Tin tức chuyên ngành

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiết lộ “sốc” về tình hình ngân sách

Bích Diệp
Mặc dù báo cáo Chính phủ cho thấy thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỷ đồng song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, tình hình ngân sách năm tới vẫn rất căng thẳng vì áp lực chi. Trong khi đó, con số thực để phân bổ hiện vỏn vẹn còn 45.000 tỷ đồng!
Phiên họp tổ sáng 22/10 không khí bất ngờ “nóng” lên vào cuối phiên khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bất ngờ công bố tình hình “ngân sách năm 2016 rất căng thẳng”.
Mặc dù trong tài liệu mà Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ gửi lên Quốc hội cho biết, thu năm 2016 tăng cao hơn 60.750 tỷ đồng so với dự toán năm 2015 song theo Bộ trưởng Vinh, những số liệu này “nghe rất vui nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Các địa phương không có tiền. Tăng này mang tính nghiệp vụ mà thôi!”.
Cụ thể, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong ghi nhận khoản thu đã tăng khoản ODA giải ngân bình quân 5 năm 50.000 tỷ đồng/năm (các năm trước 20.000 tỷ); tiền đất 50.000 tỷ đồng (các năm trước là 37.000 - 38.000 tỷ đồng), xổ số kiến thiết 26.000 tỷ đồng (các năm trước không đưa vào). Ba khoản trên tới 69.300 tỷ đồng, vốn dĩ các năm đều có nhưng không đưa vào nhưng nay cộng vào.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh - đoàn đại biểu Lai Châu phát biểu tại phiên họp tổ sáng nay (ảnh: Bích Diệp)
Trước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay: Số tuyệt đối của NSNN năm 2014 là 255.750 tỷ đồng thì riêng ngân sách địa phương trong cân đối là 131.200 tỷ đồng, chiếm hơn 52% do các địa phương tự quản lý, Trung ương còn 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài…hiện còn 45.000 tỷ đồng.
“45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả. Biết là không thể đòi hỏi Chính phủ và Bộ Tài chính hơn nhưng con số thật rất nhỏ để có thể điều tiết!”, Bộ trưởng trải lòng.
Nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra bất ngờ và cho rằng, với cân đối như trên thì làm sao “phát triển bền vững” như mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020!.
“Đã thế trong vay nợ lại còn vay ngắn, chưa vay đã trả lấy gì mà cân đối! Đấy là chưa nói năm nay chúng ta chưa có đồng nào tăng lương. Nói hay thế mà một đồng lương cũng không có là như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội phê.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Vinh cho biết, “mặc dù biết đã hết giờ nhưng tôi vẫn còn nhiều bức xúc lắm!”. Thậm chí, tại thời điểm phiên làm việc đã khép lại, ông Vinh vẫn còn nán lại chia sẻ thêm với báo chí về áp lực đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trước đó, trong phiên họp này, đại biểu đoàn Lai Châu - ông Bùi Đức Thụ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội) cho biết, mặc dù tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực tăng nợ công.
Năm 2016, xét về tỉ trọng bội chi ngân sách có giảm so với 2015 nhưng số tuyệt đối lại tăng từ 226.000 tỷ đồng năm lên 254.000 tỷ. Thêm vào đó, năm 2015 trả nợ chỉ được 150.000 tỷ nhưng lại vay bội chi ngân sách 226.000 tỷ đồng và vay trái phiếu chính phủ 85.000 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng trả được.
“Tình trạng này năm 2016 cũng không khắc phục được!”, ông Thụ cho hay. Đây là một vấn đề lớn đặt ra trong bối cảnh kinh tế hội nhập, mở cửa rộng hơn và Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh hơn từ những biến động của kinh tế thế giới.
Ông Thụ cũng đề xuất cần phát hành sớm trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với khối lượng 3 tỷ USD trong bối cảnh lãi suất còn thấp, nếu chần chừ lãi suất sẽ tăng cao hơn và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
Bích Diệp

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và 3 mối lo cho tương lai đất nước


(GDVN) - Trung Quốc có nền tảng công nghệ rất mạnh, trong khi ở Việt Nam có những doanh nghiệp FDI muốn chuyển giao công nghệ thì ta không có đủ nền tảng để tiếp nhận.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Bùi Quang Vinh đã nói rất thẳng thắn rằng, lúc này ông có 3 mối băn khoăn lớn về tương lai đất nước.
Đó là sự yếu kém của khối doanh nghiệp trong nước, sự yếu kém của ngành nông nghiệp và vấn đề sử dụng ngân sách.
Công nghệ: Trung Quốc rất mạnh, Việt Nam thì sao?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Chuyến đi Châu Âu vừa rồi, có phóng viên của Anh hỏi tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ Kinh tế tổng hợp, ngài thấy nền kinh tế có gì băn khoăn lớn nhất?
Tôi trả lời, tôi băn khoăn nhất là doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam. Một đất nước muốn tự chủ kinh tế thì DN của nước ấy phải phát triển, nó không chỉ hỗ trợ cho DN FDI mà còn phải đủ sức để tiếp thu công nghệ của nước ngoài.
Tại sao các nước đầu tư các khu công nghệ cao ở Trung Quốc họ rất lo, còn ở Việt Nam thì không?
Vì Trung Quốc có nền tảng công nghệ rất mạnh, nên họ “ăn cắp” công nghệ rất giỏi. Họ mua một cái máy bay Boeing về tháo ra, họ có thể sản xuất được một cái máy bay Boeing.
Còn Việt Nam, có những công nghệ các DN FDI muốn chuyển giao thật, như Nhật Bản rất muốn ta làm được cho họ để đỡ chi phí, nhưng ta không có đủ nền tảng để tiếp nhận.
Một nền kinh tế không có được lực lượng DN mạnh không bao giờ là một nền kinh tế mạnh, càng không bao giờ là một nền kinh tế tự chủ. Tôi rất trăn trở! DN vẫn yếu, quy mô vẫn nhỏ, vẫn ăn xổi, vẫn làm dịch vụ rất nhiều, còn nền tảng sản xuất chính ta làm rất ít.
Những nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, xí nghiệp ô tô… thời bao cấp ta còn rất nhiều nhà máy cơ khí, giờ tất cả đều thành khu đô thị. Nền tảng sản xuất của đất nước ngày càng mất đi.
Nói như vậy không phải là mang công nghiệp kiểu cũ ra để phát triển đất nước, mà nước nào cũng cần phải có nền tảng công nghiệp. DN của ta thì đông, nhưng phần lớn là buôn bán, nhà hàng, khách sạn.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, doanh nghiệp tư nhân không mạnh thì nền kinh tế không mạnh, không thể tự chủ. ảnh: Tuổi trẻ.
Phát biểu trước Quốc hội năm 2014 tôi có đề nghị 2015 là năm của DN. Năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã làm rất nhiều việc hỗ trợ DN, cải cách hành chính, ban hành Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi)… đều là vì DN.
Tôi đề nghị năm nay làm luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Tôi nghĩ Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016 – 2020 phải nhấn mạnh điều này, đề nghị Quốc hội có thể trong Nghị quyết kế hoạch 5 năm phải đưa mục tiêu làm thế nào cho DN vừa và nhỏ phát triển.
Nông nghiệp lạc hậu, con trâu đi trước cái cày theo sau
Điều thứ 2 tôi rất trăn trở, Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng là một nền nông nghiệp rất thô sơ. Ta có rất nhiều sản phẩm sản lượng đứng đầu thế giới, nhưng giá trị gia tăng rất thấp.
Bao nhiêu năm vẫn còn con trâu đi trước, cái cày theo sau, ruộng chia bé tí, kể cả ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việc phân đất cho các hộ gia đình tự cứu mình thời gian trước đã trở thành cản trở cho giai đoạn này.

Phải chấm dứt lấy tiền nhà nước đi du lịch nước ngoài, gắn mác nghiên cứu

Trả lời câu hỏi của đại biểu: Vì sao ta phải đi nhập ngô, đỗ tương? Là do kinh tế thị trường điều tiết. Giá ngô ở Việt Nam gấp 3 lần ở Mỹ. 1 công lao động máy móc của họ gấp 1000 công lao động của Việt Nam, nên họ có sức cạnh tranh.
Tôi nói điều đó để thấy rằng khi hội nhập, chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Nông nghiệp sẽ là mảng bị tổn thương lớn nhất. Làm thế nào để vực dậy nền nông nghiệp, khai thác nền nông nghiệp thành một trụ đỡ là vấn đề cực kỳ quan trọng của 5 năm tới.
Tư tưởng là phải nhấn mạnh 2 điều này và phải tìm cách làm cho được. Nông nghiệp phải đi vào chất lượng, bắt đầu từ giống, phải canh tác quy mô lớn. Cần phải có một chủ trương về tích tụ đất đai.
Như nhiều đại biểu đề cập, mỗi người dân rất sợ làm cánh đồng mẫu lớn, nếu DN sụp đổ thì nông dân mất đất. Phải giải phóng được tư tưởng này. Thí dụ như ở Malaysia, cánh đồng, đồn điền của họ hàng mấy trăm vạn héc-ta, làm rất năng suất và chất lượng.
Ta có thể có năng suất lớn trên từng diện tích, nhưng giá thành không bao giờ rẻ được vì ta chia nhỏ ra. Phải  làm cánh đồng mẫu lớn thì mới đưa công nghệ cao vào được.
Lo tái cơ cấu ngân sách, thiếu hụt quá lớn
Điều cuối cùng cần phải làm là tái cơ cấu lại ngân sách. Trong những năm tới ta phải làm được 3 điều trên, nếu không không thể đảm bảo phát triển bền vững.
Năm 2016, nguồn lực của chúng ta rất cam go. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy ngân sách năm 2016 tăng 60.700 tỷ đồng. Con số rất vui, nhưng đây chỉ là phần tăng “nghiệp vụ”, còn số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái.
Ngân sách Trung ương vẫn là 124.000 tỷ, nhưng có những phần không thể điều tiết được, đã có sẵn mục chi hết rồi, như 50.000 tỷ vốn vay ODA, trước đây tiêu bao nhiêu mới ghi vào, giờ là ghi đầy đủ luôn, nghe thì to nhưng không điều tiết được.

"Quyền làm chủ của dân thì phải công khai để dân giám sát" 

Thứ 2 là tiền đất, trước kia khoảng 37.000 – 38.000 tỷ thì bây giờ đưa lên thành 50.000 tỷ, ghi là như thế nhưng của địa phương nào thu được địa phương đó dùng, có điều tiết cho tỉnh khác được đâu.
Thứ 3 là xổ số kiến thiết 26.000 tỷ, trước đây không đưa vào, giờ đưa vào. Nhưng cái này tỉnh được giữ lại 100%.
Trừ tất cả cái đó đi thì phần có thể bố trí cho chương trình nọ, chương trình kia chỉ còn khoảng 45.000 tỷ thôi, bao gồm cả chi đầu tư cho các bộ, các địa phương và trả nợ xây dựng cơ bản. Vô cùng nhỏ bé! Nguồn để đầu tư mới không còn nhiều.
Trong khi đó, nhu cầu chi là rất lớn. Riêng chương trình nông thôn mới, anh Phát (Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) đề nghị, để đạt 50% số xã đạt chuẩn, phần ngân sách Trung ương phải đầu tư 120.000 tỷ đồng, địa phương là 130.000 tỷ. Nhưng phần Trung ương, bàn mãi mới được 40.000 tỷ, giờ còn thiếu 80.000 tỷ nữa.
Trong 5 năm vừa qua, một số tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long chỉ được bố trí vốn đầu tư có 2.000 – 2.500 tỷ, nên nếu cần lượng vốn như thế là gần như dùng hết ngân sách đầu tư trong 5 năm tới để làm nông thôn mới.

Ngọc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét