Tin tức chuyên ngành

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Nóng bỏng tình hình ngân sách: Vay toàn tiền “đực” sao "đẻ" được tiền?

Nóng bỏng tình hình ngân sách: Vay toàn tiền “đực” sao "đẻ" được tiền?
Ảnh minh họa

Ngân sách, bài toán chi tiêu ngân sách và nợ công là những vấn đề đang “đốt nóng” nghị trường Quốc hội những ngày qua…

Ngay từ phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, nghị trường đã lập tức đã bị “đốt nóng” bởi chính báo cáo về tình hình ngân sách do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày.
Mặc dù thừa nhận còn nhiều khó khăn trong hoạt động thu chi ngân sách, đặc biệt do tác động của giá dầu giảm đã khiến ngân sách bị “bốc hơi” 63.000 tỷ đồng. Song theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, số thu ngân sách năm nay vẫn vượt dự toán khoảng 16,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm trước.
“Sốc” khi ngân sách không còn tiền để tiêu
Đặc biệt, tình hình thu chi ngân sách năm 2016 cũng được đánh giá là khả quan, với dự toán là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Bên cạnh đó, nợ công vẫn được xác định là trong giới hạn an toàn, khi đạt khoảng 61,3% GDP.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thì bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng trong cân đối ngân sách khi tốc độ tăng chi là 11%. Thực tế này đặt ra ngân sách trước sức ép tăng chi ngày càng lớn, đặc biệt là các khoản chi cho đầu tư, các khoản nợ đã tới hạn…
Trong đó, dư nợ vay của Chính phủ tính đến 31/12/2014 là là 1.866.004 tỷ đồng, gồm nợ trong nước là 1.017.305 tỷ đồng; nợ nước ngoài 850.699 tỷ đồng; nợ trái phiếu Chính phủ (TPCP) chiếm khoảng 30% tổng nợ của Chính phủ, đến hạn phải thanh toán khoảng 363.116 tỷ đồng; nợ ngân hàng chính sách và Ngân hàng Phát triển Việt Nam hơn 7.300 tỷ đồng…
Câu chuyện ngân sách càng trở nên “nóng bỏng” hơn khi trong phiên thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh “tiết lộ” con số gây sốc về tình hình ngân sách Trung ương. Theo Bộ trưởng, dự toán tăng thu ngân sách năm 2016 chỉ là “con số tính toán nghiệp vụ”, còn thực chất số thu ngân sách tuyệt đối “hụt” hơn.
Theo đó, Bộ trưởng Vinh tính toán, sau khi trừ ngân sách địa phương và các khoản khác, ngân sách Trung ương hiện nay rất mỏng, chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ gần như không còn có tiền để chi tiêu hay trả nợ, nên vấn đề cấp thiết là phải tái cơ cấu lại ngân sách.
Sốt ruột trước tình hình ngân sách, Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng điều đáng lo nhất là nước ta hàng chục năm đi vay, nhưng cuối cùng thu chỉ đủ chi thường xuyên, còn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng phải đi vay.
Đến nỗi, vị Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phải ví von hài hước: “Đi vay thì phải vay đồng tiền 'cái', đẻ ra được tiền. Còn ta toan vay toàn đồng tiền 'đực' nên không đẻ ra được. Nếu không giảm chi thường xuyên, thì sẽ không giải được bài toán nợ công”.
Cho rằng tỷ lệ vay nợ phục vụ đầu tư phát triển tương đối lớn, khi năm 2016 tăng lên 63%, Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) đề nghị: “Cần phải xe xét lại vấn đề này bởi chúng ta cần thiết phải vay để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng vay như thế nào và quản lý nguồn vay này ra sao là rất đáng quan tâm vì Chính phủ phải các khoản nợ này”.
"Sốt ruột" tham nhũng đầu tư công
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thì cho rằng vấn đề đáng quan tâm nhất của nợ công là hiệu quả quản lý nợ công. Hiện nợ công chủ yếu là dùng cho đầu tư công, song do tình trạng tham nhũng nên vốn không được sử dụng hiệu quả, đội vốn các dự án.
Dẫn chứng từ ngành dầu khí, đại biểu Phạm Mạnh Thường (Thái Bình) cho rằng trong những năm gần đây vốn đầu tư cho ngành dầu khí rất lớn, kéo dài trong nhiều năm nhưng hiệu quả đến đâu thì Chính phủ phải có báo cáo cụ thể với Quốc hội về vấn đề này.
Bởi việc chi tiêu ngân sách, dùng vốn cho đầu tư phát triển và nợ công là những vấn đề mà những người dân thực sự lo lắng, khi mà Quốc hội khóa XII thông báo tỷ lệ nợ công trên 50% đã là nguy hiểm, giờ nhảy lên mức 61,3% nên “không thể yên tâm”.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu – ông Bùi Đức Thụ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội), chỉ rõ thực tế là năm 2016, tỷ trọng bội chi ngân sách có giảm so với 2015 nhưng số tuyệt đối lại tăng từ 226.000 tỷ đồng năm lên 254.000 tỷ.
Thêm vào đó, năm 2015 trả nợ chỉ được 150.000 tỷ nhưng lại vay bội chi ngân sách 226.000 tỷ đồng và vay trái phiếu Chính phủ 85.000 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng trả được.
Trước tình hình ngân sách căng thẳng, Chính phủ đã đề xuất sử dụng 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước để đưa vào ngân sách, đồng thời phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ.
Song nhiều đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra khá lo ngại về những đề xuất này, khi cho rằng đồng vốn, tài sản của Nhà nước có thể bị mất đi và phương án vay vốn để đảo nợ có thể dẫn đến nhiều rủi ro.
An Ngọc
Theo Trí thức trẻ

TIN MỚI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét