Tin tức chuyên ngành

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Những chuyện kỳ bí: Cây đa thần trấn yểm Đá Mặt Quỷ

Người dân làng Phú Hiệp (xã Tây Phú, H.Tây Sơn, Bình Định) tin rằng làng mình được các thần linh phù hộ, độ trì để đối chọi với thiên tai, bệnh tật.

Cụ Đặng Lang trước cây đa thần - Ảnh: Hoàng TrọngCụ Đặng Lang trước cây đa thần - Ảnh: Hoàng Trọng
Bạch hổ giúp người
Theo cụ Đặng Trang (82 tuổi, ở làng Phú Hiệp, xã Tây Phú), những câu chuyện tâm linh của làng Phú Hiệp do các thế hệ trước truyền lại đều liên quan đến núi Xà Kính, còn gọi là Kính Sơn. Tương truyền, khi mới lập làng Phú Hiệp, trên núi Xà Kính có nhiều hòn đá. Trong đó, hòn đá lớn nhất trên đỉnh núi có bề mặt quay về phía làng Phú Hiệp, tên là Đá Mặt Quỷ. Mặt đá có nhiều vết nứt, lồi lõm, trông như gương mặt người nhăn nheo, dữ tợn, ai nhìn cũng phải khiếp sợ. Hầu hết thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... ở làng Phú Hiệp đều bị người dân quy kết là do Đá Mặt Quỷ gây ra.
Vào một năm, sau đợt mưa lũ kéo dài 7 ngày 7 đêm khiến cả làng Phú Hiệp điêu đứng, mảnh đất hoang trong làng mọc lên một cây đa. Vài năm sau, cây đa lớn dần thì mọi người mới phát hiện ra sự hiện diện của nó. Thời điểm này, nhiều người bị ốm đau, điên dại trong làng bỗng dưng khỏi bệnh và thiên tai ngày càng ít dần. Từ đó, người làng Phú Hiệp tin rằng trời Phật đã thấu được lời cầu khẩn nên đã ban cho cây đa thần trấn yểm Đá Mặt Quỷ, bảo vệ sự bình yên cho người dân. “Không ai biết cây đa ở làng Phú Hiệp có từ bao giờ, thời ông nội chúng tôi đã thấy cây đa này to lớn và nổi tiếng linh thiêng rồi. Chí ít nó cũng đã trên 200 tuổi rồi”, cụ Trang nói.
Cụ Đặng Lang (79 tuổi), Trưởng ban Tín ngưỡng làng Phú Hiệp, cho biết ngoài cây đa thần, làng Phú Hiệp còn có miếu Ba Sứ cũng nổi tiếng linh thiêng. Tương truyền, ngôi miếu này được thế hệ đầu tiên đến khai hoang lập địa ở làng Phú Hiệp dựng lên để thờ thành hoàng, thổ địa... Ban đầu, ngôi miếu được dựng lên bằng tranh tre nứa lá, mặt quay về hướng tây, hướng chính diện với núi Xà Kính. Nhưng miếu mới dựng xong thì sáng hôm sau người làng phát hiện nó bị quay mặt sang hướng khác. Xung quanh miếu có nhiều dấu chân của 3 ông voi. Người làng Phú Hiệp cho rằng thần linh không muốn ngôi miếu đối mặt với Đá Mặt Quỷ nên sai 3 vị sứ giả là 3 ông voi xuống quay miếu sang hướng khác. Từ đó, ngôi miếu được đặt tên là miếu Ba Sứ.
Một thời gian sau, có ông cọp trắng từ đâu về trú ngụ. Ông cọp này hiền lành, không phá phách, không gây hại đến người làng. Thời ấy, làng Phú Hiệp thường xuyên bị thú dữ trên núi Xà Kính xuống phá phách hoa màu, đe dọa đến tính mạng nhưng từ khi có ông cọp trắng về ở miếu Ba Sứ thì thú dữ không quấy phá nữa. Khi ông cọp này chết, dân làng Phú Hiệp chôn cất, khấn xin ông cọp cái thủ (cái đầu) để thờ tại miếu. Từ đó, ngôi miếu trở nên linh thiêng, người trong làng đau ốm, bệnh tật đến cầu khấn. “Ngày nay, miếu Ba Sứ vẫn còn thờ xương đầu của ông cọp trắng này. Mỗi khi đau ốm, gặp khó khăn, người làng Phú Hiệp vẫn đến miếu Ba Sứ cầu xin thần linh phù hộ”, cụ Lang nói.
Nơi cư trú của trăn khổng lồ
Trong sách Nước non Bình Định, cố nhà thơ Quách Tấn viết rằng hòn Kính Sơn, tục gọi là Xà Kính, thường được nhắc trong văn chương vì là chủ sơn trong nhóm núi Bình Phú. Núi không cao nhưng dài và rộng, quần sơn bao bọc làm cho khí thế thêm hùng. Phía đông hòn Xà Kính có hòn Chóp Vàng, hình giống như kim tự tháp. Nằm sau hòn Xà Kính là núi Xà Cù có hình thù kỳ dị. Trên lưng núi Xà Cù có nhiều đá tảng chập chồng và nhiều hang hố chứa đầy rắn rít. Trăn, rắn trên núi Xà Cù rất lớn, có thể nuốt cả con bê, con nghé.
Cũng theo sách Nước non Bình Định, chừng năm 1922 hay 1923, vào khoảng tháng 10 âm lịch, trong khi nước lụt ngập cả đôi bờ sông Côn thì nghe đồn có rồng hiện nơi cây đa Bến Gỗ. Khi mọi người đến xem thì thấy một con vật kỳ lạ, mình rắn vảy bạc, đầu tua tủa như gạc nai đang quấn chặt rễ cây đa. Nếu có thêm bốn chân với móng vuốt và bộ râu xồm xoàm thì hệt con rồng vẽ trong các bức tranh và ở các vách đình miếu. Phần đông đều tin là rồng giáng hạ. Nhưng sự thật đó là một con trăn to lớn đang nuốt một con nai chưa hết trọn. Con trăn ở trên núi Xà Cù, bị nước lụt trôi xuống Đồng Sim rồi ra sông Côn. Đến Bến Gỗ, gặp rễ đa, liền bám lấy chờ nước rút mà trở về non.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Tây Phú, những câu chuyện liên quan đến thần linh, ma quái ở làng Phú Hiệp đều là giai thoại hoang đường được truyền miệng qua nhiều đời nên vẫn có người tin. Có thể khi mới lập làng, vùng đất Phú Hiệp là chốn rừng thiêng nước độc, thú dữ, rắn rít còn nhiều và con người thường gặp phải thiên tai, bệnh tật nên mới có những giai thoại như thế.
“Bây giờ, những chuyện truyền miệng về đa thần, Đá Mặt Quỷ, miếu Ba Sứ... vẫn được nhiều người kể lại cho người đời sau có thêm thắt vài phần thần bí, ly kỳ cho hấp dẫn. Khu vực xung quanh miếu Ba Sứ vẫn được tin là rất linh thiêng, người làng Phú Hiệp không ai dám đến đốn củi, xâm hại. Trước đây, có tin đồn vài người đến đốn cây cối xung quanh miếu Ba Sứ đều bị đau ốm. Do vậy, khu vực miếu Ba Sứ tọa lạc ở địa điểm hoang vắng, xa khu dân cư nhưng vẫn còn có nhiều cây cổ thụ quý”, ông Sơn nói.
Hoàng Trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét