(Quốc tế) - Mỹ sắp sửa tung chiêu mà Trung Quốc sợ nhất ở Biển Đông. Điều này cho thấy, siêu cường số 1 thế giới đã sẵn sàng tuyên chiến với cường quốc số 1 Châu Á để bảo vệ sự tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược và quan trọng hàng đầu thế giới.
Một quan chức quốc phòng Mỹ hôm qua (8/10) cho biết, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc việc phái các tàu chiến đến sát những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Hành động của Mỹ được tuyên bố là nhằm để phát đi tín hiệu khẳng định nước này sẽ không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở khu vực này.
Tờ Thời báo Tài chính dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay, trong hai tuần tới, các tàu chiến Mỹ sẽ đi vào khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý đối với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong khi đó, tạp chí Hải quân trích nguồn tin từ giới chức chính phủ Mỹ khẳng định, Washington sẽ “ra tay trong vài ngày tới” nhưng đang chờ đợi sự phê chuẩn cuối cùng từ chính quyền của Tổng thống Obama.
Một quan chức quốc phòng Mỹ đã từ chối xác nhận thông tin về việc đã có một quyết định nào đó được đưa ra liên quan đến vấn đề điều tàu chiến đến khu vực sát các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông này đã nhắc lại lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra trong cuộc điều trần trước Quốc hội hồi tháng trước rằng, “tất cả mọi sự lựa chọn đều đang được đặt trên bàn”.
“Chúng tôi đang xem xét việc này”, vị quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tháng trước từng nói, Mỹ sẽ “cho máy bay và tàu thuyền đi lại cũng như hoạt động ở bất kỳ khu vực nào mà luật quốc tế cho phép giống như các lực lượng Mỹ đã làm trên khắp các khu vực của thế giới”.
Chưa dừng lại ở việc đem tàu chiến đến khiêu khích, thách thức Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ còn tung một chiêu khác khiến Bắc Kinh có thể giận tím mặt. Cụ thể, Mỹ tuyên bố sẽ tăng gấp 4 lần sự ủng hộ dành cho Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia để giúp họ tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển.
“Sáng kiến này hiện tại sẽ tiến triển theo hướng Mỹ sẽ tăng cường sự giúp đỡ lên 100 triệu USD cho 4 quốc gia Đông Nam Á để họ củng cố năng lực thực thi pháp luật hàng hải”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ William Brownfield cho biết trong một cuộc họp báo từ thủ đô Washington. Khoản giúp đỡ này khi được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố ban đầu hồi tháng 12 năm 2013 chỉ ở mức 25 triệu USD.
Trung Quốc liệu có đáp trả “đòn” của Mỹ?
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying hôm qua đã phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, Bắc Kinh rất quan tâm đến thông tin về việc Mỹ chuẩn bị có hành động hải quân ở Biển Đông.
Bà Hua Chunying tuyên bố, Trung Quốc từ lâu đã làm rõ lập trường về Biển Đông, trong đó nước này đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. “Chúng tôi đặc biệt quan ngại về những mình nghe thấy”, bà Hua nói, ám chỉ đến thông tin Mỹ chuẩn bị điều tàu chiến đến sát những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh và Washington đã nhiều lần thảo luận về vấn đề Biển Đông, trong đó có cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama hồi tháng trước ở thủ đô Washington.
“Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể nhìn nhận tình hình Biển Đông hiện nay một cách khách quan và công bằng đồng thời đóng một vai trò tích cực với Trung Quốc trong việc duy trì sự ổn định và hoà bình ở Biển Đông”, bà Hua phát biểu.
Không rõ Trung Quốc sẽ đáp trả thế nào hành động của Mỹ mặc dù Bắc Kinh từng gửi văn bản phản đối chính thức về một vụ việc xảy ra hồi tháng Năm. Khi đó, tàu của Hải quân Trung Quốc đã 8 lần đòi máy bay do thám P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ rời khỏi khu vực khi chiếc máy bay này lượn lờ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đáp lại, phi công Mỹ tuyên bố, họ đang bay trong không phận quốc tế.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Gần đây, Bắc Kinh gây bất bình lớn cho các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung vì tự ý xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trong bối cảnh như trên, Mỹ đang ngày càng công khai đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh Mỹ còn sự hậu thuẫn của một đồng minh mạnh khác là Nhật Bản.
(Theo Vnmedia)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét