LN - Đình Tuệ | 29/10/2015 18:50
Đó là nhận định của Tướng Cương trước việc tàu khu trục Mỹ tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thông tin về tàu khu trục USS Lassen trang bị tên lửa dẫn đường thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Trước những diễn biến mới nhất này, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an đã dành cho PV cuộc trao đổi để cung cấp tới độc giả một cái nhìn khách quan, đa chiều.
PV: Thưa Thiếu tướng, nhận định của ông thế nào trước việc Hải quân Mỹ đã điều tàu chiến vào tuần tra khu vực 12 hải lý quanh bãi Đá Vành Khăn và bãi Đá Xu Bi mà Trung Quốc bồi đắp trái phép của Việt Nam?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:
Đầu tiên phải khẳng định rằng, việc Mỹ quyết định đưa tàu chiến của mình là tàu khu trục USS Lassen vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp trái phép là hoàn toàn đúng với luật pháp quốc tế.
Nó vừa hợp tình, hợp lý và hợp pháp thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Thứ hai, tàu chiến Mỹ vào tuần tra cũng thể hiện được uy tín của một cường quốc “Nói được là làm được” để gìn giữ sự tự do hàng hải, hàng không quốc tế, quyết không để cho Trung Quốc tự tung tự tác muốn làm gì thì làm.
Chiếu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tất cả các thực thể nửa chìm nửa nổi, các đảo nhân tạo thì không được trao quy chế lãnh hải 12 hải lý mà chỉ được trao quy định về vùng an toàn không vượt quá 500 mét.
Quốc gia xây dựng đảo nhân tạo không có quyền cản trở tàu bè nước khác đi vào vùng biển này. Động thái này của Mỹ mang tính tích cực và đáng để cộng đồng quốc tế hoan nghênh.
Hình ảnh khu trục hạm USS Lassen của Hải quân Mỹ (Ảnh: Navy Times).
PV: Theo Thiếu tướng, tại sao Mỹ lại chọn thời điểm này để “ra tay” với Trung Quốc ở Biển Đông?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:
Như tôi đã từng phân tích trước đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều là hai cường quốc có những lợi ích riêng ở Biển Đông. Tuy nhiên, nó lại ở hai thái cực có phần đối lập nhau.
Trung Quốc đã công khai tham vọng bá quyền ở Biển Đông bằng chuỗi các hành động ngang ngược trên biển nhằm hiện thực hóa yêu sách "đường 9 đoạn” phi pháp của mình, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Còn Mỹ - một siêu cường hàng đầu thế giới, đương nhiên cũng có những lợi ích chiến lược không thể bỏ qua tại khu vực biển giàu tiềm năng và giá trị thương mại này.
Việc Mỹ, bằng cách này hay cách khác kiềm chế sự ngạo mạn của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm duy trì quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Thời điểm này cũng là giai đoạn khá nhạy cảm, đây là thời điểm trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Philippines vào tháng 11 tới.
Tại đây, cả Tổng thống B. Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp mặt nhau sau chuyến thăm cấp cao của ông Tập tới Mỹ hồi tháng 9.
Trong chuyến thăm tháng 9 trên đất Mỹ, ông Tập đã tuyên bố rằng Trung Quốc không cổ xúy hay dùng vũ lực, quân sự hóa ở các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Và cho rằng hành động xây đảo nhân tạo không ảnh hưởng tới tự do hàng hải, hàng không quốc tế.
Và sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ ở khu vực này rõ ràng đã đưa ông Tập Cận Bình vào một “thế cờ khó" .
Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cải tạo trái phép thành hòn đảo nhân tạo và cho hình thành một đường băng dài hàng ngàn mét. (Ảnh: CSIS).
PV: Để đối diện với một “thế cờ khó” này, Trung Quốc sẽ có phản ứng như thế nào trước các cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ thưa ông?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:
Việc Mỹ quyết định đưa tàu khu trục vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp trái phép là hành động cứng rắn của Mỹ nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực này.
Sự kiện này cũng là điều đã được giới phân tích tiên đoán trước. Hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ cũng đã cử máy bay săn ngầm P8-A Poseidon tới tuần tiễu trên vùng trời các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép.
Phản ứng của Trung Quốc mạnh hay yếu và ở mức nào nó còn phụ thuộc vào động thái cụ thể của Mỹ và một số nước nữa.
Nếu kịch bản một liên minh gồm cả Mỹ, Nhật, Úc cùng “làm mạnh” thì Trung Quốc chắc chắn không dám “làm liều” và đi quá xa ở Biển Đông trong giai đoạn này.
Khả năng đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông là rất khó xảy ra. Trung Quốc thừa hiểu sức mạnh của Mỹ tới đâu, nhất là hải quân.
Đây rất có thể chỉ là “đòn thử” của Mỹ dành cho Trung Quốc mà thôi và nó sẽ ở một tầm mức nhất định, rồi sau sẽ lại có một thỏa thuận nào đó để làm dịu bớt tình hình căng thẳng tại khu vực này.
Vâng, xin cảm ơn Thiếu tướng!
theo Trí Thức Trẻ
Trung Quốc xây dựng hồ chứa gần biên giới Việt Nam
Công Khanh | 29/10/2015 21:32
Trung Quốc đã xây dựng một số hồ chứa thượng nguồn các sông Đà, sông Thao, sông Lô, trong đó có một số hồ chứa gần khu vực biên giới.
Ngày 29/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đầu tháng 10, trận lũ bất thường ở thượng nguồn sông Hồng khiến nhiều vùng thấp ven sông Hồng ngập lụt, và nguyên nhân được báo chí cho là do một số đập thủy điện ở Trung Quốc bất ngờ xả lũ đầu nguồn, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện phía Trung Quốc đã xây dựng một số hồ chứa thượng nguồn các sông Đà, sông Thao, sông Lô, trong đó có một số hồ chứa gần khu vực biên giới.
Việc điều tiết, vận hành các hồ chứa này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước trên sông suối nước ta, đặc biệt là trên sông Hồng.
Lũ trên sông Hồng (ở TP Lào Cai) đã rút nhanh - Ảnh: Tuổi Trẻ.
"Sau việc xả lũ vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao trao đổi, hợp tác với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai ngày càng chủ động hơn", Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ nói.
Từ năm 2011, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng trạm quan trắc tự động để giám sát tài nguyên nước tại đầu nguồn sông Hồng.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan rà soát, trao đổi với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận bảo đảm chia sẻ, cung cấp thông tin, phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường nước trên các sông suối biên giới.
"Hiện chúng ta đang khẩn trương xây dựng 8 trạm quan trắc trên các sông suối biên giới Việt Nam - Trung Quốc, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào vận hành vào giữa năm 2016", ông Nên cho biết.
theo zing.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét