Cách đây không lâu, khái niệm báo chí công dân (citizent journalism) dường như chỉ để bàn trong các cuộc đàm luận học thuật về báo chí truyền thông, nói ra nhiều người còn không tin. Nhưng vài năm trở lại đây, với sự tiến bộ vượt trội của công nghệ, thực tế này đang hiển hiện rõ nét, mỗi người sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet đều là ông chủ của một “tòa soạn” mini di động, cung cấp những thông tin gần như tức thì. Và xu hướng báo chí công dân này đang cạnh tranh với các thực hành báo chí truyền thống, nhiều “nhà báo công dân”, nhiều trang mạng cá nhân... có lượt truy cập và mức ảnh hưởng vượt trội so với báo chí chính thống.
Khái niệm “quyền tự do ngôn luận” hay “quyền tự do biểu đạt” hơn lúc nào hết, đang được thể hiện sống động hiện nay.
Đừng mong buộc cẳng chim trời
Thực tế này khiến các nhà quản lý không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở các nước phát triển phải đối diện với những bài toán khó chưa từng gặp. Ở CHLB Đức cũng xảy ra câu chuyện ồn ào khi Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas, ngày 14.9.2015, đã gặp đại diện Facebook để bàn về cơ chế xóa bỏ những nội dung thù nghịch, bài ngoại, phân biệt chủng tộc, và diệt chủng.
Bao chi cong dan, luat bao chi
Tranh minh hoạ. Nguồn: TL
Những nội dung này, ở Đức, thường được coi là “đặc biệt nhạy cảm” kể từ sau những gì diễn ra ở thế chiến thứ hai. Vài nhà ủng hộ tự do biểu đạt cho rằng, đó là một yêu cầu xâm phạm đến tự do ngôn luận của người dân, nhưng không ít người lại ủng hộ vì sự nghiêm trọng của những nội dung kiểu này. Và thỏa thuận về việc thành lập một “lực lượng đặc nhiệm”, đồng thời đổ tiền vào một bộ phận giám sát của Facebook nhằm thúc đẩy công việc phân loại này trôi chảy hơn. Tuy nhiên nhiều post dù có vẻ cực kỳ khó nghe, nhưng Facebook sẽ không gỡ xuống nếu nó không vi phạm các điều khoản của công ty này hoặc của luật pháp Đức.
Có lẽ điểm mấu chốt của các tranh luận ở ta hiện nay về Luật Báo chí sửa đổi là những người soạn thảo luật tập trung vào đối tượng là nhà báo và cơ quan báo chí. Trong khi đó thực tế cho thấy các nền tảng công nghệ và điều kiện xã hội cho phép mọi công dân đều có thể làm báo. Tôi cho rằng, công dân làm báo là một xu hướng không thể cưỡng lại. Việc tìm mọi cách để “quản lý” hay hạn chế về lâu dài sẽ phản tác dụng, và chẳng khác muốn đi buộc cẳng chim trời.
Giải pháp thông minh cần hướng đến là tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng nhằm tạo điều kiện khuyến khích công dân thực hành tự do ngôn luận (như hiến định) mà không vi phạm các điều cấm của luật pháp hiện hành. Qua các chương trình giải thích và giáo dục về pháp luật, có thể giới thiệu cho công dân biết những lỗi nào dễ gặp khi sử dụng mạng xã hội: xâm phạm danh dự và lợi ích hợp pháp của người khác, xâm phạm bản quyền v.v.. Những lỗi này đều được quy định tại các hệ thống luật khác như Luật Dân sự , Luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ v.v.. Ở bất cứ quốc gia nào, nếu vi phạm những lỗi này, khi được chứng minh, thì người vi phạm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đo ni đóng giày
Theo thời gian, không gian và kích thước các khái niệm cũng thay đổi theo. Rõ ràng, các khái niệm về “báo chí” của mười năm trước và khái niệm “báo chí” hiện nay rất khác nhau. Mọi quy hoạch, hay điều luật cần dựa trên những thực tế sinh động, và tính đến cả sự nới rộng của nội hàm các khái niệm. Giữ khuôn cũ để ứng biến với một thực tế mới chắc chắn sẽ gặp phải tình trạng “gọt chân cho vừa giày”, luật sẽ chạy theo để “quản lý” thực tế, thay vì đủ tầm nhìn để tạo điều kiện cho sự phát triển của thực tế báo chí - truyền thông.
Về câu chuyện sở hữu báo chí, theo quan niệm truyền thống, khi nhà nước muốn sở hữu toàn bộ báo chí, nghĩa là về bản chất chúng ta sợ bị lũng đoạn và chi phối thông tin bởi các “thế lực” khác trên “mặt trận thông tin”. Các lúng túng về quy hoạch báo chí và soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi) hiện tại cũng xuất phát từ mối lo ngại này. Tuy nhiên, trong bối cảnh của thời đại internet và “báo chí công dân” như đã phân tích, quan niệm về báo chí cần được đổi mới. Thay vì xét đến khía cạnh sở hữu tư nhân hay nhà nước về báo chí, chúng ta nên thay đổi quan niệm về tính hiệu quả của truyền thông chính phủ. Nghĩa là để truyền đạt một chủ trương, chính sách... không chỉ dựa vào các “tờ báo (thuộc sở hữu) nhà nước” đăng tải tin tức, bài vở như ta vẫn từng quan niệm. Thay vào đó, mỗi bộ ngành cần có một bộ phận phụ trách báo chí - truyền thông mạnh, mang tính chủ động và tích cực, nơi đó có các chuyên gia về sử dụng các công cụ mạng xã hội để giao tiếp với công chúng, thay vì chỉ tư duy theo cách truyền thông cổ điển là... “đăng báo” hay “phát sóng”. Có các quan hệ thân thiện với những cây bút có ảnh hưởng.
Lúc đó, nhà nước vừa nắm thế chủ động về thông tin, vừa đảm bảo một xã hội dân sự lành mạnh, đồng thời đảm bảo thực hành tốt các quyền hiến định, và nỗi sợ báo chí tư nhân sẽ được giảm thiểu. Nhiều nước đang làm rất tốt việc này, như Singapore, Hoa Kỳ, Đức, Anh...
Luôn có những bài học thực tế từ các nước phát triển, vấn đề là chúng ta có thực sự muốn học hỏi hay không.
Lê Ngọc Sơn,  Nghiên cứu sinh Khoa Khoa học kinh tế và truyền thông, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức
(Theo Người Đô Thị)