Tin tức chuyên ngành

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Ông “Toàn máy tuốt” và câu chuyện gom rơm chế biến thành vàng

HIỆP HÒA

(GDVN) - Ông Đào Văn Toàn - người đi đầu trong việc thu gom rơm rạ sau mỗi vụ mùa của bà con nhân dân thôn Mát (Kim Động – Hưng Yên) bằng một phương pháp đặc biệt.
“Toàn máy tuốt” - Đó là biệt danh mà người dân trong vùng đặt cho ông Đào Văn Toàn, thôn Mát, xã Nhân La (Kim Động – Hưng Yên), người đi đầu trong việc thu gom rơm rạ sau mỗi vụ mùa của bà con nhân dân nơi đây bằng một phương pháp rất đặc biệt.

Đó là tuốt lúa miễn phí để lấy rơm “chế biến” lại bằng cách ủ, lên men và phối trộn với các loại thức ăn khác cho đàn bò của nhà mình.

Sau 3 năm thực hiện mô hình này, đến nay trang trại của ông có trên 50 con bò thịt sử dụng loại “thực phẩm đặc biệt” cho thu nhập bạc tỷ mỗi năm.

Tuốt lúa miễn phí cho người dân suốt 3 năm trời

Sinh ra trong một gia đình chủ yếu làm nông nghiệp. Câu chuyện gom rơm rạ để “chế biến” ủ men vi sinh cho bò ăn đến với ông rất tình cờ. 


Vào đầu năm 2013, trong một lần thu hoạch vụ lúa xuân, ông Toàn thấy người dân quê mình sau khi thu hoạch lúa xong, rơm rạ bị vương vãi khắp nơi nhưng không lấy dùng để đun nấu mà vứt ngay ở cánh đồng, chất đống để đốt gây ra nhiều đám khói nghi ngút hoặc đẩy xuống mương máng, cống rãnh làm tắc nghẽn sự lưu thông của dòng chảy.

Rơm tươi không được phơi nắng, lại vứt ngay xuống cống làm bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con nhân dân trong vùng. Thấy cảnh tượng như vậy, ông không khỏi xót xa và trăn trở phải làm sao “để biến những thứ bình thường nhất thành điều có ích cho xã hội”.
Ông Toàn đang giới thiệu máy cắt rơm của trang trại (Ảnh: Hiệp Hòa)
Tình cờ trong một lần được tiếp cận với mô hình ủ rơm bằng men vi sinh cho bò ăn do trung tâm khuyến nông tỉnh Hưng Yên giới thiệu. Ông đã liên tưởng ngay vào ứng dụng ở khu vực quê mình.

Nghĩ là làm, ông Toàn đã cùng với một người cháu trong gia đình góp vốn mở trang trại nuôi bò thịt. Ban đầu, ông mạnh dạn đầu tư 20 con bò và ứng dụng cho ăn thử rơm rạ đã qua ủ bằng Urê.

Thấy bò ăn tốt, khỏe mạnh, tiết kiệm được chi phí và đảm bảo chất lượng thương phẩm sạch sau khi xuất chuồng. Qua việc thử nghiệm có hiệu quả, ông Toàn đã kết hợp với một chủ máy tuốt trong vùng thực hiện tuốt lúa miễn phí cho bà con nhân dân trong vùng.

Đổi lại, sau khi tuốt lúa xong người dân để lại rơm cho ông thu dọn và sử dụng, tránh hiện tượng vứt bừa bãi ra khắp ruộng đồng và đường xá đi lại.

Năm đầu tiên thực hiện việc “gom rơm” theo kiểu đặc biệt này, ông được nhân dân trong vùng hết sức ủng hộ, chỉ trong vòng 10 ngày ứng dụng, ông Toàn đã tuốt miễn phí được hơn 20 mẫu ruộng, lượng rơm lưu trữ cũng đảm bảo cho đến mùa xuân năm sau.

Sang năm sau, thấy việc làm của ông hữu ích nên nhiều người đến “đăng ký” và nhờ ông Toàn tuốt lúa hộ. Ông thực hiện việc gom rơm ngay tại trang trại của mình, “người dân nào có nhu cầu thì mang lúa đến tuốt luôn, để tránh vương vãi rơm ra đường và thuận lợi cho việc gom rơm sử dụng”.

Ông Đào Văn Toàn tâm sự, “sang năm thứ hai áp dụng phương thức này, tôi chuyển hướng sang xử lý rơm tươi để cho bò ăn luôn đảm bảo chất dinh dưỡng”.

Đồng thời ông cũng mạnh dạn đầu tư 2 máy tuốt lúa cho người dân trong hai xã Nhân La và xã Vũ Xá của huyện Kim Động (Hưng Yên). Cứ thế suốt 3 năm trời ông và mấy anh em trong gia đình đều đặn thực hiện một công việc đặc biệt “tuốt lúa không công” cho dân trong vùng.

Và câu chuyện gom rơm “chế biến thành vàng”…

Chia sẻ về phương pháp ủ rơm của mình, ông Toàn cho biết, hiện nay trang trại của ông đang ứng dụng hai phương pháp phổ biến đó là ủ rơm bằng dấm công nghiệp và ủ rơm bằng Urê.

Đối với cách ủ rơm bằng Urê Cứ 100 kg rơm tươi ông lại dùng máy băm rơm băm thật nhỏ để trộn với 4 kg Urê. Urê không cần hòa với nước vì rơm tươi đã có lượng nước tương đối cao.

Sau đó rải urê trực tiếp lên bề mặt của rơm theo từng lớp, trộn nhiều lần cho thật đều rồi nén chặt. Cứ thế tiếp tục đến lớp tiếp theo, lần lượt như vậy cho đến khi đầy hố. Cuối cùng, phủ hố ủ bằng bao nilon cho kín. 
Đàn gà Đông Tảo cũng được ông áp dụng cho ăn cám kết hợp với ủ men Urê (Ảnh: Hiệp Hòa)
Điểm đặc biệt ở đây là hố ủ phải chắc chắn thì mới tạo điều kiện cho các cách nén chặt đạt hiệu quả cao, để giúp loại hết không khí tồn tại trong các khe giữa các mẩu cây thức ăn, từ đó đảm bảo môi trường yếm khí hoàn toàn, thúc đẩy thuận lợi quá trình lên men, đảm bảo chất lượng thức ăn ủ xanh.

Thường là sau 3 tuần ủ thì sử dụng cho bò ăn. Khi mở và đóng hố ủ cần nhanh tay. Nên bỏ lớp thức ăn trên cùng vì lớp này dễ nhiễm nấm mốc. Lượng thức ăn ủ chua sử dụng cho mỗi con hay cho cả đàn tùy thuộc vào lượng thức ăn thô xanh cần thay thế trong khẩu phần.

Hiện nay, trang trại của ông chủ yếu áp dụng bằng phương pháp này. Đầu năm 2015, ông Toàn đã đầu tư mua thêm một máy phay rơm tươi với chi phí 50 triệu đồng để tiện cho việc “chế biến” rơm tươi của mình.

Ông cho biết, Rơm ủ có hàm lượng chất đạm cao hơn 2 lần so với rơm không qua chế biến. Ngoài ra, có thể trộn với các loại thức ăn khác như: Đỗ tương và bã bia…

Chi phí chế biến không nhiều, tăng lãi suất, thường một con bò trong suốt 3 tháng chỉ cần 10kg Urê, thành tiền là 30 nghìn đồng/con.

Đến nay, trang trại của anh đã có hơn 500m2 dùng để nuôi bò thịt với số lượng trên 50 con và ứng dụng thử vào việc nuôi gà Đông Tảo để bán cho người tiêu dùng. 
Trang trại bò của ông Toàn (Ảnh: Hiệp Hòa)
Trung bình mỗi con bò có trọng lượng từ 110 – 130 kg thịt. Với giá bán trên thị trường là 170 – 200 nghìn đồng/kg.
Như vậy trừ mọi chi phí, mỗi năm trang trại của ông Toàn và người nhà của mình lập ra cũng thu nhập đến gần 1 tỷ đồng từ nuôi bò thịt và chăn nuôi gà thương phẩm.

Chia sẻ về việc làm của ông, chị Nguyễn Thị Thảo một người dân trong vùng cho biết: “Đây là một việc làm rất thiết thực vừa giúp bà con nhân dân tiết kiệm chi phí tuốt lúa ở các vụ mùa vừa giúp làm sạch rơm rạ trên các ruộng đồng tránh được hiện tượng đốt cháy bừa bãi trên các cánh đồng và sự ô nhiễm do rơm rạ thối, nát trên các ruộng đồng, kênh mương".

Chia tay ông, chúng tôi ra về cũng là lúc ông đang chuẩn bị tuốt lúa miễn phí cho bà con nhân dân trong vùng trong đợt vụ mùa vừa qua, nhìn nụ cười rạng rỡ của ông và bà con nơi đây càng làm chúng tôi có thêm niềm tin vào phương pháp làm giàu của ông.

Thật đúng với biệt hiệu “Toàn máy tuốt” với công việc hết sức đặc biệt – gom rơm “chế biến thành vàng” của mình. 
Hiệp Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét