Nước Nga sẽ không thể như hôm nay nếu như năm 1917 Chính phủ tư sản của Karenxki theo kinh tế tư bản- kinh tế thị trường và chế độ nghị viện dân chủ (mặc dù còn ở dạng sơ khai ) bị lật đổ bởi Cách mạng tháng Mười do Lenin lãnh đạo.
Vâng, một nước Nga hoàn toàn khác và có thể không khó để khẳng định nước Nga ấy sẽ là cường quốc số một về kinh tế chứ không phải Hoa Kì hoặc bất cứ nước nào khác.Vâng, một nước Nga của văn minh. Vâng một nước Nga chắc chắn dẫn dắt châu Âu.Vâng,một nước Nga không dễ gì có cơ hội cho chủ nghĩa phát xít của Hitle ung dung dẫm gót dày khắp châu Âu cũng như trên chính nước Nga vĩ đại.
Nhưng lịch sử không bàn chữ ... “nếu”.
Gã xin không ngồi cùng chú gấu Misa tiếc nuối và trách móc những gì đã kéo nước Nga với 15 triệu km vuông đất đai giàu có và lớn nhất thế giới cùng một dân tộc tinh hoa ấy đang trong thế bị bao vây, cô lập và mắc cạn cái bẫy trung bình nhàng nhàng chả ra ông chả ra thằng như ngày hôm nay.
Những ngày này lang thang trên nước Nga gã nhận ra nhiều điều và như mùa đông năm 1988 ấy gã từng dự báo Liên Xô đổ sụp thì gã hôm nay không ngần ngại dự báo rằng trong thời gian không xa nữa triều đại của tổng thống Putin sẽ được thay thế bởi một triều đại khác nếu chính triều đại của Putin không tự thay đổi.
Bất chấp ngài tổng thống Putin ấy vừa được một tổ chức toàn cầu bình bầu trong ba năm liên tiếp là người có quyền lực nhất thế giới, và bất chấp cũng chính ngài tổng thống lúc này đây được sự ủng hộ của hơn 80/100 dân Nga sau sự kiện Krime trở về với nước Nga và những cú không kích bọn khủng bố IS tại Siri.
Tại sao? Cũng chỉ là câu chuyện của quy luật.
Nước Nga phải thuộc về châu Âu, phải là một phần máu thịt không thể tách rời của cả nền văn minh châu Âu và là động lực đẩy châu Âu là vùng phát triển bền vững nhất của nhân loại. Mọi chiến lược nào không hướng tới xu thế quy luật này đều dẫn nước Nga tới ngõ cụt.
Liên bang Xô Viết đã vô cùng sai lầm khi không theo quy luật này mà bo bo một khối với vài nước Đông Âu cô lập với châu Âu văn minh còn lại đã bị sụp đổ.
Nước Nga thời Putin cũng đang đi trên vết xe đổ ấy.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô mà nguyên nhân trước hết là sự sụp đổ của nền kinh tế cùng hệ tư tưởng lỗi thời kìm hãm sức đẩy của con người, thì nước Nga thực sự cũng bị sụp đổ bởi chính những nguyên nhân trên.Lẽ ra sau cú sốc khủng hoảng ấy nước Nga phải biết mình là ai, mình đang ở đâu và con đường mình sẽ phải đi như thế nào để khôn ngoan thu mình lại, trước mắt biết khiêm nhường như nước Nhật, nước Đức sau thất bại thế chiến thứ Hai lặng lẽ khôi phục lại nền kinh tế, trước hết là nền kinh tế rồi từng bước đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Rất nhiều thương hiệu sản phẩm phục vụ dân sinh hàng đầu của Nhật và Đức từ phát triển công nghệ đã ra đời chính trong giai đoạn âm thầm này để rồi vươn lên chiếm lĩnh thị trường thế giới. Putin không lái nước Nga đi con đường đó vì vẫn say sưa cái hào quang là cường quốc quân sự và quyền lực mạnh một thời của Liên Xô trước đây cùng cái gọi là tinh thần tự hào dân tộc Nga và ảo tưởng một nước Nga vẫn rất giàu có, không thấy rõ sức mạnh của nền kinh tế là công nghệ sản xuất chứ không phải lợi nhuận từ bán tài nguyên như dầu mỏ .
Nhưng giờ đây đã bắt đầu có những người Nga không chấp nhận cái vỏ bọc cường quốc quân sự ấy.
Nhưng giờ đây khi giá dầu thô bị đánh rớt thảm hại, nguồn thu kinh tế thực sự ăn đong.
Và theo thời gian khi cuộc sống trở lại là chính nó thì càng nhiều hơn người Nga đứng về phía những người không chấp nhận kia.Một cựu sĩ quan quân đội Nga ở Riazal nói thẳng với gã:Người Nga chúng tao cần gì những tàu ngầm Kilo, những tàu bay Sukhoi, những tên lửa hạt nhân? Chúng tao không cần những thương hiệu vũ khí giết người ấy. Chúng tao cần một nước Nga với những thương hiệu hàng đầu thế giới những sản phẩm máy móc, hàng tiêu dùng, công nghệ, đồ điện tử mà thế giới phải săn tìm. Chả có. Suốt thời Xô viết không có đã đành, thời ông Putin cũng chẳng có thương hiệu hàng hóa Nga nào mà thế giới biết đến hết. Chả lẽ bây giờ nhắc đến sản phẩm của Nga lại nói tới rượu Vodka?
Một bác công nhân sửa chữa đường khi ngừng tay rít thuốc lá nói với gã:Cuộc sống nặng nhọc,15 ngày tao làm việc ở thành phố,15 ngày phải về quê cải thiện thêm cái ăn.Mày đừng hỏi lương công nhân bọn tao. Bí mật quốc gia đấy.
Một bà bán dạo găng tay và tất trước cửa Metro Komxmolxkaia :Một ngày tao lời được bao nhiêu ư?Không chết.Thương tao già cả thì mua hàng cho tao đi, hỏi tao sống ra sao thì tao được cái tích sự gì? Mấy ông đi xe hơi sang trọng kia nói, tụi tao khổ là do bọn phương tây cấm vận. Thế tại sao bọn phương tây cấm vận chỉ có bọn dân như tao khổ mà họ không khổ, mà ngài tổng thống không khổ?
Trên Quảng trường Đỏ gã thấy quẩn quanh một cụm ba ông đóng vai Lenin, Xtalin và Putin rất giống, giống cả từng cử chỉ cái nheo mắt, cái ngậm tẩu hút thuốc, cái xốc comple đen nhún vai của ba nhà lãnh đạo nổi tiếng kia. Ế khách chụp hình chung, ông đóng vai Lenin thì rút điện thoại di động ra, alo, a lố gì đó. Còn ông đóng vai Xtalin thấy gã, gạ gẫm gã chụp hình chung. Gã chọc, ngài muốn chụp hình chung với tôi à, 5 rup danh dự thôi.Ông đóng vai Xtalin trong bộ đồ nguyên soái ngực đầy huân chương toét cười rung rung hàng râu mép rậm rịt:Ngài ở Việt Nam à? Tôi từng là sĩ quan hải quân đóng ở Cam Ranh hai năm. Tôi lấy giá rẻ hữu nghị cho.1000 rúp.Gã trố mắt lắc đầu.500 rúp. Gã vẫn lắc đầu. Gã chợt thấy thương người nghệ sĩ đường phố ấy.Nhưng gã không muốn chụp hình với nhân vật mà ông đóng.Không! Không bao giờ. Gã chỉ ước lúc này ông ta cởi bỏ tất cả bộ quân phục nguyên soái kia, vứt hết, vứt hết chỉ còn lại chính ông một người Nga chân chất thật thà tốt bụng như bao người Nga khác mà gã từng gặp, từng yêu quý để có thể cùng ông bên vỉa hè kia chia nhau một quả táo cuối thu, một chút rượu vodka nồng xua cái lạnh đông sắp về trên quảng trường mênh mang gió này. Và rồi được nghe ông hát Klika, ekh Klika... trong tiếng đàn balailaika...Thật là hạnh phúc khi gã tạm biệt ông được chia cùng ông những đồng rúp cuối cùng trong túi gã.
Ê! Putin! Putin!
Một du khách vẫy gọi chàng đóng vai tổng thống. Tiếng gọi cắt dòng tưởng tượng vớ vẩn của gã đưa gã vế thực tại. Ông đóng vai Xtalin không chèo kéo được gã lúc này đang tiến tới con mồi mới đó là một tốp du khách người Trung Quốc. Nghe tiếng gọi chàng đóng vai tổng thống hân hoan tiến tới một tay cao lớn chiếc quần bò bó sát cặp đùi chắc nịch. Gã không thể nghe được cuộc ngã giá chụp hình với “tổng thống” thế nào, nhưng nhìn cử chỉ nhún vai của nghệ sĩ đường phố với cái cười kèm theo cái phủi tay của tay cao lớn kia, gã đoán cuộc “mua bán” thất bại.
Gã đến bên tay cao lớn kia dò hỏi:
- Mày không chịu giá chụp với “tổng thống” à?
- Ông ấy không chịu chụp với tôi mặc dù tôi ra giá gấp đôi.
-Tao không hiểu.
-Tôi bảo phải chụp kiểu hình tôi đang dơ nắm đấm vào mặt “tổng thống”. “Tổng thống” bảo mày muốn tao bị tước giấy phép hành nghề à?
Trên xe taxi, giữa đại lộ nghìn nghịt xe hơi bóng loáng, hiện đại, chàng lái xe chừng 40 tuổi khi nghe gã kể lại câu chuyện nắm đấm và người nghệ sĩ đóng vai tổng thống, nói với gã: Tôi đố anh thấy được chiếc xe hơi nào do Nga sản xuất đấy. Hì, cái xe Volga kia kìa có khác gì một đống rác di động. Tôi chả biết các ông chủ Nga giàu có và các ngài tổng thống, thủ tướng Nga có thấy đó là nỗi nhục không? Cánh lái xe taxi tụi tôi hàng ngày thấy cảnh này không những thấy nhục mà còn thấy tức sôi lên. Mẹ kiếp!
Mẹ kiếp. Thực ra là một câu chửi tục hơn nhiều nhưng vì lịch sự gã đành giảm nhẹ cái chất tục của nó đi...cỡ chín phần.
Đi về đâu nước Nga?
Gã không muốn kết ở một câu hỏi mang tính vu vơ này.
Gã muốn chính mình trả lời vì thực ra đó chính là niềm đau đáu của gã, gã không thể không thừa nhận rằng sự đau đáu ấy xuất phát từ tình yêu của gã với nước Nga mà gã từng có một thời trẻ gắn bó.
Nước Nga hãy thu vây cánh lại.
Nước Nga hãy dũng mãnh tiêu diệt nhóm lợi ích tư sản đỏ - những kẻ tước đoạt hầu hết tài nguyên, nguồn lực kinh tế của nhân dân Nga sau khi Liên Xô sụp đổ đang tạo thành chiến lũy quanh thế lực cầm quyền , đang thao túng nền kinh tế Nga, đang ngăn cản những nhà tư sản nhân dân chân chính làm chủ vận mệnh đất nước.
Nước Nga khiêm nhường mở cửa làm bè bạn với cả châu Âu và nhanh chóng hòa nhập vào châu Âu đóng góp những giá trị, tài nguyên vô cùng to lớn của mình cho sự phát triển của châu Âu rồi từ đó nhận được sự đầu tư toàn diện từ châu Âu về công nghệ, năng lực quản lí,tác phong công nghiệp, xã hội dân chủ, phẩm chất công dân- những thứ mà hiện tại giữa nước Nga và nền văn minh châu Âu đang là khoảng cách rất xa.
Nước Nga sẽ mạnh lên, rồi sẽ vươn lên hàng đầu châu Âu chính nhờ lực đẩy của sức mạnh của cả châu Âu.
Nước Nga đi về đâu?
Nước Nga ấy không chỉ có một Krime mà có cả châu Âu.
Gã hiểu có những thế lực không muốn điều ấy và đã, đang, sẽ tìm mọi cách ngăn cản tiến trình ấy. Nhưng quy luật là quy luật không ai có thể cưỡng được hết.
Nếu thành công theo quy luật ấy, Putin sẽ trở thành tổng thống vĩ đại nhất của nước Nga không bởi cái quyền lực mà ông ta đang có mà bởi tình yêu một nhà của cả châu Âu văn minh với nước Nga, với người Nga.Và lúc ấy anh chàng nghệ sĩ đóng vai Putin chắc chắn sẽ khoái trí khi có ai đó dứ dứ nắm đấm vào mình vì không còn trong anh ta nỗi sợ hãi nào nữa.
7.11.2015.
Lưu Trọng Văn
Còn hai năm nữa là tròn 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga.
(FB Lưu Trọng Văn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét