Tin tức chuyên ngành

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Thêm những “ vòng kim cô” sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình…

Phạm Viết Đào.

Chuyến thăm Việt Nam kỳ này của Đoàn Trung Quốc chỉ vẻn vẹn hai ngày, ngày 5 và 6/11/2015 nhưng đã để lại bao dư âm và bao chuyện thế sự đáng luận bàn.
Trên bàn nghị sự, chúng ta luôn thấy ông Tập Cận Bình cập kè tả-hữu 2 quân sư ghê gớm: Lật Chiến Thư bên hữu và Vương Hộ Ninh bên tả -( P.V.Đ sẽ có bài riêng đối thoại và đối chất với " quốc sư" 3 triều Trung Quốc Vương Hộ Ninh) ; Còn những Vương Nghị, Dương Khiết Trì, Hứa Kỳ Lượng… thì ngồi cánh gà, lẩn khuất xa xa…
Người ta thấy không chỉ trên văn bản mà đích thân từ miệng của ông Tập Cận Bình nhiều lần nói ra: 2 nước phải: “cầu đồng tồn dị”…; người viết bài này không thông thạo Hán văn lắm nhưng trong tiếng Hán, chữ “cầu” chắc cùng tương nghĩa với chữ “cầu” trong tiếng Việt; Họ lập lờ sử dụng cái vốn tiếng Hán thâm thúy này để che đậy những “khẩu dụ” mang tính định hướng, sắp đặt ngôi thứ cho Việt Nam; Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng trước chuyến thăm chẳng đã phát biểu với báo chí là Trung Quốc sang sẽ định hướng quan hệ; Mới là ông ‘Tiểu” mặt còn búng ra sữa mà đã ngang ngược tuyên bố là sẽ định hướng phát triển cho một quốc gia gần 100 triệu dân vậy thì ông “Đại” sẽ thế nào đây; quả là khó lường; lời của các chính trị gia Việt Nam thốt ra với báo chí…Đúng là “ uốn lưỡi cú diều để sỉ mắng triều đình, đam thân dê chó mà bắt nạt tể phụ…”
Chữ “cầu’ thường là lời lẽ, ứng xử của kẻ yếu thế, kẻ phận dưới, chiếu dưới, nếu có cái gì không vừa lòng, thấy bị thua thiệt, còn “ tồn dị” thì chỉ còn phương thức là “ cầu đồng” cầu cùng mới mong giải cho phần nào vài trăm triệu USD gì đó; chứ các chú không thể đứng ngang hàng cùng phân chia lợi ích sòng phẳng, bình đẳng với “ đại ca” được đâu…
Đây là câu vừa cửa miệng, vừa có cả trong tuyên bố chung này mang tính định hướng ngôi thứ trong quan hệ Trung-Việt; Sự phân chia này đã khiến cho người viết bài này nhớ lại mối quan hệ ngôi thứ ở chốn giang hồ mà đã có lúc được nếm trải , (trong thời gian 15 tháng ở tù); Ngay những bước chân vào nhà tù, kẻ bỉ nhân này đã được các anh chị của chốn giang hồ dạy bảo, thuật ngữ trong tù gọi là “ học luật”: ở ngoài đời tuổi ông có thể là cha chú chúng tôi, địa vị xã hội của ông thế nào chúng tôi không cần biết; khi đã vào đây thì ông là một thằng tù, thằng tù sau phải gọi thằng từ trước là đại ca, huynh, xưng em và tiểu đệ…rõ chưa; ông trải đời rồi thì liệu đường mà khu xử: “ngoan thì cái gì cũng có, ngoan quá thì không có gì “ ?!
Tóm lại có thể diễn nôm cái câu: cầu đồng tồn dị mà ông Tập nói là một định hướng cho Việt Nam là phải ngoan với Trung Quốc: vừa là đồng chí, vừa là anh em, lại là láng giềng gần; cái gì chưa vừa ý thì phải bỏ tiền ra mà mua, mà chạy, mà cúng, mà cầu mà “ cầu đồng”, “phải kiểm soát tốt bất đồng”; không được phép đứng ra tranh dành hơn thua với đại ca, với bề trên, với thiên triều…
Với “bàn tay lông lá” bọc lụa gấm Tứ Xuyên, đoàn Trung Quốc do ông Tập cầm đầu đã vẫn tỏ ra cái "cơ địa" của kẻ đại bá, thiên triều, “đặt vòng”  cho nhiều quan hệ Việt-Trung trong đó đáng chủ ý nhất, nguy hiểm nhất đó là:

1/Củng cố tin cậy chính trị ?

Trước đến nay các “chú” Việt Nam đã tin “ông anh” thiên triều Trung Quốc thì tiếp tục củng cố cái sự tin cậy; tức Việt nam tiếp tục bị bịp, củng cố cái sự bị bịp bợm ấy của Trung Quốc…

Xem thêm những bài của P.V.Đ về quan hệ Việt-Trung:

*Trung Quốc dùng mẹo " gặt trộm lúa" thời Đông Chu để lấn chiếm Biển Đông ?


“Củng cố tin cậy chính trị” tưởng là một phạm trù rất mơ hồ, mông lung về phương diện pháp lý, nó mông lung như một cái vòng kim cô mà Tôn ngộ không phải cam chịu…
Khi nhận xét về một con người, một tổ chức, hay một quốc gia người ta thường đề cập tới thái độ chính trị của con người đó, tổ chức đó hay quốc gia đó…
Về cá nhân thì thái độ chính trị được hình thành bởi: thành phần xuất thân, tôn giáo, đảng phải, sắc tộc;
Về tổ chức thì thái độ chính trị được hình thành bởi thuộc nhóm đảng phái nào ?
Còn một quốc gia thì thái độ chính trị là thể chế chính trị của nước đó…
Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia được thế chế mô hình xã hội chủ nghĩa, đặt dưới quyền lãnh đạo của một đảng duy nhất là đảng cộng sản ?
Vậy tăng cường tin cậy chính trị phải chăng là tăng cường củng cố những chính sách mà hai bên đã thỏa thuân với nhau; Tạo niềm tin và thực hiện nhất quán các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo 2 đảng; tức 2 bên tiếp tục tôn trọng nhau, trung thành với nhau trong các quan hệ đối tác..
Hay vấn đề “Củng cố tin cậy chính trị” được TBT Nguyễn Phú Trọng diễn giải đơn sơ trong phần “một là” khí phát biểu với ông Tập Cận Bình trogn buổi hội đàm:” duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị; thúc đẩy hiệu quả các cơ chế hợp tác và tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân. Hai bên cần thường xuyên duy trì các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước với nhiều hình thức linh hoạt để trao đổi tình hình và các biện pháp thúc đẩy hợp tác, tìm biện pháp giải quyết các vấn đề tồn tại và nảy sinh; triển khai hiệu quả các chương trình, cơ chế giao lưu, hợp tác đã thỏa thuận giữa hai Đảng, hai nước; đẩy mạnh hơn nữa giao lưu, hợp tác giữa cơ quan Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc hai nước; phát huy vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc trong điều phối, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ, nhân sỹ và trí thức hai nước, phối hợp tổ chức tốt Liên hoan thanh niên Việt-Trung vào năm 2016, tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước…”
Trong lịch sử quan hệ giữa 2 nước, nhiều chính sách, chủ trương có vẻ hai bên đồng thuận nhất trí, đẹp mã… nhưng lại không hiệu quả và không đáng tin cậy? Đường sắt Cát Linh-Hà Đông ký tá với nhau, đấu thầu với nhau rồi thì ì ạch ra đấy, chây ra đấy và cuối cùng thì đội giá lên gần gấp đôi; chưa biết sau này vận hành chạy có xảy ra tai nạn không, có thường xuyên trục trặc không; xem hồi sau mới rõ ?
Nhiều vấn đề lịch sử đã ghi nhận là phía Trung Quốc đã có nhiều hành vi, chính sách khiến cho một người dân Việt bình thường cũng mất lòng tin chứ đứng về phương diện quốc gia, nhà nước. Qua nhiều tư liệu cho thấy: Trung Quốc quả có giúp Việt Namkhí tài vật lực trong chiến tranh chống Pháp để dành lại độc lập; Sự giúp đỡ này có vô tư trong sáng, tin cậy về chính trị không ? Khi mà phía Trung Quốc sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã ép Việt Nam ký văn bản hiệp định Genever về Việt Nam phải chịu thua thiệt; việc phân chia biên giới 2 miền ở vĩ tuyến 17 là do Trung Quốc áp đặt ?
Hay khi Mỹ mở rộng chiến tranh tại Việt Nam, một mặt Trung Quốc tuyên bố: 800 trăm triệu nhân dân Trung Quốc là hậu phương lớn của nhân dân Việt Nam; Trung Quốc đã cho dân xuống đường biểu tình phản đối Mỹ, nhưng mặt khác lại tuyên bố một câu đầy ẩn ý: Mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi ? Ngầm bật đèn xanh cho Mỹ muốn đánh Việt Nam kiểu gì thì đánh miễn đừng động tới Trung Quốc…Còn Trung Quốc thì đánh Mỹ đến người Việt nam cuối cùng.
Vào cuối cuộc chiến Việt-Mỹ, Mỹ đã tỏ dấu hiệu xuống thang, muốn rút ra khỏi cuộc chiến, rút quân về nước; Đây là thời điểm Việt Nam đang dồn sức để quyết chiến, tung ra những cú đánh chiến lược, dứt điểm với Mỹ thì Trung Quốc tìm cách bắt tay với Mỹ và 2 bên đã ký Thông cáo Thượng Hải, một “gáo nước đá” dội vào cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam ở vào thời khắc quyết định ?
Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước làng giềng, vẫn thường thông báo là có truyền thông hữu nghị, thế nhưng chính Trung Quốc lại bật đèn xanh cho Paul Pot gây ra cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam; Đây là cái cớ Trung Quốc đẩy Việt nam vào thế bị cô lập với thế giới do việc tự vệ, bảo vệ mình đã đưa quân đội truy kích tàn quân Khmer đỏ sang tận Cămpuchia… Quan hệ chính trị hai nước đẹp đẽ thế đấy ?!
Trung Quốc có truyền thống đưa quân xâm lược, chiếm đất Việt Nam; Trung Quốc cận đại đã nhiều lần có những chính sách tráo trở, lật lọng với Việt Nam; làm sao người Việt Nam tin được Trung Quốc; Vậy thì củng cố tin cậy chính trị là củng cố cái gì? Khi nói củng cố tức làm chắc kiên cố hơn cái đã có; Trong quá khứ cái mà Trung Quốc để lại niềm tin cho dân tộc Việt là rất ít và mất lòng tin nghi ngờ là nhiều ? Vậy thì bây giờ tiếp tục hô nhau củng cố cái không có hay cái mà Trung Quốc đã gây “hiệu quả âm” cho Việt Nam chăng ? “ Âm” nhân với “ “âm” thành “ dương chăng ?
Phần lớn cư dân bắc Việt Nam đều là dân Bách Việt bị chính quyền Trung Ương Trung Quốc và các bậc trưởng thượng, đàn anh xua đuổi khỏi Trung Quốc mà sang Việt Nam kiếm kế sinh nhai; Sự căm hận chính quyền phương bắc có trong máu người Việt này giống như sự căm hận của những đứa con vị thành niên, vì một hư hỗn nhất thời nào đó mà bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà; nó sẽ mang theo mối hận truyền kiếp với ông bố, bà mẹ thất đức, thất đức, thất nhân tâm…Điều này giải thích được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam huy động được sức dân đứng lên chống lại ách nô dịch của chính quyền phương bắc
Quan hệ 2 nước trong quá khứ đã có nhiều chuyện nhem nhuốc, lởm khởm do chính quyền trung ương Trung Quốc không ứng xử như một nước lớn, đàn anh mà ứng xử như một đại ca, một kẻ bá quyền vậy thì nếu đặt vấn đề ra là “ củng cố tin cậy chính trị” chỉ là khẩu hiệu ngoại giao, lừa mỵ những người vô sư, vô sách, nhẹ dạ, ngu tín, bịp bợm…
Người dân có mù tịt thông tin đâu mà các vị giờ hô các cơ quan chức năng, dân củng cố tin cậy chính trị ?
Trung Quốc vẫn có truyền thống trong quan hệ với Việt Nam nói một đường làm một nẻo: miệng nói quân tử tay hành xử như tiều nhân vậy thì tin cậy chính trị cái nỗi gì mà củng với cố …
Giải pháp củng cố tin cậy theo phương thức tăng cường hợp tác trên các kênh Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và giữa các bộ, ngành, địa phương của hai nước; rồi thì tăng cường đào tạo cán bộ đảng…“ Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020,” là những cái bẫy do Trung Quốc cài độ, mua chuộc, lôi kéo một số người cam tâm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc, bán rẻ đất nước để vinh thân, phí gia…
Vừa phỉnh nịnh, vừa ru, vừa phủ dụ và…kèm đe nạt ẩn sau những ngôn từ ngoại giao, văn nghệ dân dã trong các lời phát biểu của ông Tập Cận Bình ngay tại diễn đàn Quốc hội…
Ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay kế cả những kẻ mù, người đui, những bà bán hàng xén ngoài chợ cũng biết thừa là chơi với Trung Quốc, xài hàng Trung Quốc là hàng lởm, hàng độc hại, là thứ không ra gì nhưng rồi hàng Trung Quốc vẫn cứ tràn ngập lãnh thổ, người ta biết thừa tiếp tay, nhập siêu hàng hóa Trung Quốc giúp hàng Trung Quốc trà trộn, đội nhãn mác Việt là tự giết hàng mình, nền sản xuất nội địa, dân tộc mình thế mà người ta vẫn tham gia cái việc đào huyệt dưới chân mình?
Hè nhau “củng cố tin cậy chính trị” ? Có gì đáng tin đâu? Thế thì tại sao người ta vẫn chưng cái biển hiệu, cái thương hiệu rởm này lên.
Mai đây chắc lịch sử rồi sẽ phải tốn giấy mực lắm đây, phải cần nhiều Tư Mã Thiên ghi chép, mổ xẻ cái giai đoạn lịch sử bi phẫn này ?!

2“ Cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển…”

Nguyên văn trong Tuyên bố chung:” Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), thúc đẩy sớm đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC)…
Đây là một cái bẫy, cái “vòng kim cô” ác hiểm do Trung Quốc phát minh, sáng chế, cài đặt và vận hành nó!
Trong 2015, có 2 tuyên bố chung của lãnh đạo cấp cao nhất Trung Việt; đọc cả 2 bản Tuyên bố chung này khi đề cập vấn đền Biển Đông, đều lẩn tránh, không đưa được cơ sở pháp lý Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 ( UNCLOS), chắc Trung Quốc tìm cách gạt ra và Việt Nam không cầu xin đưa vào được mà chỉ đưa ra DOC, là thứ tuyên bố không ràng buộc pháp lý còn Bộ quy tắc ứng xử ( COC), một thứ “ lệ làng” thì chưa hình thành…
Theo dõi các cuộc hội đàm, hội kiến, chỉ thấy ông Trương Tấn Sang có nhắc tới Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, còn các vị khác chỉ nhắc tới DOC là hết bài ?
Chuyện tranh chấp trên Biển Đông thì thực chất chỉ Việt Nam bất đồng với Trung Quốc chứ Việt Nam có xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc đâu mà Trung Quốc bất đồng? Cái vùng lãnh hải trong vùng lưỡi bò trong đó đến 80 % lãnh hải Biển Đông nếu căn cứ vào chứng cứ lịch sử và Công ước về Luật Biển 1982 thì Trung Quốc chẳng có chủ quyền gì trong đó cả…
Hai bên kiểm soát tốt bất đồng thực chất là cái vòng kim cô buộc Việt Nam phải nín nhịn để mặc, làm ngơ cho Trung Quốc lấn lướt…Giả sử, cứ cho cái vùng lãnh hải trong “vùng lưỡi bò” là tham vọng có cơ sở cần được xem xét của Trung Quốc đi; vậy thì theo tinh thần “ cùng kiểm soát tốt bất đồng” Trung Quốc phải gặp gỡ, bàn thảo với các quốc gia trong khu vực; Trung Quốc không được tùy tiện hút cát đá lên xây thành đảo, dựng hải đăng lên xý phần; Thế nhưng Trung Quốc vẫn cứ làm bừa đi, vẫn cho tàu thuyền ra húc tàu cá Việt Nam, họ đâu có chịu kiểm soát…
Thế nhưng nếu Việt Nam có lên tiếng hay có động thái gì không chịu nín nhịn thì lập tức sẽ đưa cái “vòng kim cô”-“ Cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển…” ra “ niệm chú” để khóa mồm, tay chân Việt Nam: làm thế là trái, vi phạm với thỏa thuận cấp cao rồi đấy nhé; Việt Nam phải dẹp biểu tình đi, phải bỏ tù những ai lên tiếng phản đối Trung Quốc ! Trung Quốc sẽ đối xử hậu hĩnh với những ai sang học trường đảng Trung Quốc…
Truyền thồng hữu nghị giữa các tầng lớp nhân dân với nhau là có thật: nhân dân VN kính trọng và yêu mến nhân dân Trung Quốc, yêu mến những giá trị văn hóa Trung Quốc; còn nhân dân 2 nước Việt Nam-Trung Quốc đều là nạn nhân của các thế chế cường bạo, lươn leo, bịp bợm của kẻ đang kinh doang cái sự tịn cậy chính trị của chính quyền;
Một nhà văn từng có mặt tại chiến trường Vị Xuyên Hà Giang trong giai đoạn ác liệt đã kể với người viết bài này một câu chuyện mà lịch sử nhất thiết mai đây phải ghi lại chuyện này; Trong cuộc chiến Viêt-Trung ở Vị Xuyên-Hà Giang giai đoạn 1980-1988, vào giai đoạn cuối cuộc chiến, đã xảy ra một sự thỏa thuận ngoại giao nhân dân của những người lính giữa 2 chiến tuyến ở Cao điểm 685 ở Thanh Thủy, Vị Xuyên; Đây là nơi mà hồi đó lính Hà Giang mệnh danh là “Lò vôi thế kỷ”; những ngọn núi đá vôi, tai mèo ở đây đã bị đạn pháo đôi bên dập cho tơi tả thành vôi bột ?!…
Những người lính của 2 bên thỏa thuận với nhau thôi không bắn nhau nữa; không đánh nhau nữa vì họ nhận thức ra cuộc chiến này chẳng liên quan gì tới họ; đêm đêm những người lính của 2 bên hẹn gặp nhau nhảy múa và trao đổi nhu yếu phẩm cho nhau vì họ thấy họ phải bằn giết nhau vì lợi ích của giới cầm quyền Trung Quốc…
Sự thỏa thuận tẩy chay cuộc chiến khởi đầu từ đội quân hậu cần; quy ước là áo để ngoài quần, giống như chữ thập đỏ và  quân 2 bên không bắn vào lực lượng tiếp tế của nhau…Sau đây lan rộng ra…
Thông tin này đã đến Tổng Cục chính trị của Bộ Quốc phòng VN; phía Việt Nam đã bố trí một sĩ quan cao cấp mang máy quay phim lên để kiếm chứng thông tin, bí mật chứng kiến, ghi lại và sau đó 2 bên đi đến quyết định đi tới thỏa thuận ngừng bắn ở cấp cao…
Người dân Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn không thù hằn gì với nhau; Qua cuộc chiến ở Vị Xuyên-Hà Giang tôi nghiệm thấy rằng: trình độ dân chúng của 2 nước Việt-Trung thời nay không còn ngu trung như thời Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang, Chu Nguyên Chương, Lê mạt…để chính quyền Bắc Kinh muốn làm gì thì làm; Vấn đề ở đây là lịch sử phương đông, cái phương thức sản xuất châu Á ấy muôn đời nay vẫn trễ nải, lười nhác, chậm trễ…Ai đó đã tìm ra một câu đồng dao tài tình nói về đặc tính của đám quan chức Hà Nội: Hà Nội không vội được đâu…
Việt Nam có dãy dụa thoát ra khỏi những cái vòng kim cô ác hiểm này không ?
Tôi tin vào tình hữu nghị của 2 dân tộc Việt-Trung đời đời bền vững là có thật và đúng là trong sáng; Tôi không đặt niềm tin vào chính quyền của ông Tập Cận Bình: thường đó là nơi ẩn chứa chấp những quan hệ “ băng đảng”…


P.V.Đ.


(Chính trị) - ”Có những đại biểu tâm sự là chờ đợi, hy vọng những điều rất tốt, những lời lẽ, mỹ từ đưa lên tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam phải biến thành các hoạt động, việc làm thực tế của phía bạn”- ĐBQH Nguyễn Anh Sơn chia sẻ.

Sáng 6/11, sau khi nghe phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Quốc hội Việt Nam, Đại biểu QH Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định) đã khẳng định với Infonet, ông thấy tiếc vì phát biểu của ông Tập Cận Bình không nói gì về vấn đề Biển Đông.

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định) trả lời báo chí
“Bài phát biểu có nhấn mạnh đến quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước như ông Tập Cận Bình Tập Cận Bình nói là thành quả của Đảng cộng sản, nhân dân hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch nước Trung Quốc Mao Trạch Đông lập lên”- Ông Nguyễn Anh Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Anh Sơn nói thêm: “Thực ra, chúng tôi rất hy vọng và nghe những lời nói rất chân tình, thể hiện tình cảm, tình đồng chí giữa những người cộng sản, những người láng giềng, anh em có mối quan hệ lâu năm và mối quan hệ này cũng không bao giờ bỏ được là điều chắc chắn.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cảm thấy hơi tiếc. Bởi, chúng tôi vẫn nghe lại những lời cũ, gần như không có gì mới, vẫn là chủ trương 16 chữ vàng, 4 tốt, trong đó có đồng chí tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt, bạn bè tốt cũng như có những phân tích rõ ràng thêm một chút những nội dung đã được theo dõi từ lâu ở các cuộc gặp gỡ giữa hai bên”.
Theo ông Sơn, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình rất nhiều lần nói là Trung Quốc nguyện cùng Việt Nam làm việc này, Trung Quốc cùng Việt Nam làm việc kia… nhưng mà ông Tập Cận Bình cũng chỉ nhấn mạnh, chúng ta quan tâm đại cục, bỏ qua tiểu tiết, khi giải quyết được đại cục thì những tiểu cục tự nhiên sẽ chuyển.
“Họ nói là nhỏ nhưng với dân tộc Việt Nam chúng ta không nhỏ chút nào cả. Những hòn đảo rất nhỏ nhưng vô cùng thiêng liêng, to lớn đối với người dân Việt Nam chúng ta. Đấy là những điều chúng ta rất băn khoăn”- ông Sơn nói.
Ông Sơn bày tỏ mong muốn, Trung Quốc đưa ra lời hứa không xâm hại đến ngư dân Việt Nam đánh bắt tại ngư trường truyền thống, hoặc dừng những việc làm tại Trường Sa là những điều người dân Việt Nam rất quan tâm.
”Có những đại biểu tâm sự là chờ đợi, hy vọng những điều rất tốt, những lời lẽ, mỹ từ đưa lên tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam phải biến thành các hoạt động, việc làm thực tế của phía bạn”- Ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho biết, ông Tập Cận Bình nhiều lần nhắc lại những câu thơ mà người Việt Nam chúng ta cũng thuộc từ rất lâu, những bài thơ, câu thơ về tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc. Thậm chí cả lời những bài hát mà từ khi ông Sơn còn bé đã từng học, từng thuộc, “Việt Nam – Trung – Hoa núi liền núi, sông liền sông, anh ở bên đấy, tôi bên đây…”  và đưa cả những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoạt động cách mạng ở Trung Quốc
“Những câu thơ như thế được nhắc lại, cá nhân tôi cũng rất bồi hồi, xúc động nhưng thực ra có lẽ, những gì đã xảy ra trong những năm vừa qua nó làm lấn át đi những cái lẽ ra trở thành niềm vui. Một quốc gia, người bạn lớn mà từ xưa đến nay, chúng ta vẫn coi như thế, đến với chúng ta”- ông Sơn chia sẻ
Ông Nguyễn Anh Sơn cũng chia sẻ mong muốn: “Sau này thì bạn sẽ có việc làm gì đó đỡ đi, đỡ căng thẳng như vừa rồi. Đừng có ngăn chặn tàu cá, tàu cứu hộ của Việt Nam khi cứu hộ tàu cá Việt Nam bị hỏng máy ở khu vực Hoàng Sa. Đừng làm phức tạp thêm tình hình Biển đảo ở khu vực Trường Sa”.
Nói kỹ hơn về bài phát biểu của ông Tập cận Bình, ông Nguyễn Anh Sơn cho biết, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình Tập có phân tích 3 nội dung là đồng chí tốt với  lập luận chúng ta đều do Đảng cộng sản lãnh đạo, đi cùng theo một con đường lựa chọn nên cần đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau, giải quyết những bất đồng trên cơ sở, nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản.
Đối tác tốt thì nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc từ lâu gắn bó, tương trợ lẫn nhau, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Điều đó là một thực tế mà chúng ta không chối bỏ được mặc dù nhiều người lo lắng sự phụ thuộc quá trình của kinh tế Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng trong tình hình hiện này thì việc này không quá ghê gớm
Thứ 3 là láng giềng tốt thì lý giải là chúng ta không thể nào rời nhau ra được vì núi liền núi, sông liền sông, vì thế, chúng ta cần gắn bó với nhau. Ông Tập Cận Bình cũng nói láng giềng khó tránh khỏi va chạm, khúc mắc, không hiểu nhau, thậm chí có xung đột nhưng giờ chúng ta phải bỏ quả tiểu cục để hướng đến đại cục, cùng chọn một con đường thì cùng phải đi, dắt tay nhau đi
Thứ 4 là bạn bè tốt, nhân dân Việt Nam và Trung Quốc dựa vào các cấp lãnh đạo thì năng thăm nhau để tạo dựng mối quan hệ gắn bó. khuyến khích thanh niên Việt Nam sang Trung Quốc du học…
“Tất cả những điều đó là rất tốt, ai cũng mong để tạo dựng cơ hội, phát triển. Tuy nhiên, điều mà chúng ta mong đợi là việc làm cụ thể, thực tế”, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn nói.
(Theo Infonet)


Vừa hợp tác, vừa đấu tranh qua chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình


(GDVN) - Chuyến thăm này một lần nữa giúp chúng ta hiểu đúng, nhận rõ hơn về bản chất chủ trương, lập trường và cách hành xử của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

LTS: Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vừa kết thúc chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Việt Nam trên cương vị nguyên thủ quốc gia. Dư luận mấy ngày qua đặc biệt quan tâm theo dõi, chờ đợi chuyến thăm này với những nội dung liên quan đến quan hệ Việt - Trung, đặc biệt là vấn đề tồn tại giữa hai nước trên Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông sẽ được ông Tập Cận Bình đề cập ra sao.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông xung quanh vấn đề Biển Đông - Hoàng Sa - Trường Sa trong chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình cũng như mục tiêu, cách thức và nguyên nhân ông Bình tiếp cận vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Việt Nam trên cương vị nguyên thủ quốc gia Trung Quốc của ông Tập Cận Bình thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Việt Nam là vì quan hệ Việt - Trung đang đối mặt với những thách thức bởi những hành vi của Trung Quốc đã gây nên bất đồng trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông mà nếu hai bên không tìm cách giải quyết căn bản, rốt ráo, lâu dài trên cơ sở thiện chí, cầu thị và luật pháp quốc tế thì quan hệ hai nước sẽ khó có thể phát triển cho dù mong muốn lấy đại cục quan hệ làm trọng.
Gần như ông Tập Cận Bình đã có những lời lẽ tốt đẹp nhất để nói về tình hữu nghị bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc với thái độ hết sức mềm mỏng, nhã nhặn, thể hiện mong muốn thiết tha duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong quan hệ song phương. Những điều ông nhắc lại về phương châm hợp tác 16 chữ và tinh thần 4 tốt chính là điều mà nhân dân hai nước mong muốn đạt được, nhưng trong thực tế có nhiều lúc không phải như vậy.
Bởi lẽ gần như ai cũng biết quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lúc thăng lúc trầm, lúc hòa bình, lúc xung đột, đặc biệt là những diễn biến gần đây trên Biển Đông như việc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981, bồi lấp đảo nhân tạo ở Trường Sa, và những tuyên bố của ông Tập Cận Bình đưa ra khi thăm Hoa Kỳ và Anh quốc.
Người ta không thấy ông nhắc một chữ nào đến mặt trái, mặt tiêu cực của nó để tìm giải pháp tháo gỡ một cách căn cơ, bài bản, cầu thị, nhất là trong bối cảnh hai nước đang có những căng thẳng ngày càng gay gắt trên Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt là sau vụ Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng 5 năm ngoái và bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa hiện nay đang gây bức xúc trong dư luận.
Ẩn ý của ông Tập Cận Bình về vấn đề Biển Đông khi phát biểu trước Quốc hội Việt Nam
Trước khi phát biểu tại Quốc hội, trong các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam hay trong bài viết gửi báo Nhân Dân, ông Tập Cận Bình nhắc "các vấn đề trên biển" và cho rằng hai bên cần kiểm soát tốt các bất đồng, thông qua hiệp thương để duy trì, giữ gìn ổn định trên biển.
Ông không nhắc lại những tuyên bố về Biển Đông, Trường Sa như khi thăm Hoa Kỳ và Anh quốc, mà dùng cách tiếp cận trung dung "các vấn đề trên biển", tùy cách hiểu mỗi bên khi để đề cập Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa.
Chúng ta cũng có thể thấy, từ cách tiếp cận này Trung Quốc vẫn không chấp nhận đàm phán về Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc hai lần cất quân đánh chiếm bất hợp pháp năm 1956, 1974, phớt lờ ý kiến của ông Đặng Tiểu Bình nói rằng hai bên gác lại vấn đề Hoàng Sa cho thế hệ sau giải quyết khi gặp Tổng bí thư Lê Duẩn.
Thay vào đó, ông Tập Cận Bình lại nhấn mạnh hai bên cần kiểm soát bất đồng thông qua hiệp thương để duy trì, giữ gìn an ninh ổn định trên Biển Đông nhưng không đưa ra phương án cụ thể "kiểm soát bất đồng" dựa trên cơ sở nào? Pháp lý quốc tế hay lập trường chính trị? Mặt khác, ẩn ý của ông Tập Cận Bình phải chăng là bất đồng trên Biển Đông là từ hai phía, chứ không phải do những hành vi của Trung Quốc trên thực tế năm 1956, 1974, 1988.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội, ông Tập Cận Bình không nhắc một chữ nào về Biển Đông - Hoàng Sa - Trường Sa. Tuy nhiên có thể tìm thấy ẩn ý của ông về vấn đề này qua nội dung "định hướng láng giềng tốt".
Cụ thể ông Bình nói: "Giữa láng giềng với nhau khó tránh khỏi va chạm, nhưng hai bên cần kiên trì xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước, thông quan hiệp thương hòa bình hữu nghị để kiểm soát và xử lý thỏa đáng các chia rẽ bất đồng, không để quan hệ hai nước xa rời con đường đúng đắn, điều này chính là việc lớn mà thông thì việc nhỏ cũng xong", theo Nhân Dân nhật báo Trung Quốc ngày 6/11.
Ở đây cần phải làm rõ câu chuyện "đại cục quan hệ", "chuyện lớn chuyện nhỏ", "thương lượng hòa bình hữu nghị". Có thể thấy những khái niệm ông Tập Cận Bình đưa ra không mới, nhưng rất mơ hồ và Việt Nam có cách hiểu của Việt Nam, Trung Quốc có cách hiểu của Trung Quốc nên sẽ khó có thể tìm ra tiếng nói chung khi hai bên phải đối mặt với những vấn đề cụ thể, sự việc cụ thể như khủng hoảng giàn khoan 981, bồi lấp đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Ông Tập Cận Bình lần đầu tiên thăm Việt Nam trên cương vị nguyên thủ quốc gia, ảnh: AP.
Xung quanh vấn đề "đại cục", qua phát biểu của ông Tập Cận Bình có thể thấy Trung Quốc họ coi việc giữ ổn định quan hệ chính trị Việt - Trung là "đại cục". Còn qua phát biểu của các nhà lãnh đạo Việt Nam, chúng ta không phủ nhận quan hệ chính trị giữa hai nước là "đại cục", nhưng không chỉ là quan hệ chính trị, mà vấn đề mấu chốt quan trọng hơn nữa phải là làm sao tìm cách giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn còn lại giữa hai nước ở Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông để quan hệ hai nước phát triển lành mạnh.
Trung Quốc họ hiểu quan hệ chính trị giữa hai nước là chuyện lớn, bất đồng mâu thuẫn trên biển (Biển Đông, Trường Sa và không thừa nhận Hoàng Sa) là chuyện nhỏ. Nhưng với Việt Nam thì Biển Đông là không gian sinh tồn của dân tộc, Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ máu thịt không thể tách rời của đất nước Việt Nam, do đó đây là chuyện quốc gia đại sự, quyết không thể xem là chuyện nhỏ.
Và quan trọng hơn cả là hiểu thế nào về "thương lượng hòa bình hữu nghị"? Thương lượng trên căn cứ, cơ sở nào? Với Việt Nam chúng ta, thương lượng phải trên căn cứ thiện chí, cầu thị, khách quan, dựa vào luật pháp và thông lệ quốc tế, không thể dựa vào cái gọi là bằng chứng lịch sử, chủ quyền lịch sử hay lập trường chính trị, quan hệ chính trị.
Trong khuôn khổ đàm phán cấp cao không làm rõ được điều này thì trong đàm phán các cấp chuyên viên, chuyên gia cụ thể sẽ không đi đến đâu, mọi vấn đề vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ.
Mặt khác, ông Tập Cận Bình cũng có ẩn ý nhấn mạnh đến lập trường chính trị, quan hệ chính trị trong thứ tự ưu tiên về 4 tốt. Đầu tiên ông nhắc lại tinh thần 4 tốt theo trật tự vẫn nói lâu nay: Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt. Ngay sau đó, chính ông tự sắp xếp lại trật tự này: Đồng chí tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt và bạn bè tốt.
Trong đó vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước mà ông không nói rõ là Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa, được ông "khôn khéo" đưa vào phần thứ 3 - láng giềng tốt, phần áp chót với những nguyên tắc chung nhất mà ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Những biểu hiện này cho thấy Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa sau chuyến thăm của ông đến Việt Nam sẽ không có gì thay đổi, thậm chí có thể có những diễn biến mới phức tạp hơn trong khi hai bên vẫn chưa thống nhất được cơ chế, nguyên tắc cụ thể để xử lý vấn đề, mỗi bên hiểu và vận dụng theo cách của mình.
Tại sao ông Tập Cận Bình lại có cách tiếp cận như vậy về Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa khi đến Việt Nam?
Khác với những tuyên bố gây bức xúc trong dư luận Việt Nam về Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa khi ông thăm Hoa Kỳ và Anh quốc, chuyến thăm Việt Nam lần này dư luận có thể thấy được thái độ lịch thiệp, nhũn nhặn của ông Tập Cận Bình với láng giềng về mặt ngoại giao, dùng hết lời hoa mỹ để ca ngợi và củng cố quan hệ hai nước.
Nói như vậy cũng tốt, cũng là biểu hiện thiện chí, nhưng không đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của người dân Việt Nam về Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa, không nhìn thẳng vào những tồn tại, bất đồng trong quan hệ song phương.
Trước áp lực từ dư luận Việt Nam, yêu cầu đỏi hỏi chính đáng của Việt Nam, ông nêu ra công thức cũ và không hiệu quả: "Xuất phát từ đại cục quan hệ giữa hai nước, hiệp thương hòa bình hữu nghị để kiểm soát và xử lý bất đồng, chia rẽ" khi chính Trung Quốc vi phạm những cam kết này.
Động thái này nói lên điều gì? Cá nhân tôi cho rằng, dường như ông Tập Cận Bình đang muốn tranh thủ dư luận Việt Nam, "vỗ về" láng giềng, cổ vũ hợp tác chính trị, đảng vụ, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục song phương để "tạm quên" đi những căng thẳng, bức xúc ngoài Biển Đông.
Tại sao ông Tập Cận Bình lại lựa chọn cách tiếp cận này? Nguyên nhân theo tôi có thể do 3 yếu tố chủ yếu tạo nên.
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra rằng họ rất có khả năng thua kiện trong vụ kiện đường lưỡi bò mà Philippines khởi xướng, đặc biệt là sau khi Tòa Trọng tài Thường trực PCA ra thông cáo báo chí khẳng định thẩm quyền xét xử vụ kiện này, bất luận Trung Quốc đồng ý và tham gia hay không.
Dù vẫn khăng khẳng bảo lưu quan điểm không tham gia, không chấp nhận phán quyết của Tòa, nhưng rõ ràng Trung Quốc vẫn rất sợ thua kiện gây ra hiệu ứng domino khiến các bên liên quan đồng loạt khởi kiện mình. Đó là một đòn mạnh mẽ giáng thẳng vào uy tín của một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Bắc Kinh cũng đã bộc lộ ý định muốn "xì hơi quả bóng dư luận" xoay quanh vụ kiện này khi ông Tiết Lực, một học giả có tiếng, có vị trí trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc gần đây đột nhiên thừa nhận trên báo South China Morning Post Hồng Kông rằng, việc tàu USS Lassen Hoa Kỳ tuần tra 12 hải lý quanh bãi Xu Bi hôm 27/10 "không có gì trái với luật pháp quốc tế", bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, ảnh: Tân Hoa Xã.
Điều này sẽ không thể xảy ra đối với một học giả cấp cao đương tại chức của Trung Quốc, nói ngược với quan điểm của Bắc Kinh lâu nay nếu không có một sự bật đèn xanh nào đó từ lãnh đạo cấp cao, thậm chí là cao nhất. Thêm lần nữa dư luận thấy một học giả Trung Quốc dám nói thẳng sự thật, bảo vệ công lý, phù hợp nhận thức chung của nhân loại văn minh.
Dấu hiệu thứ hai cho thấy điều này là trong tuyên bố gần đây nhất của Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một khái niệm hết sức mơ hồ không có trong hệ thống công pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS khi gọi khu vực Mỹ tuần tra quanh Xu Bi là "vùng biển phụ cận".
Xin lưu ý, trong các phát ngôn trước đó của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, họ vẫn gọi những nơi Mỹ có ý định tuần tra quanh đảo nhân tạo họ bồi lấp trái phép ở Trường Sa là "lãnh hải", một khái niệm pháp lý trong UNCLOS trong quy chế dành cho các đảo tự nhiên theo đúng định nghĩa trong Điều 121 UNCLOS nhưng không dành cho đảo nhân tạo cũng như các thực thể là rặng san hô ngập nước hay bãi cạn lúc nổi, lúc chìm.
Yếu tố thứ 2 tác động trực tiếp đến cách tiếp cận này của ông Tập Cận Bình là việc Hoa Kỳ đang can thiệp mạnh mẽ vào Biển Đông, đặc biệt là quyết định của Tổng thống Barack Obama cho tàu hải quân, máy bay quân sự tuần tra thực hiện quyền tự do hàng không hàng hải phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa.
Dù đó là hành động ứng xử bình thường nhưng có ý nghĩa và giá trị rất lớn, cho thấy cam kết của Mỹ thượng tôn pháp luật, bảo vệ luật pháp quốc tế, hòa bình, ổn định và trật tự ở Biển Đông mà Trung Quốc không thể xem thường, càng không thể manh động đối đầu quân sự xuất phát từ một số cái đầu nóng nước này đề xuất.
Thứ ba và cũng là nhân tố quan trọng nhất, có lẽ các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ông Tập Cận Bình đã thấy rõ thái độ, lập trường mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, dư luận quốc tế và khu vực trong vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa.
Đồng thời trước sự phát triển nhanh chóng trong quan hệ đối ngoại đa phương, đa dạng của Việt Nam với các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng như những hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, an toàn hàng hải hợp pháp ở Biển Đông đã khiến Trung Quốc lo ngại và tìm cách kéo Việt Nam về phía họ.
Vì vậy thay vì nhìn thẳng vào những bất đồng, mâu thuẫn trong quan hệ hai nước để tìm cách tháo gỡ, giải quyết trên tinh thần thiện chí, cầu thị, khách quan, hợp pháp mà các bên chấp nhận được, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ tập trung ca ngợi quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác chính trị, đảng vụ, kinh tế, giao lưu...mà không đưa ra được giải pháp nào cụ thể, khả thi và hiệu quả để xử lý các "lực cản, ung nhọt" trong quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam đã thể hiện tốt tinh thần "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" trong quan hệ với Trung Quốc
"Vừa hợp tác, vừa đấu tranh" là tinh thần ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình, chúng ta đã thể hiện rất tốt tinh thần đấy.
Việc tổ chức đón tiếp trọng thị Chủ tịch Trung Quốc và hai bên ký kết hàng chục văn bản hợp tác trên các lĩnh vực đã cho thấy thiện chí và hành động thực tế của Việt Nam trong việc tìm mọi nỗ lực vun đắp, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Trong vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng và quan hệ Việt - Trung nói chung, các nhà lãnh đạo Việt Nam khi hội đàm, hội kiến với ông Tập Cận Bình cũng đã thể hiện rõ lập trường và nói những gì cần nói, còn việc đối phương có nghe hay không và nghe đến đâu lại là câu chuyện khác mà tôi vừa phân tích ở trên.
Nhưng chắc chắn rằng, qua trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ giúp chúng ta hiểu và đánh giá đúng vấn đề để tìm đối sách phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: SCMP.
Theo báo VnEconomy hôm 5/11 khi tiếp và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không để vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để kiểm soát hiệu quả tình hình trên biển; tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước; duy trì nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình. 
Đề nghị Trung Quốc cùng Việt Nam đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông; tăng cường xây dựng lòng tin để triển khai thuận lợi các dự án hợp tác trên biển mà hai bên đã nhất trí. 
Đề nghị hai bên triển khai hiệu quả, thực chất các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, tích cực trao đổi tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài hai bên đều chấp nhận được. Việt Nam có thái độ tích cực đối với vấn đề hợp tác cùng phát triển trên biển tại khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
Mâu thuẫn bất đồng về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông rất khó khăn và phức tạp. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền không phải câu chuyện trong ngày một ngày hai có thể giải quyết xong, càng không thể xong trong chỉ một chuyến thăm.
Truyền thông Việt Nam cho biết, khi đề cập đến các vấn đề trên biển Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hai bên cần nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao về vấn đề trên biển; nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” bằng các hành động thực tế, nhất quán. 
Sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Duy trì hòa bình, ổn định và kiểm soát bất đồng trên biển. Chân thành và thẳng thắn trao đổi, nghiên cứu vấn đề phi quân sự hóa ở Biển Đông; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; bảo đảm an toàn cho các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân.
Cùng phản ánh về vấn đề này, báo Thanh Niên ngày 6/11 dẫn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói thẳng với ông Tập Cận Bình rằng:
Những năm gần đây, lòng tin về quan hệ hai Đảng, hai nước trong một bộ phận quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên đã bị suy giảm bởi những tranh chấp, bất đồng giữa hai nước về vấn đề trên biển cũng như việc một số thỏa thuận hợp tác giữa hai nước không được thực hiện đầy đủ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Tân Hoa Xã.
Vì vậy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai bên cần tăng cường xây dựng tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác, tích cực tìm cách giải quyết thỏa đáng những vấn đề tồn tại. Theo Chủ tịch nước, bất đồng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông là thực tế, nhưng quan trọng nhất là hai bên phải tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, kiểm soát tốt tình hình, phải thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.
Theo đó hai bên cần thông qua đàm phán giải quyết các mâu thuẫn một cách thỏa đáng, không có hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông; đảm bảo an toàn hàng hải, hàng không và các hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của ngư dân, cùng nhau tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định phục vụ mục tiêu phát triển của cả hai nước và của khu vực.
Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên có thể triển khai thúc đẩy các lĩnh vực, dự án hợp tác trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), sớm ký Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)...
Như vậy có thể thấy chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm củng cố quan hệ Việt - Trung, mở ra nhiều cơ hội, lĩnh vực hợp tác cho cả hai nước, lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa vẫn dậm chân tại chỗ.
Phía Trung Quốc chưa tỏ rõ thiện chí giải quyết các mâu thuẫn bất đồng thông qua đối thoại trên tinh thần thiện chí, cầu thị, khách quan và thượng tôn pháp luật để hướng đến giải pháp thiết thực mà các bên chấp nhận được. 
Và với Việt Nam, chuyến thăm này lại càng quan trọng hơn để một lần nữa tỏ rõ thiện chí mong muốn đối thoại cũng như lập trường trong vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa trước dư luận trong và ngoài nước cũng như dư luận nhân dân Trung Quốc, làm sao để giải quyết bất đồng tạo tiền đề cho quan hệ hai nước phát triển lành mạnh.
Chuyến thăm này một lần nữa giúp chúng ta hiểu đúng, nhận rõ hơn về bản chất chủ trương, lập trường và cách hành xử của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa sẽ giúp ta hoạch định chính sách đấu tranh thích hợp bảo vệ chủ quyền, không ảo tưởng viển vông mà cũng tránh được xung đột, đối đầu, giữ vững hòa bình ổn vịnh.

Trung Quốc triển khai radar, máy bay do thám tới biên giới

(GDVN) - Trung Quốc đã triển khai máy bay do thám và hệ thống radar đến các khu vực biên giới.
Tờ Sputnik của Nga ngày 7/11 đưa tin cho biết, Trung Quốc đã triển khai máy bay do thám và hệ thống radar đến các khu vực biên giới.

Theo báo Nga, động thái này nhằm để đối phó với vấn đề tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm buôn bán ma túy ở khu vực Tân Cương và Vân Nam.
Hình minh họa.
Tờ Economic Times dẫn lời Mao Weichen, đại diện của Việc Công nghệ và Vật lý Tây Nam cho biết, việc triển khai radar vàm máy bay do thám đến biên giới của Trung Quốc là nhằm để hỗ trợ lực lượng biên phòng kiểm soát an ninh, đặc biệt là hoạt động vượt biên trái phép, tội phạm xuyên biên giới, các nhóm khủng bố.
Các hệ thống này sẽ theo dõi các hoạt động trái phép trên khu vực biên giới và báo cho lính biên phòng xử lý.

Theo ông, các hệ thống này được triển khai tới khu vực biên giới trên địa bàn các tỉnh Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam, Quảng Đông, Hắc Long Giang và nhiều khu vực khác còn nhằm giúp "kiềm chế các hoạt động bất hợp pháp và buôn bán ma túy" ở biên giới.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng các thành viên của Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan, một chi nhánh của al-Qaeda, thường xâm nhập vào nước này qua biên giới với Pakistan và Afghanistan. Bắc Kinh cáo buộc nhóm này đứng sau một số vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương.

Theo Sputnik, ngoài việc triển khai hệ thống giám sát biên giới trên đất liền. Trung Quốc có ý định triển khai hệ thống radar quét biển (sea-scanning radar) tới khu vực ven biển trong tương lai.

Song song với việc nâng cao tính hiệu quả, Trung Quốc cũng đang tăng số lượng các trạm kiểm soát ở khu vực biên giới. Động thái này, theo Sputnik, nhằm để tăng cường hoạt động vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới giữa Tây Tạng với Nepal. 
Nguyễn Hường
Ts Trần Công Trục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét