10/11/2015 08:32 GMT+7
TT - Thống kê về bệnh ung thư mới nhất cho thấy ung thư đường tiêu hóa đang có xu hướng gia tăng rõ rệt: ung thư đại trực tràng nằm trong số sáu loại ung thư thường gặp nhất và có xu hướng tăng.
Đồ họa: Tấn Đạt |
Theo ông Trần Văn Thuấn - viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, đa số bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa, trong đó có ung thư đại trực tràng, dạ dày và thực quản, đến bệnh viện ở giai đoạn 2-3, nhưng nếu phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị cao
hơn nhiều.
Lắng nghe cơ thể để phát hiện sớm
Năm 2000 tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng chuẩn hóa theo tuổi cả ở nam và nữ là 11,4/100.000 và 8,3/100.000, đến năm 2010 tỉ lệ này tăng rõ rệt lên mức 19/100.000 và 14,5/100.000, năm 2015 tỉ lệ vẫn tăng với tốc độ tương tự như giai đoạn 2000 - 2010. |
Một trong những bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa là nhạc sĩ T.L., anh vừa được phẫu thuật hôm thứ bảy ngày 7-11 tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội với chẩn đoán ban đầu là ung thư đại trực tràng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, hiện sức khỏe nhạc sĩ T.L. đã tạm ổn, nhưng để chẩn đoán xác định căn bệnh của anh thì phải đợi
4 - 7 ngày sau mổ, sau khi có kết quả giải phẫu bệnh.
Tuy nhiên theo các bác sĩ, các chẩn đoán ban đầu khá rõ ràng và nhạc sĩ T.L. được phẫu thuật chỉ sau một ngày được chẩn đoán mắc
ung thư.
Ung thư đại trực tràng đứng thứ 6 trong số các ung thư thường gặp ở VN, với trên 8.700 ca mắc mới và gần 6.000 ca tử vong/năm.
Theo ông Trần Văn Thuấn, các ung thư đường tiêu hóa như đại trực tràng, dạ dày, thực quản có xu hướng gia tăng rõ rệt. “Đa số bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa đến bệnh viện ở giai đoạn 2 - 3, tức là giai đoạn giữa của bệnh, hầu như không có bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm khi bệnh chưa có những dấu hiệu ban đầu”- ông Thuấn
cho biết.
Do phát hiện bệnh muộn, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa rất cao, như ung thư dạ dày (đứng thứ 4 trong các ung thư thường gặp ở VN) có đến gần 13.000 ca tử vong/trên 14.000 người mắc mới phát hiện được hằng năm.
Trong khi theo ông Đào Văn Long (Trung tâm tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai), nếu được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, trên 90% bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa sống thêm từ 5 năm trở lên, còn nếu phát hiện muộn, khi khối u đã di căn thì tỉ lệ sống thêm 5 năm chỉ từ 3 - 20%.
Cũng theo ông Long, các phương pháp phát hiện sớm hiện có tại VN cho phép các bác sĩ chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa sớm hơn nhiều so với trước, từ khi khối u còn ở vị trí ban đầu và chưa di căn. Nhờ thiết bị siêu âm nội soi, các bác sĩ có thể “cắt hớt” vùng niêm mạc có khối u, thay vì phải cắt bỏ vùng dạ dày hay đại tràng có khối u.
Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, đã có 30 bệnh nhân ung thư dạ dày và ba bệnh nhân ung thư đại trực tràng được điều trị bằng phương pháp này với hiệu quả khá tốt.
Tuy nhiên, muốn được phát hiện bệnh sớm, ông Trần Văn Thuấn khuyến cáo người từ 40 tuổi trở lên nên khám sức khỏe tổng quát thường xuyên, người có tiền sử gia đình có đa polyp đại trực tràng, thường xuyên có cơn đau âm ỉ vùng thượng vị, có tiền sử viêm loét dạ dày, đi đại tiện ra máu... thì cần thăm khám (gồm soi đại trực tràng, dạ dày) thường xuyên hơn để phát hiện bệnh sớm.
Sống lành mạnh
Bác sĩ Nguyễn Văn Đăng (ĐH Y Hà Nội) cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn tới ung thư đường tiêu hóa, xã hội giàu có hơn thì ung thư đường tiêu hóa cũng gia tăng.
Theo bác sĩ Đăng, chế độ ăn nhiều mỡ, thịt động vật, ít rau xanh, chất xơ có liên quan đến ung thư đại trực tràng, nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày liên quan đến tiền sử nhiễm vi khuẩn HP, chất nitrosamin trong dưa chua muối và thịt hun khói, ung thư thực quản liên quan đến thói quen uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc lá...
Mặc dù sống ở quốc gia nhiệt đới rất nhiều rau trái, nhưng từ năm 1985 tới nay tiêu thụ rau xanh ở VN không những không tăng mà còn giảm, chỉ xấp xỉ 200 gam/người/ngày và chỉ tương đương 1/2 so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong khi đó, lượng thịt đặc biệt là thịt đỏ (Tổ chức Y tế thế giới cũng vừa tổng kết tiêu thụ nhiều thịt đỏ có liên quan chặt chẽ tới bệnh ung thư) lại gia tăng liên tục và ở khu vực thành phố đã vượt xa khuyến cáo, nhiều gia đình thành thị tiêu thụ trên 100 gam thịt/người/ngày. Người Việt cũng ăn rất ít thực phẩm được coi là tốt cho sức khỏe như cá và sữa.
Theo bà Lê Bạch Mai - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, một trong những nguyên nhân người dân ngại ăn rau là do e ngại vấn đề vệ sinh thực phẩm, cũng như sở thích ăn thịt hơn rau.
Nhưng trong khi chờ có được rau an toàn thì việc cẩn trọng hơn trong việc chọn mua rau và thay đổi lối sống để phòng bệnh tật, bảo vệ sức khỏe là việc của mỗi người - nhất là người nội trợ.
LAN ANH (lananh@tuoitre.com.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét