Chọn theo lý lịch, khó trọng dụng được nhân tài
TP - Thảo luận về Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thẳng thắn cho rằng, muốn đất nước phát triển thì vấn đề quan trọng là làm sao trọng dụng được nhân tài vào bộ máy.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Xã hội đã lựa chọn người thì ít khi sai. Ảnh: Doãn Tấn.
Theo ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), nguyên nhân chủ yếu của tất cả mọi vấn đề là con người. Từ nhận thức, phương thức tổ chức đến phương thức lãnh đạo, đến những cái đạt được, hay hạn chế đều xuất phát từ con người và công tác tổ chức.
Tuy nhiên, công tác tuyển chọn cán bộ hiện mới chỉ coi trọng bằng cấp, tức coi trọng hình thức chứ không phải bản chất bên trong và năng lực thực sự. ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) tỏ ra băn khoăn trước một số trường hợp được bổ nhiệm trong thời gian qua gây xôn xao dư luận. Sau đó, cơ quan chức năng kiểm tra thì lại kết luận “bổ nhiệm đúng quy trình”.
“Việc này cần phải xem lại vì đúng quy trình thế tại sao dư luận vẫn băn khoăn. Tôi nghĩ rằng quy trình công tác cán bộ của ta chưa tạo được sự yên tâm trong xã hội”, ông Thông nói và khẳng định, trong công tác xây dựng Đảng, trọng tâm vẫn phải lấy cán bộ làm khâu đột phá, quyết định. Dân chủ trong Đảng phải nhấn mạnh. Đó là một bước quyết định dân chủ ngoài xã hội. Phải có sự cạnh tranh trong công tác bầu cử, để chúng ta thực sự lựa chọn được những người có đức, có tài.
“Singapore trước đây có gì đâu, nghèo rớt, phải nhập nước ngọt để sinh hoạt. Thế mà người ta lại xây dựng được nền kinh tế của mình cạnh tranh nhất thế giới, phát triển mạnh mẽ. Mà Singapore bao năm rồi cũng chỉ một đảng cầm quyền thôi”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dẫn chứng.
Và để đất nước phát triển, theo ông Vinh, vấn đề quan trọng nhất là phải trọng dụng được nhân tài. Tuy nhiên đây là vấn đề mà thời gian qua nói rất nhiều nhưng vẫn chưa làm được. “Nói thật ở ta thì cuối cùng mang hồ sơ lý lịch ra đồng ý là xong. Khó lắm. Cơ chế của ta chưa có lựa chọn đánh giá nên phải đánh giá thông qua tuổi, lý lịch, bằng cấp. Bằng cấp thì lại đua nhau mua, không đánh giá chất lượng công việc thực tế của người đó ra sao”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, mới đây Canada bầu Thủ tướng mới 43 tuổi. Nhưng đó là người do xã hội lựa chọn. Xã hội đã lựa chọn thì ít khi sai… Và chỉ xã hội chọn mới có được cán bộ tài thực sự. Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cũng cho rằng nên chấp nhận con đường lựa chọn của xã hội. Cứ người nào có tài thì được trọng dụng.
BT Bùi Quang Vinh " nước mắt đầm đìa" về "Mối suy tư về thân phận gia công"
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Vẫn đầy suy tư như mọi khi, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói lên ba mối lo của mình về tình hình kinh tế của đất nước. Mối lo nào cũng quá lớn, chỉ nghĩ đến thôi đã “nước mắt đầm đìa”. Xin chia sẻ một mối lo của ông.
Tại phiên thảo luận ngày 22.10, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Một nền kinh tế không có được lực lượng doanh nghiệp (DN) mạnh không bao giờ là một nền kinh tế mạnh, càng không bao giờ là một nền kinh tế tự chủ. Tôi rất trăn trở! DN vẫn yếu, quy mô vẫn nhỏ, vẫn ăn xổi, vẫn làm dịch vụ rất nhiều, còn nền tảng sản xuất chính ta làm rất ít… nước nào cũng cần phải có nền tảng công nghiệp. DN của ta thì đông, nhưng phần lớn là buôn bán, nhà hàng, khách sạn”.
DN đông nhưng tìm đỏ mắt không ra được một sản phẩm công nghiệp, cơ khí, công nghệ cao tham gia thị trường thế giới, thậm chí cả thị trường trong nước. Chuyện bó tay nhìn con ốc vít đã được nói nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa thể sản xuất được con ốc vít đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của khách hàng. Tự chủ nền kinh tế sao được khi trong tay không có sản phẩm tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu.
Hãy nhìn trên đường, ôtô, xe máy dày đặc, tuyệt không có thương hiệu nào của Việt Nam. Hãy nhìn vào trong nhà, sẽ thấy máy điều hòa, tivi, tủ lạnh chủ yếu của Nhật Bản, Hàn Quốc. Hãy nhìn trên đồng ruộng, nói như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Bao nhiêu năm vẫn còn con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Nếu có chiếc máy cày, máy tưới thì cũng của Nhật Bản hoặc các nước khác.
Không có sản phẩm công nghiệp, sản phẩm công nghệ cao thì suốt đời làm thân phận gia công, mà làm thuê thì suốt đời bị ông chủ “ăn hiếp”. Chúng ta đang bị thiên hạ “ăn hiếp” nhiều cách, ví dụ như dự án đường sắt đô thị trên cao ở Hà Nội, phụ thuộc Trung Quốc từ tiền đến công nghệ.
Một quốc gia không tự chủ được nền kinh tế thì sẽ khó tự chủ được những lĩnh vực khác. Muốn bảo vệ đất nước thì phải có vũ khí hiện đại, nếu không sản xuất được thì phải đi mua, muốn mua phải có tiền, nhiều tiền.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói lên mối lo của mình và mối lo đó ai cũng biết, chỉ có điều chưa ai chỉ ra được nguyên nhân và đưa ra giải pháp. Cả cộng đồng DN Việt Nam không sản xuất được sản phẩm có thương hiệu thế giới thì vấn đề không chỉ ở sự hạn chế năng lực của DN, mà còn là sự khiếm khuyết của chính sách.
Thoát khỏi thân phận gia công không chỉ là sức lực và trí tuệ của DN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét