Đặt câu hỏi “tại sao” để xác định “làm gì”
TT - Tại sao TP.HCM vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng? Tại sao ai cũng thừa nhận TP là nơi đầu tư cơ hội làm ăn tốt nhất cả nước nhưng không phải là nơi có môi trường đầu tư tốt nhất cả nước?
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng (bìa phải) gặp gỡ và trao đổi với các đại biểu trước khi vào thảo luận tổ sáng 15-10 - Ảnh: T.T.D. |
Tại sao cán bộ báo cáo thì tốt nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn còn than?... Ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - đặt một loạt câu hỏi tại phiên thảo luận về báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP.HCM.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Thưởng nói ông nêu lên để gợi mở vấn đề và muốn các đại biểu dự đại hội cùng
tìm câu trả lời.
Đại hội cũng là lo cho dân, tổng kết cũng là tổng kết chuyện lo cho dân. Việc “tin dân, học dân, trọng dân” phải thể hiện trong thực tế cuộc sống, làm việc của cán bộ |
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy VÕ VĂN THƯỞNG |
Dẹp bỏ rào cản
để phát triển kinh tế
Ông Thưởng nói đang có rất nhiều câu hỏi “tại sao” như vậy ở TP.HCM. Từ những câu hỏi này mới xác định tới việc “làm gì” và kiểm soát như thế nào để TP.HCM có môi trường đầu tư tốt nhất, cạnh tranh nhân lực tốt nhất.
Theo ông Thưởng, phải dẹp bỏ những rào cản để người dân muốn đầu tư thì an tâm, tin cậy đưa tiền vào lưu thông, phát triển kinh tế.
Như để trả lời cho một phần những câu hỏi “tại sao”, ông Thưởng dẫn chứng mức độ cạnh tranh nhân lực trong khu vực tư ở TP.HCM rất cao, nhưng cạnh tranh nhân lực trong khu vực công lại thua miền Trung.
Hoặc mô hình cải cách hành chính áp dụng tin học ở quận 1 rất tốt, được các tỉnh đến học tập và được mời đi giảng dạy tại các học viện. “Nhưng vì sao không nhân rộng ra được ở TP.HCM mà chỉ có ở một vài quận huyện?” - ông Thưởng
nêu nghịch lý.
Chia sẻ những gợi mở của ông Võ Văn Thưởng, ông Đào Anh Kiệt, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, nói những câu hỏi “tại sao” đó xuất phát nhiều từ vấn đề con người.
Theo ông Kiệt, không nên nghĩ là tạo ra sức ép nào đó để cán bộ làm tốt, làm đúng mà phải làm sao để cán bộ làm đúng làm tốt mà không cần có sức ép nào cả. Ông Kiệt cho rằng “chúng ta đang tự trói nhau” khi có quá nhiều thủ tục rườm rà.
Ông Kiệt dẫn chứng để có phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các địa phương phải thống kê nhu cầu từng quận, huyện rồi xin trung ương số lượng phôi, làm hỏng một phôi cũng phải báo cáo.
“Làm mất bao nhiêu thời gian của người dân, trong khi cái đó địa phương tự in được mà không ảnh hưởng gì cả” - ông
Kiệt khẳng định.
Trả lời tiếp cho một phần những câu hỏi “tại sao?”, ông Phan Thanh Bình - ủy viên Trung ương Đảng, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng TP.HCM cần phải “bàn và suy nghĩ” tận cùng hơn nữa. Theo ông Bình, TP.HCM có mức tăng trưởng GDP gấp 1,5 lần bình quân cả nước.
“Tại sao lại là 1,5 lần, có hơn nữa được không? Trong năm năm tới, có vượt qua được không?” - ông Bình đặt câu hỏi.
Đối với vấn đề cạnh tranh trong khu vực công, ông Bình nói Nhà nước nên tạo điều kiện thông thoáng để sinh viên ra trường có thể lập công ty, tự chủ lập nghiệp...
Còn cạnh tranh nhân lực trong lĩnh vực công, việc tuyển người sẽ siết lại, chọn lựa những người giỏi, qua thi tuyển nghiêm túc. Có như vậy mới làm cho sự cạnh tranh trong khu vực
công được nâng lên.
Đại biểu Võ Văn Thành - trưởng Ban tuyên giáo Q.Tân Phú - cho biết bấy lâu nay TP.HCM vùng vẫy trong cái áo quá chật, cái gì cần cho sự phát triển của TP đều phải xin cơ chế đặc biệt của trung ương.
Ông Thành nói: “Không thể thụ động chờ trên may sẵn cho cái áo rồi áo sao thì mình mặc vậy, chỗ rộng chỗ chật không
phù hợp được”.
Chỉ nên có
3 chương trình đột phá
Bàn về bảy chương trình đột phá trong báo cáo chính trị, đại biểu Trần Văn Bảy - phó giám đốc Sở Tư pháp TP - cho rằng chương trình đột phá về cải cách hành chính quá chú trọng về thủ tục mà thiếu quan tâm về bộ máy, trong khi vấn đề bộ máy, đội ngũ lại rất quan trọng.
Hiện còn nhiều cơ quan có chức năng chồng chéo với nhau, cơ quan nhà nước còn hành lẫn nhau thì khó tính đến chuyện cải cách hành chính. “Để giải quyết vấn đề, TP.HCM phải trở thành nơi tiên phong trong xã hội hóa các dịch vụ hành chính công” - ông Bảy đề nghị.
Theo đại biểu Lê Quốc Cường - phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, không nên có nhiều cái đột phá cùng lúc sẽ không đủ nguồn lực để triển khai cho đến nơi đến chốn.
Về chương trình đột phá thứ bảy dự kiến bổ sung về chỉnh trang đô thị, ông Cường nói chương trình này thực chất bao hàm luôn chương trình về giảm ùn tắc giao thông và `chống ngập, nên gom chung thành
một chương trình.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thành Chung - bí thư Quận ủy Tân Phú - đề nghị chỉ nên có ba chương trình đột phá: Thứ nhất là chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi nguồn nhân lực thay đổi theo chiều hướng tốt lên thì nhiều thứ sẽ thay đổi theo.
Thứ hai là chương trình về cải cách hành chính. Thứ ba là chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho TP.
“Còn lại các chương trình khác chỉ nên xác định là chương trình trọng điểm có cách làm đột phá thôi. Nếu không thay đổi cách làm, tập trung sức lực thì làm hoài cũng khó mà xong” - ông Chung nói.
Đầu tư chiều sâu cho giáo dục đại học Nhìn lại quá trình thực hiện sáu chương trình đột phá của TP, trong đó có “Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, trong năm năm qua đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên trong dự thảo báo cáo chính trị của Đảng bộ TP vẫn nhìn nhận những vấn đề còn hạn chế. Đó là “việc triển khai thực hiện một số chương trình nhánh của Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn chậm, chưa sát hợp với thực tế; một số chỉ tiêu đến nay chưa đạt 50% kế hoạch”. Một trong những thách thức trong đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường đại học là thiếu hụt tài chính, tài sản và cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng và theo kịp sự phát triển của công nghệ hiện đại. Đó là chưa kể khó có thể cạnh tranh bằng cơ chế đãi ngộ và trả lương cao cho các nhà khoa học hàng đầu so với
các trường đại học nước ngoài. Giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trên chính là sự đầu tư của TP cho các đại học trọng điểm gắn với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể. Đầu tư chiều sâu cho các đại học trọng điểm chính là đầu tư có hiệu quả và bền vững nhất cho phát triển kinh tế - xã hội không chỉ hiện tại mà còn ở tương lai. Trong đầu tư, không nên có sự phân biệt giữa các trường đại học trung ương đóng trên địa bàn và các trường đại học thuộc địa phương. Trí thức hóa công nhân thành phố Trong năm năm tới cần thu hút thật đông đảo công nhân tham gia cải tiến kỹ thuật, tìm cách giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của từng sản phẩm sản xuất tại TP.HCM trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, từng bước trí thức hóa công nhân để giai cấp công nhân TP có trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ mới, hiện đại; nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh. TP cần có chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hằng năm dành kinh phí và thời gian thỏa đáng để đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho công nhân. Kịp thời tôn vinh những người thợ giỏi, những bàn tay vàng trên các ngành nghề; các cuộc thi tay nghề, thi bàn tay vàng, thi thợ giỏi. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét