Phỏng vấn độc quyền Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh (phần 1)
"Nếu ba của ông không phải ông Nguyễn Văn Chi thì ông có nghĩ mình sẽ được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vào thời điểm hiện nay không?" – PV Infonet hỏi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
9 giờ sáng thứ Bảy 17/10, tức đúng 17 tiếng đồng hồ sau khi Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 21 bế mạc, ông Nguyễn Xuân Anh, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã dành cho báo Infonet cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền ngay tại nhà riêng do là ngày nghỉ.
PV: Chiều hôm qua, đang diễn ra phiên bế mạc Đại hội thì tôi được Ban Biên tập yêu cầu cố gắng làm cuộc phỏng vấn độc quyền đối với ông. Thực tình lúc đó tôi nghĩ, ngoài vài câu trả lời bên lề Đại hội, chẳng ai “khùng” mà đi trả lời phỏng vấn độc quyền của báo chí ngay sau khi vừa nhậm chức, vì sẽ rất dễ đưa ra những phát ngôn bị "hớ” do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng.
Tuy nhiên, sau khi nghe bài phát biểu bế mạc Đại hội của ông, tôi có cảm giác ông mạnh mẽ đưa ra những “tuyên ngôn”, thậm chí là “tuyên chiến” khi nhận trọng trách Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Vì vậy mà sáng nay tôi mạnh dạn gọi điện, thực lòng là rất mong thực hiện cuộc phỏng vấn để hoàn thành nhiệm vụ với tòa soạn, nhưng cũng thấy hơi bất ngờ khi được ông nhận lời ngay và mời đến nhà uống trà vào buổi sáng thứ Bảy mà lẽ ra ông phải dành cho gia đình, vợ con. Tôi sẽ đặt câu hỏi một cách thẳng thắn và cũng mong được ông trả lời thẳng thắn. Có cái nào chưa tiện trả lời thì ông cứ nói là chưa thể trả lời được hoặc là hẹn một dịp khác!
Ông Nguyễn Xuân Anh: Tinh thần là thế này anh Hải Châu nè. Anh em mình trao đổi để hiểu nhau, nếu được thì truyền tải để mọi người hiểu tâm tư, tình cảm, quan điểm của tôi thôi, chứ đây không nhằm mục đích đánh bóng. Anh phải ủng hộ cho cái đó. Không nhằm mục đích đánh bóng hay bất cứ gì! Cũng không đề cập đến việc trẻ nhất, nhì nước gì cả. Vì nếu đúng thì Bí thư Kiên Giang vừa được bầu, về tuổi còn ít hơn tôi mấy tháng. Tinh thần là tôi muốn cái gì tốt cho cái chung của TP thôi, chứ còn về cá nhân mình thì không phải là dùng báo chí hay này kia để lăng xê, đánh bóng hình ảnh.
PV: Với tinh thần đó, tôi mong là chúng ta sẽ trao đổi thẳng thắn!
Ông Nguyễn Xuân Anh: Anh cứ trao đổi thoải mái thôi!
PV: Việc ông được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kể ra cũng đã có nhiều người dự đoán trước. Và tôi nghĩ, với ông thì đây chắc cũng không phải là điều bất ngờ lắm. Dù vậy thì tôi vẫn muốn hỏi cảm giác của ông ngay tại Đại hội, khi được bầu giữ chức Bí thư như thế nào? Cảm giác của ông trong giấc ngủ đêm qua như thế nào? Và cảm giác của ông khi thức dậy sáng nay như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Anh: Khi được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại phiên họp thứ nhất của Ban chấp hành, cảm giác của tôi lúc đó phải nói là rất đỗi tự hào, hạnh phúc. Thực sự tôi có quá ngạc nhiên lắm không, thì tôi nghĩ là cũng không quá ngạc nhiên lắm. Tình cảm chủ đạo trong tôi lúc đó là một niềm hạnh phúc, vinh dự rất lớn cho cá nhân mình, cho gia đình mình, cho tập thể đã tín nhiệm và thậm chí là sự tín nhiệm của cấp trên, Bộ Chính trị đồng ý giới thiệu tôi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Việc chuẩn bị để làm Bí thư Thành ủy thì TP cũng đã làm theo đúng quy trình, có thời gian chuẩn bị và đã trải qua những quy trình hết sức chặt chẽ theo quy định của TƯ. Đến lúc được bầu làm Bí thư Thành ủy thì tất cả quy trình được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Nói như thế nhưng cũng phải nói là về mặt tâm tư, tình cảm thì tôi thấy rất hạnh phúc, rất phấn khởi, rất tự hào. Cảm xúc đầu tiên là như thế.
Chiều hôm qua về cũng rất mệt mỏi vì đã trải qua thời gian chuẩn bị Đại hội rất dài, rồi anh em đến chúc mừng. Tối hôm qua tôi có một giấc ngủ rất là ngon. Sau hơn một tuần họp hội nghị TƯ 12 rồi về lao vào lo làm sao cho Đại hội thành công, và hôm qua theo đánh giá chung thì Đại hội của TP Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện chứ không riêng cá nhân tôi đâu, tối hôm qua tôi ngủ một giấc ngon lành.
Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh dành cho báo Infonet cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền (Ảnh: HC) |
Sáng nay thức dậy, thấy hôm nay ngày 17/10, mình là Bí thư của Thành ủy Đà Nẵng, cảm giác rất là sung sướng, hạnh phúc. Nhưng lập tức trước mắt là thấy ngay áp lực hết sức nặng nề, trọng trách sắp tới rất lớn. Vui đấy, nhưng lo còn gấp bội.
Còn tâm trạng chung thì tôi nghĩ ai cũng sẽ như tôi thôi. Được bầu giữ trọng trách cao nhất của một TP thì sẽ không ai mà không hạnh phúc cả. Rất thực lòng như thế. Hạnh phúc nhưng cũng thấy rất là nặng nề, thấy ngay áp lực. Có lẽ áp lực này rồi sẽ vào trong cả giấc ngủ nữa kia chứ không phải là bình thường. Tối hôm qua có lẽ do Đại hội kết thúc nên mình ngủ một giấc rất ngon, nhưng những giấc ngủ sắp tới đây tôi nghĩ không phải là dễ dàng đâu. Nó đi vào cả trong giấc ngủ. Mình phải làm cái gì đây? Sẽ rất là vất vả!
PV: Có thêm một câu hỏi “cũ” đã có nhiều người đặt ra, và hiện vẫn có nhiều người đang đặt ra. Vì vậy tôi muốn chuyển đến ông câu hỏi thế này: Nếu ba của ông không phải là bác Nguyễn Văn Chi (nguyên Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) thì ông có nghĩ mình sẽ được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vào thời điểm hiện nay không?
Ông Nguyễn Xuân Anh: Có lẽ đó là câu hỏi mà nhiều người sẽ đặt ra với tôi. Tôi từng trả lời là tôi không phủ nhận truyền thống gia đình. Truyền thống gia đình rất là quý báu. Có gia đình tôi, có ba tôi thì đương nhiên là sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ sẽ tốt hơn. Nhưng để nói nhờ có ba mà tôi mới được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thì cũng chưa phải là đúng lắm.
Vì thực ra ba tôi nghỉ hưu 5 năm rồi chứ không phải đang đương chức. Ông đã nghỉ hưu trọn một nhiệm kỳ, năm nay đã 70 tuổi rồi. Trong suốt thời gian ấy thì sự ủng hộ về mặt tinh thần giữa người cha dành cho người con là chính, còn sự can thiệp, sự tác động này kia thì hầu như không có. Bởi vì ba đã là một người quan chức lãnh đạo về hưu; và cũng không sống với tôi thường xuyên, nên chủ yếu là ủng hộ về mặt tinh thần, giúp đỡ, khuyên răn.
Và tôi nghĩ những cố gắng của bản thân cũng phải được ghi nhận. Cho dù tôi có là con của ai đi nữa, ba tôi có làm gì đi nữa, nhưng nếu tự bản thân tôi không nỗ lực, không phấn đấu và không đảm bảo một trình độ nhất định cả về trình độ năng lực, sự hiểu biết, phẩm chất đạo đức, truyền thống gia đình… thì cũng không được. Điều đó kết hợp nhiều yếu tố lắm chứ không phải chỉ vì Xuân Anh là con ông Nguyễn Văn Chi, cứ thế là lên làm. Còn nhiều người là con các vị lãnh đạo khác nữa, mình cũng chỉ là một thiểu số thôi. Có rất nhiều đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí còn lớn hơn cả ba tôi nữa. Thì mỗi người một chí hướng mà.
Tôi nghĩ ở độ tuổi này, 39 – 40 tuổi, làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, bởi vì cũng chưa có tiền lệ nên mọi người thấy là trẻ. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải nên quen dần với việc thế hệ trẻ ngày càng tiếp cận, tiếp quản những vị trí quan trọng để sẵn sàng gánh vác trọng trách của đất nước. 5 – 10 năm nữa thì thế hệ cha anh sẽ qua đi. 5 – 10 năm nữa sẽ không còn những người từng tham gia kháng chiến tham gia vào bộ máy lãnh đạo. Lúc đó là thời điểm của thế hệ trẻ. Ở nhiều địa phương, tôi thấy cán bộ trẻ làm Bí thư ngày càng nhiều, lớn hơn tôi vài tuổi rất phổ biến. Tôi nghĩ Bộ Chính trị tin tưởng giới thiệu tôi làm Bí thư Thành ủy; cán bộ chủ chốt ở đây giới thiệu tôi, qua hai vòng giới thiệu TƯ rất tập trung. Tôi nghĩ là người ta có niềm tin ở mình!
(còn nữa)
Khi nói về bài phát biểu bế mạc Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 2 được dư luận rất chú ý, ông Nguyễn Xuân Anh tuyên bố: “Tôi nghĩ tôi có quyền được chỉnh sửa. Với tư cách Bí thư phát biểu bế mạc thì tôi nghĩ tôi có quyền được chủ động trong việc chuẩn bị bài phát biểu của mình!”. Mời bạn đọc đón đọc tiếp trong phần 2 của bài phỏng vấn này!
* Ông Nguyễn Xuân Anh trả lời phỏng vấn độc quyền của Báo điện tử Infonet. Nghiêm cấm mọi hành vi copy, đăng tải trên các trang khác mà không được sự đồng ý của Infonet.
(TNO) Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015 – 2020), ông Nguyễn Thanh Nghị, tân Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: phát triển kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, chắc chắn, đảm bảo an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế theo mô hình đặc khu kinh tế tại huyện đảo Phú Quốc...
Trong nhiệm kỳ 5 năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, một số hạn chế còn tồn tại nhưng với nỗ lực của cả Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, tỉnh vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tình hình kinh tế phát triển ổn định. Tiếp tục duy trì tốc độ phát triển đạt mức khá trong khu vực. Các lĩnh vực như văn hoá, xã hội luôn được tập trung chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới luôn được giữ vững.
Với kết quả như trên, nhiệm kỳ tới, BCH Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã xác định cần tăng cường hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ các cấp; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Đặc biệt là phải phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển kinh tế biển, du lịch...
PV: Ông có thể chia sẻ thêm một số mục tiêu cụ thể?
Ông Nguyễn Thanh Nghị: BCH Đảng bộ tỉnh Kiên Giang khóa mới đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới cần chỉ đạo triển khai thực hiện như sau:
Tập trung khai thác hiệu quả tiền năng thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, chắc chắn, đảm bảo an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế theo mô hình đặc khu kinh tế tại huyện đảo Phú Quốc; tăng cường cho vấn đề phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đảm bảo quốc phòng an ninh cũng như tình trình trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường hiệu quả hoạt động hội nhập, đối ngoại của tỉnh, đẩy mạnh công tác dân vận để phát huy sức mạnh đoàn kết; Tăng cường hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp, trong đó tiếp tục cải cách hành chính, kiện toàn bộ máy.
Nhiệm vụ then chốt nữa là tăng cường xây dựng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Đây là các nhiệm vụ trọng tâm mà Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã xác định phải thực hiện với mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân tốt hơn.
Xin ông nói thêm về mục tiêu phát triển Phú Quốc?
Ông Nguyễn Thanh Nghị: Phát triển Phú Quốc thành đặc khu kinh tế là chủ trương của Trung ương. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo xây dựng đề án và trình các cấp có thẩm quyền của Trung ương xem xét. Phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình đặc khu có thể nói đây sẽ là mũi đột phá của tỉnh Kiên Giang. Sắp tới, khi có quyết định chính thức từ Trung ương, tỉnh sẽ có những chỉ đạo thực hiện cụ thể để đảm bảo thực hiện tốt theo những mục tiêu đề án đặt ra.
Kiên Giang đón nhận năm Du lịch quốc gia 2016 như thế nào khi được chọn là nơi đăng cai tổ chức?
Ông Nguyễn Thanh Nghị: Kiên Giang được chọn là nơi tổ chức năm du lịch quốc gia 2016. BCH Đảng bộ tỉnh xác định đây là vinh dự và cũng là cơ hội rất lớn của tỉnh để phát huy thế mạnh du lịch địa phương. Tuy hiện nay tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhưng với cơ hội này, chắc chắn Kiên Giang sẽ phải tận dụng tối đa, tổ chức tốt Năm du lịch quốc gia. Đồng thời sẽ có những dự án triển khai cụ thể để phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất các trung tâm du lịch của địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Lam - Đình Tuyển
( thực hiện)
( thực hiện)
>> Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh: 'Không có quyền lực ngoài pháp luật'
>> Chủ động tấn công tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia
>> Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang
>> Chủ động tấn công tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia
>> Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang
[CẬP NHẬT] Danh sách Bí thư tỉnh, thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020
TPO - Đến thời điểm này, nhiều tỉnh thành đã tiến hành xong Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tại nhiệm kỳ mới, có hai Bí thư 39 tuổi và hai nữ Bí thư tỉnh ủy. Riêng TP HCM sau khi tiến hành Đại hội, chưa bầu được Bí thư Thành ủy mới.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi, tân Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang.
Báo điện tử Tiền Phong cập nhật danh sách Bí thư các tỉnh, thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Tại Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nghị đã được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ông Nghị năm nay 39 tuổi, từng kinh qua các chức vụ Hiệu phó Đại học Kiến trúc TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Trước đó ít ngày, Bí thư Kiên Giang Trần Minh Thống được điều động làm Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Tại Đà Nẵng, Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng cũng đã bầu ông Nguyễn Xuân Anh, Phó bí thư thường trực Thành ủy giữ chức Bí thư thay ông Trần Thọ. Sinh năm 1976, ông Nguyễn Xuân Anh là một trong hai Bí thư trẻ tuổi nhất nước đều 39 tuổi.
Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc đã tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Sau khi tiến hành Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa X cũng đã bầu ông Nguyễn Phú Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020.
Tỉnh Đắk Nông, người được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XI, nhiệm kỳ 2015-2020 là ông Lê Diễn, từng giữ cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum, Phó bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông và Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.
Sau khi Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XIX đã bầu ông Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định làm Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khóa XIX nhiệm kỳ 2015-2020.
Tại TP Cần Thơ, nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông Trần Quốc Trung, Phó bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ được tín nhiệm bầu chức vụ Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Ban chấp hành gồm 53 thành viên và Ban thường vụ Thành ủy Cần Thơ gồm 16 thành viên.
Cũng vào tháng 10 này, Đại hội đảng bộ khóa XVIII tỉnh Nghệ An đã bầu 71 người vào BCH Đảng bộ, 15 người vào ban thường vụ tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 và ông Hồ Đức Phớc tái đắc cử Bí thư tỉnh ủy Nghệ An.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Phạm Duy Cường tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.
Tại Vĩnh Phúc, sau khi tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, bà Hoàng Thị Thúy Lan tiếp tục được tín nhiệm bầu và tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Trước đó, ông Phạm Văn Vọng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã được điều động làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2015- 2020 kết thúc, có 15 người trong Ban thường vụ Tỉnh ủy và ông Dương Thanh Bình tái đắc cử Bí thư.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 71 người. Ông Trịnh Văn Chiến, tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Ninh Thuận sau khi tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh, ông Nguyễn Đức Thanh cũng tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV, ông Dương Thanh Bình tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.
Tỉnh Đăk Lăk, sau Đại hội, ông Êban Y Phu, Phó bí thư Thường trực giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, thay cho ông Niê Thuật được Trung ương điều động giữ chức Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam, ông Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa mới.
Tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Thanh Quang cũng tái đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Tại Quảng Trị, Đại hội Đảng bộ khóa XVI, ông Nguyễn Văn Hùng (54 tuổi), Phó bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị thay ông Lê Hữu Phúc.
Tại Sơn La, Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục bầu ông Hoàng Văn Chất giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ mới.
Sau khi Đại hội, ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy khóa XV tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.
Ông Nguyễn Xuân Anh - Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng năm nay 39 tuổi.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Thanh tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình. Bà Thanh là một trong hai nữ nắm cương vị Bí thư tỉnh ủy vào thời điểm này.Tại phiên họp thứ nhất của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy khóa X tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn khóa XI, nhiệm kỳ 2015-2020.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng tổ chức thành công và bầu 51 ủy viên, trong đó ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tái đắc cử Bí thư nhiệm kỳ mới.
Tại Bắc Giang, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã được tiến hành và ông Bùi Văn Hải được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới.
Sau khi Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 họp phiên đầu tiên đã bầu Ban Thường vụ gồm 16 người, trong đó ông Võ Thành Hạo tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI , nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Nguyễn Ngọc Quang tiếp tục tái đắc cử chức Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam với 56/56 phiếu bầu.
Nhiệm kỳ này, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XIII, ông Nguyễn Mạnh Hùng tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy khóa mới.
Sau Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa XVIII đã bầu 15 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ông Nguyễn Hoàng Anh tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV cũng đã công bố việc bầu Ban Thường vụ tỉnh ủy và kết quả bầu Bí thư. Ông Dương Văn Trang, từng làm Phó bí thư tỉnh ủy Gia Lai đã được bầu giữ chức Bí thư tỉnh ủy khóa XV.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh khóa X sau khi bầu 15 người vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó ông Trần Lưu Quang được tín nhiệm tái cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh.
Tại Lai Châu, ông Nguyễn Khắc Chử cũng tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy khóa XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 sau khi tỉnh này tiến hành Đại hội Đảng bộ.
Tại Điện Biên, ông Trần Văn Sơn, một trong số 44 cán bộ được điều động, luân chuyển, từng làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng vừa được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên sau khi tỉnh này tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII.
Tại hội nghị lần thứ I, BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bầu Ban thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh quan trọng. Theo kết quả từ hội nghị, ông Triệu Tài Vinh tái đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy khóa 15 được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai. Tỉnh này còn có hai Phó bí thư là bà Hà Thị Nga và ông Đặng Xuân Phong.
Tại Hậu Giang, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã bầu ông Trần Công Chánh giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Ông Chánh từng giữ chức vụ Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, sau đó được điều động giữ chức vụ phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Hòa Bình là đơn vị cấp tỉnh đầu tiên tiến hành Đại hội, sau hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, với 54/54 phiếu đồng ý, ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy khóa XV, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tái cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Tại Khánh Hòa, ông Lê Thanh Quang, tiếp tục tái đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng vừa được tiến hành và kết thúc. Ông Nguyễn Văn Hùng tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Tại Lâm Đồng, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh này gồm 54 người, trong đó ông Nguyễn Xuân Tiến, ủy viên Trung ương Đảng, tiếp tục giữ chức vụ bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới sau khi tiến hành Đại hội.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2015 – 2020 cũng vừa kết thúc. Tại phiên họp Ban chấp hành khóa mới, ông Phạm Văn Rạnh, Phó bí thư Tỉnh ủy Long An đã được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khóa mới.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã bầu ông Trần Lưu Quang làm Bí thư Tỉnh ủy.
Sau khi tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, ông Phạm Văn Sinh tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2015-2020.
Đại hội Đảng Bộ TP HCM cũng vừa được diễn ra và đã bầu được 15 Uỷ viên Thường vụ, nhưng tạm thời vẫn chưa bầu Bí thư. Ông Lê Thanh Hải được Bộ Chính trị phân công tiếp tục chỉ đạo Thành ủy TP.HCM trong thời gian chờ phân công Bí Thư thành ủy TP.HCM.
Vào đầu tháng 11 tới, TP Hà Nội sẽ là tỉnh thành cuối cùng tiến hành Đại hội nhiệm kỳ mới này.
Hạt giống đỏ
TP - Tuần qua, Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành đồng loạt diễn ra. Cùng lúc, thông tin về hàng loạt các lãnh đạo trẻ trên dưới 30 tuổi trúng cử vào Ban chấp hành, Ban thường vụ các thành ủy, tỉnh ủy nhiệm kỳ mới liên tục được cập nhật, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.
ân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: VTC
Trong đó, hai tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang đều sinh năm 1976, vừa tròn 39 tuổi. Như vậy, lần đầu tiên xuất hiện những người sinh sau năm 1975 được giao nắm giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Giới trí thức nhiều người còn lưu truyền câu chuyện năm 1954, Việt Nam gửi 100 “hạt giống đỏ” từ 6 đến 16 tuổi sang Liên Xô đào tạo. Đó phần lớn là con của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, những nhà quân sự tài ba, nhà khoa học lừng danh... Họ được chọn lựa kỹ càng về phẩm chất đạo đức lẫn các chỉ số về trí tuệ, tài năng, với mục đích đào tạo thành những nhà quản lý, lãnh đạo đất nước trong công cuộc xây dựng đất nước hòa bình. Thế nhưng chỉ vài người trong số ấy thành công trên con đường chính trị. Còn lại hầu hết dành cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, y học, kinh tế, văn hóa-nghệ thuật, quân sự…, và sau này đều là những tên tuổi nổi tiếng, các chuyên gia đầu ngành.
Trong số những nhân tố trẻ được tín nhiệm sau kỳ đại hội vừa qua tại nhiều địa phương, nổi lên một số trường hợp là con của cán bộ lãnh đạo. Dư luận đa chiều. Nhưng có thể thấy phần đông xã hội đặt niềm hy vọng vào sức trẻ, học vấn bài bản và nhiệt huyết của họ. Trẻ và có học – hai vốn quý vào loại bậc nhất của con người. Cộng với khát khao cống hiến, tạo nên sự đổi mới, tiến bộ - vậy thì tại sao phải băn khoăn, e ngại? Sự già nua, lạc hậu và bảo thủ nhường chỗ dần cho nhân tố mới hiện đại, năng động - đó là sự phản ánh tiến bộ xã hội, nên mừng.
Cách nhau hơn 60 năm, những thế hệ “hạt giống đỏ” hẳn có nhiều điểm không còn tương đồng. Xã hội hiện đại thời hội nhập thế giới, nền kinh tế thị trường, cùng các mối quan hệ xã hội phức tạp, nhóm lợi ích đan xen khiến nhãn quan con người không còn giản đơn như trước. Tất nhiên, dư luận cũng sòng phẳng và khắt khe hơn với những vị trí lãnh đạo, nhất là khi họ còn trẻ và có xuất thân hoàn toàn khác số đông. Đó chính là áp lực lớn đối với những nhà lãnh đạo trẻ mà bước đường sự nghiệp còn rất dài trước mắt. Khi nắm trong tay quyền lực sớm hơn rất nhiều người khác, càng đòi hỏi sự trong sáng, trong sạch, công tâm.
Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng 39 tuổi Nguyễn Xuân Anh, phát biểu khi nhậm chức: “Chức vụ là do Đảng phân công, vì vậy người lãnh đạo muốn làm gì thì phải nghĩ đây không phải quyền lực mà mình được hưởng thụ cho cá nhân hoặc cho gia đình mà tùy tiện muốn làm gì thì làm”.
Người dân mong những lãnh đạo trẻ tuổi không chỉ nghĩ và nói, mà luôn làm được như vậy.