Tin tức chuyên ngành

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Xã hội bị tham nhũng chi phối sẽ không thể thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa


GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương  trả lời phỏng vấn VTC News

(VTC News) - Ủy viên Hội đồng lý luận TW cho rằng một xã hội bị chi phối, chịu tác động mạnh mẽ bởi tham nhũng thì định hướng xã hội chủ nghĩa không thể thực hiện được.  


GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương chia sẻ về nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. 
- Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII chỉ ra bốn nguy cơ mà Đảng ta tiếp tục phải đối mặt. Theo ông, đâu là nguy cơ lớn nhất?
Đảng xác định 4 nguy cơ mà phải đối mặt là: Tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; quan liêu tham nhũng; và "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.
Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng 12 cũng đưa ra nhận định là 4 nguy cơ này chưa được đẩy lùi. Có nghĩa là 4 nguy cơ này vẫn còn tồn tại và hiện hữu.
Nguy cơ nào cũng có thể đe dọa sự phát triển của đất nước, dù mức độ có khác nhau và trong từng bối cảnh, sự đe dọa và tác động ít nhiều khác nhau. Tôi cho rằng nguy cơ, thách thức hàng đầu hiện nay với Đảng ta là nạn quan liêu, tham nhũng. 
Đối với nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế. Tham nhũng có những tác hại sau : Hối lộ, bôi trơn tồn tại như một loại “thuế”, là hàng rào cản trở sự tham gia của người dân, của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thị trường. 
Tham nhũng cản trở sự năng động, sáng tạo của người dân khi mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư...Tham nhũng làm méo sự lựa chọn chính sách, làm cho vai trò của Nhà nước bị sai lệch. Tham nhũng là một loại hoạt động kinh tế ngầm, khó kiểm soát, bất ổn, bất định. Tham nhũng làm suy giảm các lực lượng cạnh tranh vốn có của thị trường, do tăng các hình thức cạnh tranh phi pháp (không lành mạnh). 
Trong kinh tế thị trường, việc minh bạch chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đối xử công bằng, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động…đều có lợi cho thị trường cho người sản xuất, kinh doanh, nhưng giới quan tham thì không thu được “lợi” gì. Do đó, giới quan liêu tham nhũng sẽ cản trở những đổi mới theo hướng đó. 
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, cho thấy: tăng 1% số tiền hối lộ thì các doanh nghiệp giảm tỉ lệ tăng trưởng 3%, trong khi tăng 1% thuế chỉ làm giảm tăng trưởng của doanh nghiệp 1%. Trong nhiều trường hợp, việc làm hay không làm của một cơ quan nhà nước, hay một công chức nhà nước là do thông đồng với giới kinh doanh cụ thể để tạo thuận lợi cho họ nhưng gây thiệt hại cho một giới khác hoặc cho toàn xã hội. 
Như vậy năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp của hàng hóa đều suy giảm vì chi phí cao do các thủ tục rối rắm, bất định và chi phí hối lộ. Trong bối cảnh đó, một “quốc gia khởi nghiệp” như Việt Nam, bản thân Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân đều phải gặp khó khăn hơn nhiều lần so với các quốc gia có ít tham nhũng. Điều đó giải thích vì sao mà chúng ta khó rút ngắn khoảng cách phát triển với các quốc gia khác về năng suất lao động, chất lượng hàng hóa-dịch vụ và hiệu quả quản trị.
Đối với nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa : Về mặt chính trị, tham nhũng tạo thành mạng lưới quan liêu, lợi ích nhóm, đan xen, cấu kết với nhau chỉ bảo vệ lợi cho các nhóm tham nhũng, cản trở sự ra đời những chính sách tốt. Thực tế, nhóm xã hội là tồn tại khách quan. Nhưng “lợi ích nhóm” theo kiểu cục bộ, bè cánh là sản phẩm tai hại của tham nhũng, gây tác hại vô cùng lớn. 
Về xã hội, tham nhũng tạo ra sự bất công, bất bình đẳng. Vì tham nhũng, những người lao động chân chính không được hưởng lợi tương xứng từ sự nghiệp đổi mới trong khi những kẻ tham nhũng nhờ có chức vụ, quyền hạn, lợi thế...lại nhận được rất nhiều lợi ích, bổng lộc; sống hoang phí, xa hoa, phô trương, cách biệt với đời sống của đa số nhân dân. Sự bất công này sẽ dẫn đến xung đột, bất ổn xã hội, gây ra sự chán nản của một bộ phận nhân dân.
Một xã hội bị chi phối, chịu tác động mạnh mẽ bởi tham nhũng như thế thì định hướng xã hội chủ nghĩa không thể thực hiện được. Vậy là tham nhũng làm tăng thêm nguy cơ thứ hai mà Đảng ta nêu ra đó là “chệch hướng xã hội chủ nghĩa”. Rồi chính tham nhũng làm người dân mất lòng tin vào Đảng, Nhà nước. Khi lòng tin đã mất thì nguy cơ “diễn biến hòa bình” càng có đất để sống, càng khó đẩy lùi.
Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam có tiến bộ trong công cuộc chống tham nhũng song tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi. Trên thang điểm đo mức độ cảm nhận tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế (IT), chúng ta thường ở vị trí 2,5/10 điểm hoặc 31/100 điểm. Như vậy có thể thấy, ở Việt Nam, trung bình có 100 việc thì có tới 69 việc dính vào tham nhũng. Tỷ lệ như vậy lớn lắm, 2/3 công việc ở Việt Nam bị tham nhũng cản trở, phá hoại.
Như vậy, có thể nói, tham nhũng chính là nguy cơ của những nguy cơ.

- Việc đưa ra xử 8 đại án trước Đại hội Đảng có phải là đòn đánh vào nguy cơ của những nguy cơ đó hay không?
Từ trước đến nay, chúng ta đã xét xử nhiều đại án tham nhũng rồi. Việc đưa ra xử 8 đại án ngay trước Đại hội Đảng cũng phù hợp với mong mỏi của người dân và cách làm của thế giới. 
Tham nhũng phải xử từ lớn đến nhỏ, từ trên xử xuống, phải đánh án có trọng điểm. Nói vậy không có nghĩa là tham nhũng nhỏ, tham nhũng “vặt” được dung túng. 
Chúng ta đánh có trọng tâm vào những vụ án lớn trước, tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Nên hiểu xử 8 đại án không có nghĩa là giải quyết được hết tham nhũng vì vấn nạn này hiện len lỏi vào tất cả những khía cạnh của cuộc sống rồi.
- Muốn giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng, Đảng ta cần phải làm gì?
Nghiên cứu cho thấy, có 2 nguồn gốc dẫn đến tham nhũng. Một là: tổ chức hệ thống quyền lực nhà nước bị sơ hở, dẫn đến việc không thực thi đúng quyền lực mà nhân dân giao cho. 
Hai là: Lòng tham của con người mà ở đây là những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Vậy muốn trị tham nhũng thì phải làm 2 việc. Trước hết là đổi mới hệ thống tổ chức quyền lực nhà nước cho chặt chẽ hơn để ít bị quan tham lợi dụng. Sau đó là tìm cách ngăn chặn lòng tham.
Kinh nghiệm của Singapore chỉ ra rằng phải làm cho công chức, viên chức không cần tham nhũng (lương cao), không dám tham nhũng (luật pháp nghiêm minh) và không thể tham nhũng (hệ thống tổ chức quyền lực nhà nước chặt chẽ).
Thực tế, Việt Nam có đầy đủ công cụ để phòng chống tham nhũng và khá tốt. Đầu tiên là Luật phòng chống tham nhũng. Tiếp đến là chiến lược phòng chống tham nhũng cùng bộ máy phòng chống tham nhũng với người đứng đầu là Tổng bí thư, thường trực là ban Nội chính trung ương. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có quyết tâm chính trị phòng chống tham nhũng rất cao. Bên cạnh đó, nhân dân Việt Nam trọng công bằng, ghét quan tham, rất ủng hộ và quyết tâm chống tham nhũng. Cả thế giới hiện cũng đang chung tay để đẩy lùi vấn nạn tham nhũng.
Như vậy, tất cả các yếu tố chống tham nhũng đều rất thuận lợi. Nhưng tới giờ tham nhũng vẫn là vấn đề vô cùng nhức nhối.
Chính vì thế, trong nghị quyết TW4 khóa XI và văn kiện lần này, Đảng ta đề nghị nâng cao đạo đức cách mạng là để nhận thức thêm về nguy cơ tham nhũng hiện tại, làm trong sạch bộ máy.

Thực tế chống tham nhũng ở Việt Nam những năm qua chưa đạt yêu cầu như mong muốn
- Việc đấu tranh chống tham nhũng của những cơ quan chuyên trách đã đạt được hiệu quả như mong muốn chưa, thưa ông?

Con số thống kê chỉ ra rằng 95% vụ việc tham nhung ở Việt Nam được phát hiện nhờ nhân dân và báo chí.  Tham nhũng, giống như tảng băng chìm.
Tham nhũng lộ ra phần nhiều nhờ dư luận, báo chí phản ánh. Khung hình phạt dành cho tội tham nhũng khá nặng, song áp dụng vào thực tế không được nhiều. 
Lực lượng cản trở chống tham nhũng hiện tại cũng rất mạnh. Tham nhũng luôn gắn liền chặt chẽ với nạn quan liêu. Hệ thống này cấu kết với nhau từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, che chắn, đối phó, cản trở mạnh mẽ những nỗ lực phòng chống tham nhũng.
Xã hội lại đang hình thành rõ rệt thứ “văn hóa” tham nhũng, với minh chứng dễ nhận ra nhất là tiền bôi trơn, quà cáp, hứa hẹn, đút lót. Nó làm cho các quan hệ xã hội trở nên thiếu minh bạch, mất đi chuẩn mực, pháp luật bị méo mó. 
Cộng thêm mặt tiêu cực (mặt trái) trong văn hóa ứng xử truyền thống, như “có đi có lại”, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “một người làm quan cả họ được nhờ”.... càng góp phần cổ súy cho tham nhũng phát triển theo hướng tinh vi, nguy hiểm hơn.

- Sự hoành hành trắng trợn của nạn tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt, đang khiến người dân vô cùng bức xúc. Đâu là giải pháp khắc phục tình trạng này?
Tham nhũng vặt là tham nhũng ở quy mô nhỏ, nằm trong hành vi ứng xử hàng ngày của công chức, viên chức với nhân dân. 
Do mức lương hiện tại chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu sống tổi thiểu của công chức, viên chức nên tham nhũng vặt trở thành một cách tăng thu nhập, nuôi sống một bộ phận công chức, viên chức hành chính. 
Khi lương không đủ sống thì việc trừng trị tham nhũng trở nên rất khó khăn. Nhiều khi người ta chặc lưỡi tha cho nhau, dễ dãi cho nhau vì điều ấy.
Một trong những cách giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả được thế giới đề xuất là phải nâng lương để cán bộ, công chức có thể sống đàng hoàng với đồng lương. Tới lúc đó, việc phòng chống, xử phạt tham nhũng sẽ dễ dàng hơn, sòng phẳng hơn, ít dính líu đến tình cảm hơn.

- Với hoàn cảnh của Việt Nam, nên chống tham nhũng lớn trước hay tập trung giải quyết vấn nạn tham nhũng vặt?
Chống tham nhũng là một quá trình lâu dài. Không phải cứ đeo đuổi 5 năm, 10 năm chỉ đánh tham nhũng lớn hoặc chỉ đánh tham nhũng “vặt” là thành công trong nỗ lực loại nó khỏi đời sống xã hội.
Tham nhũng loại nào cũng đều có tác hại. Tuy nhiên nói về mức độ nghiêm trọng, thì tham nhũng lớn ảnh hưởng đến tổ chức và vận hành hệ thống nhà nước. Tham nhũng vặt ảnh hưởng đến chuẩn mực văn hóa đạo đức, quan hệ xã hội, ứng xử hàng ngày trong công vụ. Tham nhũng lớn làm suy yếu nhà nước, tham nhũng vặt làm quan hệ giữa công chức với người dân trở nên xấu xí.
Theo tôi, Việt Nam nên ưu tiên chống tham nhũng lớn trước. Nó giải quyết được vấn đề lớn, tạo ra hiệu ứng rộng rãi. 
Song song với điều đó, ở mức ít ưu tiên hơn, với các công cụ đầy đủ, chúng ta tiếp tục phải chống tham nhũng vặt. 
Chống tham nhũng vặt, đầu tiên, là phải tăng lương. Tăng lương sẽ buộc chúng ta phải xử lý hàng loạt vấn đề khác liên quan nữa, từ tinh gọn bộ máy, đến vị trí việc làm...Đó là một cuộc cải cách lớn, không hề đơn giản.
Xin cảm ơn ông!
Phạm Thành – Phạm Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét