NGỌC QUANG
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết như vậy tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay (20/10).
Quốc hội sẽ trực tiếp chất vấn bất cứ thành viên Chính phủ nàoCảnh giác với âm mưu diễn biến hòa bình, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng
Năm 2015, tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn giảm, giá dầu giảm sâu; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến nguy hiểm, khó lường…đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta.
Ở trong nước, với sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cộng đồng doanh nghiệp, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực;
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, đạt mức cao hơn kế hoạch đề ra; cải cách hành chính có bước tiến mới; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt những kết quả tích cực;
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm tích cực triển khai; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vừng; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế thu được những kết quả nổi bật, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao...
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu ngân sách nhà nước thiếu bền vững, bội chi cao, nợ công tăng; nông nghiệp tăng trưởng thấp, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn.
Nền kinh tế thị trường vận hành chưa thật thông suốt; thị trường vốn, thị trường khoa học-công nghệ phát triển chậm; thị trường lao động, thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn; năng suất lao động thấp. Tình hình trật tự, trị an, an toàn giao thông diễn biến phức tạp; nhiều biểu hiện xấu về văn hóa, đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội…
Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, thống nhất tư tưởng và hành động, có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng sau đây:
Một là, xem xét, thông qua 18 dự án luật, nhiều Nghị quyết; cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Đây là kỳ họp cuối năm, công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nội dung trọng tâm với số lượng lớn các dự án luật nhằm tiếp tục triển khai đưa Hiến pháp vào cuộc sống.
Sau khi cơ bản hoàn thành việc xây dựng các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, tại kỳ họp này, với tinh thần thượng tôn pháp luật, Quốc hội sẽ giành thời gian tập trung thảo luận, xem xét, thông qua các dự án Luật, Bộ luật nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, củng cố quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, tổ chức và hoạt động của Quốc hội...theo tinh thần của Hiến pháp.
Quốc hội sẽ trực tiếp chất vấn bất cứ thành viên Chính phủ nào |
Hai là, xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 và ban hành nghị quyết của Quốc hội về các nội dung này;
Đồng thời, xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.
Ba là, xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.
Tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014; xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9;
Đặc biệt, Quốc hội sẽ giành thời gian thích đáng để xem xét báo cáo của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bốn là, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và phê chuẩn Phó Chủ tịch, uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Tổng thư ký Quốc hội.
Năm là, thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Ngọc Quang
5 trọng trách nặng nề của đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 10
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu 5 nhóm công việc quan trọng của kỳ họp lần này.
9h sáng nay (20.10), kỳ họp Quốc hội lần thứ 10, khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đưa ra 5 trọng trách nặng nề của các đại biểu trong kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, với khối lượng công việc khá lớn trong suốt 31 ngày họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, năm 2015 là năm mà nền kinh tế, tài chính của thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, giá dầu giảm sâu, tình hình biển Đông với nhiều phức tạp, nguy hiểm đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.
Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, vẫn đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phụ hồi cao hơn chỉ tiêu đề ra, cải cách hành chính có nhiều bước tiến mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh đảm bảo, phúc lợi xã hội và đời sống tiếp tục có nhiều bước cải thiện, công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm tiếp tục được quan tâm và triển khai rộng. Quốc phòng an ninh tăng cường, chủ quyền quốc gia giữ vững và hợp tác quốc tế thu được kết quả nổi bật, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, kinh tế xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng, tính cạnh tranh, cơ cấu ngân sách thiếu bền vững, bội chi vẫn cao, nợ công tăng. Nông nghiệp tăng trưởng thấp, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục khó khăn.
Bên cạnh đó, thị trường kinh tế xã hội phát triển chậm, thị trường lao động, bất động sản khó khăn, năng suất lao động thấp, vẫn còn nhiều biểu hiện xấu về văn hóa, đạo đức, lối sống gây bức xúc xã hội. “Điều này đòi hỏi toàn đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết, thống nhất tư tưởng hành động, có giải pháp căn cơ để vượt qua khó khăn và thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2015, nhiệm vụ 5 năm 2011 – 2015, tạo thế và lực, đưa đất nước vào chặng đường phát triển tiếp theo” – ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Với nhiều trọng trách nặng nề và là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn. Trong đó, có 5 nhóm công việc quan trọng.
Thứ nhất, kỳ họp lần này Quốc hội sẽ xem xét thông qua 18 dự án luật, nhiều Nghị quyết, cho ý kiến 8 dự luật khác. Công tác lập pháp là nội dung trọng tâm của kỳ họp, với tinh thần thượng tôn pháp luật, Quốc hội sẽ thông qua các dự luật, bộ luật nhằm hoàn thiện luật để bảo vệ công lý, quyền con người, công dân, củng cố quốc phòng an ninh, an toàn xã hội theo tinh thần Hiến pháp mới.
Thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 và ban hành Nghị quyết về các nội dung này. Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015, kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, kế hoạch tài chính 2016 – 2020.
Thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, báo cáo của Chính phủ về thi hành án, phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng chống tham nhũng 2015, giám sát tối cao thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiên nghị cử tri và kết quả giám sát thực hiện giải quyết kiến nghị gửi đến kỳ họp lần thứ 9. Xem xét báo cáo Chính phủ, các bộ trưởng về thực hiện Nghị quyết về giám sát chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Nhóm công việc quan trọng thứ tư là Quốc hội sẽ quyết định ngày bầu cử Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp năm 2016 – 2021, thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia, bầu Chủ tịch, phê chuẩn Phó Chủ tịch, ủy viên hội đồng, bầu Tổng thư ký Quốc hội.
Với nhóm công việc cuối cùng, Quốc hội sẽ góp ý kiến dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là kỳ họp quan trọng, đặt ra nhiều trách nhiệm lớn lao với đại biểu Quốc hội. “Tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, các cơ quan Quốc hội, các cơ quan tổ chức hữu quan dành thời gian, công sức tiếp tục chuẩn bị hoàn thiện chu đáo các nội dung trình Quốc hội đúng tiến độ, đúng tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Clip: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội:
Clip: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội:
Đa Chiều: Bạn rượu của ông Tập Cận Bình sắp vào Thường vụ
(GDVN) - Thời ở Hà Bắc, Lật Chiến Thư và Tập Cận Bình thường uống rượu với nhau, ông Thư thường được ông Bình ca ngợi. Sau này khi Tập Cận Bình...
Thời báo Hoàn Cầu: Khi cần, Trung Quốc phải dùng mọi thủ đoạnTập Cận Bình: Biển Đông của tổ tiên để lại, dùng "gia phả tự chế" đòi chủ quyềnHun Sen gặp Tập Cận Bình mang về 150 triệu USD viện trợ
Đa Chiều ngày 19/10 đưa tin, chưa đầy một tuần nữa đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp Hội nghị trung ương 5. Bài toán nhân sự cho đại hội 19 trở thành tiêu điểm của hội nghị này. Lật Chiến Thư, Chánh văn phòng Trung ương đang tháp tùng ông Tập Cận Bình thăm Anh nhờ mối quan hệ "bí mật, đặc biệt" với ông Bình nên được cho là rất có khả năng sẽ vào Thường vụ Bộ chính trị.
Ông Lật Chiến Thư, Chánh văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ảnh: Đa Chiều. |
Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ tháng trước người ta thấy Lật Chiến Thư không rời Tập Cận Bình một bước, lần này thăm Anh cũng vậy, tự nhiên khiến dư luận chú ý. Đương kim Chánh văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc được coi như "lão tướng" của ông Bình. Sinh năm 1950, đại hội 18 năm 2012 Lật Chiến Thư đã ngấp nghé tuổi nghỉ hưu bỗng nhiên được điều động về thay thế Lệnh Kế Hoạch nắm chức "Tổng quản Trung Nam Hải".
Trong 3 năm qua kể từ đại hội 18, Lật Chiến Thư thường xuyên xuất hiện bên cạnh Tập Cận Bình và phát huy vai trò khá nổi bật. Về dối nội, Lật Chiến Thư trở thành Chánh văn phòng Ủy ban An ninh quốc gia, là cánh tay đắc lực của ông Bình trong việc thúc đẩy cải cách thể chế an ninh quốc gia. Về mặt đối ngoại, việc ông Thư một mình xuất ngoại thăm viếng với vai trò Chánh văn phòng Trung ương cũng khiến dư luận ngạc nhiên.
Một tờ báo ở Hồng Kông từng bình luận, tuy xuất thân từ phái đoàn Thanh niên, nhưng Lật Chiến Thư lại có mối quan hệ thân mật đặc biệt với Tập Cận Bình và điều này quyết định sự thăng tiến của ông trên quan trường. Người đề bạt và cũng là người cất nhắc Lật Chiến Thư vào Bộ chính trị khóa 18 cũng chính là ông Tập Cận Bình.
Đa Chiều cho hay, Lật Chiến Thư quen biết Tập Cận Bình từ 30 năm trước. Giai đoạn 1982 - 1985 khi Tập Cận Bình làm Phó bí thư rồi Bí thư huyện Chính Định tỉnh Hà Bắc thì Lật Chiến Thư làm Bí thư huyện Vô Cực bên cạnh, hai người quen nhau từ đó. Thời ở Hà Bắc, Lật Chiến Thư và Tập Cận Bình thường uống rượu với nhau, ông Thư thường được ông Bình ca ngợi. Sau này khi Tập Cận Bình chuyển công tác về Hạ Môn, Phúc Kiến, hai người vẫn thường xuyên liên lạc với nhau.
The Diplomat từng dẫn tư liệu cho biết, trong số những người Tập Cận Bình tin cẩn thì chỉ có Lật Chiến Thư là tiếp xúc hàng ngày với ông Bình. Trong số những nhân vật quan trọng sau hậu trường Trung Nam Hải, Lật Chiến Thư có chức vụ cao nhất và thường được ví như quân sư của Tập Cận Bình.
Hồng Thủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét