Học giả Đài Loan: ‘Tàu chiến Mỹ đã khiến cho Tập Cận Bình lúng túng’
Tình hình Biển Đông - Tập Cận Bình đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tàu chiến của Hải quân Mỹ áp sát các hòn đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng phi pháp.
Khu trục hạm USS Lassen của Hải quân Mỹ |
Bằng cách cho chiến hạm tuần tra quanh khu vực đảo nhân tạo (do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa), Mỹ đã khiến cho ông Tập Cận Bình rơi vào trạng thái lúng túng – đó là nhận định được một học giả Đài Loan đưa trước sự kiện tàu Mỹ tiến hành tuần tra trên vùng hải phận quốc tế ở Biển Đông hôm 27/10 vừa qua.
Ding Shuh-fan, giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học Chengchi có trụ ở Đài Bắc cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tàu chiến của Hải quân Mỹ áp sát các hòn đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng phi pháp.
Ding Shuh-fan cho rằng, hành động của quân đội Mỹ đã công khai thách thức các tuyên bố đòi hỏi chủ quyền (phi lý và vô pháp) của Trung Quốc đối với các hòn đảo, bãi đá trên khu vực Biển Đông.
Qua đó, Hoa Kỳ cũng muốn thể hiện rằng có thể Washington sẽ làm tất cả để đảm bảo tự do hàng hải và những lợi ích của Mỹ ở khu vực.
Chuyên gia nghiên cứu người Đài loan nhận định rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang triển khai và thực thi chiến lược “chiến đấu không đổ vỡ”. Chiến lược này có nghĩa là cả hai đã và sẽ kiềm chế tối đa, tránh để xảy ra leo thang căng thẳng nhưng vẫn kình địch nhau âm thầm và dữ dội.
Ding Shuh-fan nói rằng Mỹ hoàn toàn công tâm, công bằng trong các hành động của mình. Tất cả việc làm của Mỹ đều dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế chính đáng, tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Trong đó, công ước quốc tế nói rằng tàu quân sự, dân sự của các nước có quyền đi qua lại các vùng biển quốc tế mà không cần phải xin phép bất cứ quốc gia nào. Hoa Kỳ nắm rõ luật, hành động theo luật và đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi phương án có thể xảy ra.
Trước khi đưa chiến hạm đi qua hải phận gần bãi Su Bi và Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Washington thường xuyên lên án Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong trường hợp hôm 27/10 vừa qua, nếu phía Trung Quốc có hành động quá đà, Hoa Kỳ đã có lý do hợp lý để tiến hành các biện pháp đáp trả.
Cả thế giới đều biết quá rõ, đảo nhân tạo do TQ xây ở khu vực Trường Sa không được luật pháp thừa nhận. Nếu Bắc Kinh chặn tàu Mỹ, sự kiện đó sẽ là bằng chứng buộc tội TQ vi phạm luật pháp quốc tế một cách rõ ràng và thuyết phục nhất.
Theo Ding Shuh-fan, sở dĩ Trung Quốc sau đó chỉ đưa ra nhiều tuyên bố suông bày tỏ sự bực tức và phản đối Mỹ bởi Bắc Kinh thừa hiểu rằng nếu không làm như vậy, đồng nghĩa với việc chính quyền của ông Tập Cận Bình phải thừa nhận luật pháp quốc tế nhưng ở trong nước, hình ảnh lãnh đạo của ông Tập đối với công tác đối ngoại đã không còn “uy lực” như trước.
Trước đó chỉ vài ngày, Luo Yuan – 1 trong những tướng lĩnh có tư tưởng diều hâu của quân đội TQ đã lên tiếng doạ nạt rằng, Trung Quốc buộc phải tung ra "những nắm đấm mạnh" nhằm vào những nước muốn phá vỡ cái gọi là "ranh giới lợi ích quốc gia của TQ”.
Xem ra, những tuyên bố này cũng chỉ là vài tiếng nói trong giàn “hoả lực mồm” vẫn thường xuất hiện trên truyền thông TQ để thử phản ứng cũng như thăm dò dư luận trước những sự kiện có liên quan đến những tuyên bố đòi chủ quyền phi pháp từ phía Bắc Kinh.
Học giả Đài Loan này cho rằng, trong một số bối cảnh, sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã đặt chính đất nước này và phần còn lại của thế giới vào một tình thế nguy hiểm.
Nếu Trung Quốc đưa chiến hạm đối đầu với Mỹ trên Biển Đông, điều đó cũng sẽ được xem như là mối đe doạ đến từ Trung Quốc là có thật. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc có thể gánh lấy hậu quả khôn lường, giấc mơ Trung Hoa của ông Tập Cận Bình có thể sẽ hoàn toàn bị phá sản.
Hoà Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét