(LĐ) - Số 239 SƠN TRƯỜNG - MINH QUÂN
Cứu hộ người dân chung cư CT4 Xa La (Hà Nội) hôm 11.10 (ảnh lớn). u Phản ứng của cư dân một khu chung cư trên địa bàn TP.Hà Nội với chủ đầu tư. Ảnh: T.L
Tích cóp bao nhiêu năm, bỏ ra cả tỉ đồng để sở hữu một căn hộ chung cư, có người chạy vạy vã mồ hôi mới đủ hồ sơ làm thủ tục vay gói 30.000 tỉ đồng với hy vọng “thoát được mặt đất” để sống ở chung cư cho tiện nghi, hiện đại. Thế nhưng, cuộc sống ở chung cư không phải màu hồng.
Dòng sự kiện Cháy chung cư - Nơm nớp nỗi lo
Từ nỗi lo cháy nổ, kẹt thang máy tới những bất đồng “ngầm” giữa các chủ hộ cùng tầng đã khiến cho cuộc sống chung cư có lúc dở khóc - dở cười.
Sợ bà hỏa: Ở không được - bán chẳng xong
Sau vụ cháy ở chung cư CT4 Xa La, một số hộ dân ở đây đã tìm cách… bán nhà. Anh Nam, 34 tuổi - chủ nhân một căn hộ ở CT4 nói: “Sau vụ việc vừa rồi bỗng nhiên thấy ở chung cư mất an toàn quá. Chúng tôi ky cóp mãi mới mua được nhà ở đây nhưng tình hình này có khi lại phải bán để xuống đất cho an toàn”.
Anh Nam cũng cho hay nhiều người cũng muốn bán nhà nhưng không dễ, thứ nhất là thị trường bất động sản vẫn đóng băng, thứ hai nhiều gia đình đang vướng nợ gói 30.000 tỉ đồng nên không thể bán được.
Không chỉ những dân cư ở những dự án cùng chủ đầu tư với chung cư CT4 lo lắng mà nhiều gia đình sống ở chung cư tại Hà Nội lên phương án chống hỏa hoạn. Anh Đoàn Tâm - chủ một căn hộ tại chung cư cao cấp V chia sẻ: “Tôi phải “mở lớp tập huấn” phòng, chống hỏa hoạn cho vợ con, mua thêm bình cứu hỏa. Tôi cũng lên mạng tìm những vật dụng cứu hộ, balô thoát hiểm. Dù những vật dụng này khá đắt, trên dưới 15 triệu đồng nhưng tôi vẫn phải để trong nhà cho yên tâm”.
Chị Kiều Liên ở một chung cư Linh Đàm - Hà Nội chia sẻ: “Hồi tháng 9 vừa rồi khu chúng tôi có một vụ cháy thật, một vụ báo cháy nhầm khiến cư dân náo loạn. Bây giờ đến nghe tiếng… chuông đồng hồ tôi còn giật mình thon thót”. Còn anh Cường ở chung cư H.G Plaza thì phản ánh, cư dân đã dọn về đây từ tháng 4.2015 nhưng nhiều hạng mục của tòa nhà chưa được hoàn thiện, từ cầu thang máy đến cơ sở hạ tầng sân chơi, vườn hoa… đặc biệt hệ thống phòng cháy chưa hoàn thiện lại hay gặp sự cố. “Ở đây thường xuyên có báo cháy giả, chúng tôi có khi đang ăn cơm cũng bỏ bát đũa chạy. Liên tục cháy giả như thế, đến lúc cháy thật có khi lại chẳng ai tin” - anh Cường nói.
Khóc cười với thang máy
Thang máy được gắn liền với tính năng tiện lợi, hiện đại. Nhưng có ở chung cư mới hiểu được những phiền toái mà thang máy mang đến.
Chị Ngọc - chủ sở hữu căn hộ tầng 12 của một chung cư tại Hà Đông (Hà Nội) bàng hoàng kể lại giây phút kẹt trong thang máy mà chị từng gặp phải: “Tôi ở trong thang máy 1 mình, bỗng hẫng một cái, như thể mình rơi tự do, đèn vụt tắt, hệ thống điều hòa không khí không hoạt động, tôi tưởng mình sẽ chết. Trong thang máy hầu như không có sóng điện thoại, gọi ra ngoài bằng hệ thống trong thang máy thì báo bận. Thật may đó chỉ là một lần mất điện đột ngột và vài phút sau thang máy dừng và mở ở tầng gần nhất cho tôi ra. Từ đó hầu như tôi không dám đi thang máy một mình”.
Ngoài nỗi lo “rớt” thang máy, chỉ có cư dân ở chung cư mới hiểu cảnh “tắc” thang máy. Do tiết kiệm chi phí và không tính toán tỉ lệ người dân/ thang máy, nhiều chủ đầu tư đã hạn chế tối đa thang máy, hoặc khi 1 thang bị hỏng thì chần chừ không sửa chữa.
Người dân ở chung cư tổ 27C thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội không thể quên nỗi ám ảnh “tắc thang máy” mà họ từng gặp: Hàng trăm hộ dân với cả ngàn con người nhưng chỉ có… 1 thang máy hoạt động. Từng ấy con người chen chúc và không thể xuống đất đi làm vì “tắc”.
“Không thể tin nổi, để đi từ tầng 10 xuống đất, tôi phải chờ gần 30 phút”. Có câu chuyện đã thành “giai thoại” ở một chung cư cao cấp giữa thủ đô: Do tính toán sai nên tình trạng “tắc” thang máy thời điểm 7 giờ sáng và cuối giờ chiều diễn ra thường xuyên, “muốn xuống đất, cư dân phải ra bấm thang máy, sau đó vào vệ sinh thân thể, tắm, ăn sáng rồi mới ra thì thang máy tới là… vừa”.
Chung cư: Tình làng nghĩa… xóm
Sống ở chung cư, hầu hết là dân công chức, sáng đi sớm, tối về mở cửa vào nhà là đóng lại ngay, nhìn chung là ít giao du hàng xóm.
Thế nhưng không phải là không có những xung đột dữ dội. Chị Thành mua một chung cư trên đường Trần Phú - Hà Đông và quyết định tự ý di dời nhà vệ sinh, nhà tắm sang chỗ khác theo ý mình. Không ngờ, sau khi thợ khoan đục một hồi, chủ nhà tầng dưới chạy lên quát tháo ầm ỹ đòi kiện tụng tùm lum. Hóa ra, chỗ mà chị Thành khoan đục lại trúng… phòng ngủ của ông tầng dưới, nước rỏ xuống như nhà dột. Phải dàn xếp, đền bù mãi việc mới êm.
Còn ở chung cư CT6 Xa La, chủ nhân của một căn hộ ở tầng 2, khi đi làm về bỗng tá hỏa khi thấy trên cửa dính mẩu giấy “Mày là chó, chó chính là mày”. Chủ nhân rất bức xúc không hiểu mình gây hấn với ai để rồi nhận “đòn thù” vô duyên đến thế. Nhắc đến… chó, không ít người dân ở chung cư bực bội vì nhiều hộ gia đình vẫn thản nhiên nuôi chó và điều đáng ngại là rất thiếu ý thức để cho vệ sinh vương vãi đầy hành lang.
Một trong những kênh giao tiếp của cư dân chung cư là… thư tay. Bức xúc với một hộ dân thường xuyên gây ồn ào, đốt hương vàng mã xông khói nhà bên cạnh, cư dân tầng 9 của chung cư trên phố Tây Sơn đã buộc lòng phải biên một tờ giấy dán cửa hàng xóm: “Đề nghị gia chủ giữ ý thức cộng đồng khi gõ mõ, tụng kinh và thắp hương, yêu cầu đóng cửa để không gây phiền cho hàng xóm”.
Ở chung cư cũng có những chuyện tế nhị, chị Khánh nhà ở chung cư cao cấp V chia sẻ: “Có hôm tôi gặp chuyện vừa bực mình vừa hài hước, tôi ở chung cư nhà cửa kính rất lớn. Bình thường tôi che rèm, một hôm mở rèm ra cho thoáng thì trời ơi, ngay khu chung cư đối diện có một đôi vợ chồng trẻ chắc mới cưới ân ái, âu yếm nhau cứ như là… ở nhà. Mà họ ở nhà họ thật chỉ có điều như thế khác nào cho thiên hạ… rửa mắt, xem… phim. Tôi thấy phát ngượng phải che rèm lại. Ở chung cư có nhiều cái bất tiện không tên, chuyện phải “dòm” chuyện riêng tư của thiên hạ bất đắc dĩ là một trong những bất tiện ấy…”.
Bỏ tiền tỉ mua chung cư, cũng là mua luôn những dở khóc, dở cười…
TPHCM: Ẩn họa cháy nổ đe dọa chung cư dành cho người thu nhập thấp
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có nhiều chung cư được xây dựng đáp ứng cho những người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, qua khảo sát của PV, hiện nay tại nhiều chung cư này đều không đảm bảo an toàn PCCC và thoát hiểm, thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn như chung cư 234 Phan Văn Trị (phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM) có hơn 200 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu thuộc diện tái định cư khi giải tỏa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Ngoài ra, còn khá nhiều chung cư cũng xảy ra tình trạng tương tự như chung cư trên đường Nguyễn Thị Nghĩa, Q.1, chung cư trên đường Bà Hạt (phường 9, quận 10); chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, sẽ tăng cường công tác kiểm tra các công trình chung cư, nhà cao tầng đã đưa vào hoạt động. Nếu chưa được nghiệm thu về PCCC sẽ tiến hành xử lý nghiêm, kể cả đình chỉ hoạt động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét