1. Khoảng 30 năm trước, có một từ luôn luôn được nhắc tới trong những buổi họp, những đợt học tập chính trị, hiển hiện trên những khẩu hiệu đập vào mắt mọi người, văng vẳng trên loa phát thanh công cộng: “tuyệt đối”. “Tuyệt đối tin tưởng”, “tuyệt đối chấp hành”, “tuyệt đối trung thành”, … những điều ấy thường thấy hàng ngày chẳng khác gì “cơm ăn nước uống”. Bất kỳ đường lối, chủ trương, chính sách, … nào, do cấp nào ban hành (thậm chí chỉ là nghị quyết của chi bộ có dăm ba “ông bà” hầu hết trình độ mới thoát nạn mù chữ thông qua) cũng đều được coi là “tuyệt đối” đúng, “tuyệt đối” không thể nghi ngờ và không thể có một lựa chọn nào khác ngoài việc phải “tuyệt đối” chấp hành.
Ngay những nguời có đầu óc được gọi là “ngang bướng” khi ấy nếu có dám hé răng phản bác một cách “nhẹ nhàng” thì trong đêm thâu, cũng có lúc phải nghĩ lại rằng “hay là mình giác ngộ quá kém, lập trường quá non nên chưa hiểu hết được cái uyên thâm, thấu hết được cái đúng đắn” của những đường lối, chủ trương ấy. Lâu ngày dần trở thành thói quen, hầu hết nguời ta đều cho rằng hễ cái gì của “cấp trên” đưa xuống ” thì không thể sai. Thậm chí khi thấy một “ông” bí thư chi bộ tự vỗ ngực quả quyết “đảng đây này!” mà không ít nguời cũng thấy như một điều tất yếu.
Không phải chỉ trong giới ít học, ngay cả những nguời vốn được coi là có trí tuệ hơn nguời, nghi ngờ cũng là điều không được khuyến khích. Trong cuốn “Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam”, viết về vụ Nhân văn – Giai phẩm, tác giả George Boudaren, một hàng binh Pháp sau trở thành một nhà báo của ta, đã viết những bài ca ngợi Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp nhưng rồi cũng phải “bỏ của chạy lấy nguời” đã để không ít những trang đầu tiên viết về chuyện “thắc mắc”, điều “cấm kỵ” của một thời ngay trong giới tinh hoa của xã hội. Cho nên, chuyện “phản biện”, chuyện được nói lên những suy nghĩ của riêng mỗi nguời một cách công khai, thậm chí đả kích, châm biếm những tên tuổi cụ thể trong những năm gần đây là một sự thay đổi đáng kể cần trân trọng.
Nhắc lại những chuyện buồn của thời ấy, tôi hoàn toàn không muốn tỏ lòng biết ơn ai, bởi vì, có lần tôi đã viết “sao phải biết ơn kẻ đã bóp cổ ta đến sắp chết mới buông tay”. Nhắc lại chỉ để thông cảm với một thực trạng, không ít nguời, (không kể bọn cơ hội, vụ lợi) cũng học hàm học vị đầy mình vẫn chưa thay đổi được những tín điều của một thời, mặc dù nó đã được loài người vứt vào sọt rác của lịch sử, khá nhiều nguời mang đủ loại danh hiệu vẫn cúi rạp mình trước nguời có chức trọng quyền cao trên sân khấu (còn thực “bụng” ra sao thì thật khó đoán định); và thấy ngay việc phản biện trên khắp cả “lề phải” cũng như “lề trái”, có không ít điều đáng bàn cũng không có gì lạ. Món dù ngon cũng không phải mọi người đều biết cách ăn, chưa nói tới biết cách thưởng thức.
2. Đọc những lời thể hiện thái độ phản đối, phẫn nộ trên các phương tiện thông tin trước thực trạng cuộc sống hiện nay, dễ dàng ta có thể chia làm mấy loại. Trước hết là những lời chửi bới, nhiều khi thậm chí tục tĩu. Họ chẳng cần lý lẽ, dẫn chứng, lập luận, trước bất cứ điều gì dù là từ Cương lĩnh, đường lối, … tới một quyết định tăng giá điện, nước, học phí hay viện phí, …; từ chuyện vỡ đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội đến chuyện Sài Gòn thành sông, thành hồ sau những trận mưa, … Họ đều lớn tiếng chửi, cất lời nguyền rủa tất cả. Tôi coi đây là những lời chửi đổng nhằm “xả” cơn tức tối bột phát và nó sẽ nguôi đi nhanh chóng của những kẻ vừa thiếu tỉnh táo (do rượu hoặc ma túy) vừa thiếu giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình. Đây không thể coi là “phản biện” vì chắc chắn, nó không đóng góp gì vào sự thúc đẩy tiến bộ xã hội, thậm chí nó còn có hại vì đã gây ô nhiễm cho môi trường văn hóa, nêu những tấm gương rất xấu đặc biệt cho lớp trẻ.
Ngược lại, có những phản biện rất công phu. Các tác giả đã dày công trình bày lịch sử của vấn đề từ xưa tới nay, từ ở Việt Nam đến nhiều nước văn minh khác, dẫn các tác giả kinh điển từ Đông sang Tây, có những lời nhắc nhở, phê phán, cảnh tỉnh, … những nguời có trách nhiệm vừa giàu lý lẽ sắc sảo vừa nhiệt huyết tràn đầy, hy vọng họ có những thay đổi, có những quyết sách đúng đắn lâu dài và trước mắt để ích nước lợi dân, nhanh chóng đưa một bộ phận không nhỏ dân ta thoát cảnh đói nghèo, sớm đưa nước ta hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại tiến bộ. Tôi cảm phục những hiểu biết sâu sắc, những kế sách thức thời của các tác giả đó, những bài viết ấy cũng đã giúp tôi mở rộng tầm hiểu biết và học được nhiều điều về văn phong. Không thể nghi ngờ mục đích và tác dụng của những lời “phản biện” như thế, nhất là ở các nước văn minh tiến bộ, với những nguời lãnh đạo hoàn toàn vì nước vì dân. Khác với việc được khuyến khích và sẵn sàng lắng nghe ở đâu đó, có lẽ ở Việt Nam hiện nay, chúng ta không nên hy vọng quá nhiều vào những nguời đang nắm quyền lực. Họ có thể trí tuệ chưa được sáng suốt, hiểu biết chưa được sâu rộng, lời ăn tiếng nói chưa thoát khỏi chút “quê kệch”, … nhưng theo tôi hiểu, thủ đoạn chính trị của họ đều thuộc loại bậc thầy và sự kiên trì với những mục đích cá nhân thì thật vô cùng đáng nể. Với các phe nhóm từ nhỏ tới lớn hiện nay, lợi ích bản thân luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu có một chút nhượng bộ nào đấy ở một vài vụ việc chẳng qua chỉ vì cái lợi quá vặt vãnh so với việc cần giữ gìn sao cho bộ mặt đỡ nhem nhuốc. Thực tế thời gian qua, chưa kể những vụ việc mang tính chất “sống còn”, ngay trước những mối lợi chưa thực lớn (vụ chặt cây ở Hà Nội, vụ tượng đài ở Sơn La, … chẳng hạn) những phản biện rất kiên quyết, có tình có lý của đông đảo quần chúng đều rơi vào quên lãng. Sau thời gian dài hoãn binh, khi kết luận cuối cùng trong vụ chặt cây, con số thiệt hại vẫn mù mờ, những thủ phạm vẫn ẩn danh, còn quyết tâm xây tượng của Sơn La thì hình như càng cao dù số nguời nghèo đói ở tỉnh này chưa bao giờ là thấp. Cuối cùng, vẫn việc ai nguời ấy làm. Đừng hy vọng vào lương tâm, trong con người họ lương tâm từ lâu đã được thay bằng lương thực, lương tháng; đừng trông mong vào trách nhiệm với dân với nước của họ, đã phải chạy chức, chạy quyền thì việc trước mắt là làm sao phải hoàn vốn và sinh lời chứ không phải trách nhiệm với những nguời chẳng giúp gì cho việc đoạt quyền giành chức; đừng kêu gọi họ lòng yêu nước thương dân, dân với nước giờ chỉ là nguồn sữa bất tận từ con bò chỉ biết quanh năm gặm cỏ.
3.Cho nên những mong muốn thay đổi từ trên xuống sẽ chẳng thể thực hiện một khi những đòi hỏi của quần chúng chưa đủ mạnh. Nguời dân chưa nắm được quyền lực, thông tin lại bị bưng bít hay định hướng thì chắc chắn có tới thế kỷ sau, tình trạng vẫn như cũ. Đọc lại những nhận xét của các chí sĩ cách mạng hồi đầu thế kỷ 20 như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, … về dân trí của nguời dân Việt, ta có thể thấy hầu như chưa có những chuyển biến gì đáng kể. “Tục ngữ có câu Cọp chết để da, nguời chết để tiếng. Xem câu nói đó thời danh vẫn nên quý” (Phan Bội Châu); “Chứng bệnh hay giả dối là chứng bệnh chung của nguời nước ta mà ở trong đó lại có chứng đặc biệt là chứng ái quốc giả. Nào đám truy điệu, nào tiệc hoan nghênh, nào kỷ niệm anh hùng, nào sùng bái chí sĩ, chuông dồn trống giục, nam bắc hát hò, xem ở trong một đám lúc nhúc lao nhao, cũng đã có mấy phần nguời đã biết quyền nước đã mất thì tính mạng không còn…” (Phan Bội Châu); “Tính nguời mình không biết quý trọng công nghệ, nguời làm nghề tựa hồ như bất đắc dĩ không học được làm quan chẳng lẽ ngồi khoanh tay chịu chết mới phải xoay ra làm nghề thôi. Mà làm nghề thì không cần tinh xảo chỉ cốt bán rẻ tiền được nhiều nguời mua là hơn” (Phan Kế Bính); “Một nguời làm năm bảy việc, trong khi làm bàu gánh hát bộ lại có xuất bản một cuốn tiểu thuyết ái tình, lại có mở một cửa hàng tạp hóa, ít lúc chi đó lại vọt xuống tàu sang Pháp làm chính trị” (Tân Việt); …Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nguời dân vẫn thờ ơ với chính trị, vẫn coi chuyện phát triển của đất nước, chuyện xã hội văn minh, công bằng, … không phải là việc của nhà mình, chỉ biết chạy chọt, lo lót mỗi khi chính mình hay nguời thân bị đè nén, chịu những oan khuất, bất công, …
Từ đầu thế kỷ 19, Thomas Jefferson (1743 – 1826), Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ đã nói với một dân biểu: “Nếu quần chúng nhân dân không còn lưu tâm đến công việc chính trị xã hội, thì các ông và tôi, Quốc hội lập pháp, Chánh án, Thống đốc, tất cả sẽ biến thành những con chó sói. Điều này dường như là luật tự nhiên thuộc bản chất tổng quát của chúng ta, cho dù có vài ngoại lệ cá nhân”. Một thế kỷ sau, Tản Đà, một nhà thơ Việt Nam cũng đã cảnh báo:
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó mới làm quan.
Thế mới biết, không phải ngẫu nhiên, ngay từ những ngày đầu, “trong số các chí sĩ đương thời và cả sau này, Phan Châu Trinh là người thấy rõ nhất những nhược điểm của xã hội và con người Việt Nam . Ông chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế – văn hóa, học những tư tưởng tiến bộ của Phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu…” và đưa ra khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Một khi dân trí chưa được mở mang, dân khí chưa được khích lệ thì mãi mãi tương lai của đất nước còn trong vòng mờ mịt.
Trong hoàn cảnh ấy, thiết nghĩ những phản biện trên các diễn đàn không thể quên phải góp phần nâng cao dân trí. Làm chuyển biến, thay đổi cả một cơ chế không phải là công việc dễ dàng, nó đòi hỏi thời gian và rất nhiều điều kiện khác; nhưng để giúp mỗi con người ý thức được bản thân, có những hành xử thích hợp có lợi nhất trong những hoàn cảnh bất lợi để hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại cho mình và gia đình là việc thuận lợi hơn nhiều. Trong cuộc sống, ta thường thấy không ít những nguời thu nhập chưa cao, thậm chí còn nghèo túng nhưng hay phạm luật giao thông để bị nộp phạt; nguời đang thiếu tiền để trang trải những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống gia đình lại thường xuyên ăn nhậu bằng những loại rượu bia kém chất lượng để rồi mỗi ngày thêm nguy cơ mắc bệnh nan y; nguời đang thiếu tiền đóng học phí cho con cái lại thường xuyên là khách của những quầy xổ số, những quán ghi số đề, nguời thu nhập còn eo hẹp lại thích “so kè” với những nguời thuộc loại tỷ phú, đại gia, …sống không biết cẩn trọng đến khi có chuyện gì lại đổ do số mệnh, … Giá như những con người ấy được khai mở hiểu biết thông thường, chắc chắn những tệ nạn, những thói tục lạc hậu làm tổn hại tới cuộc sống của họ sẽ được hạn chế.
Mở mang, nâng cao dân trí luôn có hai mặt, vừa giúp nguời dân nâng cao ý thức về quyền lợi chính đáng mình được hưởng nhưng đồng thời cũng phải khẳng định trách nhiệm để góp phần xây dựng một xã hội văn minh. Trong những ý kiến phản biện hiện nay, không ít nguời phản đối, lên án bất cứ cái gì do chính quyền đưa ra. Thái độ ấy hoàn toàn vô lý, và không đạt được mục đích. Một thời gian dài, để lấy lòng dân, Nhà nước đã thực hiện những chính sách mang nặng tính chất “duy ý chí” gây ảo tướng về sự tốt đẹp của xã hội như miễn học phí, viện phí cho mọi người. Bước vào nền kinh tế thị trường, những chính sách ấy đã ngày càng lộ rõ sự “bất cập” không thể không thay đổi. Tôi không phủ nhận có nhiều chủ trương, chính sách không lấy quyền lợi của dân chúng làm mục đích. Nhưng rõ ràng nhiều chính sách là cần thiết. Trong một đất nước còn nghèo (chưa bàn tới nguyên nhân dẫn tới cái nghèo), phúc lợi xã hội chưa đủ để chăm lo mọi mặt cho đời sống con người thì việc tăng học phí, tăng viện phí, … là điều không thể tránh khỏi. Làm sao đòi hỏi giáo dục có chất lượng khi học phí của một học sinh trung học mỗi tháng chỉ tương đương 2 bát phở loại “xoàng” (60.000 đ) trong khi học phí của một trường phổ thông đạt chuẩn quốc tế ở ngay Hà Nội khoảng 25.000.000 đ/tháng? Làm sao có thể được chăm sóc sức khỏe tốt khi giá tiền một lần khám bệnh ở bệnh viện loại cao nhất chỉ có 17.000 đ và ở Trạm xá xã chỉ có 5.000 đ? Không ít nguời lên án ngành y tế với rất nhiều biểu hiện tiêu cực, tôi rất đồng tình, nhưng đồng thời, có lẽ cũng nên cho mọi người biết chi phí cho một lần khám bệnh ở bệnh viện Hồng Ngọc là 100.000 đ, còn ở bệnh viện Việt Pháp là 500.000 đ (25 đô-la). Để giảm tai nạn giao thông, thực hiện nhiều hình phạt nghiêm khắc trong đó chủ trương tăng mức tiền phạt khi vi phạm luật là cần thiết (hình như các nước họ đều làm như thế, ở Thái Lan, nguời lái xe có thể bị ngồi tù khi nồng độ cồn quá mức cho phép, khi sử dụng điện thoại di động kể cả lúc xe tạm dừng, …) vì phần lớn nguyên nhân gây tai nạn giao thông là do ý thức nguời tham gia giao thông. Những lý sự kiểu như “nhà đã nghèo, có mỗi cái xe máy để kiếm cơm lại tịch thu (khi đi vào đường cao tốc) là bất nhân”, “xử phạt nặng chỉ tổ “béo” cảnh sát giao thông”, .. chỉ để “chống lưng” cho nguời vi phạm. Sao không có những bài viết nhắc nhở nguời dân làm thế nào để không bị phạt khi tham gia giao thông, làm thế nào để giữ sức khỏe, hạn chế vào bệnh viện, làm thế nào để tránh nạn bắt phải học thêm, … trong khi những thực trạng ấy khó thay đổi trong thời gian trước mắt.
Nguyễn Du xưa đã nói: “Mà trong lẽ phải có nguời có ta”. Những ý kiến phản biện nếu luôn luôn thấy hai mặt của vấn đề, vừa tác động tới nguời cầm quyền để có chủ trương chính sách hợp lòng dân, vừa cảnh tỉnh để mỗi con người bình thường ý thức được chỗ đứng hiện tại để nếu chưa được sung sướng cũng hạn chế bao khổ đau chắc chắn sẽ được hoan nghênh vì nó rõ ràng đã góp phần làm cuộc sống ngày thêm tốt đẹp.
( Blog Ông Giáo Làng )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét