Trong khi đó, trang Defense.org giải thích câu hỏi tại sao TQ đòi chiếm Biển Đông? Câu trả lời là Bắc Kinh nay đầu tư vào cái gọi là “cú đấm thứ hai”, nhằm chặn các đối thủ không dùng vũ khí hạt nhân tấn công TQ.
Bằng cách đặt tên lửa hạt nhân lên các tàu ngầm mang tên lửa hành trình, TQ có thể bảo đảm số vũ khí hạt nhân của họ không bị tấn công bất ngờ.
Một yếu tố quan trọng khi giữ hạm đội tàu ngầm hạt nhân TQ không bị tấn công, là tạo một vùng an toàn trên Biển Đông, cấm quân đội nước ngoài xâm nhập.
Các chuyên gia an ninh Mỹ đồng tình về quyết định triển khai tàu chiến đến Biển Đông, vì cần chặn việc TQ sẽ tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, điều mà TQ đã làm ở biển Hoa Đông hồi tháng 11.2013.
Biển Đông bắt đầu nóng, khi hải quân Mỹ điều khu trục hạm USS Lassen tuần tra vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây dựng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
Căng thẳng Mỹ - Trung về tranh chấp Biển Đông ngày càng nóng lên
Theo một quan chức Mỹ giấu tên hôm 26.10 cho biết, chiếc Lassen đã bắt đầu tuần tra trong ngày 27.10, có thể gần hai bãi đá Xu Bi và Vành Khăn (các bãi ngập nước khi thủy triều lên).
2 máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon và P-3 Poseidon hộ tống chiếc Lassen thuộc lớp Arleigh Burke. Tàu này thuộc Hạm đội 7, đóng xong năm 2001 và có căn cứ là cảng Yokosuka (Nhật) cho đến năm 2016.
Lassen dài 155 mét, độ choán nước 9.200 tấn, trang bị hệ thống radar AN/SPY-1D Aegis, 96 ống phóng tên lửa, mỗi ống có thể chứa 1 tên lửa đất đối không SM-MR, tên lửa hành trình tấn công bộ Tomahawk hoặc rocket chống ngầm ASROC.
Lassen cũng trang bị một họng pháo, hai hệ thống vũ khí cận chiến Phalanx, pháo tự động và súng máy hạng nặng, 6 ống phóng thủy lôi MK-46. Nó cũng mang 8 tên lửa chống hạm Harpoon, chở hai trực thăng MH-60R Seahawk.
Gần đây nhất, Mỹ tiến hành tuần tra không phận gần các chốt tiền tiêu của TQ. Hồi tháng 5,  Mỹ cũng điều tàu chiến đấu cận duyên (LCS) Fort Worth đến gần các đảo nhân tạo nhưng không đi vào 12 hải lý, và có sự theo dõi của tàu hộ vệ mang tên lửa hành trình Trường Thành của hải quân TQ.
Mỹ đã thông báo kế hoạch điều tàu chiến cho các quốc gia Đông Nam Á, muốn các nước này hiểu hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải sẽ sớm được thực hiện.
Đây là sự khởi đầu cho một loạt hành động của Mỹ, nhằm thách thức yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông phi lý của TQ. Mỹ đã quyết định có hành động quân sự mạnh mẽ hơn ở Biển Đông để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. 
Bằng cách đưa tàu chiến đến vùng biển này, Mỹ cảnh cáo TQ chớ nên cho rằng tuyên bố ngang ngược của họ là đúng luật, và Mỹ sẽ không công nhận chủ quyền của TQ ở vùng biển này.
Ngoại trưởng TQ Vương Nghị nói: Bắc Kinh đang xác minh tàu chiến Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý hay chưa. 
Theo trang Defence.org, có thể TQ sẽ dùng vũ lực phản ứng cuộc tuần tra của Mỹ, hoặc sẽ phải chịu thua sức ép của cộng đồng quốc tế.  
Nếu TQ không ngăn được tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo, có nghĩa họ phải chấp nhận tàu chiến nước ngoài có thể đi vào vùng này mà không bị ngăn cản. Họ cũng phải chấp nhận là tuyên bố chủ quyền Biển Đông phi lý của họ là vô hiệu lực.
Trang quốc phòng Mỹ này nêu rằng không rõ TQ trang bị vũ khí nào trên các đảo nhân tạo. Ít nhất hai dàn pháo được phát hiện hồi tháng 5, nhưng một quan chức Mỹ nói chúng “chỉ mang tính biểu tượng”.  
Chuyên gia chính trị: Mỹ sẽ đánh TQ  
Các chuyên gia an ninh cảnh báo quyết định đưa tàu chiến của Mỹ sẽ càng làm trầm trọng mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Nếu Mỹ có hành động quân sự để chặn việc TQ thực hiện tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, thì quan hệ hai nước sẽ càng phân cực.
Suốt năm qua, Mỹ - Trung đối đầu vì nhiều vấn đề, từ chuyện tranh chấp Biển Đông, cho đến việc Mỹ cáo buộc tin tặc TQ trộm dữ liệu cá nhân của hàng triệu công chức Mỹ, hoặc TQ lũng đoạn kinh tế.  
Vấn đề Biển Đông đang khiến Mỹ - Trung cáo buộc nhau kịch liệt. Mỹ nói TQ có hành vi “hung hăng”, trong khi Bắc Kinh nói Washington can thiệp vào chuyện nội bộ TQ.
Mark Dankof, một cựu ứng viên Thượng viện Mỹ, nay là nhà bình luận chính trị, ngày 11.10 cảnh báo nguy cơ Mỹ sẽ đánh TQ do vấn đề Biển Đông, bởi chiến lược của Mỹ ở vùng biển này không khác gì thời Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt đưa tàu chiến đến vùng biển Nhật Bản năm 1941.
Cuộc triển khai hồi năm 1941 kéo theo những cuộc đối đầu giữa tàu chiến Mỹ - Nhật, cuối cùng ông Roosevelt vào ngày 8.12.1941 đã tuyên chiến với Nhật.   
Dankof cảnh báo Mỹ có thể lao vào một cuộc chiến tương tự vậy với TQ, và như thế có thể bùng nổ một cuộc xung đột cấp toàn cầu.
Ông Dankof cảnh báo quyết định của Mỹ có thể gây ra một cuộc xung đột quốc tế, bởi tính phức tạp của vấn đề này do có nhiều bên liên quan vấn đề địa - chính trị của Biển Đông.
Mỹ quyết ngăn chặn sự ngang ngược của Bắc Kinh
Ông James Clapper, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ thẳng thừng cáo buộc TQ thực hiện cải tạo đất. Ông cảnh báo nguy cơ xảy ra bất ổn trong khu vực vì TQ theo đuổi chủ nghĩa bành trướng, dọa nạt các nước thân Mỹ và sự ổn định của thế giới.
Mỹ nói TQ xây dựng đảo nhân tạo trên vùng hải phận quốc tế, tức vi phạm luật quốc tế về sự chia sẻ vùng biển. Mỹ không công nhận tuyên bố toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của TQ.
Mỹ tuyên bố có quyền thực hiện “quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông. Các quan chức Mỹ nói quyết định đưa máy bay, tàu chiến tuần tra Biển Đông là cần thiết, để ngăn chặn tuyên bố ngang ngược của Bắc Kinh.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM) là người kêu gọi Mỹ phải có hành động quân sự mạnh mẽ hơn ở Biển Đông.
Ông cảnh báo: “Nếu một quốc gia nào đấy phớt lờ luật pháp để có lợi riêng, các nước khác sẽ bắt chước, làm xói mòn hệ thống pháp luật quốc tế, gây bất ổn cho an ninh khu vực và sự thịnh vượng của tất cả các nước Thái Bình Dương. Để bảo đảm các nước khác không bắt chước hành động của TQ, thì Mỹ nên thể hiện quyền tự do hàng hải ở nơi chúng ta cần”.  
TQ tuyên bố đây là một phần lãnh thổ của TQ, tiếp tục xây dựng trái phép ít nhất 7 đảo nhân tạo, trên các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm thực hiện tham vọng bành trướng trên biển.
Bắc Kinh phủ nhận việc quân sự hóa Biển Đông, nói rằng các công trình xây dựng chỉ phục vụ mục đích dân sự. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Washington và giới chức Mỹ cáo buộc rằng Bắc Kinh đã bắt đầu thiết lập các cơ sở quân sự tại đó.
Các hình ảnh vệ tinh được chụp gần đây cho thấy TQ đang gần hoàn thành một đường băng trên bãi Chữ Thập, có khả năng tiếp nhận hầu hết các máy bay quân sự của TQ. Hai đường băng khác cũng đang được xây dựng trên bãi Vành Khăn và Xu Bi.
Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines đều quan ngại tuyên bố ngang ngược của TQ, khi Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng bậc nhất trên thế giới, với 5.000 tỉ USD hàng hóa đi qua mỗi năm, có nguồn tài nguyên đáng kể và nhiều cơ hội phát triển.  
Vĩnh Thụy (theo Popularmechanics)



Chiến hạm Mỹ đến Trường Sa: Trung Quốc kêu gọi ‘giao thiệp ngoại giao’


(VTC News) – Truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi Washington nên có giao thiệp ngoại giao với nước này để ‘bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, hàng không’ ở Biển Đông.
Trong động thái được cho là ‘mềm mỏng’ hiếm thấy, bài viết của Hoàn Cầu thời báo kêu gọi “Mỹ nên có sự giao thiệp ngoại giao với Trung Quốc” để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Biện hộ cho hành động cải tạo đảo, đá một cách phi pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, bài viết nói các điểm đảo nhân tạo này “không nhằm đối phó, uy hiếp nước nào”.

Trích dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoàn Cầu thời báo nói Bắc Kinh “cực lực phản đối bất cứ hành động nào xâm phạm quyền chủ quyền, quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông)”.

Bài viết cũng nói Trung Quốc sẽ “giám sát chặt chẽ và cảnh báo các tàu chiến Mỹ” tuần tra ở Biển Đông nhưng không nói về biện pháp cụ thể. Trong khi đó, tin từ tờ Đông phương buổi sáng của Trung Quốc nói “chiến hạm Trung Quốc theo sát tàu chiến Mỹ” ở Biển Đông. 

Giới chức hải quân Mỹ thì tuyên bố rằng tàu khu trục tên lửa USS Lassen đã hoàn thành nhiệm vụ tiến vào vùng 12 hải lý do Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền rồi trở ra ngoài mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Cuối bài viết, Hoàn Cầu thời báo nói Trung Quốc “mạnh mẽ đề nghị Mỹ có những giao thiệp chính thức, nghiêm túc về mặt ngoại giao, ngừng ngay các hành động sai trái, không được khiêu khích Trung Quốc”.

Tân Hoa Xã đăng bài xã luận lúc chiều nay 27/10 sau khi Mỹ tuyên bố “tàu khu trục tên lửa USS Lassen đã hoàn thành nhiệm vụ tuần tra” ở Biển Đông, bao gồm việc đi vào vùng 12 hải lý ở các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép của Việt Nam ở Trường Sa.
Bài viết của Tân Hoa Xã có tựa: “Mỹ khoe khoang vũ lực ở Nam Hải (Biển Đông) là hành động vô trách nhiệm”. Chứng minh cho luận điểm này, Tân Hoa Xã nêu ra việc: “Tháng trước, lãnh đạo Mỹ Trung đã thống nhất xây dựng kênh đối thoại mang tính xây dựng về những bất đồng của hai nước ở Biển Đông. Vậy mà khi những lời ấy còn đang vang bên tai, thì Mỹ lại điều tàu chiến vào vùng lãnh hải của Trung Quốc”.

Tân Hoa Xã chỉ trích Mỹ đang “tìm cách khống chế con đường giao thông trên biển có tầm kinh tế quan trọng như Nam Hải (Biển Đông). Việc Mỹ nói về những ‘vùng biển quốc tế’ hay các lý lẽ khác chỉ là cái cớ”. 

Bài báo của Tân Hoa Xã trắng trợn bỏ qua sự thực lịch sử rằng quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thay vào đó, tờ báo này ngang ngược nói “đây là lãnh thổ mà tổ tiên người Trung Quốc để lại” – trích dẫn câu nói của Chủ tịch nước này Tập Cận Bình tuyên bố trước lúc sang thăm nước Anh.

Trả lời phỏng vấn VTC News về các động thái nêu trên của truyền thông Trung Quốc, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường – Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ Quốc tế – CSSD, cho biết: “Để vớt vát thể diện, Trung Quốc đang muốn biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”.

T
Ông Trường, người đã từng làm Đại sứ Việt Nam ở 5 nước khác nhau, nhận định rằng sẽ không có chuyện xảy ra “hải chiến Trường Sa” giữa Washington và Bắc Kinh.

Theo Tiến sỹ Trường, qua các cuộc tranh luận sôi nổi trong nội bộ Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc và Biển Đông (giữa lợi ích làm ăn kinh tế và quyền tự do hàng hải), thì dưới sức ép của hải quân và các nhà lập pháp Mỹ, Nhà Trắng đã cho phép tàu chiến Mỹ thực hiện chuyến tuần tra tại các đảo đá Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép ở khu vực Trường Sa.

Hoạt động tuần tra là để thách thức hành vi trái phép của Trung Quốc, khẳng định giới hạn 500 m chứ không phải 12 hải lý của các đảo nhân tạo và khẳng định quyền của hải quân Mỹ qua lại các con đường biển quốc tế theo thời gian mà Mỹ lựa chọn.

Trả lời câu hỏi vì sao hải quân Mỹ chọn đá Xu-bi làm nơi tuần tra, Tiến sỹ Trường cho biết: "Mỹ chọn địa điểm tuần tra rất khôn khéo, bãi nửa nổi nửa chìm, không có quy chế đảo, Trung Quốc còn vặn vẹo vào đâu? Ngoài ra, Mỹ đã chuẩn bị dư luận từ mấy tuần nay".

Nói thêm về chuyến tuần tra thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, ông Trường cho biết: "Nếu không hành động bây giờ, sẽ quá muộn. Trung Quốc sẽ quân sự hóa 7 đảo Trường Sa, từ đây khống chế các con đường biển qua Biển Đông, tạo sức ép lên các nước sử dụng con đường biển này trong thời bình và ngăn chặn khi có xung đột - điều này là chắc chắn tới 101%".

Về những ảnh hưởng với Việt Nam, ông Trường nói: "Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải, ủng hộ các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và nguyên trạng Biển Đông. Việt Nam ghi nhận việc Mỹ tuyên bố hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mỹ hành động như vậy có lợi cho Việt Nam và các nước liên quan: Việt Nam cũng sẽ có quyền tự do qua lại giữa các đảo, tiếp tế và bảo vệ các vị trí tiền tiêu của Tổ quốc".
Văn Việt Võ


Mỹ hành động 'đúng luật pháp quốc tế'

  • 7 giờ trước

Tàu khu trục USS Lassen của Hoa Kỳ vừa hoàn tất chuyến tuần tra áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây tại Biển Đông.
Hôm thứ Ba 27/10 tàu này đã vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đá ngầm Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.
BBC đã hỏi chuyện một số chuyên gia ở Việt Nam về sự kiện này.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD), một trung tâm nghiên cứu chiến lược dân lập đầu tiên ở Việt Nam.


Image copyrightFacebook
Image captionÔng Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch CSSD

Cuối cùng, qua các cuộc tranh luận trong nội bộ Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc, thì các lợi ích tự do hàng hải và sức ép của hải quân và nhà lập pháp Mỹ đã thắng khi Nhà Trắng cho phép hải quân Mỹ thực hiện chuyến tuần tra này.
Hành động này để thách thức hành động bồi đắp xây dựng trái phép và các tuyên bố chủ quyền không hợp pháp của Trung Quốc tại khu vực Trường Sa, và khẳng định quyền của hải quân Mỹ qua lại các con đường biển quốc tế theo thời gian mà Mỹ lựa chọn.
Điều này buộc Bắc Kinh phải bày tỏ lập trường và sẽ phơi bày lập trường phi lý của Bắc Kinh.
Mỹ tuy không ngăn chặn được việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng các đảo, nhưng sẽ chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo khu vực Trường Sa.
BBC: Liệu hành động này có làm tăng căng thẳng ở Biển Đông không thưa ông?
Kế hoạch tuần tra đã được tuyên bố từ trước để chuẩn bị dư luận và tránh căng thẳng. Bởi vậy hành động này không gây căng thẳng kéo dài, mà sẽ buộc Trung Quốc phải tìm kiếm một giải pháp lâu dài với Mỹ và các nước có lợi ích.


Image copyrightU.S Navy photo
Image captionTàu khu trục USS Lassen (trước) trong cuộc diễn tập chung với Hàn Quốc

Nếu hải quân Mỹ không hành động bây giờ thì sẽ quá muộn, Trung Quốc sẽ quân sự hóa các đảo Trường Sa, xây dựng trái phép và tạo sức ép lên các nước sử dụng con đường biển này trong thời bình và kiềm tỏa nó trong thời kỳ có xung đột.
Hoạt động này của Mỹ có lợi cho tự do hàng hải, có lợi cho các nước có lợi ích ở Biển Đông. Dư luận Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ hành động của Mỹ, vì nó phù hợp với hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông đồng thời hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế.
Theo tôi nghĩ, sẽ không có xung đột vũ trang. Trái lại, hành động của Mỹ thúc đẩy giải pháp giữa các nước lớn. Mỹ hành động như vậy có lợi cho Việt Nam và các nước liên quan: Việt Nam cũng sẽ có quyền tự do qua lại giữa các đảo, tiếp tế và bảo vệ.
Mỹ chọn địa điểm tuần tra rất khôn khéo, đây là bãi nửa nổi nửa chìm, không có quy chế đảo, Trung Quốc không thể tranh cãi gì được.
Tiến sỹ Trần Công Trục, cựu trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam:


Image copyrightdailo.vn
Image captionTiến sỹ Trần Công Trục nghiên cứu vấn đề biên giới-chủ quyền nhiều năm nay

Đây là thông tin rất đáng hoan nghênh vì người Mỹ đã nói là làm, đúng với luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Tôi cho rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ có phản ứng, phản đối và thậm chí trên thực tế có thể sẽ có hoạt động để ngăn cản việc này [tiếp tục xảy ra trong tương lai]. Thế nhưng khó có khả năng sẽ xảy ra xung đột lớn.
Khi hành động, Trung Quốc phải tính tới sức mạnh của họ trong tương quan lực lượng với Hoa Kỳ, nhất là về hải quân. Thêm nữa, hoạt động của Trung Quốc ở đây, như cả thế giới biết, là hoàn toàn phi pháp. Đây là các bãi cạn, không phải đảo tự nhiên và chỉ có thể đòi hỏi vùng an toàn 500m chứ không thể yêu sách 12 hải lý xung quanh. Nhất là khi Trung Quốc cơi nới, xây cất trong vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đi ngược lại Công ước quốc tế về Luật biển.
Như vậy về cả pháp lý và tương quan lực lượng Trung Quốc đều yếu hơn và khả năng gây ra đụng độ là không có.
Tuy nhiên các bên cần kiềm chế, không để xảy ra xung ̣đột, đe dọa hòa bình trong khu vực.

Tàu USS Lassen

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke

2
Chở theo trực thăng SH-60 Seahawk
  • Dài 155 mét
  • Rộng 18 mét
  • Tốc độ 30 hải lý/h
  • Tầm hoạt động 4,400 dặm biển
Reuters
BBC: Thưa ông, ông nhận định là phía Việt Nam sẽ có phản ứng thế nào trước sự kiện này?
Việt Nam luôn luôn khẳng định rằng Việt Nam có chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và luôn luôn phản đối các hoạt động xâm phạm chủ quyền đó.
Việt Nam cũng luôn đồng tình với các hoạt động phù hợp Công ước Luật biển mà Việt Nam là thành viên ký kết và phê chuẩn. Việc Hoa Kỳ đi vào khu vực 12 hải lý là cách hành xử hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế cho nên Việt Nam rất hoan nghênh.
Hoa Kỳ không vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, họ chỉ thực thi quyền tự do hàng hải, hàng không mà luật pháp quốc tế cho phép.
Tuy nhiên, các hành động đáng hoan nghênh như thế này của Hoa Kỳ có giải quyết được cơ bản và hoàn toàn các vấn đề liên quan tranh chấp ở Biển Đông hay không, thì còn phải kết hợp với nhiều yếu tố khác, đòi hỏi sự đoàn kết của các nước mà quyền và lợi ích bị ảnh hưởng từ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như chia sẻ của cộng đồng quốc tế.
Phải bình tĩnh khôn khéo để không xảy ra xung đột trong tình hình quốc tế phức tạp hiện này và tôi nghĩ Hoa Kỳ thừa hiểu điều này.
Hành động của Hoa Kỳ là để chứng minh các nước cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, không tự mình áp đặt luật chơi ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của các nước khác.


Biển Đông: Đánh lừa dư luận, TQ mượn chuyện Liên Xô để "đe" Mỹ

Hải Võ | 27/10/2015 20:07
Biển Đông: Đánh lừa dư luận, TQ mượn chuyện Liên Xô để "đe" Mỹ
Tàu Bezzavetnyy (phải) của Liên Xô đâm vào tàu USS Yorktown của Mỹ. Ảnh: Huanqiu

Sau khi tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tiến hành tuần tra ở biển Đông ngày hôm nay, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã đe dọa sẵn sàng "chuẩn bị cho tình huống xấu nhất" với Mỹ.



Tối 26/10 (giờ miền Đông), tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ tiến vào tuần tra khu vực 12 hải lý ở Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) bị Trung Quốc chiếm trái phép.
Thời báo Hoàn Cầu ngay sau đó đã đăng tải bài xã luận tỏ thái độ phản ứng, trong đó đề cập đến câu chuyện chiến hạm Mỹ đụng độ Hải quân Liên Xô năm 1988.
Tàu Liên Xô đẩy lùi tàu Mỹ
Hoàn Cầu cho hay, vụ chạm trán này xảy ra vào ngày 12/2/1988, khi tàu khu trục USS Caron và tàu tuần dương USS Yorktown của Mỹ cố tình tiếp cận căn cứ Sevastopol của Hạm đội Hắc Hải thuộc Hải quân Liên Xô.
Các tàu của Mỹ đã xâm nhập vùng biển ngoài khơi bán đảo Crimea mà Liên Xô tuyên bố chủ quyền vào thời điểm đó, với mục đích "kiểm tra năng lực phản ứng của Liên Xô".
Liên Xô đã phản ứng nhanh chóng bằng cách điều 2 tàu hộ vệ là Bezzavetny và SKR-6 để ngăn chặn, cảnh cáo rằng các tàu Mỹ "đã vượt biên" và yêu cầu lập tức rút lui.
Tuy nhiên, 2 chiến hạm Mỹ đã phớt lờ cảnh báo này và tiếp tục tiến về phía bán đảo Crimea.
Trong tình huống cảnh cáo vô hiệu, tàu Liên Xô đã quyết định áp sát tàu Mỹ. Liên Xô bất ngờ phát đi tín hiệu gửi tới phía Mỹ: "Tàu chúng tôi nhận lệnh đâm vào tàu các vị".
Tàu Bezzavetnyy được giao nhiệm vụ tiếp cận tàu tuần dương Yorktown, trong khi tàu SKR-86 tiếp cận tàu khu trục Caron.
Hai tàu của Liên Xô lần lượt đâm mạnh vào hai tàu chiến Mỹ. Tàu Bezzavetnyy thậm chí đã leo lên boong chiếc USS Yorktown trong vài giây, gây cháy bên trong tàu và khiến nó bị hư hại nặng.
Trong khi đó, tàu Caron của Mỹ cũng bị tàu SKR-86 "dạy một bài học" dù thiệt hại ít hơn tàu USS Yorktown.
Liên Xô không cần đến một cuộc tấn công thứ hai bởi các tàu Mỹ đã rời lãnh hải Liên Xô và rời Biển Đen ngay ngày tiếp theo.
 Vụ đụng độ giữa tàu chiến Liên Xô và Mỹ ngày 12/2/1988
Vụ đụng độ giữa tàu chiến Liên Xô và Mỹ ngày 12/2/1988
Trung Quốc mượn chuyện Liên Xô để dọa Mỹ?
Trong bài viết sáng nay, Hoàn Cầu cho biết nếu tàu chiến nước ngoài tiếp cận khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (phi pháp-PV), nước này sẽ bố trí thế trận tàu chiến để sẵn sàng đối phó.
Với các trường hợp tàu chiến Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra biển Đông trong tương lai, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì phương pháp đeo bám "1 kèm 1" nhằm hạn chế tàu Mỹ di chuyển ở khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép.
Tuy nhiên, Hoàn Cầu lớn giọng tuyên bố "trong trường hợp xấu", tàu Trung Quốc có thể "học tập tiền lệ của Liên Xô" và áp sát, thậm chí sẵn sàng đâm va với chiến hạm Mỹ để ép tàu Mỹ ra khỏi khu vực 12 hải lý.
Tờ này cũng cho biết, quân đội Trung Quốc nên cảnh giác Mỹ "dương đông kích tây", tiến vào cả các đảo đá khác trong khi tuyên bố "đích danh" sẽ tiếp cận Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi.
Dù kêu gọi "hùng hồn" rằng Trung Quốc có thể học tập Liên Xô để gìn giữ chủ quyền lãnh thổ, nhưng Hoàn Cầu dường như "quên" rằng cái gọi là chủ quyền mà Bắc Kinh nhiều lần nói tới trên thực tế là những đảo, đá bị nước này xâm chiếm phi pháp ở biển Đông.
CỰU ĐẠI SỨ VIỆT NAM TẠI 5 NƯỚC
TIẾN SĨ NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
Nếu [Mỹ] không hành động bây giờ, sẽ quá muộn. Trung Quốc sẽ quân sự hóa 7 đảo Trường Sa, từ đây khống chế các con đường biển qua biển Đông, tạo sức ép lên các nước sử dụng con đường biển này trong thời bình và ngăn chặn khi có xung đột - điều này là chắc chắn tới 101%.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cũng khẳng định: "Bạn không cần phải tham vấn bất cứ quốc gia nào khi thực hiện quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế."
Ngoài ra, một thực tế không thể phủ nhận là không chỉ Mỹ mà không một quốc gia trong khu vực nào thừa nhận tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 15/10 cũng chỉ rõ: "Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này.
Những đóng góp đó phải trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhằm tiến tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)."
Trong một diễn biến khác, Philippines đã hoan nghênh việc Mỹ đưa tàu USS Lassen tới vùng biển mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, đồng thời kêu gọi "Cộng đồng quốc tế cần phải ủng hộ việc duy trì tự do hàng không và hàng hải".
NGUYÊN GIÁO SƯ HỌC VIỆN QUỐC PHÒNG AUSTRALIA
CARLYLE ALAN THAYER
Đây [điều tàu USS Lassen tiếp cận khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi] chỉ mới là sự bắt đầu trong những kế hoạch tuần tra của Mỹ. Tôi tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu đến gần những khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng.
theo Trí Thức Trẻ