Một số các cửa hàng sang trọng dọc phố Des Voeux (Hong Kong) có vẻ gần như trống rỗng, có lúc không có khách hàng Trung Quốc nào ghé thăm vào cuối tuần qua. Với chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở đại lục, đây rõ ràng không phải là thời điểm phù hợp để người Trung Quốc thả tay mua sắm.
“Đảng siết tay kiềm chế các tiếng nói bất đồng,” tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã chạy tít như vậy hôm thứ Sáu. Bài viết kể lại rằng những quy tắc mới nhất của Đảng Cộng sản đã cấm quan chức chơi golf, ăn uống tiệc tùng, lập bè phái trong đảng và có các mối “quan hệ tình ái không đứng đắn”. Ngoài ra còn có một lệnh cấm chung chống lại “việc đánh giá một cách không phù hợp về các chính sách lớn của đảng, gây tổn hại tới sự thống nhất của đảng.”
Đây là một khoảnh khắc đáng lo lắng đối với Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình dường như có được uy tín cao trong các chuyến thăm nhà nước trang trọng tới Washington và London, nhưng ông đã về nước để đối mặt với một nền kinh tế đang chậm lại và một bầu không khí chính trị đầy biến động. Một số nhà quan sát Trung Quốc nói rằng tình hình hiện nay phản ánh một sự bất định chính trị lớn hơn nhiều so với tình hình nhiều thập niên qua.
Bầu không khí chính trị nóng bỏng này là sản phẩm của việc Tập đẩy mạnh chiến dịch xóa bỏ nền văn hóa hối lộ và tham nhũng mà ông lo ngại có thể làm suy yếu sự cầm quyền của Đảng Cộng sản. Tập đang cố gắng thực hiện một chính sách mà dường như hết sức mâu thuẫn nhau: nới lỏng sự kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế thị trường, đồng thời siết chặt kỷ luật đảng. Các quan chức Đảng được cho là hết sức hoang mang, không biết đi theo hướng nào.
“Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực nhanh hơn và toàn diện hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời Đặng Tiểu Bình”, một quan chức tình báo Mỹ cho biết. “Bên ngoài, ông đang dẫn dắt việc quyết định chính sách đối ngoại. Bên trong, ông đang tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ.”
Nhưng đây là một cuộc cải cách đi kèm với ân oán, hận thù. Tập đã sa thải hàng chục đảng viên và lãnh đạo quân sự cao cấp, tạo nên những kẻ thù đáng gờm trong quá trình này. Nạn nhân nổi bật của các cuộc thanh trừng gồm Chu Vĩnh Khang, cựu trùm an ninh, và tướng Quách Bá Hùng, nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Hai rằng kể từ năm 2012, hơn một nửa trong số 205 ủy viên trung ương đảng đã được điều chuyển đến các vị trí khác nhau hoặc bị sa thải.
Với những dịch chuyển chính trị quá nhiều như vậy, đã có nhiều đồn thổi được tung ra, bao gồm cả những tin đồn không có cơ sở về khả năng đảo chính hoặc mưu sát. Các tin đồn bắt đầu xuất hiện vào năm 2012, khi Tập đã không xuất hiện trong một cuộc họp theo lịch trình với Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton, khiến tờ Independent của London đặt ra những “phỏng đoán” về sự an toàn của Tập. Tờ Want China Times của Đài Loan tuyên bố trong năm nay rằng Tập đã từng là mục tiêu của hai vụ mưu sát vào năm 2013. Một tờ báo Nhật Bản đã viết hồi tháng Năm rằng Tập rất “thận trọng” trước các mối đe dọa, bao gồm cả khả năng bị đầu độc.
Tờ The Sunday Times của London cuối tuần qua đưa ra một báo cáo trong đó trích dẫn “những người trong bộ máy có quan hệ với giới lãnh đạo cấp cao của Đảng”, rằng có những tin đồn về “một âm mưu đảo chính chống lại ông bị ngăn chặn hồi tháng Ba”. Các quan chức ở Singapore nói rằng họ cũng có nghe báo cáo về một âm mưu gần đây.
Tập đã thắt chặt sự kiểm soát cá nhân của mình đối với lực lượng quân đội và an ninh. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin hồi tháng Ba là Tập đã thay thế người đứng đầu đơn vị cận vệ lâu năm của mình, được gọi là Cục An ninh Trung ương. Các nhà quan sát Trung Quốc đã quan tâm đến các lời tuyên thệ trung thành mà ông nhận được trong năm ngoái từ hàng chục tướng lĩnh. Tại sao lại phải yêu cầu một lời cam kết như vậy nếu bạn không đang lo lắng? Nhưng cả hai động thái trên cũng có thể được xem như là những dấu hiệu quyền lực của Tập.
David Lampton, Giám đốc Nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins, nói rằng “Chúng ta không nhìn thấy một mức độ bất định lớn đến vậy được tạo ra bởi hệ thống trong suốt 40 năm qua”.
Kurt Campbell, chuyên gia châu Á hàng đầu trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Obama nhấn mạnh sự trớ trêu rằng những đồn thổi về các âm mưu nội bộ giờ đây phổ biến ở Trung Quốc tương tự như trong xã hội khép kín của Bắc Triều Tiên. “Mỗi tuần tôi nghe một tin đồn khác nhau,” ông nói. Những câu chuyện này nói lên nhiều điều về tình hình xã hội tại nước Trung Quốc của ông Tập hơn bất cứ thứ gì: sự bất định nảy nở trong một hệ thống nơi mà thông tin bị kiểm soát quá chặt chẽ, Campell lập luận.
“Nhiều câu chuyện trong số này là kết quả của một môi trường chính trị bất an ở Bắc Kinh”, Campbell nói. Đối với Tập, “Ông ấy vẫn xuất hiện công khai. Ông ấy vẫn ở ngoài đó. Ông không có chỗ nào để giấu mình mà phải tiếp tục. Không có dấu hiệu nào cho thấy ông ấy là người lo sợ cho sinh mạng của mình.”
Khi Ủy ban trung ương đảng tổ chức hội nghị trung ương hàng năm trong tuần này, Tập sẽ có cơ hội mới để áp đặt dấu ấn quyền lực của mình bằng việc bổ nhiệm các đồng minh của mình vào các chức vụ chủ chốt của đảng ở Thượng Hải, Thiên Tân và Quân Ủy Trung ương. Hiện tại, Tập giữ đòn bẩy quyền lực chặt chẽ hơn so với bất kỳ người tiền nhiệm nào gần đây của ông. Đó là một nỗ lực tinh tế mà ông đang cố gắng thực hiện: tạo ra một làn sóng thay đổi và đồng thời cố gắng kiểm soát nó.
Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
David Ignatius là biên tập viên của tờ Washington Post, tốt nghiệp ngành lý thuyết chính trị tại Havard và kinh tế học tại Kings College, Cambridge.
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét