Lần gặp cuối cùng này (9.1975), Mao tỏ ý lo ngại Sihanouk sẽ rút khỏi đoàn chủ tịch nhà nước Campuchia dân chủ của Khmer Đỏ, nên đã “nằng nặc đề nghị tôi (Sihanouk) đừng bao giờ từ bỏ các đồng chí Khmer Đỏ của ông (Mao) và (mong muốn) tôi phải chống đỡ cho chế độ mới của họ (Pol Pot) trước nhân dân Khmer lẫn cộng đồng quốc tế. Như vậy, Mao đã chọn cách ủng hộ chế độ mới của Khmer Đỏ để họ ra sức thực hiện cuộc “cách mạng văn hóa” được vợ ông, bà Giang Thanh, cổ vũ tàn phá đất nước”.
Cùng lúc đó “Chu Ân Lai - vị thủ tướng sáng suốt và sắc sảo của Mao - lại cảnh cáo ban lãnh đạo Khmer Đỏ rằng: họ có thể gây ra nỗi thống khổ cho nhân dân Khmer và đất nước Campuchia (…) một ông Chu đang hấp hối đã thấy trước bằng trực giác cái thảm họa khủng khiếp sẽ nhấn chìm chúng tôi” (Hồi ký Sihanouk, sđd. tr. 148 - xem thêm Kỳ 37: Chu Ân Lai trăn trối những gì với ... Khmer Đỏ?).
Thái độ Sihanouk ?
Không khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với Khmer Đỏ. Cũng không từ chối thẳng thừng. Mà, như Sihanouk viết: “tôi tự giới hạn mình bằng cách mỉm cười” - im lặng, khiến Mao không mấy vui và Pol Pot căm giận nên đã ngầm ra lệnh giết chết 5 người con của Sihanouk, bắt cả gia đình ông “quản thúc và cắt đứt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài” khi họ về tới Phnom Pênh (sau 5 năm lưu vong ở Bắc Kinh).
Mao biết tất cả, nhưng không ngăn cản Pol Pot. Vì Mao biết rõ, ban lãnh đạo Khmer Đỏ gốc Hoa do Pol Pot đứng đầu vốn trưởng thành từ nền giáo dục nền móng tại Paris (Pháp) nhưng lại quay ra phủ nhận văn hóa phương Tây hiện đại, để tìm thấy“nguồn cảm hứng chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Mao Trạch Đông và tìm cách tái tạo khuôn mẫu chủ nghĩa Mao ở Campuchia” (Harish C. Mehta - Juloe B. Mehta, sđd Kỳ 38, Lê Minh Cẩn  dịch, tr.52). Họ chà đạp tất cả để tiến theo con đường đấu tranh giai cấp và cải cách ruộng đất kiểu Mao, biến Campuchia thành một nghĩa trang rộng lớn. “Bản sao” thảm kịch “Đại tiến vọt” thời Mao đã nhanh chóng vẽ những đường máu lên mặt đất Campuchia tang tóc. Trích tài liệu:
1.      Nhà ăn tập thể (xem để đối chiếu: Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay, kỳ 2 - đăng bởi Một thế giới 21.6.2014 Kỳ 2 - Giang Thanh trước ngày lập 'Đảng Hoàng hậu'):  “Người ta đang đói gần chết nhưng không ai được phép chạm vào bất cứ trái chuối nào ở trên cây  mọc gần trại. Thậm chí Khmer Đỏ còn tịch thu tất cả chén dĩa, xoong nồi và đồ dùng để không cho người ta nấu nướng và ăn bất cứ thứ gì tại nhà. Mỗi người được phép giữ một cái đĩa và một cái muỗng. Giống như những kẻ nô lệ, những người trong trại sẽ được tập trung bằng kẻng để đến ăn cháo loãng (…) ngay cả nếu bắt được một con ếch hoặc một con cá nhỏ li ti cũng không được phép ăn khẩu phần dư ra ấy” (Harish C. Mehta - Juloe B. Mehta, sđd tr. 122-123).
2.      Ngược đãi, giết hại và cô lập trí thức: một trong các quyết định thô thiển và đáng để mỉa mai nhất của Khmer Đỏ (…) là bãi bỏ trường học cùng với các cuộc hành quyết dã man chống lại các giáo viên, viện sĩ, nghệ sĩ, nhà văn và các nhà trí thức”. Khi Pol Pot bỏ chạy khỏi thủ đô Phnom Pênh (1979), chính phủ mới của Campuchia“không sao có thể xây dựng lại một hệ thống giáo dục đúng nghĩa vì toàn bộ những người làm nghề giáo đã bị giết bằng lưỡi lê - học sinh sinh viên đã mất trắng 4 năm học (1975-1979) và phải mất thêm nhiều năm sau đó nữa vì hệ thống giáo dục đã bị tàn phá tan hoang (…) Meas Kim Suon, một nhà báo trước đây là bác sĩ, đã cho biết khi Khmer Đỏ sụp đổ (1979) cả nước Campuchia không còn đến 50 bác sĩ” - Harish C. Mehta - Juloe B. Mehta, sđd tr. 248-251.
3.      Thành thị là “ký sinh trùng”: các trang mạng chuyên đề về chế độ diệt chủng của Pol Pot ghi lại lời của tiến sĩ Gregory H. Stanton về: “Những người lãnh đạo chính của chế độ Pol Pot đã đọc lý thuyết rằng các thành phố là những vật ký sinh vào nông thôn, rằng giá trị lao động là giá trị thật sự, rằng các thành phố chiếm đoạt giá trị thặng dư của những vùng nông thôn. Vì thế ngay sau khi chiếm được quyền lực, Khmer Đỏ sơ tán toàn bộ dân thành phố theo hình thức ép buộc, gồm cả những người không nên đi sơ tán vội, như các bệnh nhân trong bệnh viện và những đứa trẻ mới sinh”.
          Toàn dân bị đẩy vào ruộng rẫy, mái che và cột đỡ của các ngôi nhà riêng ấm áp bị dở lên, phá bỏ, để đem đi xây các dãy nhà công cộng lạnh lẽo, hun hút gió.Bách khoa toàn thư mở Wikipedia - mục Pol Pot - trích dẫn tài liệu của Father Ponchaud cho thấy không chỉ đợi tới lúc Khmer Đỏ cầm quyền (1975) mà ngay khi lực lượng vũ trang Khmer Đỏ tiến chiếm được một số vùng nông thôn Campuchia (1972), Pol Pot đã ra lệnh cho những chiến binh du kích của mình phải “tống toàn bộ dân chúng ở các làng mạc và thị trấn họ chiếm được vào sống trong rừng và thường đốt nhà của họ để họ không còn chỗ quay về” !
* RICHARD NIXON CÙNG HENRY KISSINGER ĐÃ GÓP PHẦN ĐẨY SIHANOUK VỀ PHÍA MAO VÀ PHÍA… POL POT DIỆT CHỦNG?
Sau chính biến lật đổ Sihanouk (3.1970) khoảng một tháng, Mỹ đưa 18.000 quân với máy bay và thiết giáp yểm trợ vượt biên giới Việt Nam - Campuchia (giúp Lon Nol), tấn công trực diện vào “đại bản doanh của quân cộng sản Việt Nam trên đất Campuchia”, tịch thu “nhiều vũ khí cá nhân có thể trang bị cho 70 tiểu đoàn chiến đấu của cộng sản, rất nhiều gạo có thể nuôi sống tất cả binh lính của cộng sản đang có mặt ở Nam Việt Nam trong vòng 4 tháng, 143.000 quả rốc-kết, số lớn đạn các loại tương đương với số lượng đã dùng để chiến đấu trong 14 tháng trước đó, 199.522 đầu đạn phòng không, 5.482 quả mìn, 62.022 quả lựu đạn và 42 tấn thuốc nổ, không kể đến 435 xe tải, 11.688 boong-ke và nhiều công trình quân sự bị phá hủy” ” (Hồi ký Richard Nixon - nhiều người dịch, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội 2004, tr. 560-561).
Giám đốc cơ quan tình báo CIA William Colby viết: “Khi các tướng lĩnh Campuchia (Lon Nol và các cộng sự) lật đổ Sihanouk vì cho rằng ông ta đã hy sinh chủ quyền đất nước (Campuchia) để cho Bắc Việt Nam tùy ý sử dụng lãnh thổ của mình. Người ta đã có những chứng cớ không thể bác bỏ được là Bắc Việt đã sử dụng các cảng của Campuchia để chuyên chở nhiều chuyến hàng quan trọng về súng đạn, rốc-kết và đồ quân dụng vào Nam Việt Nam đánh Mỹ. Người ta cũng biết rằng cộng sản đã sử dụng vùng đất biên giới của Campuchia để xây dựng các căn cứ hậu cần và làm đại bản doanh của họ” (sđd Kỳ 3, tr. 259) nên Mỹ ào ạt đổ quân qua biên giới triệt phá...
Giao tranh nổ lớn. Quân Mỹ và VNCH chiếm lợi thế. Bấy giờ, Mao Trạch Đông phản đối lấy lệ (6.1970), vì đang còn phải cùng Nixon tiếp tục “bản valse” trên sàn nhảy ngoại giao (như đã viết ở kỳ 32).
Bắt được mạch “ngoại giao ngoài luồng” của Mao, Mỹ tiếp tục ủng hộ và cố vấn để Lon Nol phái Yen Sambaur - Ngoại trưởng của Cộng hòa Khmer - dẫn đầu phái đoàn của chính quyền Lon Nol tới Sài Gòn (27.5.1970) chính thức đề nghị quân đội của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục hành quân hỗ trợ.
Được thế hợp pháp, Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa chỉ thị Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 mở hàng chục cuộc hành quân vào sâu nội địa Campuchia từ 30 - 80km. Hồ sơ mật số 422 hiện giữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II - TP. HCM, Font Đệ nhị Cộng hòa (1967-1975), ghi rõ tổn thất của chiến dịch tràn qua biên giới Campuchia - Việt Nam của quân Mỹ và VNCH (tính từ tháng 4.1970 đến 4.1971) như sau:
Số thương vong của liên quân Mỹ - VNCH lên tới 13.450 người. Trong đó quân đội VNCH có 2.194 người chết, 10.725 bị thương, 180 mất tích. Mỹ và quân đồng minh có 338 binh sĩ tử thương, 13 mất tích.
Vào giai đoạn đó, tổng thống Mỹ Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger hầu như giấu nhẹm bàn tay đạo diễn của mình trong mưu đồ lật đổ quốc trưởng Norodom Sihanouk. Nhưng khi cuộc chiến ngã ngũ (sau 1975) “Henry Kissinger công khai và thẳng thắn thừa nhận rằng (những gì mà Mỹ nhúng tay can thiệp) vào Campuchia là sai lầm lớn nhất trong chính sách đối ngoại của ông”.
Thừa nhận đó của Kissinger do Bernard Krisher, nguyên trưởng văn phòng của báo Newsweek tại Tokyo (Nhật) và là nhà báo đầu tiên trong số các nhà báo quốc tế phỏng vấn hoàng đế Hirohito - khẳng định. Bernard Krisher cũng viết đại ý: dầu Nixon và Kissinger lúc ban đầu không thừa nhận đã giúp Lon Nol truất phế Sihanouk nhưng mọi việc ngày càng sáng tỏ cho thấy chính “Henry Kissinger giúp thiết kế vụ đảo chính lật đổ hoàng thân Sihanouk (người mà Kissinger coi là trở ngại đối với chính sách sai lầm của ông ta)”. Tiếp đó Nixon (với Kissinger cố vấn) đưa gần hai vạn quân Mỹ, cùng một lực lượng lớn biệt động quân, thiết giáp VNCH từ miền Nam Việt Nam tràn qua biên giới Campuchia, đã thật sự bít hẳn đường về của Sihanouk và đẩy thẳng ông hoàng đó vào “chiếc lồng son” của Mao Trạch Đông mở sẵn - với hậu quả là Sihanouk ở thế cùng phải đi với Khmer Đỏ dẫn đến thảm cảnh diệt chủng tại Campuchia. Vậy, không chỉ Mao Trạch Đông, mà cả tổng thống Nixon lẫn cố vấn Henry Kissinger cũng có lỗi với cái chết của gần 2 triệu người Campuchia vô tội chứ ? (còn nữa)
Giao Hưởng