Tác giả: Leo Timm, Epoch Times | Dịch giả: Xuân Dung
Sự việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sửa đổi điều lệ kỷ luật xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của chế độ vào ngày 21 tháng 10 đã gây không ít náo động.
Được sửa đổi vào ngày 12 tháng 10 trước đó, các điều lệ của Đảng tương đương về mặt chức năng với luật hình sự của chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong các điều lệ được sửa đổi, dòng chữ “Các tổ chức Đảng có phần lớn đảng viên vi phạm kỷ luật nghiêm trọng sẽ bị giải thể” đã ập ngay vào mắt giới truyền thông nhà nước Trung Quốc và những thành phần bất đồng với chế độ đang sống lưu vong.
Các nhà bình luận chính trị và cư dân mạng ngay lập tức đã quan tâm đến những ẩn ý logic của điều lệ trên, họ tự hỏi rằng liệu quy định này có nên được sử dụng để giải tán toàn bộ ĐCSTQ hay không. Mặc dù mục đích của quy định này hết sức không rõ ràng, nhưng lời diễn giải đó của các nhà bình luận cũng không phải là không có lý: Truyền thông nhà nước Trung Quốc vốn rất cẩn trọng trong việc sử dụng các tiêu đề và bố cục để truyền tải những thông điệp ẩn ý chính trị nhằm vào những người thông thạo kế sách của Đảng.
Ông Tôn Quang Văn – Giáo sư về hưu của Đại học Sơn Đông, Trung Quốc – nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên rằng trong khi việc “giải thể” các tổ chức đảng là ngụ ý các hoạt động “đại phẫu” nhắm trực tiếp vào các cơ quan riêng lẻ, việc tham nhũng đồi bại lan tràn trong chế độ cộng sản có nghĩa là ngay cả việc “giải thể một phần” cũng sẽ làm hủy hoại toàn bộ cấu trúc của Đảng.
Trong những năm gần đây vấn đề tham nhũng đã được đặt lên hàng đầu, trong bối cảnh nền kinh tế của Trung Quốc đi vào bế tắc cùng với sự lên ngôi của ông Tập Cận Bình. Lên nắm giữ quyền lực vào cuối năm 2012, ông Tập đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng chống lại giới chức quan liêu của Trung Quốc – với hàng trăm ngàn người đã bị điều tra hoặc trừng phạt.
“Chiến dịch “đả hổ” của ông Tập (hổ là thuật ngữ chỉ các quan chức lớn tham nhũng) đã bộc lộ vấn nạn tham nhũng nghiêm trọng của các đảng viên cộng sản”, ông Tôn nói. “Điều này (tham nhũng) đã vượt quá giới hạn chịu đựng của người dân Trung Quốc”.
Tạm biệt Lênin?
Theo nhà bình luận chính trị Heng He, Nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh (Beijing Youth Daily) có thể đã phớt lờ những ảnh hưởng từ cách thể hiện của tờ báo lên người đọc.
Ông Heng He nói với đài phát thanh Sound of Hope rằng, Nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh hoàn toàn có thể thêm thắt hay nhấn mạnh một số phần nhất định trong số các điều lệ mới về kỷ luật của đảng, chẳng việc gì lại đi nhấn mạnh việc giải thể các tổ chức Đảng.
Heng He tin rằng công chúng nói chung đều nhận thấy ĐCSTQ là tham nhũng đến mức không thể thay đổi được, họ hoan nghênh cả ý tưởng lẫn công nhận khả năng thay đổi thể chế.
Thật vậy, cư dân mạng đã sớm suy tưởng về những ẩn ý từ các quy định vừa được ban hành của đảng.
“Nếu có quá nhiều tổ chức đảng cần phải được giải thể, đó chẳng phải là sự kết thúc của đảng rồi ư?”, một bình luận của người dùng trên Sina Weibo – một trang web truyền thông xã hội ở Trung Quốc. “Chúng ta có thể có giấc mơ kiểu này cho Trung Quốc được không?”
Một người sử dụng tên là “Drama Army” đã viết: “Ủy ban kiểm tra kỷ luật, xin vui lòng thống kê những đảng viên vi phạm luật lệ và hãy tự giải tán!”
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương, đứng đầu là ông Vương Kỳ Sơn, là cơ quan của Đảng chịu trách nhiệm chính trong chiến dịch chống tham nhũng.
Ông Heng He nói, tham nhũng không thể được giải quyết từ trên xuống dưới, mà phải đi từ dưới lên, ông thể hiện sự thiếu tin tưởng vào khả năng của đảng trong việc thực hiện cải cách có ý nghĩa, bất chấp quy mô chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Heng He nói rằng trong khi tham nhũng là có thể quản lý được trong những thập niên đầu của chế độ cộng sản dưới thời Mao Trạch Đông, nó đã trở thành phổ biến theo sau những cuộc cải cách kinh tế dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Các quan chức của Đảng đã được mặc sức hái những quả ngọt đạt được từ những thành công mới gần đây của Trung Quốc nhờ lao động giá rẻ và buôn bán với nước ngoài, tạo ra một vòng xoáy không ngừng tăng trưởng việc ăn hối lộ và tham ô, dưới sự lãnh đạo của phe cánh đảng liên minh với Giang Trạch Dân trong những năm 1990 và 2000.
“Nhằm bảo vệ quyền lực của mình, Giang Trạch Dân không chỉ cho phép tham nhũng, mà còn khuyến khích tham nhũng và thậm chí làm cho điều này trở thành đương nhiên”, ông Heng He nói.
Giang đã nắm quyền lực chính trị rất lâu sau khi rời khỏi những chức vụ chính thức của ông ta, trong khi vẫn duy trì sự độc tôn của tư tưởng cộng sản, sử dụng nó làm nền tảng cho tính hợp pháp chính trị. Chiến dịch của Tập chủ yếu nhắm vào các quan chức đã làm giàu bất chính trong thời gian Giang cầm quyền.
Nếu ông Tập muốn chấn chỉnh điều này, thì không thể không từ bỏ Đảng Cộng sản và tái cơ cấu quyền lực chính trị hiện đang tập trung quanh nó. Ở Trung Quốc, “tham nhũng cũng như chống tham nhũng, đều đến từ cùng một nguồn, đó là, những người nắm quyền lực chính trị” – ông Heng He nói
“Những nỗ lực từ trên xuống để kiềm chế tham nhũng chưa bao giờ đi đến thành công”, ông Heng He nói với Sound of Hope. “Tham nhũng đã trở thành nhân tố thúc đẩy đằng sau chế độ quan liêu hành chính; việc chống tham nhũng toàn diện là không thể, bởi vì tất cả mọi người đều tham nhũng, 99% là tham nhũng. Việc chống tham nhũng thật sự sẽ lật đổ toàn bộ đảng “.
Jenny Li và Juliet Song góp phần vào nghiên cứu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét