Tin tức chuyên ngành

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

TPP : Bao vây kinh tế Trung cộng

TPP, BTA, thương mại, Việt Mỹ, WTO

Thế là sau 5 năm vận động, 20 lần họp thương lượng, đại diện 12 nước trải rộng từ Úc, New Zealand, Nhật Bản, qua Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, sang Canada, Mỹ, Mexico, Chile, Peru, ở hai bên bờ đông và tây Thái Bình Dương, ngày 5/10 đã hoàn thành sơ bộ hiệp ước Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP), do Mỹ chủ trương. Gọi là sơ bộ vì Hành Pháp các nước thành viên còn phải trình Quốc Hội mỗi nước để phê chuẩn hiệp ước mới thành luật pháp của các nước tham gia. Nếu có khó khăn là ở Mỹ vì Cộng Hoà đối lập đang kiểm soát Quốc Hội Mỹ. Nhưng Quốc Hội đã đồng ý với Hành Pháp sẽ thảo luận biểu quyết trọn gói hiệp ước, chớ không từng điều nên khó có thể dùng kỹ thuật kéo dài lê thê. Vã lại mở rộng ngoại thương là đường lối cố hữu của Cộng Hoà. Còn Dân Chủ thì chỉ chống TPP làm chảy máu việc làm của Mỹ. Nên người ta nghĩ Quốc Hội lưỡng viện sẽ phê chuẩn hiệp ước này. Có thể nói đây là một thành tích lớn trong đời làm tổng thống của TT Obama.

Dư luận nói chung trên thế giới tỏ ra vui mừng trước sự ra đời của một hiệp ước bao gồm 40% nền kinh tế toàn cầu, tương đương gần 30 ngàn tỷ đô la.

Trừ Trung Cộng đệ nhị siêu cường kinh tế không được mời tham gia, nhưng VN hiện nằm trong chế độ CS vẫn có mặt ngay từ đầu và là một thành viên tích cực.

TC bị TPP cho ra rìa. Các nước Á châu Thái bình dương không nói ra, nhưng đa số ngầm hiểu TPP là một hình thức bao vây kinh tế TC song song với chiến lược của Mỹ chuyển trục quân sự sang Á Châu Thái bình dương. Và TC cũng không phải tay vừa, đã đối phó với Mỹ bằng chiến lược mở Con Đường Tơ Lụa Trên Biển và Ngân hàng Phát triển Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) của Trung Quốc được nhiều nước Tây Phương đồng minh của Mỹ như Anh tham dự.

Theo Financial Times nhận định, Hiệp ước này là một hiệp ước thương mại lớn nhất trong suốt 20 năm qua. Và đây là một thắng lợi lớn về kinh tế chánh trị của Mỹ và Nhựt khi Mỹ chuyển trục quân sự về Á Châu Thái Binh Dương trước đối thủ đang gờm là TC đang bành trướng xâm lấn biển đảo của các nước láng giềng và quân sự hoá Biển Đông gây mất ổn định, an ninh, hoà binh và tự do hàng hải và hàng không.

Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp bình luận cho đây là «Một hiệp định thương mại lịch sử giữa Châu Mỹ và Châu Á», một thành công lớn của Tổng thống Obama

TPP sẽ tạo ra một khu vực kinh tế Thái Bình Dương mới, giảm những rào cản thương mại liên quan đến toàn bộ hàng hóa và thiết lập những tiêu chuẩn và quy định mới về đầu tư, môi trường kinh doanh và lao động trong khu vực.

Tổng thống Barack Obama phát biểu: «95% khách hàng tiềm năng của chúng ta nằm ở nước ngoài. Chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc thảo ra các đạo luật của nền kinh tế thế giới».

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tuyên bố «một vùng kinh tế lớn sẽ nổi lên (...), TPP sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta sung túc hơn… Một thế kỷ mới đang bắt đầu cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.»

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng nhiệt liệt hoan nghênh TPP, nhận định, đây là «một viên đá khổng lồ đầu tiên cho sự thịnh vượng tương lai của chúng ta.»

Còn “Việt Nam thắng lớn, Trung Quốc thua đau” theo tựa một tin phân tích của đài RFI của Pháp ngày 06-10-2015. Đó cũng là câu trả lời của hãng tin Mỹ Bloomberg đưa ra hôm nay: Được lợi nhiều nhất là Việt Nam, trong khi bị thua thiệt nhiều nhất lại là Trung Quốc, một nước không được mời gia nhập khối TPP.

Theo Bloomberg, Nhựt bổn và Việt Nam nằm trong danh sách các nước được hưởng lợi nhiều nhất với hiệp định TPP. GDP của VN có thể tăng 11% và xuất cảng tăng 28%. Các công ty xí nghiệp của các nước dời cơ sở sản xuất về VN, khai thác mức lương VN còn thấp so với các nước.

Mặt hàng thủy hải sản và dệt may, giày vớ do bàn tay thủ công khéo léo và cần cù của công nhân VN vốn là mặt hàng mũi nhọn xuất cảng sang hai thị trường Âu, Mỹ lớn nhứt lâu nay. TPP làm Nhựt và Mỹ giảm thuế nhập cảng làm cho mũi nhọn xuất cảng này của VN sẽ tăng lớn hơn, nhanh hơn, mạnh hơn.

Thủy hải sản của Việt Nam cũng thế sẽ xuất mạnh và nhiều hơn, lợi hơn nhờ TPP bãi bỏ thuế nhập cảng đang đánh vào các sản phẩm như tôm, mực và cá ngừ, hiện đang ở khoảng 6,4% - 7,2%.

TPP cũng bỏ thuế nhập cảng (hiện ở khoảng 2,5%) đánh trên dược phẩm, và bảo vệ bằng sáng chế rất chặt chẽ, các công ty dược phẩm Việt Nam phải phấn đấu vươn lên nếu không sẽ bị đào thải vì yếu cạnh tranh. Nhưng người dân Việt có lợi được hưởng thuốc thiệt đúng liều lượng, tiêu chuẩn quốc tế và giá rẻ hơn, không bị các quốc doanh của chế độ độc quyền làm giá.

TPP qui định chế độ lao động, công nhân phải được quyền thành lập nghiệp đoàn của công nhân để bảo vệ quyền lợi và tranh đấu cho công nhân. Điều này trái với định chế “công đoàn” của CSVN vốn do đảng cử đảng viên nắm vai trò lãnh đạo để kiểm soát công nhân nên Hà nội cù cưa cù nhằn không chịu để rồi sau cùng hội nghị dành cho Hà nội 5 năm chuẩn bị theo qui chế chung của nghiệp đoàn.

Vấn đề đặt ra, là con đường TPP 12 nước cùng VN vạch ra, liệu có giúp CSVN có thoát Trung được không. Nếu CSVN thực tâm muốn là được vì TPP giúp cho VN một tiềm lực kinh tế, chánh trị, nội ngoại thương do VN tự chọn, lớn hơn của TC nhiều. VN phải phấn đấu vươn lên vũng lầy kinh tế do TC đã khống chế lâu nay. Kinh tế Việt Nam sau nhiều năm đi sát TC, quá lệ thuộc kinh tế TC. VN nhập của TC quá nhiều mà xuất sang TC rất ít. Hầu như VN gia công và xuất cảng qua Âu Mỹ dùm cho TC. Các công trình khai thác, xây cất, sản xuất những sản phẩm sinh mạng quốc gia như điện, nước, khai thác tài nguyên, xuất nhập cảng là do nhà thầu Trung Quốc, vốn của các công ty TQ đảm nhận. Nếu VN không có đủ cương quyết và khéo léo vận dụng nhân tài vật lực của các nước trong TPP; nếu VN không quyết tâm cứ để Trung Quốc lập ra luật lệ về thương mại như lời TT Obama nói, thì TC có thể mượn đầu heo TPP của VN để nấu cháo cho TC ăn. TC đưa hàng hay nguyên liệu hay vốn qua VN sản xuất, dán nhãn hiệu “made in VN” để được hưởng những ưu đãi bớt hay không của TPP vào thị trường của TPP thì VN lại càng lệ thuộc TC hơn nữa.

Với TPP, TC chắc chắn sẽ bị định mức thuế cao, hàng hoá mắc hơn, mất một số xuất cảng rất lớn, một số thị phần ở thị trường Mỹ và Nhật Bản vào tay các nước Đông Nam Á trong TPP, đặc biệt là Việt Nam./.

Vi Anh

(Việt Báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét