TP - Hải Phòng vừa lên kế hoạch xây trung tâm hành chính 10 nghìn tỷ đồng (trong đó 8 nghìn tỷ xin ngân sách trung ương). Trước đó, hàng loạt các địa phương khác cũng muốn xin tiền trung ương xây trụ sở.
Mô hình Trung tâm hành chính bốn nghìn tỷ hình quả trứng của tỉnh Khánh Hòa Ảnh: Đình Quân.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách vô cùng khó khăn, áp lực nợ công lớn, trao đổi với PV bên lề kỳ họp ngày 9/11, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) rất không đồng tình với việc đua nhau xây trụ sở hoành tráng của các tỉnh, thành phố hiện nay.
Biết phải ăn nói thế nào với dân?
ĐBQH Trần Du Lịch cho rằng, việc xây dựng nhà để ở, nhà cho thuê, xây trụ sở công không phải đầu tư mà là chi tiêu dùng. Đã là chi tiêu dùng thì bắt buộc phải tiết kiệm, không loại trừ trường hợp nào. ĐB Lịch đề nghị QH cần coi đây là một nguyên tắc khi thực hiện phân bổ ngân sách. Một cách làm mới, phù hợp được ĐB Lịch dẫn dụ ở Đà Nẵng, họ xây trung tâm hành chính trên cơ sở lấy toàn bộ các cơ quan rải rác gom lại, bán quỹ đất đó để “lấy nó nuôi nó” chứ không đụng đến tiền ngân sách (mà thực chất là tiền thuế của dân) xây trụ sở. Rồi một số địa phương khác như Khánh Hòa cũng đang làm theo cách này.
“Nếu dùng tiền ngân sách để xây dựng trụ sở hoành tráng, dù bất kỳ địa phương nào tôi cũng không đồng tình. Trong điều kiện nợ nần thế này, không lý do gì chấp nhận điều đó cả. Nếu chấp nhận điều đó, chúng ta cũng không biết phải ăn nói thế nào với người dân”, ông Lịch nhấn mạnh.
Lý giải về thực trạng trong điều kiện khó khăn nhưng các tỉnh vẫn đua nhau xây trụ sở, ĐB Lịch cho rằng, đây chính là cái “gốc” từ việc phân bổ ngân sách. Để khắc phục tình trạng này phải thay đổi theo hướng hợp nhất ngân sách Trung ương và địa phương thành một loại ngân sách nhà nước. Khi tính ngân sách phải cân đối thu trước, chi sau thành một tỷ lệ. Đồng thời phải quy định chia ngân sách cho địa phương này bao nhiêu, địa phương kia bao nhiêu? Trong trường hợp còn thiếu, QH sẽ xem xét từng trường hợp một, nếu nơi nào “vung tay quá trán” sẽ không bổ sung nữa.
“Nếu theo hướng đó thì làm gì còn cơ chế “xin - cho”. Còn nếu cứ làm ngân sách theo kiểu hiện nay thì không bao giờ khắc phục được, cũng không biết cắt ai, cho ai. QH phải cấm ít nhất 5 năm tới không được dùng thuế, phí xây trụ sở để tập trung giải quyết bài toán nợ”, ĐB Lịch đề nghị.
Khu đô thị và trung tâm hành chính dự kiến của Hải Phòng. Ảnh: P.V.
“Vi-na-xin” không đáng sợ bằng…“vi-na-cho”
Cùng trao đổi với PV về đề xuất xây trụ sở 10 nghìn tỷ đồng ở Hải Phòng, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, đây là một công trình đầu tư lớn, cần đi theo mô hình của một số địa phương đã làm trước đây, như Bình Dương, Lâm Đồng, Đà Nẵng... Ông Quốc cũng đề nghị Chính phủ tổng kết mô hình này, xem có phát huy được hiệu quả không rồi hãy tính làm. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ, xem phương thức tạo vốn như thế nào và quy mô cần phải như thế nào cho vừa phải?
“Xây dựng các công trình này cũng giống như chi tiêu trong gia đình, phải tính xem khả năng, nhu cầu đến đâu để cân nhắc. Quan điểm của tôi vẫn là phải tổng kết, từ đó mới có thể nói nên làm hay không và nên đầu tư ở mức nào, nếu cứ nói là nhu cầu thì rất vô cùng. Ngoài ra cũng cần phải xem, trong lúc đang thiếu vốn thế này đã nên triển khai các công trình này chưa? Cái quan trọng nhất trong điều hành của nhà nước là phải “liệu cơm gắp mắm”, ĐB Dương Trung Quốc nói và đề nghị cần tính toán kỹ càng, thận trọng, nếu không sẽ thành “dịch” trong lúc nợ công cao. Đồng thời ông nhắc lại quan điểm của mình trước đây: “Vi-na-xin” không đáng sợ bằng…“vi-na-cho”.Đề nghị cần tính toán kỹ càng, thận trọng, nếu không sẽ thành “dịch” trong lúc nợ công cao. Đồng thời ông nhắc lại quan điểm của mình trước đây: “Vi-na-xin” không đáng sợ bằng…“vi-na-cho”.ĐB Dương Trung Quốc
“Tâm lý chơi trội, hay “con gà tức nhau tiếng gáy” chỉ là một phần, cái quan trọng là công tác quản lý của chúng ta còn để dẫn đến việc mỗi dự án là cơ hội để thất thoát, lợi ích nhóm cho ai đó. Nói đến trụ sở, chúng ta phải nhìn về lâu dài. Những trụ sở quá lớn, người ta mới nhìn tiền đầu tư để xây, nhưng chi phí vận hành nhà đó mới thực sự khủng khiếp”, ĐB Quốc nhấn mạnh.
Cần có ai đó “đạp phanh” ngân sách
Về chi tiêu công, theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), hiện chúng ta vẫn đang đi theo con đường cũ: Những con tàu, cỗ xe tiêu pha ngân sách chạy theo cách thức cũ mà chưa có sự điều chỉnh. Cần có ai đó đạp phanh, phanh như thế nào để không gây tai nạn, phanh như thế nào là hợp lý và như thế nào để đạt mục tiêu đặt ra? Đã đến lúc phải có quyết định, giải pháp cụ thể. Nói thì thống nhất cao rồi nhưng còn làm thế nào? Câu trả lời thuộc về Chính phủ.
ĐB Nam cho rằng, việc xây dựng trung tâm hành chính, đặc biệt trong yêu cầu cải cách hành chính hiện nay là cần thiết, nhưng cần xem lại cụ thể. Thứ nhất, hệ thống công sở mà chúng ta đầu tư xây dựng mấy chục năm qua còn dùng được không? Vì có nơi khi xây dựng trung tâm hành chính xong lại để không. Lúc làm đề án thì địa phương nói bán trụ sở cũ đi để lấy tiền xây mới, nhưng rồi lại không bán được, gây lãng phí lớn.
Thứ hai, việc xây dựng làm sao phải bảo đảm thống nhất. “Tôi thấy hình như chưa có quy định xây trung tâm hành chính phải như thế nào? Đó là khoảng trống cần được quy định, thống nhất, không để mỗi nơi xây với số lượng tiền bạc, kiến trúc khác nhau. Việc chi tiêu cho cơ quan quyền lực phải theo quy định chung, nếu không thì có tỉnh chỉ xây trụ sở với vài trăm tỷ, nhưng ngược lại có tỉnh phải cần mấy nghìn tỷ cũng không xong”, ĐB Nam nói.
Tiết kiệm trong mọi lĩnh vực
Trao đổi với PV bên lề kỳ họp QH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, việc đổi trụ sở cũ trên cơ sở bán đấu giá, mặc dù nguồn vẫn là của nhà nước, nhưng yếu tố hiệu quả phải được tính toán cụ thể. Song tinh thần chung là phải tiết kiệm ở tất cả các mặt chứ không chỉ riêng xây dựng trụ sở. Việc này phải dựa trên cơ sở tùy thuộc vào từng địa phương cân đối nguồn vốn ngân sách thế nào.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, nhiều nơi người ta thậm chí còn lo các vấn đề khác cho dân trước, song rồi mới tính làm trụ sở. Điển hình như Bình Dương, họ tập trung đầu tư cho vùng nông thôn, rồi trường học, bệnh viện trước sau đó mới quay lại làm đô thị. Làm như vậy là rất tốt và rất đáng hoan nghênh. Tương tự ở Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác cũng theo hướng như vậy.
Theo quy định thì tất cả các dự án nói chung, dù quyết định gì thì quyết định nhưng phải cân đối được về nguồn vốn, không có chuyện địa phương quyết định rồi để trung ương đầu tư. Càng không có chuyện ngân sách của địa phương lẽ ra phải nộp về Trung ương mà giữ lại để làm những việc như xây dựng trụ sở được.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong các phiên họp Thường trực Chính phủ cũng có nhắc đến việc xây dựng trụ sở của các địa phương và đưa ra yêu cầu quy hoạch. Trước mắt, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung nguồn vốn để kêu gọi đầu tư, thậm chí Chính phủ còn đề xuất phương án mạnh mẽ hơn là phải thanh toán xong nợ cũ mới bố trí cho dự án mới.
Trung tâm hành chính nghìn tỷ: Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lên tiếng
“Muốn xây dựng trụ sở hay bất cứ công trình gì thì điều quan trọng nhất là địa phương phải cân đối được nguồn..."- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Sau sự việc Infonet phản ánh về việc Hải Dương ngân sách eo hẹp, trụ sở khang trang nhưng muốn xây trụ sở nghìn tỉ, tưởng rằng câu chuyện “trụ sở nghìn tỉ” sẽ lắng xuống. Thế nhưng, hàng loạt địa phương khác cũng xin xây trụ sở nghìn tỉ như Nghệ An, Khánh Hòa, Hải Phòng...
Trong đó, Hải Phòng có dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Trung tâm hành chính, chính trị TP.Hải Phòng gần 10 nghìn tỉ.
Bên hành lang Quốc hội chiều 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trả lời báo chí. |
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, tinh thần chung trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay và những năm tới là phải tiết kiệm triệt để. Một số địa phương vừa qua đã xây hoặc chủ trương xây dựng trụ sở hành chính cấp tỉnh mới trên tinh thần tự cân đối ngân sách địa phương. Việc này còn tùy thuộc vào từng địa phương họ cân đối ngân sách như thế nào. Song tôi hoan nghênh một số địa phương chủ trương làm rất tốt, chẳng hạn tỉnh Bình Dương ngân sách địa phương khá dồi dào nhưng thay vì xây trụ sở mới họ đã lo các vấn đề cho dân trước như đầu tư vào nông thôn, trường học, bệnh viện trước rồi mới đến đô thị.
Trước câu hỏi về việc TP Hải Phòng vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề án xây dựng trung tâm hành chính - chính trị tỉnh với mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng nhưng trong đó gần 7.000 tỷ đồng là xin ngân sách Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: “Muốn xây dựng trụ sở hay bất cứ công trình gì thì điều quan trọng nhất là địa phương phải cân đối được nguồn. Nghĩa là địa phương, bộ ngành phải cân đối được nguồn đảm bảo thì mới được xây dựng, kể cả nguồn trung ương phải được trung ương đồng ý thì mới quyết định được”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng giải thích rõ: Luật Đầu tư công hiện hành quy định rõ nguyên tắc như vậy, không có chuyện địa phương quyết định rồi trung ương phải chi đầu tư mà phải thực hiện theo nguyên tắc đó. Trước đây khi chưa có Luật Đầu tư công thì Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu (năm 2011) cũng đã quy định điều này rất chặt. Thậm chí nếu có sử dụng vốn ngân sách trung ương nhiều thì dự án phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định cả tổng mức đầu tư dự án. Sau khi thẩm định, nếu trung ương đồng ý cấp cho phần chênh lệch thì mới được làm, kể cả các tỉnh nghèo đều phải làm theo nguyên tắc này.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất rõ điều này, trong đó tinh thần là chỉ đạo phải tập trung nguồn để đầu tư và thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Lần này cân đối ngân sách cũng đưa nguyên tắc đó vào, thậm chí Chính phủ còn đề xuất mạnh mẽ hơn là phải thanh toán xong nợ mới được bố trí vốn để đầu tư trụ sở mới, kể cả nguồn địa phương tự cân đối được.
“Bây giờ không có cách gì khác là phải tiết kiệm, không chỉ là việc xây trụ sở mà còn nhiều khoản chi khác. Chính phủ cũng có bàn đến việc xây dựng trụ sở các địa phương và yêu cầu lập quy hoạch để quản lý”- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét