“Nếu đúng như vậy, chúng tôi khuyên Mỹ nên suy nghĩ lại trước khi hành động, không hành động một cách mù quáng hoặc gây rắc rối”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Bộ trưởng Vương Nghị.
Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói rằng, khái niệm tự do hàng hải không nên được sử dụng làm cái cớ cho việc khoe sức mạnh cơ bắp và làm suy yếu an ninh, chủ quyền của các nước khác.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, ông Chu Hải Toàn cũng nhấn mạnh, Mỹ cần "kiềm chế không nói hoặc làm gì khiêu khích, và cần hành động có trách nhiệm để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực".
Hôm 26.10, Mỹ đã cử một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường thách thức các giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc đòi hỏi xung quanh các đảo nhân tạo trên Biển Đông. 
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng tàu USS Lassen đã có mặt gần các đá Xu Bi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc bắt đầu cấp tập xây các đảo nhân tạo từ 2014.

(Quốc tế) - Trao đổi với Zing.vn, tướng Lê Văn Cương và cựu đại sứ Nguyễn Ngọc Trường đều khẳng định Mỹ điều tàu tới vùng 12 hải lý để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ. Ảnh: navsource
Tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ. Ảnh: navsource
– Ông đánh giá như thế nào về việc Hải quân Mỹ điều tàu vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Biển Đông?
– Thiếu tướng Lê Văn Cươngnguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an:
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các quốc gia chỉ được phép hình thành “vùng an toàn” 500 m tính từ bờ biển. Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây không có quyền xác định vùng 12 hải lý. Do đó, việc Mỹ quyết định đưa tàu khu trục vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế.
Cần khẳng định rằng Trung Quốc không có chủ quyền ở bất kỳ đảo nào ở Hoàng Sa và Trường Sa. Hoạt động xây dựng, cải tạo trái phép của Bắc Kinh tại đá Chữ Thập, Gạc Ma hay Xu bi vi phạm UNCLOS năm 1982. Việc Mỹ điều tàu tới khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông là nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này.
– Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu đại sứ Việt Nam tại 5 nước, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD):
Hoạt động tuần tra của khu trục hạm cho thấy Mỹ không tin vào điều Trung Quốc nói, cụ thể là tuyên bố “không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông” mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng phát biểu khi tới Mỹ hồi tháng 9.
Thứ hai, động thái của Mỹ nhằm thách thức hành vi trái phép của Trung Quốc và khẳng định giới hạn 500 m chứ không phải 12 hải lý của các đảo nhân tạo. Washington đồng thời khẳng định Mỹ có quyền qua lại các tuyến đường biển quốc tế vào bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, Mỹ chọn địa điểm tuần tra rất “khôn khéo”. Đó là bãi nửa nổi nửa chìm, không có quy chế đảo. Washington cũng “đánh động” dư luận về kế hoạch tuần tra quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây từ nhiều tuần nay.
Nếu Mỹ không hành động ngay lúc này, mọi chuyện sẽ trở nên quá muộn. Trung Quốc sẽ quân sự hóa 7 đảo ở Trường Sa để từ đó khống chế các tuyến đường biển qua Biển Đông, gây sức ép lên các nước cùng tuyên bố chủ quyền.
– Trung Quốc từng mạnh miệng tuyên bố “sẽ không tha thứ cho hành vi vi phạm vùng lãnh hải và không phận mà nước này tự cho là chủ quyền ở Trường Sa”. Ông dự đoán Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao trước động thái từ Mỹ?
- Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng nếu Mỹ kiên quyết và các hành động của họ đủ sức răn đe, Trung Quốc sẽ chỉ dám phản ứng phòng ngự là chủ yếu. Bắc Kinh có thể phái chục tàu (hải giám hay tàu chiến) để bao vây tàu Mỹ hoặc bắc loa kêu gọi.
Trường hợp Washington “chậm chừng”, Bắc Kinh sẽ lấn tới bởi phương thức từ trước tới nay của họ luôn là “mềm nắn rắn buông”.
- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường: Cũng như một số lần đối đầu trước đó trên Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc sẽ giảng hòa và xuống thang. Đặc biệt, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Philippines diễn ra vào tháng 11 tới, như nhiều lần trước đó, Bắc Kinh sẽ hạ giọng. Một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ không xảy ra.
– Theo ông, các đồng minh như Nhật Bản, Australia và Philippines có tác động như thế nào tới hoạt động của Mỹ nhằm kiềm chế hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông?
– Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Australia, Nhật Bản và Philippines phản ứng đồng thời, cùng nhất trí với Mỹ về vấn đề Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc không dám làm gì. Trung Quốc không dám đụng vào bộ 3 Australia, Nhật Bản và Philippines bởi nếu Bắc Kinh gây sự, đó chính là lúc họ “tự sát”.
– Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường: Khi đồng minh của Mỹ ở châu Á đồng thuận và ủng hộ việc Washington tuần tra ở Biển Đông sẽ thúc đẩy một giải pháp tự do hàng hải giữa các bên về hoạt động ở vùng biển nhộn nhịp này. Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải, ủng hộ các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và nguyên trạng Biển Đông. Việt Nam ghi nhận việc Mỹ tuyên bố hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế. Mỹ hành động như vậy có lợi cho Việt Nam và các nước liên quan, Việt Nam cũng sẽ có quyền tự do qua lại giữa các đảo, tiếp tế và bảo vệ các vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.
(Theo Tri Thức)