Xem thêm:
Tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư chung sức xây dựng hàng loạt tuyến đường trọng điểm để phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Như Infonet đã đưa tin, ngày 1/11/2015, thành phố Móng Cái sẽ tổ chức "Hội nghị công bố các Quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và xúc tiến đầu tư” để kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu lớn nhất của cả nước này.
Theo đại diện Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh tại hội nghị này sẽ có 40 danh mục dự án được kêu gọi đầu tư vào KKTCK Móng Cái trong thời gian từ nay đến năm 2020.
Infonet giới thiệu hàng loạt dự án giao thông trọng điểm Quảng Ninh sẽ triển khai trong thời gian tới.
Dự án đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái (đoạn Tiên Yên - Móng Cái). Tuyến cao tốc này đi qua các địa phương: Huyện Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Dự án có điểm đầu tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên. Điểm cuối nối với dự án đường dẫn cầu Bắc Luân II, thành phố Móng Cái.
Về quy mô đây là đường cao tốc loại A, quy mô 4-6 làn xe, vận tốc thiết kế 80-120 km/h; tổng chiều dài tuyến khoảng 57,2km; tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 12.600 tỷ đồng; hình thức đầu tư: PPP, ODA. Về tiến độ thực hiện, dự án sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2020.
Việc xây dựng tuyến đường này được Quảng Ninh kỳ vọng sẽ kết nối giao thông trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng như vùng Duyên Hải Bắc Bộ, phát huy các lợi thế kinh tế về cửa khẩu, cảng biển, sân bay trong khu vực.
Quảng Ninh sắp xây dựng hàng loạt tuyến đường trọng điểm trong khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. (Ảnh minh họa)
Dự án đường dẫn cầu Bắc Luân 2 tại phường Hải Hòa – thành phố Móng Cái. Dự án có tổng chiều dài 3,5km, quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế 80km/h; tổng vốn đầu tư dự kiến 1000 tỷ đồng; hình thức đầu tư: PPP, BOT, BT, 100% vốn nhà đầu tư. Dự án dự kiến sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2017.
Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng cầu Bắc Luân 2 sẽ giúp hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được duyệt, thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), kết nối giao thông liên vùng trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ninh, cũng như vùng kinh tế trọng điểm Vịnh  Bắc Bộ.
Đặc biệt, dự án sẽ giúp kết nối giữa cầu Bắc Luân II đang xây dựng với đường Tỉnh lộ 335, hoàn thiện hạ tầng nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc; kết nối hạ tầng với khu hợp tác kinh tế biên giới.
Dự án đường bộ ven biển Hải Hà - Móng Cái tại huyện Hải Hà - thành phố Móng Cái. Tuyến đường này có chiều dài 36,4km, quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp II đồng bằng, mặt cắt đường 28,5m. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.700 tỷ đồng. Hình thức đầu tư: PPP, 100% vốn nhà đầu tư. Tiến độ dự án: Năm 2015 - 2020
Mục tiêu xây dựng tuyến đường nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được duyệt, kết nối giao thông trong địa bàn Khu KTCK Móng Cái thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội giao lưu thương mại, du lịch.
Kết nối giữa khu Công nghiệp cảng biển Hải Hà với Móng Cái, hoàn thiện hạ tầng nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, mở rộng phát triển không gian đô thị hai bên tuyến đường.
 Dự án đường bộ ven biển Trà Cổ - Bình Ngọc. Dự án có điểm đầu từ Mũi Sa Vĩ phường Trà Cổ đến điểm cuối Mũi Ngọc phường Bình Ngọc, thành phố Móng Cái có chiều dài 17 Km, mặt cắt đường 24,5m.
Tổng vốn đầu tư dự kiến 480 tỷ đồng. Hình thức đầu tư: PPP, 100% vốn nhà đầu tư. Dự kiến tiến độ dự án sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2020.
Việc xây dựng tuyến đường nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt, thúc đẩy phát triển, khai thác tiềm năng du lịch khu vực ven biển Trà Cổ - Bình Ngọc. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng giao thông nâng cao khả năng kết nối khu vực Trà Cổ, Bình Ngọc với thành phố Móng Cái; cải thiện hạ tầng và thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch; cung ứng dịch vụ nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch khu vực ven biển Trà Cổ - Bình Ngọc...
Vạn Xuân
( Infonet)

'Hải đăng Trung Quốc vừa hoàn thành là bẫy pháp lý'

Hồng Duy thực hiện | 11/10/2015 10:12
'Hải đăng Trung Quốc vừa hoàn thành là bẫy pháp lý'
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: Tuổi Trẻ

Đây là nhận định của ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, trong cuộc trao đổi với Zing.vn về hai hải đăng Trung Quốc vừa hoàn thành trên đá Châu Viên.

- Trung Quốc vừa hoàn thành hai hải đăng trên đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Bắc Kinh?
- Việc Trung Quốc công bố hoàn thành xây dựng hai hải đăng trên quần đảo Trương Sa của Việt Nam nằm trong tính toán của Bắc Kinh.
Họ tiến hành các việc tương tự từ rất lâu. Trung Quốc cũng xây nhiều công trình trên 7 đảo và rạn san hô mà nước này bồi lấp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chúng đều nằm trong tính toán kỹ lưỡng của Bắc Kinh.
Thứ nhất, Trung Quốc dùng các công trình dân sự để đăng ký với các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm sự thừa nhận chủ quyền. Hải đăng là một ví dụ cụ thể.
Nếu các tổ chức hàng hải quốc tế ghi nhận vai trò của chúng trong việc đảm bảo giao thương đường biển thì Bắc Kinh đã đạt được mục đích.
Thứ hai, những công trình dân sự này còn phục vụ kế hoạch tuyên truyền của Bắc Kinh. Họ muốn thế giới thấy rằng việc bồi lấp các đảo chỉ đáp ứng các mục tiêu dân sự và đi lại trên biển.
Trung Quốc cũng kêu gọi các quốc gia khác sử dụng những công trình này để họ gián tiếp thừa nhận yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh.
- Ông chỉ rõ sự phi pháp của hai ngọn hải đăng và những công trình khác Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông?
- Đây là sự vi phạm rõ ràng. Thứ nhất, chúng được xây trên lãnh thổ Việt Nam.
Chiếu theo luật pháp quốc tế, việc Trung Quốc đánh chiếm, bồi lấp để biến những bãi cạn thành đảo nhân tạo và xây dựng các công trình trên đó là sự vi phạm không thể chối cãi.
Thế giới không chấp thuận các hoạt động xây dựng trên lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền khi chưa được phép.
Ngoài ra, điều 4, điều 5 Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nêu rõ các bên không làm thay đổi hiện trạng trên biển và “thực hiện việc kiềm chế các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”.
Trung Quốc đã ký kết văn kiện này cùng các thành viên ASEAN ngày 4/11/2002 và có trách nhiệm phải tuân thủ nó.
Trên thực tế, các ngọn hải đăng của Trung Quốc có thể giúp đảm bảo giao thương đường biển, tránh va chạm giữa các tàu.
Tuy nhiên, đằng sau đó là một âm mưu được tính toán kỹ lưỡng. Nó chính là cái bẫy pháp lý mà Trung Quốc đặt ra để giành sự công nhận của quốc tế với yêu sách chủ quyền.
- Việt Nam cần phải làm gì để đối phó với những động thái của Trung Quốc?
- Theo tôi, Việt Nam cần lên tiếng phản đối để cảnh báo cho thế giới về mưu toan của Bắc Kinh.
Nếu chúng ta không phản đối, các tổ chức quốc tế có thể thừa nhận công trình của Trung Quốc vì lý do khoa học, kinh tế và đảm bảo giao thương hàng hải, qua đó gián tiếp thừa nhận yêu sách lãnh thổ phi pháp của Bắc Kinh.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc dùng cách thức này để đoạt được yêu sách lãnh thổ.
Trong quá khứ, Bắc Kinh từng đăng ký với Tổ chức Hàng hải Quốc tế về số hiệu hải đăng, các trạm khí tượng hoặc công trình đo mực nước biển và nhiều trong số đó đã được thừa nhận. Hiện nay, Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện phương thức này.
Tôi xin nhấn mạnh, chúng ta phải có tiếng nói phản đối mạnh mẽ với các động thái của Bắc Kinh.
theo zing.vn