Tin tức chuyên ngành

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Các nước Trung Đông sắp khánh kiệt vì giá dầu giảm

(Kinh tế) - Nếu giá dầu nằm quanh mức 50 USD/thùng, hầu hết các quốc gia Trung Đông sẽ cạn tiền trong vòng 5 năm, theo cảnh báo từ Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Nhiều cường quốc dầu mỏ tại Trung Đông căng thẳng về ngân sách khi giá dầu duy trì quanh mức 50 USD/thùng - Ảnh: Reuters
Nhiều cường quốc dầu mỏ tại Trung Đông căng thẳng về ngân sách khi giá dầu duy trì quanh mức 50 USD/thùng – Ảnh: Reuters
Các quốc gia này bao gồm cả những thành viên lãnh đạo Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Ả Rập Xê Út, Oman và Bahrain.

Chỉ tính riêng trong năm nay, giá dầu giảm thấp ước tính sẽ làm “bốc hơi” khoảng 360 tỉ USD khỏi Trung Đông, theo IMF. Các nguồn thặng dư ngân sách khổng lồ của các quốc gia Trung Đông giàu có đang nhanh chóng biến thành những khoản thâm hụt khủng khi giá dầu tụt từ mức hơn 100 USD/thùng hồi năm ngoái xuống dưới 50 USD/thùng vào thời điểm hiện tại.
Nhiều nước buộc phải dùng đến các nguồn quỹ dành cho tình huống khẩn cấp để cầm cự cho qua giai đoạn khó khăn.
“Các nước xuất khẩu dầu sẽ cần phải điều chỉnh lại cách chi tiêu để bảo toàn khả năng chịu đựng về tài chính”, IMF cảnh báo.
Ngoài ra, đà sụt giảm của giá dầu còn diễn ra ngay tại thời điểm nhiều nước trong vùng phải chi mạnh tay để đối phó với tình trạng bạo lực trong khu vực và biến động của thị trường tài chính thế giới.
Ả Rập Xê Út ‘thắt lưng, buộc bụng’
Ả Rập Xê Út buộc phải siết chặt chi tiêu để đối phó với giá dầu thô giảm quá thấp - Ảnh: Reuters
Ả Rập Xê Út buộc phải siết chặt chi tiêu để đối phó với giá dầu thô giảm quá thấp – Ảnh: Reuters
Để cân bằng ngân sách, Ả Rập Xê Út, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, cần bán dầu ở mức khoảng 106 USD/thùng, theo ước tính của IMF. Ả Rập Xê Út khó có thể cầm cự quá 5 năm nếu giá dầu cứ duy trì quanh mức 50 USD.
Vương quốc dầu mỏ này ít có khả năng sẽ tăng thuế, nhưng sẵn sàng cắt giảm chi tiêu công. Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út có lẽ sẽ không cắt giảm các chương trình dành cho xã hội và quốc phòng vì lãnh đạo quốc gia này rất sợ sự tái diễn của cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập năm 2011.
Ông Henry Smith, chuyên gia thuộc tập đoàn tư vấn rủi ro Control Risk (Anh), cho biết một số dự án ít có triển vọng về kinh tế hiện bị chính phủ Ả Rập Xê Út “lặng lẽ dẹp sang một bên”.
Iran, Iraq gặp nhiều áp lực
Ngân sách của Iran có thể cầm cự mức giá 50 USD/thùng trong vòng chưa tới 10 năm - Ảnh: Reuters
Ngân sách của Iran có thể cầm cự mức giá 50 USD/thùng trong vòng chưa tới 10 năm – Ảnh: Reuters
IMF ước tính mức giá dầu hòa vốn của Iran là 72 USD/thùng và nước này có thể cầm cự bằng việc bán dầu giá rẻ trong chưa đầy 10 năm. Quốc gia láng giềng Iraq lâm vào tình cảnh bi đát hơn do phần lớn lãnh thổ vẫn đang nằm trong tay tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong khi đó, Bahrain đang phải hứng chịu áp lực rất lớn về tài chính và nhiều khả năng cũng sẽ lâm vào cảnh khánh kiệt trong thời gian chưa đầy 5 năm, theo IMF. Nợ công của quốc gia này hiện đã cao ngất ngưởng và đã chịu thâm hụt ngân sách trong nhiều năm liên tiếp.
UAE, Kuwait và Qatar vẫn ‘sống khỏe’
Vẫn có một số quốc gia Trung Đông yên ổn trong “cơn bão” giá dầu sụt giảm. Dẫn đầu nhóm này là Kuwait, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Nguyên nhân một phần là vì họ không cần giá dầu tăng cao để cân bằng ngân sách trong nước. IMF ước tính mức giá hòa vốn của Kuwait là 49 USD/thùng, Qatar là 56 USD/thùng và UAE là 73 USD/thùng. Ba nước này đã dành ra được hàng núi tiền từ việc bán dầu, vốn sẽ bảo vệ họ trong thời điểm khó khăn. IMF cho biết với mức giá 50 USD/thùng, UAE có thể cầm cự gần 30 năm, còn Qatar và Kuwait vào khoảng 25 năm.
Mức giá bán dầu thô hòa vốn của các quốc gia Trung Đông – Ảnh: IMF
Mức giá bán dầu thô hòa vốn của các quốc gia Trung Đông – Ảnh: IMF
(Theo Thanh Niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét