Tin tức chuyên ngành

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Vương quốc nữ nhi cuối cùng ở Trung Quốc

Sự du nhập văn hóa ngoại lai đang khiến những nét truyền thống của nhóm dân tộc thiểu số được cho là xã hội mẫu hệ cuối cùng ở Trung Quốc có nguy cơ bị xóa sổ.
nu-nhi-quoc
Cảnh đẹp hoang sơ của vùng hồ Lô Cô, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, là một trong những đặc điểm thu hút khách du lịch tới đây. Ảnh: New York Times
Một người đàn ông trẻ, mặc chiếc áo sơ mi trắng với quần đen, thắt lưng đỏ, lồm cồm trườn lên theo mé một ngôi nhà gỗ và trượt chân vào trong cửa sổ có chấn song ở tầng hai.
"Đây là cách đàn ông Mosuo leo vào 'hoa phòng' của phụ nữ", Ke Mu ló đầu ra ngoài cửa sổ "hoa phòng", hay phòng ngủ riêng, vẫy chiếc mũ của mình và giải thích với du khách.

Lúc này là vào buổi sáng ở Luoshui, ngôi làng nằm ven hồ Lô Cô, phía tây nam Trung Quốc. Trên con phố nhỏ hẹp bụi mù vì công trường xây dựng khách sạn gần đó, một nhóm những người trẻ đang chuẩn bị cho ngày làm việc mới tại Bảo tàng Văn hóa Dân gian Mosuo. Nhiệm vụ của họ là giới thiệu về những truyền thống của người Mosuo, nhóm dân tộc thiểu số được cho là xã hội mẫu hệ cuối cùng còn tồn tại ở Trung Quốc, nơi trẻ em theo họ mẹ và con gái thường được coi trọng hơn con trai, theo New York Times.
Niềm thích thú đối với những truyền thống độc đáo của Mosuo dẫn đến sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp du lịch tại khu vực từng là nơi hẻo lánh bậc nhất Trung Quốc này. Bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp tự nhiên và cảm giác trải nghiệm một nền văn hóa mới, hàng trăm nghìn du khách đang đổ về hồ Lô Cô, vùng đất nép mình trên một cao nguyên ở vùng núi giữa tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên.
Lượng khách du lịch dự kiến còn tăng khi một sân bay địa phương vừa được mở và sau đó là đường cao tốc nối hồ Lô Cô với Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.
Để đáp ứng nhu cầu chỗ ở ngày càng cao, một số khách sạn cho gia đình đã xuất hiện ven mép nước xanh nguyên sơ của vùng hồ. Đến đây, du khách có thể xem người dân thực hiện các điệu múa truyền thống trong trang phục đầy màu sắc, hay chèo thuyền trên hồ, nghe những thanh niên trẻ người Mosuo tán tỉnh họ với các bài tình ca tiếng Naru, ngôn ngữ của Mosuo.
Khắp nơi xung quanh làng Luoshui là những tấm biển ghi "chào mừng đến nữ nhi quốc".
nu-nhi-quoc-1
Nữ du khách trong trang phục truyền thống của người Mosuo chụp ảnh bên cây cầu bắc qua sông Lô Cô. Ảnh: New York Times
Khủng hoảng
Trái với vẻ ngoài sống động của truyền thống và cảnh vật nơi đây, cộng đồng Mosuo thực tế đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Nền văn hóa bản địa của Mosuo hiện có nhiều cơ hội tiếp xúc với xã hội rộng lớn hơn bên ngoài. Người dân và các chuyên gia lo ngại cũng vì thế mà những tập quán độc đáo của nhóm người này sẽ dần mai một.
Dân số Mosuo trong khu vực hồ Lô Cô, ước tính khoảng 40.000 người, đang giảm nhanh khi ngày càng có nhiều thanh niên trẻ tuổi ở đây kết hôn với người bên ngoài hoặc chuyển đến các thành phố lớn để công tác. Thêm vào đó, với việc không có chữ viết, văn hóa Mosuo rất dễ biến mất.
Ngay cả bên trong cộng đồng, người trẻ Mosuo cũng đang thay đổi. Họ có xu hướng lựa chọn hôn nhân thông thường hơn là làm theo tập quán tiesese lâu đời. Trong tiếng Quan Thoại, khái niệm này được biết đến với từ zouhun hay di hôn.
Tiesese là một tập quán thay thế cho hôn nhân, theo đó, đàn ông đến thăm phụ nữ vào ban đêm để đáp ứng nhu cầu sinh sản và thỏa mãn tình dục. Theo truyền thống, một phụ nữ Mosuo có thể có nhiều mối quan hệ tiesese trong đời, đôi khi cùng một lúc. Tuy vậy, điều này đã thay đổi do sự du nhập của các giá trị như hôn nhân một vợ một chồng hay bạn đời.
"Sẽ thật tuyệt vời nếu một ngày nào đó tôi được kết hôn" Lu Ru, 34 tuổi, người đang trong một mối quan hệ tiesese nói. "Bạn có thể tưởng tượng được khi bản thân thấy yêu ai đó nhiều đến vậy không?"
Với tiesese, quan hệ nam nữ hoàn toàn tách biệt khỏi quan hệ gia đình. Những người đàn ông và phụ nữ thường được mặc định ​​sẽ dành trọn đời sống tại ngôi nhà mà họ sinh ra. Kết quả là, các đối tác tình dục hiếm khi ở chung một nhà. Sự hòa hợp trong mỗi gia đình có giá trị tuyệt đối, thậm chí hơn cả mối quan hệ vợ chồng.
Trong văn hóa Mosuo truyền thống, cuộc sống gia đình xây dựng xung quanh đơn vị xã hội cơ bản gọi là "gia đình lớn". Trong đó, trẻ em được mẹ và gia đình bên mẹ nuôi dạy. Kể cả khi những đứa trẻ biết về cha đẻ của chúng thì cậu và bác bên mẹ vẫn là người giữ vai trò làm cha, giúp nuôi nấng và chu cấp cho con cái của chị, em gái mình. Đàn ông thì phải ở lại nhà mẹ đẻ. Nhiều thế hệ sống trong một gia đình lớn cùng nhau.
Theo Chuan-Kang Shih, chuyên gia về người Mosuo kiêm giáo sư nhân chủng học tại Đại học Florida, hệ thống  trên được củng cố bằng một niềm tin cơ bản rằng phụ nữ có nhiều khả năng hơn nam giới, về cả tinh thần và thể chất.
Người Mosuo cũng tin rằng tất cả mọi thứ con người quý trọng trên thế giới đều đến từ phụ nữ, không phải đàn ông. Tất cả các nam thần đều là thứ yếu bên nữ thần bảo trợ họ.
"Hệ thống này rất hợp lý khi bạn xét tới cách thức mà các gia tộc cân bằng giữa những ham muốn tình dục, sự ổn định, sự thuần phục và nhu cầu cho trẻ em", Judith Stacey, giáo sư xã hội học tại Đại học New York, nhận xét.
"Nhưng nó lại thiếu tính linh động. Đó là lý do tại sao hiện nay, với sự bất bình đẳng cũng như những thay đổi về kinh tế và địa lý, nó không thể tồn tại như một hệ thống được nữa", bà Stacey nói.
Theo một số tài liệu lịch sử, cuộc sống trong cộng đồng Mosuo đã tương đối ổn định trong hàng trăm năm. Bắt đầu từ thời nhà Nguyên cai trị Trung Quốc, từ năm 1271 đến 1368, tộc người Mosuo được quản lý bởi một hệ thống thủ lĩnh bản địa cùng một cơ chế phân cấp xã hội cứng nhắc. Dù sống cùng với các dân tộc thực hành hôn nhân thông thường khác, hầu như tất cả người Mosuo vẫn duy trì tập quán tiesese.
Tuy nhiên, đến năm 1956, tập quán tiesese bắt đầu nhận được yêu cầu phải thay đổi. Những nỗ lực này lên đến đỉnh điểm vào năm 1975 khi nhà nước phát động chiến dịch "một vợ một chồng", yêu cầu nam nữ người Mosuo kết hôn và sống chung dưới một mái nhà.
Từ khi Cách mạng Văn hóa kết thúc vào năm 1976, sự hiện diện của nhà nước gần như biến mất khỏi cuộc sống thường nhật của người Mosuo. Nhưng giới chuyên gia đánh giá sự tăng cường giám sát trước đó đã để lại thái độ mâu thuẫn về tiesese cho các thành viên trong tộc người.
"Vào những năm cuối thập niên 1980, người Mosuo rất e dè, thậm chí phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của di hôn", giáo sư Shih nói. "Đến giữa những năm 1990, khi ngành du lịch nhen nhóm tại khu vực hồ Lô Cô, họ lại nhìn nhận nó như một vốn liếng để thu hút khách và bắt đầu tự hào về nó".
Theo NYTimes, không phải ai cũng than khóc cho sự suy tàn của tiesese.
Vào một buổi chiều nọ, ông Lu Zuo, 78 tuổi, ngồi trên sàn, nhấp một ngụm trà bơ sữa bò Tây Tạng, bên cạnh lò sưởi tại nhà đối tác tiesese lâu năm của mình. Lu nhìn con gái và hai con trai dọn bàn ăn cho bữa trưa. Trước khi ăn, con gái ông, bà Song Na, 49 tuổi, lấy một miếng nhỏ khoai tây từ bàn ăn và đặt nó trên một hòn đá đen phía sau lò sưởi để cúng tổ tiên.
Sau bữa trưa, bà chào các anh cùng cháu gái mình để dọn bàn rồi ra ngoài, hướng tới một sân trống, nơi bà không sợ bị ai nghe lén. Bà kể về đối tác tiesese lâu năm của mình và về hai cô con gái mà họ có cùng nhau. Cả hai đều làm việc ở Lệ Giang, cách đó khoảng 7 tiếng đi bằng xe hơi.
"Chúng có thể không theo di hôn nhưng miễn là chúng phải trở về chăm sóc gia đình", Song nói về hai cô con gái. Đối với bà, điều quan trọng nhất không phải là truyền thống tiesese mà là những giá trị tiềm ẩn phía sau nó.
nu-nhi-quoc-2
Phụ nữ Mosuo biểu diễn một điệu múa truyền thống. Ảnh: New York Times
Lê Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét