Tin tức chuyên ngành

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Bộ đôi "quân bài sát thủ" của ông Tập rúng động chính trường TQ


Hải Võ | 24/10/2015 07:48

Bộ đôi "quân bài sát thủ" của ông Tập rúng động chính trường TQ



Hai quy định mới được Bộ chính trị Trung Quốc thông qua hôm 12 được xem là "bộ khung" mới để ông Tập Cận Bình đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến "đả hổ đập ruồi".



Trang Đa Chiều (Mỹ) gần đây cho biết, giai đoạn hiện tại là then chốt trước thềm Hội nghị trung ương 5 khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong tuần tới.
Hôm 12/10, Hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc đã được triệu tập và thông qua 2 quy định lớn, gồm "Quy tắc chuẩn về kỷ luật và liêm khiết của đảng CSTQ" cùng với "Điều lệ xử lý kỷ luật đảng CSTQ".
Hai quy định mới này kết hợp với "Quy định (thí điểm) về thúc đẩy cán bộ 'lên được xuống được'", tạo thành khuôn khổ chặt chẽ giúp các nhà cầm quyền siết chặt quản lý quan chức.
Một số nhà phân tích chỉ ra, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xúc tiến ban hành 2 quy định mới về thắt chặt kỷ luật đảng trước khi Hội nghị trung ương diễn ra, trên thực tế là động thái đặt cơ sở để đẩy cuộc chiến chống tham nhũng lên một nấc thang mới.

Quan chức Trung Quốc "lên được, xuống được"
Quy định mà Văn phòng trung ương Trung Quốc ban hành hồi cuối tháng 7 yêu cầu các cơ quan nhà nước nghiêm túc chấp hành.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng nêu rõ, điểm cốt lõi của Quy định nói trên là xây dựng cơ chế tuyển chọn nhân sự, trong đó các vị trí quản lý phải được bảo đảm bằng năng lực chứ không phải là biên chế.
Giới quan sát cho rằng, việc quan chức "lên được, xuống được" vốn không phải điều đáng ngạc nhiên và nó chỉ trở thành hiện tượng tiêu cực nếu các cán bộ "chỉ có thăng tiến".
Trên thực tế, "quan chức lên mà không xuống" từ lâu đã là vấn đề lớn trong cơ chế quản lý cán bộ của Trung Quốc.
Việc chấn chỉnh lại hiện tượng này là một phần tất yếu trong chương trình cải cách hệ thống chính trị của ông Tập Cận Bình, đồng thời là đòn giáng mạnh nhằm vào bộ phận lớn quan chức bị chỉ trích là "lười biếng", "không chịu làm việc", "mệnh lệnh không ra khỏi Trung Nam Hải"...
Thậm chí, một tiền lệ quan chức bị "mất ghế" vì cấp dưới lạm quyền, tham nhũng đã được tạo ra hồi đầu tháng 9 và khiến quan trường Trung Quốc chấn động với khái niệm mới "không làm gì cũng là hành vi rất nghiêm trọng".
Dù vậy, Đa Chiều bình luận, "phương thuốc" mà giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra để giải quyết vấn đề đội ngũ cán bộ vẫn khiến dư luận cảm thấy bất an bởi ở một mức độ nào đó, quy định nói trên có thể dẫn đến tư duy tiêu cực trong một bộ phận quan chức và phản tác dụng.
Vì vậy, Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực để cho "ra lò" một bộ quy định với những điều khoản quy phạm rõ ràng hơn nữa, nhằm tránh tình trạng thực hiện kiểu "mắt nhắm mắt mở".
Và 2 quy định vừa ban hành được đánh giá là sẽ hoàn thiện chính sách quản lý nghiêm ngặt và thúc đẩy chương trình cải cách của ông Tập.
 Hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc hôm 12/10. Ảnh: Xinhua
Hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc hôm 12/10. Ảnh: Xinhua
2 "quân bài sát thủ" gây chấn động trước Hội nghị đảng Trung Quốc
"Quy tắc chuẩn về kỷ luật và liêm khiết của đảng CSTQ" và "Điều lệ xử lý kỷ luật đảng CSTQ" trên thực tế đã được ông Tập Cận Bình đề cập đặc biệt tại Hội nghị toàn thể lần 5 của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) vào tháng 1/2015.
Ông Tập nhấn mạnh: "Cần phải bắt tay sửa đổi điều lệ công tác thanh tra, công tác kỷ luật và liêm khiết đối với cán bộ đảng CSTQ cùng quan chức chính phủ."
Bản Điều lệ nêu trên đã tổng hợp, phân loại 10 hành vi vi phạm kỷ luật đảng theo quy định hiện hành ở Trung Quốc thành 6 loại gồm kỷ luật chính trị, kỷ luật tổ chức, kỷ luật liêm khiết, kỷ luật công tác, kỷ luật quần chúng, kỷ luật sinh hoạt.
Điều lệ cũng liệt kê rõ "danh sách tiêu cực" với những hành vi như "nghị luận vô lý chính sách lớn của trung ương", tham gia trái quy định các tổ chức tự phát như hội đồng hương, hội bạn học, hội chiến hữu... với hình thức xử lý cao nhất là khai trừ đảng tịch.
Những quy định được cho là trực tiếp rút ra từ các vụ án của "nhóm 4 tên mới" gồm Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch cũng lần đầu tiên được cụ thể hóa bằng văn bản.
Trong đó, những hành vi "xây dựng hội nhóm, kết đảng phái, kéo bè kéo cánh" được chính thức nêu ra trong Điều lệ.
Nói cách khác, Điều lệ kỷ luật sửa đổi gần như đã vạch ra rất rõ "ranh giới đỏ" đối với những người nắm giữ quyền lực ở Trung Quốc, rằng điều gì họ có thể và điều gì không được phép làm.
Đa Chiều cho rằng, Điều lệ chính là "lưỡi kiếm" để ông Tập triệt tiêu tàn dư của "nhóm 4 tên mới".
Hiệu phó Đại học chính pháp Trung Quốc, Giám sát viên CCDI Mã Hoài Đức cho biết Điều lệ mới này đã bổ sung những thiếu sót được phát hiện từ sau đại hội đảng XVIII (2012), trong đó vấn đề lớn nhất là "hình thức kỷ luật không rõ ràng".
Theo Đa Chiều, dư luận Trung Quốc phổ biến tin rằng bộ Quy tắc chuẩn và Điều lệ ban hành hôm 12 sẽ làm rúng động chính trường nước này, đặc biệt là những nhóm lợi ích vẫn ôm tâm lý có thể "lọt lưới".
Đáng chú ý hơn là, những quy định mới được đưa ra song song với việc truyền thông Trung Quốc tuyên truyền về "điều chỉnh nhân sự lớn" tại Hội nghị trung ương 5 sắp tới.
Các quy định này được kỳ vọng sẽ khiến phần tử tham nhũng không còn lối thoát, và quan trọng hơn là tạo ra bước ngoặt mấu chốt cho việc xây dựng, cải tổ thế chế đối với cán bộ đảng CSTQ.
theo Trí Thức Trẻ

Báo Nhật: Tập Cận Bình dựa vào các tướng "hạt giống đỏ F-1" để duy trì quyền lực

(GDVN) - Trong số 38 viên Thượng tướng đang tại chức của quân đội nước này, 21 người được lên lon sau khi Tập Cận Bình ngồi vào ghế Chủ tịch Quân ủy trung ương.
Trương Hựu Hiệp, ảnh: China News.
Nikkei Asian Review ngày 23/10 bình luận, các tướng thuộc cái gọi là thế hệ hạt giống đỏ thứ 2 đang ngày càng chiếm ưu thế trong quân đội Trung Quốc sau khi ông Tập Cận Bình loại bỏ 2 nhân vật hàng đầu từng phụ trách lực lượng vũ trang, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
Một người dân Bắc Kinh ở tuổi trung niên có vẻ "thích nói chuyện chính trị và bực bội với kế hoạch cắt giảm quân số quân đội" cho hay, cha ông phục vụ trong quân đội nhiều năm nhưng buộc phải nghỉ hưu sớm theo chương trình cắt giảm 300 quân mà ông Tập Cận Bình công bố.
Ông than phiền, các sĩ quan là con cái của các quan chức cấp cao vẫn được đảm bảo lộ trình thăng tiến như thể họ đang đi bằng cầu thang máy, trong khi sĩ quan xuất thân từ dân thường lại bị "loại bỏ như cỏ dại". Cái ông gọi là "cỏ dại" có thể chỉ ra 3 gương mặt điển hình là Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Chu Vĩnh Khang.
Mặc dù 3 quan chức đã từng ở đỉnh cao quyền lực này bị bắt và phạt tù vì tội tham nhũng, nhưng cả 3 đều có xuất thân bần hàn. Từ Tài Hậu chết vì ung thư hồi tháng 3, cha mẹ ông là nông dân nghèo ở Đông Bắc Trung Quốc. Cha của Quách Bá Hùng chết trẻ, mẹ ông phải rất vất vả mới nuôi nổi anh em ông khôn lớn.
Chu Vĩnh Khang cũng được sinh ra trong một gia đình nông dân ở Vô Tích, Giang Tô. Cả nhà chỉ có một khu đất nhỏ để trồng trọt, nguồn sống dựa vào đánh bắt thủy sản ở một con sông gần đó, cha mẹ ông cứ thể lầm lũi mưu sinh đến cuối đời.
3 người bị bắt vì tham nhũng, nhưng cả 3 đều xuất thân từ nông dân, họ tranh giành quyền lực và leo lên vị trí Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị hoặc Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương thông qua cả một quá trình phấn đấu đầy khó khăn.
Ở Trung Quốc bây giờ người ta nói nhiều về hạt giống đỏ thế hệ 2.
Khái niệm này chỉ những quan chức có cha mẹ là quan chức cấp cao có công lớn với đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi thành lập nước năm 1949. Thế hệ hạt giống đỏ thứ 2 tách biệt hẳn với cái gọi là "thái tử đảng", một lực lượng các nhà chính trị tầm cỡ cũng có cha mẹ là các quan chức cấp cao có ảnh hưởng trong đảng.
Nikkei Asian Review cho rằng, dưới thời ông Tập Cận Bình hầu hết các thành viên thế hệ đỏ thứ 2 có cơ hội thăng tiến. Có cha mẹ từng là quan chức lãnh đạo cấp cao của đảng được xem là tài sản chính trị, lợi thế chính trị lớn nhất với họ.
Ông Tập Cận Bình, ảnh: AP.
Cấp bậc quân hàm cao nhất trong quân đội  Trung Quốc hiện nay là Thượng tướng, sau đó là Trung tướng và Thiếu tướng. Trong số 38 viên Thượng tướng đang tại chức của quân đội nước này, 21 người được lên lon sau khi Tập Cận Bình ngồi vào ghế Chủ tịch Quân ủy trung ương.
Nấc thang quyền lực của ông Tập Cận Bình tăng dần gắn với các tướng thuộc lớp hạt giống đỏ thế hệ 2, bao gồm một số tướng có cha cũng là quan chức cấp cao. Điển hình là Trương Hựu Hiệp, Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị từng chỉ huy quân xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, 1984.
Cha ông Hiệp là Trương Tông Tốn, đồng hương và đồng nghiệp với Tập Trọng Huân, cha đẻ của ông Tập Cận Bình. Tập Cận Bình và Trương Hựu Hiệp thừa hưởng mối quan hệ của 2 người cha, quan hệ cá nhân trong quân đội Trung Quốc đã giúp Tập Cận Bình củng cố quyền lực.
Viên Thượng tướng "hạt giống đỏ F-2" nữa là Trương Hải Dương, con trai Trương Chấn. Ông Dương từng là Chính ủy Tên lửa chiến lược, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Pháp luật quốc hội Trung Quốc. 
4 con trai của Trương Chấn đều làm trong quân đội và đều mang quân hàm cấp tướng, Trương Hải Dương là con thứ 3. Một người con rể của ông Chấn cũng đeo lon Thiếu tướng. Ở Trung Quốc một gia đình có bốn năm tướng là chuyện bình thường. 
Ngô Thắng Lợi - Tư lệnh Hải quân, Mã Hiểu Thiên - Tư lệnh Không quân, Lưu Việt Quân - Tư lệnh đại quân khu Lan Châu đều thuộc "hạt giống đỏ F-2", ông Quân vừa lên lon Thượng tướng trong tháng 7.
Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục Hậu cần đương nhiệm là con trai của Lưu Thiếu Kỳ, cố Chủ tịch nước. Lưu Á Châu - Chính ủy Học viện Quốc phòng là con rể Lý Tiên Niệm, cố Chủ tịch nước.
Trong số các viên Thượng tướng "hạt giống đỏ F-2" này, Lưu Nguyên đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Tập Cận Bình củng cố quyền lực. Trước khi trở thành Chủ tịch Quân ủy trung ương, ông Bình đã gặp riêng Lưu Nguyên và các thành viên "hạt giống đỏ F-2" vận động ủng hộ, đặc biệt là chiến dịch đả hổ đập ruồi tiêu diệt Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng.
Nikkei Asian Review cho rằng trong mọi trường hợp, các tướng thuộc "hạt giống đỏ F-2" sẽ phải được theo dõi chặt chẽ vì họ sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai chính trị Trung Quốc.

Hồng Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét