Diễn đàn Bình Luận Đạo Đức Xưa và Nay là cái nhìn của Ban biên tập Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên vào những vấn đề đạo đức và quan niệm sống trong xã hội Việt Nam hiện đại, cùng độc giả suy ngẫm, hy vọng và đề xuất giải pháp…
Có một câu chuyện scandal tình tay ba gần đây của một ca sĩ nổi tiếng với một đại gia chuyên kinh doanh đồ quốc cấm như sừng tê giác, ngà voi, kim cương.
Trong một bức ảnh là nữ ca sĩ với vẻ mặt hân hoan và những chiếc nhẫn kim cương được cho là có trị giá nhiều chục tỷ trên tay. Trái với vẻ mặt hân hoan đó, là những luồng dư luận cả của người trong và ngoài cuộc khiển trách cô tơi bời vì phạm luật hôn nhân gia đình và đạo đức làm người…
Đại gia của cô cũng là người sở hữu chiếc siêu xe Porsche «biển số độc» đã từng gây ồn ào cả nước khi chiếc xe bị dừng «kiểm tra hành chính».
Khi đó đại gia «phú quý» này xuống xe với vẻ mặt không vui. Trong lúc nhiều phóng viên đứng gần đó tác nghiệp, đại gia đã cáu gắt ném chiếc bật lửa Zippo vào mặt nữ phóng viên Báo Đời sống & Pháp luật. Cú ném trời giáng này đã làm cho cô phóng viên buông tay, rơi vỡ máy ảnh. Sự việc được nhiều trang báo cả nước loan tải.
Phú quý sao ngày nay không đi kèm lễ nghĩa? Nếu phú quý đi được kèm lễ nghĩa, có phải phú quý mới thực sự là phú quý hay chăng?
Nếu chiếc nhẫn kim cương lại đi kèm sự đoan trang đức hạnh có phải mới thực sự là phú quý chăng?
Nếu đại gia bước ra từ chiếc xe siêu sang Porsche mà hành động được như một «gentleman» quân tử, thì chẳng phải phú quý sẽ càng nhận thêm được muôn phần kính nể?
Đó là câu chuyện về phú quý và lễ nghĩa của ngày nay….
Ngày xưa lễ nghĩa đi trước …
Nhưng nếu nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như Trung Quốc hay Nhật Bản trong các triều đại, dù khi đời sống vật chất đủ đầy hay thiếu thốn, thì lễ nghĩa luôn được đặt lên đầu. Gặp nhau chắp tay khấu đầu, với phụ nữ luôn cung kính giữ khoảng cách, học trò đứng khoanh tay nghe giáo huấn của thầy, phu thê kính lạy trời đất, tổ tiên-cha mẹ và giao bái trước khi chính thức thành thân… Lễ nghĩa này quyết không phải từ giàu có mà sinh ra, cũng quyết không phải vì nghèo khó mà chiếu lệ. Khổng Phu Tử vì bá tánh mà mở trường dạy học, ông nói: “Chỉ cần tự mình dâng lên một xâu thịt khô làm lễ xin học, thì ta chưa từng bao giờ từ chối ai làm học trò của ta.” Điều này chứng tỏ, cái “lễ” kia không đo đếm bằng giá trị vật chất, mà là để tỏ rõ cái nghĩa, ở đây là nghĩa sư đồ.
Một câu chuyện ngày xưa minh chứng lễ nghĩa đi trước phú quý…
Vào triều Chu, có một nông dân tên là Khích Khuyết sống ở nước Tấn. Khích Khuyết chung sống với vợ rất hòa thuận, họ tôn trọng lẫn nhau như hồi mới quen biết (tương kính như tân). Một ngày nọ, vợ của Khích Khuyết mang thức ăn ra cánh đồng nơi chồng đang làm việc. Người vợ lễ phép đưa thức ăn cho anh bằng cả hai tay, Khích Khuyết cũng không kém phần cung kính chìa hai tay ra nhận thức ăn.
Ngay lúc đó, một vị quan triều đình tên Cửu Quý đi ngang qua và rất cảm phục khi nhìn thấy cảnh tượng ấy. Cửu Quý liền bái kiến vua nước Tấn là Tấn Văn Công và hết lời khen ngợi Khích Khuyết trước mặt nhà vua, ông còn tiến cử Khích Khuyết làm đại tướng quân thống lĩnh toàn bộ quân đội của quốc gia. Khi Tấn Văn Công hỏi nguyên do, Cửu Quý đáp: “Tâu Bệ Hạ, Khích Khuyết rất mực tôn trọng người khác, kể cả vợ của mình. Biết tôn kính người khác là biểu hiện quan trọng nhất của một người đoan chính; chúng ta nhất định phải trọng dụng người này.”
Những diễn biến sau đó đã chứng minh Cửu Quý nói đúng. Sau khi Khích Khuyết được phong chức vị đứng đầu đại quân nước Tấn, đã qua tác phong chính trực mà thu phục được lòng người; Khích Khuyết còn chứng tỏ bản thân là một nhà chiến lược quân sự tài ba, và cũng là một chiến binh dũng cảm phi thường. Trong trận chiến chống lại ngoại bang ở gần nơi gọi là Ký Châu, Khích Khuyết đã lãnh đạo quân sĩ bắt sống vua của ngoại bang và lập công lớn với triều đình.
Kết quả là Khích Khuyết được ban thưởng hậu hĩnh, được cấp cho rất nhiều đất đai ở quanh Ký Châu.
Lữ Khôn, học giả trứ danh ở triều Minh, thuyết rằng: “Một cặp vợ chồng nhìn thấy nhau mỗi ngày và hiểu quá rõ về nhau. Thế nhưng vợ chồng Khích Khuyết vẫn đối đãi với nhau bằng sự tôn kính chân thành ngay cả khi họ cùng ăn với nhau ba bữa một ngày. Một danh nhân xưa đã từng nói‘ “Hôn nhân sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có sự tôn trọng dành cho nhau. Khi gia đình xảy ra bất hòa, nguyên nhân luôn bắt nguồn từ việc không tuân theo lời răn dạy của cổ nhân, rằng vợ chồng phải tôn trọng lẫn nhau.”
Ngày nay lễ đong đếm nặng nhẹ dày mỏng…
Trong xã hội hiện nay, “lễ” ngược lại được đong đếm nặng nhẹ dày mỏng. Hãy nhìn chiếc nhẫn kim cương được cho là trị giá 21 tỷ kia trên tay nữ ca sĩ, cấp dưới “lễ” cấp trên để được ân huệ và lợi lộc, phụ huynh học sinh “lễ” thầy cô giáo để con em mình được quan tâm, bệnh nhân “lễ” bác sỹ để được đối xử tận tình… Vì thế, “lễ” càng nhiều thì lợi càng lớn, nó đã thoái hóa biến chất không hơn gì một giao dịch thị trường. “Lễ nghĩa” đôi khi còn được hiểu là cúng bái đền chùa, là lễ kỷ niệm, nhân dịp ăn chơi chúc mừng. Tiền bạc rủng rỉnh một chút, nhiều người quả thật làm lễ giải hạn càng to, càng quan tâm hơn đến sinh nhật, “Ngày Phụ nữ”, “Tết Thiếu nhi”… và trong các dịp này thì tổ chức ăn uống vui chơi tốn kém. Nếu là “lễ” này, thì câu nói “phú quý sinh lễ nghĩa” chẳng hề sai.
Ngày nay lễ nghĩa lại là xa xỉ phẩm…
Nói “phú quý sinh lễ nghĩa” chính là ngầm công nhận cơm ăn áo mặc (phú quý) là nhu cầu cơ bản cần thiết, còn “lễ nghĩa” là xa xỉ phẩm phát sinh sau. Nói cách khác, phải lo làm giàu trước đã, chuyện lễ nghĩa để sau hãy bàn. Điều này đúng cho các thứ ngụy lễ nghĩa đề cập ở trên, còn lễ nghĩa chân chính thì hoàn toàn ngược lại. Con người sở dĩ cao quý là bởi có đạo đức, không có nhân nghĩa đạo đức thì con người dầu cơm áo phủ phê cũng không hơn gì con vật. Lễ nghĩa chính là nhu cầu trọng yếu cơ bản, còn đời sống vật chất vốn chỉ xếp sau.
Đức Khổng Tử một đời thanh đạm, ông nói: “Ăn cơm gạo thô, uống nước lã, khi ngủ co cánh tay mà gối đầu, niềm vui cũng ở trong đó rồi. Còn như dùng phương pháp không chính đáng để đạt được giàu có và phú quý, ta coi như đám mây trôi vậy”.
«Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín» là tiêu chuẩn làm người căn bản của cổ nhân, trong đó «Lễ» được xem là quy phạm đạo đức và hành vi mà qua đó con người có thể phân biệt Thiện-Ác, thị phi, nên và không nên làm. “Nghĩa” lại là nguồn gốc của “Lễ”. Khổng Tử cho rằng chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị bằng lễ nghĩa và đạo đức, chứ không phải bằng vũ lực và mua chuộc: “Dùng mệnh lệnh, pháp luật để dẫn dắt chỉ đạo dân, dùng hình phạt để quản lý dân, làm như vây tuy có giảm được phạm pháp, nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ, sỉ nhục. Dùng đạo đức để hướng dẫn chỉ đạo dân, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân, làm như vậy chẳng những dân hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội, mà còn cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ mặt tư tưởng.” (Tứ Thư – Luận Ngữ).
Kết
Ngày nay, “lễ nghĩa” dẫn đến cảnh dẫm đạp lên nhau mà cướp ấn đền Trần, cảnh tượng Phật Di Lặc ngập trong tiền lẻ, các pho tượng La Hán trong chùa Bái Đính và đầu rùa Văn Miếu Quốc Tử Giám đen bóng vì vết tay người xoa lên lấy lộc. Nếu nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, thì lễ nghĩa của thời nay hẳn phải rất cao, cao hơn ngày xưa nhiều lắm. Ấy vậy mà, xả rác bừa bãi, ăn tục nói phét, ngoại tình, mại dâm, con cái bất hiếu… lại trở thành vấn nạn của toàn xã hội.
Điều này chứng tỏ nội hàm chân thực và thánh thiện của lễ nghĩa đã bị bóp méo rồi. Nếu cá nhân cứ tiếp tục làm giàu bất chấp thủ đoạn, đất nước cứ tiếp tục coi phát triển kinh tế là ưu tiên số một mà hy sinh các phương diện khác, lừa phỉnh bản thân và người khác rằng phú quý rồi sẽ sinh lễ nghĩa, thì e rằng đạo đức lễ nghĩa chân chính sẽ tiêu vong. Từ xưa đến nay, sự diệt vong của một triều đại, của một nền văn minh thường được báo trước bởi sự băng hoại về đạo đức và lễ nghĩa.
Mã Lương – Hà Phương
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét