Tin tức chuyên ngành

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Hà Nội độc nhất thế giới: Vạn con tằm tự dệt chăn tơ

 Nuôi hàng vạn con tằm, bắt chúng nhả tơ và tự dệt chăn. Bí quyết duy nhất thế giới của nghệ nhân Phan Thị Thuận ở Hà Nội.



Tằm dệt chăn... không bán cho Mỹ
Với tấm chăn bông tơ tằm trên tay, bà Phan Thị Thuận, nghệ nhân và là chủ DN tằm tơ Mỹ Đức-  Hà Nội vừa cười vừa nói, nếu nhìn bề ngoài thì nó chẳng khác gì tấm chăn bông bình thường, nhưng khi sử dụng mới biết tấm chăn này bền, đẹp, tốt thế nào.
Bởi theo bà, đây là chăn bông tơ tằm, là chăn do tằm tự dệt chứ không phải do tằm nhả tơ làm kén rồi mọi người lấy kén đó đi dệt thành chăn bông.
Bà Thuận kể rằng, sản phẩm chăn bông, áo bông tơ tằm tự dệt của bà bắt đầu có từ năm 2010, song đến 2012 mới bán ra thị trường. Khi ấy, có một người từ Mỹ nghe tin về sản phẩm này đã đến xưởng của bà đặt hàng với số lượng lớn, nhưng bà từ chối.
chăn bông, chăn bông tơ tằm, tằm tự dệt, Việt Nam, tơ tằm, tằm, chăn-bông, chăn-bông-tơ-tằm, tằm-tự-dệt, độc-nhất-Việt-Nam, tơ-tằm, xuất-khẩu, trồng-dâu-nuôi-tằm
Sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt của bà Thuận có giá 11 triệu đồng/chiếc nhưng không đủ hàng để bán
Bà bảo, sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt hiện nay làm ra mới chỉ đủ bán trong nước, chưa có hàng để xuất khẩu mặc dù người nước ngoài rất ưu chuộng sản phẩm này.

Chăn bông tơ tằm được tính theo kg, mỗi kg giá 4 triệu đồng. Một chiếc chăn nặng 2 kg có giá 8 triệu đồng, tính thêm tiền công hoàn thiện, tiền lụa nữa sẽ rơi vào khoảng 11 triệu đồng. Còn riêng với áo bông tơ tằm hiện có giá bán từ 2-3 triệu đồng/chiếc.
“Mặt hàng này không có giá cố định mà phụ thuộc vào chiều dài, chiều rộng, độ dày mỏng cũng như cân nặng của chăn. Chúng sẽ được làm theo yêu cầu của khách hàng, chăn có trọng lượng càng nặng thì giá càng đắt”, bà nói.
Bà Thuận cho hay, so với việc tạo ra chăn bông theo kiểu truyền thống thì chăn bông do tằm tự dệt có rất nhiều ưu điểm vượt trội.
Bà dẫn chứng, với công sức bỏ ra, nếu là chăn bông truyền thống phải mất 15 nhân công, còn với chăn bông tằm tự dệt thì chỉ mất 6 nhân công, tức giảm được gần 2/3. Tương tự, chăn bông do tằm tự dệt có độ bền, đồng đều cao, không có máy móc nào có thể làm được tinh xảo như thế. Đặc biệt, sử dụng loại chăn này trong một thời gian dài cũng không bị co ngót hay vón cục.
“Ngoài những ưu điểm trên, giá cả của chăn tơ tằm bán ra trên thị trường cao cấp gấp 2-2,5 lần giá chăn bông truyền thống, lại đắt hàng như tôm tươi. Mua đông cũng như mùa hè, khách muốn mua phải đặt trước ít nhất 3-4 ngày mới có”, bà Thuận khoe.
Bí quyết độc nhất
Về cách huấn luyện tằm tự nhả tơ dệt chăn, bà Thuận tự hào nói rằng đây là cách làm độc nhất Việt Nam. Bà đã dạy một số người trong làng nhưng vẫn chưa ai làm thành công.
Bà Thuận cho hay, bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở làng Phù Xá. Ở đây vốn có nghề trồng dâu nuôi tằm từ lâu đời. Hiện gia đình bà là đời thứ 3 duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm này. Song, qua nhiều năm, làng nghề ngày càng gặp khó, hàng làm ra không bán được. Đó là do lụa tơ tằm Trung Quốc tràn vào, lụa Việt Nam rất khó cạnh tranh. Nhiều lúc giá kén bán ra ế sưng, giảm chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg.
chăn bông, chăn bông tơ tằm, tằm tự dệt, Việt Nam, tơ tằm, tằm, chăn-bông, chăn-bông-tơ-tằm, tằm-tự-dệt, độc-nhất-Việt-Nam, tơ-tằm, xuất-khẩu, trồng-dâu-nuôi-tằm
Bà Thuận huấn luyện cho tằm tự dệt tơ thành chăn bông
chăn bông, chăn bông tơ tằm, tằm tự dệt, Việt Nam, tơ tằm, tằm, chăn-bông, chăn-bông-tơ-tằm, tằm-tự-dệt, độc-nhất-Việt-Nam, tơ-tằm, xuất-khẩu, trồng-dâu-nuôi-tằm
Con tằm ngóc đầu tự rút ruột chăm chỉ nhả tơ trên một mặt phẳng
“Chính từ những khó khăn đó mà tôi phải mày mò tìm cách để làm sao có được sản phẩm tơ tằm thật đặc biệt, vừa đánh bại được hàng Trung Quốc, vừa giúp Việt Nam xuất khẩu. Từ đó, người dân trong làng mới sống được bằng nghề của mình”, bà Thuận tâm sự.
Nhiều lần ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào, bà bỗng có sự so sánh. Rõ ràng, con tằm dệt ra cho mình một chiếc vỏ bền chặt mà không kỹ thuật dệt tay nào của con người có thể đạt được. Thế là bà nảy ra ý tưởng, tại sao không biến con tằm thành những công nhân tự dệt nên những tấm chăn tơ.
Nảy ra ý tưởng, bà bắt tay vào làm luôn. Song, bước đầu thử nghiệm gặp không ít khó khăn. Để tằm nhả tơ một cách tự do, vài chục con không có nơi bấu víu nên không thể cuộn tròn lại để cuốn kén mà cứ bò lung tung theo bản năng. Lúc đó, bà lại phải tự tay bắt về, sắp xếp chúng vào đúng vị trí.
“Cứ thế, tôi kiên trì ngồi bắt từng con, cộng với chức năng buộc phải nhả tơ khi đến kì như người đau đẻ, nên không còn cách nào khác tằm đành phải nhả tơ vào không gian. Thế là hàng ngàn, hàng vạn con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng rút ruột nhả tơ một cách chăm chỉ để dệt thành những tấm chăn bông tơ tằm bền đẹp”, bà nói.
Bà Thuận thủ thỉ, tằm khi đan kén còn có tổ che nên yên tâm miệt mài kéo tơ, đằng này cứ nằm trơ thân mình trên một mặt phẳng thì chỉ một tia sáng, một tiếng động, một làn gió cũng đủ làm chúng sợ sệt mà bỏ vị trí đứng xưởng của mình đi trốn. Vì vậy, bà phải tìm mọi cách che kín nhà kéo tơ để không có tiếng động, ánh sáng, gió lùa vào.
Ngoài ra, bà cũng bật mí, vào mùa thu, một con tằm chứa trong bụng khoảng 400-450m tơ, còn vào mùa hè thì tằm chứa trong bụng khoảng 300m tơ. Từ đó, bà sẽ tính toán khoảng cách thích hợp để cho con tằm vươn cổ, nhả tơ vừa tầm mà không vướng vào nhau. Tơ con này cuốn vào con kia sẽ đan thành các lớp lang dày như những chiếc kén được cán phẳng. Khi hết chu kỳ nhả tơ cũng có nghĩa là đã hoàn thành sản phẩm... Theo cách làm này, cứ mỗi chiếc chăn bà phải dùng hết 45 kg tằm.
Cách làm độc đáo và sáng tạo này đang cho bà thu nhập khá cao, đời sống công nhân trong xưởng ổn định với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng/người. Đặc biệt, chăn bông tơ tằm tự dệt ra luôn cháy hàng, kể cả vào những ngày hè oi bức.
Hiện bà Thuận có vùng nguyên liệu trồng dâu rộng 50 ha, nhà xưởng rộng 300 m2 và 50 hộ dân nhận gia công cho bà. Thời gian tới, bà dự định mở rộng thêm xưởng sản xuất, tăng thêm diện tích vùng nguyên liệu để tiến tới xuất khẩu sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt ra nước ngoài.
Bảo Hân

Nông dân Thái Bình chế máy cấy siêu tốc, nhà khoa học lặng tiếng


Ấp ủ ước mơ nhiều năm trời là giúp mẹ và người nông dân quê mình đỡ vất vả, anh Trần Đại Nghĩa, ở thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng (Tiền Hải - Thái Bình) đã chế tạo thành công máy cấy không cần động cơ. Việc làm của anh gây "sốt" một vùng quê, đến nay cơ sở của anh sản xuất không kịp các đơn đặt hàng.
Mong mẹ đỡ vất vả
Lúc chúng tôi đến tìm gặp, anh Nghĩa đang phải tiếp một đoàn khách từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đến mua máy. Một lúc, họ đòi "ôm" về hơn chục chiếc với giá cao gấp đôi. Nhưng anh Nghĩa chỉ bán đúng một chiếc gọi là… "nể mặt lắm rồi đấy". Nghĩa bảo, muốn mua thì phải đặt hàng trước, ai đặt trước thì làm trước chứ tôi không làm ăn theo kiểu chen ngang, dù có đưa giá gấp đôi. "Bây giờ họ lấy luôn hơn chục chiếc, làm sao tôi sản xuất được để mà trả hàng những người đã đặt cách đây hai tháng?", anh nhấn mạnh.
Lạ thế, tính cương trực, thẳng thắn và lúc nào cũng nghĩ đến sáng tạo đã khiến người nông dân này vất vả. Những người thân của anh cho biết, đâu phải bây giờ, mà từ ngày nhỏ, là anh cả trong gia đình ở vùng quê lúa, Nghĩa đã phải làm lụng vất vả trên đồng giúp cha mẹ. Lớn lên, học xong một khóa sửa chữa điện tử ở Trường Trung cấp Truyền thanh Nam Định, nhưng cứ ngày nghỉ là lại về làm quần quật trên đồng để đỡ đần bố mẹ, thu vén ít tiền cho bản thân theo học.
Nông dân, Thái Bình, tự chế, máy cấy
Máy cấy ra đồng.

Trần Đại Nghĩa tâm sự: "Học xong, tôi về quê sửa chữa điện tử kiếm sống, rồi lập gia đình. Đồng lúa quê nhà vẫn là nơi chủ yếu nuôi sống đại gia đình của tôi. Bố mẹ tôi vẫn chưa hết khổ. Vợ tôi vẫn phải còng lưng xuống cấy, đêm về đau ê ẩm cả người. Nhất là những tháng mang bầu, việc cấy hái cứ phải cúi gằm mặt xuống, thật vất vả. Điều ấy cứ day dứt mãi trong tôi mà lúc đó chẳng biết làm thế nào để giúp".
Nhiều năm trời như thế, rồi phong trào xuất khẩu lao động ở Tiền Hải trở nên khá sôi động. Gia đình cố lo tiền để Nghĩa có một suất sang Hàn Quốc làm việc. Sẵn có nghề sửa chữa điện tử trong tay, lại là người thông minh, ở công ty, nhiều loại máy hỏng hóc, quản đốc thường tìm đến Nghĩa. Anh sửa chữa được nhiều lần mà không phải mất tiền tìm thợ bên ngoài nên được thưởng khá nhiều. Năm 2002, anh ra cánh đồng, thấy bà con nông dân Hàn Quốc sao mà nhàn hạ quá! Họ có máy cấy bốn bánh to lù lù, chỉ một ngày đã làm được hàng mẫu ruộng như ở Việt Nam.
"Tôi tự nhủ, bao giờ Việt Nam mới có loại máy này? Nếu có, hẳn là mẹ tôi, gia đình tôi rồi người nông dân quê tôi sẽ bớt vất vả. Lúc này thì ý tưởng chế tạo máy hình thành. Tôi cứ nghĩ đến khuôn mặt hả hê, mừng vui của mẹ khi được giải phóng sức lao động mà thấy vui lắm. Tôi liền chụp ảnh máy cấy của nước bạn, và tìm hiểu nguyên lý hoạt động và tìm thêm sách vở để nghiên cứu".
Nông dân, Thái Bình, tự chế, máy cấy
Anh Trần Đại Nghĩa (giữa) nói về năng suất máy cấy.

Nghiên cứu đêm ngày cho máy cấy ra đời
Năm 2005 về nước, dù dày công đi tìm hiểu, nhưng Nghĩa không thể thấy động cơ nào có thể phù hợp cho việc chế tạo của mình. Người nông dân một nắng hai sương vẫn chưa được giải phóng sức lao động. Có chút vốn liếng, Nghĩa đầu tư mua ôtô về làm nghề lái taxi, vợ anh vẫn gắn bó với ruộng đồng và mở được một hiệu tạp hóa. Và rồi, chính năng suất lao động thấp, phải chi phí nhiều, người nông dân quê anh vẫn chẳng được thụ hưởng bao nhiêu từ cấy lúa tiếp tục khiến Nghĩa trăn trở.
Năm 2011, người nông dân Trần Đại Nghĩa tiếp tục nghiên cứu, cần mẫn tìm cách chế tạo máy. Nhưng làm gì đây, khi máy gắn động cơ lớn thì người nông dân sẽ không đủ sức mua, bởi giá thành rất cao. Nghĩa nghĩ đến máy gắn bình ắc quy, động cơ nhỏ, vẫn không được vì bình ắc quy vẫn nặng, bà con khó vận chuyển.
Nghĩa nhớ lại: "Tôi nghĩ đến chuyện làm ra chiếc máy không cần động cơ. Có như thế, máy mới không tốn nhiên liệu, nhẹ, di chuyển dễ dàng, giá thành hạ, phù hợp với điều kiện kinh tế của người nông dân. Tôi la cà các cửa hiệu sửa chữa xe máy, hàn xì để mua đồ, mài giũa, đấu nối các chi tiết theo bản thiết kế tôi đã vẽ ban đêm. Ngay cả khi ngồi chờ khách đi taxi, tôi cũng bỏ các bản thiết kế ra nghiên cứu. Tôi chẳng dám nói với vợ con, bố mẹ hay bất cứ ai về công việc của mình. Nhiều hôm đi sớm về khuya, vợ tôi cũng tỏ vẻ thắc mắc. Đến khi chuẩn bị bắt tay vào công đoạn lắp ráp cuối cùng, tôi mới chia sẻ với vợ về công việc mình đang làm. Đến lúc này tôi nghĩ, phải bỏ lái taxi để dồn tâm huyết cho ruộng đồng thôi. Bỏ công việc tốt để về với ruộng đồng, đúng là tôi hơi liều. Nhưng tôi tin là mình đang có hướng đi đúng đắn".
Trải qua hơn một tháng cần mẫn, cuối cùng, người nông dân trẻ đã lắp ráp và hoàn thiện xong chiếc máy cấy. Máy không dùng động cơ mà vận hành bằng sức kéo, nguyên liệu chủ yếu bằng thép hộp nên khá nhẹ, chỉ nặng 24kg. Vì thế, người kéo sẽ không tốn nhiều sức khi di chuyển. Anh bảo: "Người ta cứ hỏi tôi làm cái gì, rồi họ đoán non đoán già. Tôi chưa muốn thổ lộ, nên người ta bảo đó là máy gì thì tôi cũng gật. Nhưng khi muốn thử máy thì ruộng đồng đã khô. Tôi mang máy ra đoạn sông cạn để thử. Bộ phận tách mạ hoạt động rồi, nhưng chưa tốt lắm. Tôi về nghĩ cách chế tạo cho hoàn thiện hơn. Đến vụ, mang máy ra cấy thử, thấy hoạt động tốt. Vụ đó, cây lúa phát triển tốt, năng suất cao. Tôi vô cùng sung sướng!".
Nể phục sáng chế của anh Nghĩa, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng tâm sự: "Thật mỹ mãn, công suất của máy nhanh bằng 7-8 người cấy, bằng khoảng 4 sào/ngày. Khoảng cách hàng cấy có thể tự điều chỉnh theo ý muốn. Với bốn mỏ cấy, một giây làm được 4 khóm lúa, và máy có hệ thống gạt bùn nên không phải mất thời gian xoa vết chân người đi lại".
Máy cấy anh Nghĩa chế tạo ra chỉ có giá từ 4 đến 5 triệu đồng, phù hợp với điều kiện canh tác và khí hậu của Việt Nam, khắc phục được nhược điểm của các loại máy động cơ. Đặc biệt, phù hợp với nền ruộng xấu, ruộng cao và miền núi.
"Tôi đã làm được"
Anh Nghĩa vui mừng nói như vậy. Bởi giờ đây anh đã mở được xưởng chế tạo, trong nhà lúc nào cũng có hơn chục công nhân, mỗi tháng cho ra đời gần 200 chiếc máy. Nhà anh giờ đây lúc nào cũng có người đến. Bà con nông dân, các phòng nông nghiệp ở trong Nam, ngoài Bắc đều tìm đến đặt mua. Số lượng người tìm đến mua hàng không ngừng tăng. Nhìn vào quyển sổ đặt hàng của anh dày cộp lên từng ngày, tôi cũng hiểu được phần nào sự tiện lợi và hữu ích mà chiếc máy cấy này đem đến cho người sử dụng. "Hầu hết những người đến đây đều là người quanh năm mưa nắng với đồng ruộng, thiếu kiến thức về công nghệ, máy móc hiện đại nên khi chế tạo chiếc máy cấy này, tôi nghĩ cần phải tối ưu hóa, nhỏ gọn và càng đơn giản càng tốt. Nhưng để làm ra máy đơn giản mà hoạt động tốt, bà con nông dân ai cùng có thể sử dụng thì khó khăn lắm đấy", anh Nghĩa chỉ vào các chi tiết máy, nói.
Nông dân, Thái Bình, tự chế, máy cấy
Anh Nghĩa trong xưởng chế tạo.

Mẹ, chị, người thân của anh Nghĩa và cả những người nông dân xã Đông Hoàng là những người mừng vui nhiều nhất. Họ hết lời ca ngợi, đặt cho anh cái tên gắn với sáng chế: "Nghĩa máy cấy". Anh nông dân Trần Đại Nghĩa không thể ngờ rằng, với phát minh của mình, anh vinh dự là 1 trong 6 người nông dân của tỉnh Thái Bình về Hà Nội dự Hội nghị Đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc tại Hà Nội.
Rồi anh cũng vinh dự được đón các đoàn nghiên cứu khoa học về trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Với Nghĩa, niềm vui của anh là đã giúp mẹ đỡ vất vả, giúp những người nông dân quê mình được giải phóng sức lao động. Hơn thế, tầm ảnh hưởng của chiếc máy cấy không động cơ, đang "phủ sóng" dần trên ruộng đồng, giúp cho nhiều bà con ngoại tỉnh khác đỡ khổ.
Có một điều, là hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu khoa học vẫn đang loay hoay tại các phòng thí nghiệm và vật lộn trên bản vẽ nhúng những phát minh của họ vẫn chỉ để trong ngăn tủ, không áp dụng được, dù dày công học hành, đầu tư tiền của nhiều năm học ở nước ngoài, thì những người nông dân như anh Nghĩa, bằng kiến thức tự học, bằng nỗi trăn trở thật sự đã chế tạo ra chiếc máy vô cùng thiết thực.
Dự định của Nghĩa là sẽ tiếp tục cải tiến máy cấy, để tăng hiệu quả sử dụng, giúp người nông dân nhàn hơn mà giá cả không đổi. Anh cũng trăn trở và ước mong nhà nước có những giúp đỡ, bảo hộ, tiện lợi trong đăng ký bản quyền tác giả cho các sáng tạo của những người nông dân như anh. Đồng thời, khích lệ họ phát huy nội lực, tiếp tục tạo ra những sản phẩm hay, thiết thực hơn.
(Theo CSTC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét