Đại hội lần thứ XII của Đảng sắp diễn ra trong bối cảnh đất nước và nội tình của Đảng vô cùng rối ren, theo cái nhìn nhiều người, có thể là một kỳ đại hội sôi động và đầy kịch tính! Người dân mong chờ đại hội có những quyết sách mới và nhân sự mới làm biến đổi thực trạng đất nước và nội tình của Đảng vượt qua khó khăn, thử thách phát triển ổn định.
Hội nghị Trung ương 12 chuẩn bị nhân sự Đại hội XII vừa bế mạc, khơi mào những người làm “công tác tổ chức nhân dân” tha hồ “bình loạn” đủ chuyện; nhất là trong “bộ tứ” ai còn ai mất và dự đoán “bộ tứ” khóa mới theo từng phương án gồm những gương mặt nào…? Và, cùng lúc này một số cán bộ trẻ “con nhà nòi” được cơ cấu vào các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở một số tỉnh – thành. Đây là hiện tượng bất thường thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận…! Theo quan sát riêng tôi, người tán thành không nhiều, người không tán thành khá đông và ai cũng có lý lẽ của mình.
Công tác cán bộ của Đảng xưa nay quan trọng có tầm chiến lược, cơ quan công tác cán bộ hoạt động theo “qui trình” và “nguyên tắc” thống nhất; đặc biệt khâu quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có những tiêu chuẩn nghiêm nhặt và phải khách quan, công tâm “vì công việc không vì người”! Thế nhưng, trong thực tế việc “xé rào” hay gọi là “vận dụng” vẫn thường diễn ra và với vị trí cán bộ chủ chốt, vẫn thường thấy thấp thoáng bóng dáng thế lực nào đó chi phối làm méo mó cái gọi là “qui trình” hay “nguyên tắc”. Cho nên, những cán bộ trẻ nói trên người dân cho là vì “con ông cháu cha” mới được bổ nhiệm các chức vị trọng yếu chẳng oan chút nào!
Với trải nghiệm trong hoạt động thực tiễn qua các chức vụ Đảng giao khác nhau trong nhiều năm, tôi nghĩ một cán bộ tốt phải hội tụ những yếu tố cơ bản: Một là, có đạo đức, tư cách tốt –Hai là, có kiến thức bao quát và riêng lĩnh vực mình phụ trách – Ba là, có bản lĩnh và vốn sống nhất định.
Tôi tán thành chủ trương trẻ hóa cán bộ lãnh đạo của Đảng, nhưng với những người vừa được bổ nhiệm dù thông qua bầu cử hay chỉ định, tuổi đời từ 25 đến 39 ở những vị trí chủ chốt cấp tỉnh – thành là còn quá trẻ, dù được học hành tử tế và là “con nhà nòi”, nhưng chưa kinh qua rèn luyện thử thách chứng minh là những cán bộ đủ đức tài có thể hoàn thành nhiệm vụ. Có ý kiến bảo “phải chấp nhận những thử nghiệm”! Trời ơi, sao đem lợi ích đất nước làm “con chuột bạch” và còn căn dặn coi chừng “đừng để lại những hậu quả nặng”!
Có người lại so sánh những người nầy với các vị tiền bối như Tổng Bí thư đầu tiên Trần Phú chỉ có 27 tuổi, ông Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ năm 1945 mới 34 tuổi…! Ôi, sao có sự so sánh quá ư khập khiễng như vậy, năm 1945 mới giành chánh quyền và những năm 1930 cách mạng còn trong trứng nước, so với ngày nay khoảng cách 70 – 80 năm bối cảnh đất nước hoàn toàn khác, làm sao có thể so sánh như thế được! Tôi thấy có người lại so sánh các nước “tư bản giãy chết” như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc… cũng “cha truyền con nối” thì sao? Ai cũng biết thể chế chính trị nước ta khác những nước đó, nguyên thủ quốc gia nước họ được bầu chọn trực tiếp từ người dân công khai, minh bạch dù là “con ông cháu cha” thiếu đức tài người dân không bao giờ bầu chọn.
Những cán bộ trẻ vừa được bổ nhiệm học hành tử tế và là “con nhà nòi”, điều đó rất đáng quí! Nhưng, các nhà làm công tác tổ chức sao không vì lợi ích đất nước làm trọng, lại chấp nhận bổ nhiệm đem lợi ích đất nước đánh đu với may rủi! Những cán bộ trẻ đó đều dưới tuổi 40, con đường phía trước của họ rất dài, sao không “luân chuyển” họ hoạt động thực tiễn ở xã, huyện như Đảng từng làm, vì nơi đó là môi trường rèn luyện toàn diện với thời gian cần thiết để họ già dặn, trưởng thành hơn, có gì phải vội vã, gấp gáp!
Với các vị cán bộ trẻ nói trên, xin lỗi các vị những gì tôi nói chỉ vì lợi ích đất nước và cũng vì lợi ích lâu dài của các vị, nếu tôi nói có điều chi không làm các vị hài lòng xin hiểu cho! Tôi ví các vị như những cây được vun trồng cẩn thận nhưng còn non, dùng ngay làm rường cột ngôi nhà lớn sao có thể vững chãi, lâu bền!
Tôi từng chứng kiến có những trường hợp cán bộ không trẻ “con ông cháu cha” tuy có đạo đức tư cách tốt, nhưng kiến thức, năng lực yếu kém, thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm thực tiễn, được “phù phép” cấu tạo đứng đầu cấp huyện, qua thời gian ngắn ban đầu sự yếu kém của các anh bộc lộ nhưng “vô một gà, ra ba heo”, làm sao có thể thay đổi các anh, mà nào ai dám đề xuất thay đổi! Thế là phải đợi đến kỳ đại hội 5 năm mới thay đổi được các anh, để lại những “mâm bát” ngỗn ngang với các vụ án làm mất cán bộ và tổn thất vật chất, tinh thần khá lớn!
Trang Viet-studies đăng bài “Cán bộ trẻ làm lãnh đạo, đừng vì lý lịch mà đánh giá người ta” (LĐ 22-10-15) giáo sư Trần Hữu Dũng – chủ trang ấy viết một câu bình chí lý: “Đa số người dân không đánh giá những cán bộ trẻ này vì lý lịch của họ, nhưng đánh giá những người đã "cơ cấu", đã bổ nhiệm họ!
Những đêm thao thức, 24 – 25/10/2015
Đặng Kiên Trung
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 26-10-15
(Viet-studies)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét