Tin tức chuyên ngành

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Trung Quốc nói phát hiện 'di tích tôn giáo' ở vùng Biển Đông

(TNO) Trung Quốc nói rằng nước này phát hiện nhiều “di tích tôn giáo” (?) ở khu vực đảo tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên chưa có cơ quan nào xác thực những phát hiện này.

Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: ReutersQuần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Tân Hoa Xã hôm 28.10 cho biết một nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Tôn giáo thế giới và Học viện khoa học xã hội Trung Quốc đã "phát hiện" một số di tích tôn giáo mà theo nhà nghiên cứu này là của người Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông.
Tân Hoa Xã nói rằng ông Chen Jinguo đã mất 4 năm để nghiên cứu và đã thu thập được những tài liệu lịch sử, những phát hiện khảo cổ cùng 50 hình ảnh. Từ những phát hiện này, nhà nghiên cứu Chen cho rằng người Trung Quốc đã từng xuất hiện và xây dựng nhiều di tích tôn giáo trên các đảo ở Biển Đông (?).
Ông Chen xem đó là những “bằng chứng” xác lập chủ quyền của Bắc Kinh trên các đảo, theo Tân Hoa Xã.
Tuy nhiên, theo bài báo, không rõ những phát hiện, chứng cứ lịch sử nói rằng người Trung Quốc xây dựng di tích tôn giáo là gì và những công trình tôn giáo xây dựng trên các đảo mà Trung Quốc tự nhận thuộc chủ quyền của mình gồm những công trình nào.
Tờ báo cũng không nói những phát hiện đó được tìm thấy trên những đảo nào trong số những đảo, quần đảo đang tranh chấp, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và một số đảo chìm ở Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đoạt từ Việt Nam.
Thay vào đó, ông Chen nói rằng những công trình tôn giáo của Trung Quốc từng tồn tại ở những hòn đảo thuộc vùng Biển Đông và “một vài nước đã phá hủy chúng để thay thế bằng cấu trúc tôn giáo của mình”, Tân Hoa Xã viết tiếp.
Tân Hoa Xã dẫn chứng một trường hợp cho rằng đảo của Trung Quốc bị nước khác chiếm. Đó là quần đảo Đông Sa (tên tiếng Anh là Dongsha) bị Yoji Nishizawa, người Nhật chiếm hồi năm 1906 nhưng tuyên bố là phát hiện ra quần đảo này và đổi tên quần đảo thành Nishizawa, đồng thời phá hủy các đền đài của người Trung Quốc ở đây. Quần đảo Đông Sa nằm ở phía bắc Biển Đông.
Từ những phát hiện của mình, ông Chen đề nghị chính phủ nước này cần xây dựng lại và bảo vệ những di tích tôn giáo trên các đảo mà theo ông ta phát triển hoạt động tôn giáo truyền thống cũng là một cách khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Những công trình của ông Chen chưa rõ đã được cơ quan nào xác thực. Giới nghiên cứu Biển Đông thường không tin những phát hiện của các nhà nghiên cứu Trung Quốc về cái gọi là “chứng cứ di tích chủ quyền” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Với dã tâm độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã, đang và chắc chắn còn giở nhiều chiêu trò để ngụy tạo cho những hành động phi pháp của mình.
Minh Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét