1944 ông tham gia Thanh niên cứu quốc;
-Tháng 2/1945 bắt đầu tham gia rải truyền đơn, tham gia quân của Tướng Nguyễn Bình chiến đấu giải phóng chiến khu Đông Triều, chuẩn bị cho  tổng khởi nghĩa tháng 8/1945; Ông là người lính có mặt trong những ngày đầu của đội quân Vệ Quốc đoàn…
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Lê Duy Mật đã trưởng thành từ trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng và ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trung dũng nổi tiếng ở vùng Đông Bắc đánh thắng quân đội Pháp nhiều trận lớn; với những đội quân thoắt ẩn thoắt hiện, nhiều lần tập kích vào các căn cứ quân Pháp tại các địa bàn Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hưng Yên, Đường 5, Đường 10, Nam Định…
Dưới quyền chỉ huy của ông, có trận tại NamĐịnh quân ta đã tiêu diệt cả 1 tiểu đoàn  biệt kích và 1 tiểu đoàn địa phương quân của quân đội Pháp…
Năm 1963, Lê Duy Mật được cử vào nam chiến đấu, ông vào Nam Bộ bằng tàu không số đi vòng ra biển Đông, vòng qua Hoàng Sa, Trường Sa; Những ngày đó ông kể tàu của nhiều lần chạm trán với Hạm đội 7 của Mỹ tuần tra kiểm soát; Để rồi sau đó ông đổ bộ vào Cà Mâu Nam Bộ.
Tại chiến trường Quân khu 8 và 9 Lê Duy Mật đảm trách Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng quân khu, đồng thời ông đứng ra đảm nhận thành lập Trung đoàn độc lập đầu tiên tại chiến khu Tây Nam bộ này vừa đánh địch chống càn vừa tranh thủ xây dựng, mở rộng vùng giải phóng …
Từ năm 1963 tới 1975 ông đã tổ chức bộ đội đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, đáng chú ý là trận đánh vào thị xã Mỹ Tho vào dịp Mậu Thân 1968; ông đã chỉ huy 3 trung đoàn đánh giải phóng thị xã Mỹ Tho một thời gian 9-10 ngày…
Quân khu 9 đã tiêu diệt được một số lực lượng địch trong thị xã Mỹ Tho, chiếm được một số vị trí trong trung tâm như khu vực Hồ Nước Ngọt, Cầu Quay.
Quân đội Sài Gòn và quân đội Mỹ đã phản công quyết liệt, sư đoàn 9 của Mỹ đã trực tiếp tham chiến, phản kích nhiều lần nhưng đã bị quân giải phóng dưới quyền chỉ huy của ông đẩy lui.
Khi Lon Non lật đổ Chính phủ hoàng gia Xihanuc, Quân khu 9 được giao trách nhiệm giúp nhân dân Cămpuchia đánh quân đội Lon Non, xây dựng chính quyền mới. Ông đã chỉ huy đánh gần 20 trận lớn nhỏ tại 10 tỉnh giáp biên giới Việt Nam.
Sau đó, Quân khu 9 dưới quyền chỉ huy của ông với cương vị là Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh quân khu đã giúp nhân dân Cămpuchia  tiêu diệt 3 trung đoàn địch tại Căn cứ  Xihanuvin, bắt sống hàng ngàn tên và thu toàn bộ vũ khí…
Đáng chú ý là trận đánh giải phóng tỉnh Cămpot, là nơi mà quân đội Sài Gòn tràn sang truy kích quân ta. Kết quả do bị ta bao vây, lực lượng quân đội Sài Gòn chiếm giữ ở đây là 1 tiểu đoàn đã bị tiêu diệt; lực lượng viện binh từ Sài Gòn lên đã bị đẩy lui và quân ta đã giúp bạn giải phóng hoàn toàn tỉnh Cămpot thoát khỏi chính quyền Lon Non.
Sau khi giải phóng Cămpot, quân ta đã giúp bạn xây dựng 5 tiểu đoàn chính quy sát cánh cùng quân đội Việt Nam chiến đấu.
Đầu năm 1979, ông trở về Cục Tác chiến cùng với Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn, Lê Ngọc Hiền xây dựng kế hoạch tác chiến, sử dụng lực lượng 3 quân đoàn cùng với Quân khu 9 đánh tan 18 sư đoàn Quân Paul Pot, giải phóng Pnom Pênh
Không chỉ tham chiến tại chiến trường Cămpuchia, Lê Duy Mật, ông với tư cách là đặc phái viên của Quân khu Tả Ngạn cùng Thiếu tướng Hoàng Sâm sang Lào giúp bạn 1 năm, trong đó đáng chú ý là chiến dịch Nậm Thà, giải phóng tỉnh Nậm Thà…
Từ đầu năm 1984, sau khi ông được cử sang Liên Xô theo học tại trường đào tạo sĩ quan tham mưu tại Học viện Vorosilov, Tướng Lê Duy Mật được điều về Quân khu 2 đảm trách Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2 kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Tuyên từ năm 1984-1988; Từ năm 1984-1989, phía Trung Quốc đã tập trung tại chiến trưởng  này 27 sư đoàn của 5 đại quân khu đánh phá ác liệt và lấn chiếm biên giới Tây bắc của tổ quốc.


  Tướng Lê Duy Mật, người đứng thứ 2 bên trái, 
bên cạnh Tướng Đoàn Khuê tại Hà Giang 1984

Ông cùng với nhiều tướng lĩnh đã tham gia phòng thủ chắc chắn biên cương phía Tây bắc của Tổ quốc, gây cho phía Trung Quốc nhiều thiệt hại, mặc dù lúc đông nhất, quân số bộ đội ta ở mặt trận này chỉ tập trung khoảng 4-5 sư đoàn. Nhưng với mưu trí và sự chiến đấu dũng cảm của bộ đội ta nên đã đánh bại âm mưu bành trướng, lấn chiếm đất đai của nhà cầm quyền Trung Quốc…
Dàn sĩ quan cao cấp hiện tại của Bộ Quốc phòng như Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Thượng tướng Đào Trọng Lịch ( đã chết), Trung tướng Phạm Tất Thanh ( đã chết )… từng là những sĩ quan cấp sư đoàn dưới quyền chỉ huy của ông tại Mặt trận Hà Tuyên nay là Hà Giang…

Trải lòng về cuộc đời binh nghiệp của mình, Tướng Lê Duy Mật đã rút ra cho mình “ đạo làm tướng”: “Đạo đức nhân cách phải hàng đầu; Rèn luyện phải thành tài thành giỏi để dân tin, dân nhớ, dân thương; Đừng vì thế, lực, tiền tài mà để dân ca oán; Chiến tranh chiến thắng làm sao để ít đổ máu; Tránh để “ một tướng công thành vạn cốt khô”…
Tướng Lê Duy Mật đã tự xác định và đang chuẩn bị hành trang để gặp lại những đồng đội đã khuất: Rửa sạch bụi trần về với cảnh; Buồn vui, thành bại, xin gởi lại; Hạt cát giữa đời hạt cát thôi…
Tâm nguyện của Tướng Lê Duy Mật khi tôi gặp ông tại nhà riêng trong những ngày tháng cuối đời: muốn Đảng, Nhà nước, nhân dân tìm mọi cách, khả năng tìm kiếm, quy tập, đưa hài cốt những đồng đội của ông vẫn còn rải rác trên các ngọn đồi biên giới phía bắc được vệ với gia đình, quê cha đất tổ.
Đó cũng là một trong 5 điểm mà ông và một số sĩ quan cao cấp đã thảo Trong bản kiến nghị 5 điểm ngày 12/9/2012 gửi Lãnh đạo Đảng và Nhà nước…
Blog Phạm Viết Đào  xin chia buồn với thân nhân gia đình Tướng Lê Duy Mật và xintrân trọng báo tin với bạn bè đồng đội cũ của ông về tin buồn này; Blog Phạm Viết Đào sẽ cập nhật thông tin ngày cử hàng tang lễ của Tướng Lê Duy Mật.


P.V.Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét