Tướng Rinh lên tiếng việc Mỹ đưa tàu khu trục vào Biển Đông
Hoàng Đan | 29/10/2015 08:52
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, việc Mỹ đưa tàu khu trục vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông như vậy là vì đường hàng hải quốc tế.
Mỹ đưa tàu vào là vì quyền lợi của mình
Thông tin sáng 27.10, Mỹ đã chính thức cho tàu khu trục USS Lassen tiến hành tuần tra "tự do hàng hải" trên biển Đông và đi vào vùng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ: "Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, các đảo chìm không có vùng lãnh hải.
Như vậy, khu vực Mỹ đưa tàu khu trục vào tuần tra là vùng biển quốc tế. Trung Quốc không có quyền nói Mỹ xâm phạm lãnh hải của họ.
Tôi nghĩ rằng việc Mỹ đưa tàu khu trục để tuần tra như vậy là vì đường hàng hải quốc tế. Và bất kỳ nước nào cũng có quyền hoạt động như thế".
Theo tướng Rinh, không chỉ các nước trong khu vực Đông Nam Á mà các nước trên thế giới cũng biết việc Trung Quốc chiếm đóng trái phép các đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
"Mỹ đã lên án việc này. Việc Mỹ đưa tàu khu trục vào khu vực này là để chứng minh rằng Mỹ có quyền hoạt động tại đó chứ không phải vì Việt Nam cũng như là vì việc lên án Trung Quốc.
Mỹ đưa tàu vào là vì quyền lợi của mình. Nếu Trung Quốc có hành động chống lại các hoạt động của Mỹ lại là sự vi phạm luật pháp quốc tế"", tướng Rinh nói.
Không nước nào mắc bẫy Trung Quốc
Về việc Trung Quốc vừa tuyên bố hoàn thành xây dựng trái phép 2 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tướng Rinh cho rằng việc xây dựng các ngọn hải đăng của Trung Quốc có mục đích chính là hợp lý hoá việc tuyên bố chủ quyền ở các đảo.
"Nếu những người đi biển công nhận hai ngọn hải đăng này thì Trung Quốc sẽ căn cứ vào đó để khẳng định chủ quyền của mình ở đây.
Trung Quốc đang lợi dụng ý nghĩa tốt đẹp của những ngọn hải đăng để phục vụ cho mục tiêu bành trướng ở Biển Đông. Từ đó, họ có thể thiết lập vùng cấm bay, kiểm soát hàng hải, hàng không.
Tôi tin ở các quốc gia ở Đông Nam Á, không nước nào mắc bẫy Trung Quốc.
Còn các nước ngoài khu vực mà có tàu lưu thông qua Biển Đông, họ cũng rất hiểu biết vấn đề này. Nhưng Trung Quốc vẫn làm với mục đích chiếm Biển Đông", tướng Rinh nhấn mạnh.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, một trong những biện pháp để làm "phá sản" âm mưu này là chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền để các nước trên thế giới biết được hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho biết, như ông đã từng lên tiếng về sự lo lắng xung quanh việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở Trường Sa.
"Sau khi Mỹ đưa tàu vào tiếp cận khu vực 12 hải lý của các đảo Trung Quốc cải tạo, chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thì đã có những phản ứng tiếp theo của Trung Quốc rất mạnh mẽ.
Ở khía cạnh nào đó, tôi thấy từ yếu tố quốc tế này khẳng định Trung Quốc không có quyền được làm các việc vi phạm luật pháp quốc tế trên các đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa", ông Sơn nói.
Trước những tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc như sẵn sàng đâm tàu của Mỹ hay đáp trả cương quyết, ông Sơn cho rằng, điều này cho thấy sự quyết liệt của nước này nhằm tiếp tục lấp liếm cho những hành động vô lý của mình ở khu vực.
Đồng thời, ông Sơn cũng nhấn mạnh, ngoài việc cần phải bình tĩnh theo dõi kỹ tình hình thì chúng ta cũng cần phải chủ động, tranh thủ các diễn đàn quốc tế để lên tiếng mạnh mẽ với quốc tế, khẳng định, chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam đối với các đảo đó.
Mỹ đang thể hiện trách nhiệm của nước lớn
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nêu quan điểm: "Những tuyên bố của phía Mỹ là muốn thể hiện trách nhiệm của nước lớn đối với vấn đề chung của thế giới là việc tự đo đi lại.
Mỹ đưa tàu khu trục vào lần này là phép thử rất quan trọng, đúng quy định của pháp luật quốc tế. Việc làm này là nhân tố tích cực, thu hút mối quan tâm của nhiều quốc gia có liên quan có lợi ích trong việc đi lại trên biển nói chung và đường hàng hải huyết mạch".
Cũng theo ông Quốc, chắc chắn Trung Quốc sẽ hành động theo nhận thức và lợi ích phi pháp của họ, nó sẽ bộc lộ bản chất của Trung Quốc.
"Một quốc gia trỗi dậy trở thành một cường quốc lẽ ra phải có trách nhiệm nhiều hơn với an ninh và tự do đi lại trên Biển Đông.
Trung Quốc là nước giàu, có nhiều lợi thế trong mối quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia, tuy vậy thế giới luôn nhìn vào lợi ích lâu dài, đặc biệt là đối với những cam kết, những cam kết không đặt nước mạnh- yếu - giàu - nghèo - đó là giá trị của thế giới hiện đại".
Dẫu sao đi nữa Trung Quốc sẽ có đối phó, chúng ta hãy quan sát tỉnh táo, nhưng phải dựa trên nguyên tắc chứ không bằng mọi giá nhất là liên quan đến chủ quyền quốc gia.
Phải đặt lợi ích của mình với lợi ích của các quốc gia khác với thái độ tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế.
Đây không phải là một mình Mỹ mà phép thử của thế giới đối với một giá trị. Không chỉ có Mỹ quan tâm đến việc này, nhưng Mỹ có tiềm lực và có thể thực thi được trong bối cảnh hiện nay". ông Quốc nhấn mạnh.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét