Năm thành viên phát biểu tại hội thảo chuyên đề về nhân quyền tại Đại học Bang California, San Marcos, California, vào ngày 1 tháng 10 (Andrew Li/Epoch Times)
Năm thành viên phát biểu tại hội thảo chuyên đề về nhân quyền tại Đại học Bang California, San Marcos, California, vào ngày 1 tháng 10 (Andrew Li/Epoch Times)
Hiện nay, phần lớn các phương tiện truyền thông thường hay đăng những tin tức rất lạc quan về Trung Quốc, tập trung vào những nhận định của các nhà phân tích khi cho rằng quốc gia này đang từng bước củng cố một hệ thống pháp lý và tài chính trong bối cảnh nền kinh tế đang tiếp tục tăng trưởng.

Tại một cuộc hội thảo về quyền con người tại Đại học California State, San Marcos, vào ngày 1 tháng 10, có 5 nhân vật đã đưa ra một bằng chứng rất khác xa [so với những tin tức trên] liên quan đến cái mà họ gọi là “Trung Quốc thật sự”.
Diễn đàn này được tổ chức bởi Công dân Đề xuất Giải pháp Toàn cầu (CGS) để hồi đáp đối với các sự kiện đáng lo ngại vừa mới xảy ra trong thời gian gần đây tại Trung Quốc, bao gồm luôn sự kiện “Ngày thứ Sáu đen tối”. Đây là ngày mà chẳng liên quan gì đến việc mua sắm, nhưng đã xảy ra nhiều cuộc bắt giữ hàng loạt khiến ít nhất 200 luật sư nhân quyền đã bị giam cầm vào ngày 10 tháng 7. Theo nguồn tin của CGS thì trên thực tế đã có gần 2.000 luật sư đã bị bắt giữ.
Diễn đàn cũng bàn về chuyến thăm mới đây của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ, một chuyến thăm với mục đích đàm phán về việc phát triển kinh tế và đưa ra những giải pháp khắc phục biến đổi khí hậu.
“Đây chính xác là những gì mà chính phủ Trung Quốc muốn các nước phương Tây cần phải tập trung vào: để xem cái cách mà nước này đang đề ra những đạo luật mới và khiến người ta tin rằng Trung Quốc đang cải thiện về mặt thực thi pháp luật. Và tôi cũng đã từng tin vào điều này”, Yong Feng Peng – luật sư bảo vệ nhân quyền người Trung Quốc, đồng thời là 1 trong 5 người đã phát biểu tại diễn đàn.
“Tuy nhiên, chính bản thân tôi đã trải nghiệm một thực tế hoàn toàn trái ngược”.

“Cai trị bằng những lời dối trá”

Ông Peng từng là luật sư làm việc cùng với Hội Luật sư Hy vọng Hà Bắc thuộc tỉnh Hà Bắc. Ông cũng là một nhân chứng trực tiếp chứng kiến việc đối xử [của nhà cầm quyền] đối với những người hoạt động nhân quyền và ủng hộ dân chủ. Đó là những người đã vùng dậy phản đối khi họ bị ép buộc phải rời bỏ nhà cửa, là những nhóm tín ngưỡng và tinh thần đã bị đàn áp tại ở Trung Quốc; và đặc biệt là môn tu luyện thiền định Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
Trải qua 16 năm, các học viên Pháp Luân Công thường xuyên bị bắt giam chỉ vì họ tập luyện những động tác rất đơn giản, đọc những cuốn sách, hoặc có những tư tưởng bị nhà cầm quyền gán cho là sai trái. Họ bị tống vào các trại lao động cưỡng bức, bị tra tấn khổ sở, và bị gây áp lực để yêu cầu họ phải từ bỏ đức tin của mình.
Ông Peng cho biết mình đã không thành công khi trải qua nhiều năm phấn đấu để bảo vệ những người này tại Trung Quốc. Rõ ràng họ đã và đang bị oan ức. Ông cảm thấy mọi điều ông đã làm không gì khác ngoài việc bảo vệ cho luật pháp.
“Trung Quốc không được cai trị bằng pháp luật, mà quốc gia này được “cai trị bằng những lời dối trá”

— Yong Feng Peng – luật sư nhân quyền.

Ông cho biết Trung Quốc không được cai trị bằng pháp luật, mà quốc gia này được “cai trị bằng những lời dối trá”.
Một ví dụ gây sốc nhất về việc ngược đãi những “tù nhân lương tâm” trên đây, chính là một chương trình đã được chính quyền nước này phê duyệt, để kiểm tra xem các tù nhân có phù hợp với biểu mô tế bào của những bệnh nhân cần cấy ghép nội tạng hay không, và họ sẽ bị giết chết để chính quyền thu lợi nhuận khổng lồ trong một quy trình được gọi là thu hoạch nội tạng, hay nói đúng hơn chính là mổ cướp nội tạng. Rất nhiều nội tạng đã được bán cho những người Trung Quốc giàu có và các khách du lịch ghép tạng.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, số lượng tử tù bị Trung Quốc hành quyết thì nhiều hơn so với các nước trên thế giới cộng lại.
Giáo sư Greg Autry giảng dạy Khoa Kinh doanh Marshall thuộc trường Đại học Nam California nhận định rằng: “Suốt nhiều năm qua, Trung Quốc đã lừa dối công luận khi nói rằng họ đã không hề sử dụng bất kỳ nguồn nội tạng nào của tù nhân để cấy ghép”. Ông là một trong những thành viên đã phát biểu tại diễn đàn, đồng tác giả và là đồng sản xuất cuốn sách và bộ phim có cùng tên “Những xác người được gây ra bởi nhà cầm quyền Trung Quốc” (Death by China).
“Tuy nhiên, tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy từ các dữ liệu thực tế, rằng việc hiến tạng không phải là một điều rất phổ biến ở Trung Quốc vì nhiều lý do mang tính truyền thống. Và thực sự thì họ chưa bao giờ có được một danh sách hiến tạng”.
Vào năm 2009, cuối cùng thì chính quyền Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng hầu hết nội tạng được cấy ghép đều lấy từ các tù nhân.

Thảm họa diệt chủng Holocaust trong thời hiện đại

“Điều này thực sự rất khó tin”, Giáo sư Autry nói về việc mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. “Nhưng người Mỹ không thể tin vào những câu chuyện mà chỉ có thể tồn tại trong nạn diệt chủng của phát xít Đức trước đây, và thậm chí là trong Thế Chiến II. Mãi cho đến khi các trại cải tạo lao động đã được giải phóng, chúng ta mới có thề biết hết [mọi điều]”.
Ngoài ra trong nhóm phát biểu còn có ông David Kilgour – cựu thành viên Quốc hội Canada và đã từng được đề cử nhận giải Nobel. Ông đã nghiên cứu những cáo buộc về mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm tại Trung Quốc trong suốt một thập kỷ qua.
Khi bạn nói về thảm họa diệt chủng theo kiểu Holocaust, thì nó [mổ cướp nội tạng] cũng giống như thế một cách đáng kinh ngạc.

— David Kilgour – cựu thành viên Quốc hội Canada

“Khi bạn nói về thảm họa diệt chủng theo kiểu Holocaust, thì nó [mổ cướp nội tạng] cũng giống như thế một cách đáng kinh ngạc”, ông Kilgour nói.
Ông Kilgour, cùng với luật sư nhân quyền Canada David Matas đã ước tính rằng tại Trung Quốc có khoảng 40.000 đến 60.000 người đã bị sát hại để lấy nội tạng, tính đến năm 2005. Một nhà nghiên cứu khác tên là Ethan Gutmann, đã ước tính số người chết là 65.000 từ giai đoạn từ năm 2000 đến 2007 trong cuốn sách của ông mang tên “Đại Thảm sát” (The Slaughter). Những con số trên thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.
Ông Kilgour đã chia sẻ trường hợp rất cụ thể của một đối tượng đã nhận được nội tạng, người này từ một quốc gia chưa được tiết lộ, đến Trung Quốc để du lịch. Ông này cho biết rằng các bác sĩ đã kiểm tra một danh sách, rồi đi đâu đó khoảng một vài tiếng, và họ đã quay trở lại 8 lần với 8 bộ thận khác nhau cho đến khi họ tìm được một bộ thận phù hợp với mẫu máu và mô của người đàn ông này. Rõ ràng đã có 8 người bị giết để người đàn ông đó được ghép thận.
Mùa hè năm 2015 này, Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen từ Florida đã đề xuất trước Quốc hội Mỹ về nghị quyết lên án tội ác mổ cướp nội tạng của Trung Quốc. Theo trang tin tức congress.gov, dự thảo của bản nghị quyết đã nhận được 120 nghị sĩ ủng hộ.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên hành động theo lương tâm và lên án nạn mổ cướp nội tạng với tư cách của mỗi cá nhân, và vận động chính phủ Hoa Kỳ của chúng ta khẳng khái đứng lên làm điều này”, Giáo sư Autry cho biết. “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh những thành viên đã sẵn lòng để bảo vệ lập trường về vấn đề này”.
Tuy nhiên, Giáo sư Autry cho biết Mỹ nên gây áp lực đối với những công ty đang sử dụng dịch vụ này tại Trung Quốc, vì họ đang hậu thuẫn để giúp cho chính quyền Trung Quốc có thêm ngân sách để gây ra những kiểu tội ác man rợ như thế này.

Cuộc đàn áp đã vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc

Anastasia Lâm là Hoa hậu Thế giới Canada năm 2015. Cô đã đáp chuyến bay từ Toronto và cũng đã có mặt tại phiên điều trần vào hôm thứ Năm vừa qua. Cô đã đăng quang hoa hậu vào tháng 5 và có kế hoạch tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 12 tại Tam Á, Trung Quốc, mặc dù việc vận động nhân quyền công khai của cô đã đặt ra câu hỏi là không biết cô có được phép xuất hiện tại nước này hay không.
Cách đây 9 năm, một cựu Hoa hậu Thế giới Canada đã nói với cô Lâm, rằng đoạt danh hiệu là một cách hữu hiệu để thực hiện sứ mệnh cao quý. Cô Lâm đã ghi nhớ điều này trong lòng, và bây giờ cô đã đứng ra lên tiếng thay những người bị đàn áp tại Trung Quốc, chẳng hạn như tộc người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, các tín đồ Thiên Chúa giáo và Pháp Luân Công.
Cô Lâm cho biết cha cô đang sống ở Trung Quốc đã rất vui ngay sau khi biết tin cô đã đăng quang, nhưng chỉ vài ngày sau đó, ông đã liên lạc với cô và yêu cầu cô phải ngừng nói về nhân quyền. Cha cô cho biết các lực lượng an ninh Trung Quốc đã đến làm việc với ông.
Cha tôi đã gửi một tin nhắn để van xin tôi: “Cha xin con, hãy để cho chúng ta ở đây còn một con đường sống tại Trung Quốc, được không?” Và tim tôi đã rất quặn đau khi đọc được tin nhắn này.

– Anastasia Lâm, Hoa hậu Thế giới Canada 2015.

“Cha tôi đã gửi một tin nhắn để van xin tôi: ‘Cha xin con, hãy để cho chúng ta ở đây còn một con đường sống tại Trung Quốc, được không?’ Và tim tôi đã rất quặn đau khi đọc được tin nhắn này,” cô nói
Cô cho biết mình đã khóc suốt một tuần vì không biết nên làm như thế nào. Nhưng cuối cùng, cô quyết định sẽ không dễ dàng chịu khuất phục, vì nếu làm như vậy thì cuộc đàn áp sẽ không bao giờ dừng lại. Cô nhận ra cách tốt nhất để giúp đỡ cha mình chính là phải khiến cho cộng đồng quốc tế chú ý đến vấn đề này.
Cô Lâm chia sẻ câu chuyện của mình với giới truyền thông Canada và sau đó viết một bài gửi tới thời báo Washington Post. Những hãng thông tấn lớn khác cũng đã đăng lại câu chuyện của cô.
Cô Lâm cho biết các học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn ở Trung Quốc, và việc họ thể hiện niềm tin kiên định của mình đã khiến cô vô cùng xúc động.
“Truyền cảm hứng cho tôi không phải là những thống khổ mà họ đã phải gánh chịu”, cô nói. “Điều quan trọng chính là họ vẫn luôn có một cái nhìn rất lạc quan, và họ dùng chính lòng từ bi của mình để đối mặt với thế giới.”

Hy vọng cho Trung Quốc và thế giới

Cô Lâm cho biết, cô không chỉ lên tiếng cho những người bị đàn áp, mà còn hy vọng sẽ đánh thức lương tâm và làm thức tỉnh cả những người như cha cô, vốn đã trải qua những nỗi kinh hoàng trong thời Cách mạng Văn hóa và luôn sống trong nỗi sợ.
“Tâm trí và niềm tin của họ đã bị chế ngự đến nỗi mà họ thậm chí không thể nhớ ra rằng bản thân họ vẫn luôn có quyền lựa chọn”, cô nói.
Tâm trí và niềm tin của họ đã bị chế ngự đến nỗi mà họ thậm chí không thể nhớ ra rằng bản thân họ vẫn luôn có quyền lựa chọn.

— Anastasia Lâm – Hoa hậu Thế giới Canada 2015.

Tiến sĩ Chen cũng đã chia sẻ một mục tiêu tương tự khiến những người bên ngoài Trung Quốc rất xúc động. Ông tin rằng vì lợi ích kinh doanh và kinh tế nên nhiều chính trị gia và các phương tiện truyền thông phương Tây đã đề ra chính sách tự kiểm duyệt và lảng tránh vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nói rằng cuối cùng rồi thì họ cũng phải lựa chọn cách phản ứng trước môt loạt bằng chứng về những tội ác khủng khiếp do nhà cầm quyền Trung Quốc đã gây ra.
Tiến sĩ Chen cũng cho biết các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và trên thế giới đã kiên trì trong việc phơi bày bản chất cuộc đàn áp mà họ đã và đang phải đối mặt, điều này đã thay đổi phần nào tình hình ở Trung Quốc. Ngày 1 tháng 5 năm nay, Tòa án Nhân dân Tối cao của Trung Quốc đã bắt đầu chấp nhận những đơn khiếu nại, thay vì tự động bác bỏ như trước đây họ hay làm.
Kể từ khi đó, gần 180.000 người đã gửi đơn kiện cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân vì đã khởi xướng cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ tháng 7 năm 1999.
Tôi tin rằng tương lai nhân quyền của Trung Quốc nằm ở thời điểm hiện nay, bởi vì tình thế đã thay đổi. Những người chống lại lịch sử sẽ phải đền tội, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao của quốc gia này.
— Tiến sĩ Shizhong Chen – Chủ tịch Quỹ Lương tâm và FGHRWG
“Tôi tin rằng tương lai nhân quyền của Trung Quốc nằm ở thời điểm hiện nay, bởi vì tình thế đã thay đổi”. Tiến sĩ Shizhong Chen phát biểu: “Những người chống lại lịch sử sẽ phải đền tội, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao của quốc gia này”.
Ông Greg Autry kêu gọi nhiều người hơn nữa nên quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc để hiểu ra rằng các vấn đề này cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
“Khi bạn thờ ơ đến sự đau khổ của người khác, thì bạn đã làm tổn hại đến sự chính trực của bản thân mình”, ông Autry cho biết. “Đồng thời, bạn cũng đang tự đẩy quyền lợi của mình vào tình thế rất nguy hiểm”.
Buổi hội thảo chuyên đề vào thứ Năm có sự tham dự của các thành viên chính quyền địa phương, sinh viên đại học, học sinh trung học. Rất nhiều người trong số họ chưa bao giờ biết đến các vấn đề được thảo luận.
Alex Raydan, một họ sinh lớp 12 của trường trung học Rancho Buena Vista đã tham dự sự kiện này với bạn bè của mình để kết nối việc sinh hoạt cộng đồng cho khóa học trong trường. Em cho biết mình đã học hỏi được rất nhiều và sự kiện này đã để lại trong lòng em một ấn tượng rất sâu sắc.
“Đây là lần đầu tiên tôi được nghe nói về [Pháp Luân Công], và tôi thực sự đã bị sốc vì mình đã không được biết sớm hơn. Bởi vì nó có vẻ như là một vấn đề rất quan trọng mang tính toàn cầu”, em nói. “Thực sự thì tôi thấy mình đã nhận được nhiều động lực hơn để nói lên một điều gì đó, hoặc mình sẽ bắt đầu hành động theo một cách nào đó mà có thể giúp được tình hình ở Trung Quốc”.