(Biển Đảo) - Việt Nam không hoan nghênh bất cứ nước nào đi vào khu vực này nhằm mục đích làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại Biển Đông.
Trước thông tin, cho rằng Mỹ sẽ điều tàu tuần tra vào khu vực giới hạn 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông, trao đổi với báo Đất Việt ngày 13/10, ông Lê Việt Trường – Phó chủ nhiệm Ủy ban an ninh quốc phòng cho biết, theo quy định của Luật biển Việt Nam mọi hoạt động của tàu quân sự của nước ngoài trong lãnh hải của Việt Nam đều phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Luật Biển Việt Nam đã quy định rất cụ thể về chế độ pháp lý về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Theo đó, tàu thuyền, máy bay nước ngoài trước khi có hoạt động trong vùng biển của Việt Nam cần tìm hiểu kỹ để thực hiện đúng quy định của Công ước 1982 của LHQ về Luật biển và Luật biển CHXHCN Việt Nam.
Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ngày 25/7/1994 và tôn trọng quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải theo đúng quy định của Công ước.
Luật Biển Việt Nam quy định, “việc đi qua không gây hại trong lãnh hải không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn trên biển”.
Theo đánh giá của ông Trường, ý đồ của Mỹ tuy chưa rõ ràng nhưng nhiều khả năng Mỹ muốn chứng tỏ tầm ảnh hưởng cũng như khả năng kiểm soát khu vực này. Đây cũng là tín hiệu mà Mỹ muốn nhắn gửi cho đồng minh ngoài NATO của Mỹ trong khu vực để củng cố lòng tin ở Mỹ. Thực chất, động thái này không nằm ngoài chiến lược xoay trục sang khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Chính phủ Brack Obama.
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban ANQP khẳng định dù với tính toán, mục đích gì, Mỹ cũng cần phải góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của khu vực, không làm phức tạp thêm tình hình.
“Việc Trung Quốc thực hiện các hoạt động tôn tạo, bối đắp các đảo, bãi đá ngầm, rạn san hô tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) không được phép của Nhà nước Việt Nam là hành động phi lý và hoàn toàn không có giá trị, không thể hy vọng có được chế độ pháp lý theo Công ước của LHQ 1982 về luật biển, vì lịch sử của vấn đề là Trung Quốc đã thực hiện hành động chiếm đóng trái phép bằng vũ lực, hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.
Việt Nam mới là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại hai quần đảo này. Do đó, khi ra vào khu vực 12 hải lý ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, phía Mỹ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Trường nói.
Về phía Việt Nam, ông Trường khẳng định, Việt Nam luôn hoan nghênh tất cả các nước có sự quan tâm, chia sẻ, có tiếng nói và việc làm ủng hộ, góp phần việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông nhưng phải dựa trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam không hoan nghênh bất cứ nước nào đi vào khu vực này nhằm mục đích làm căng thẳng thêm, phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại Biển Đông.
Ông cũng cho biết, đây mới là tuyên bố đơn phương từ phía Mỹ, tới nay Chính phủ Việt Nam chưa nhận được bất cứ một thông báo nào của nước này về hành động đưa tàu áp sát các khu vực đảo nhân tạo nói trên.
Ngày 13/10, báo chí nước ngoài dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, quân đội Mỹ có quyền đi lại trên biển và bay qua không phận những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và phản đối các hành vi cưỡng chế, vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, có thể làm gia tăng căng thẳng ở các vùng biển, bao gồm cả Biển Đông.
Theo Reuters, thông điệp ông Carter đưa ra là sự phủ nhận rõ ràng đối với các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
(Theo Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét