(Chính trị) - Có lẽ, trong lịch sử ngoại giao thế giới, hiếm thấy có nguyên thủ quốc gia nào mà lại có tốc độ giở mặt nhanh như ông Tập.
Mặc dù có bài viết “Tay trong tay mở ra tương lai tươi đẹp cho quan hệ Trung-Việt” đăng trên tờ Nhân dân của Việt Nam hôm 5-11, và đưa ra những lời lẽ hữu hảo trong chuyến thăm 2 ngày (5 và 6-11) tại Hà Nội, nhưng trong bài phát biểu hôm 7-11 tại Đại học Quốc gia Singapore, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lập tức tuyên bố “các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại” và Bắc Kinh sẽ phải bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và lợi ích hàng hải của mình”.
Đồng thời cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách giải quyết tranh chấp với các bên hữu quan thông qua đối thoại hòa bình; và hiện không có vấn đề gì về tự do an ninh hàng hải hay hàng không tại Biển Đông.
Mới chỉ trong 1 ngày mà người đứng đầu quốc gia đông dân nhất thế giới đã có 2 tuyên bố khác hẳn nhau, khiến dư luận quan ngại, thậm chí có người còn coi đây là kiểu nói con buôn!
Bởi trong bài viết “Tay trong tay mở ra tương lai tươi đẹp cho quan hệ Trung-Việt” đăng trên tờ Nhân dân, ông Tập Cận Bình cho rằng, Trung-Việt là 2 nước có niềm tin và lý tưởng tương đồng, có tương lai và vận mệnh tương quan, và đã giải quyết vấn đề hoạch định đường biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ thông qua hiệp thương hữu nghị, đặt cơ sở vững chắc cho ổn định, an ninh và phát triển chung ở vùng biên giới hai nước.
Đồng thời nhắc tới 4 kiên trì, trong đó có “kiên trì thông cảm lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, xử lý ổn thỏa vấn đề tồn tại”. Và khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Tập Cận Bình còn đề xuất 7 kiến nghị nhằm phát triển quan hệ Trung-Việt, trong đó có thúc đẩy hợp tác trên biển.
Và khi có bài phát biểu dài hơn 20 phút tại Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình còn nói, phải lấy chữ tín để làm bạn…
Nhưng ngay sau khi tới Singapore, ông Tập Cận Bình lập tức đưa ra tuyên bố khiến dư luận bất bình, và những gì đang diễn ra trên thực địa không giống như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc đã đề cập.
Nhà phân tích chính trị Trung Quốc RusSell Leigh Moses từng tuyên bố, không ai biết ông Tập Cận Bình đang ủng hộ cái gì và phản đối điều gì.
Quan điểm của ông Tập Cận Bình trong các chính sách thường không rõ ràng và không bao giờ công khai ý kiến của mình. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ông Tập Cận Bình tiền hậu bất nhất trong các phát ngôn của mình.
Dư luận cho rằng, sau 37 năm cải cách (1978-2015), tuy trở thành cường quốc thứ hai về kinh tế trên thế giới, nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức phức tạp cùng quy mô chưa từng thấy.
Tuy là người ủng hộ phát triển kinh tế thị trường, nhưng ông Tập Cận Bình thận trọng trong cải cách chính trị, và muốn đẩy những thách thức trong nước ra bên ngoài bằng cách “thổi bùng tranh chấp biển đảo”.
Theo giới truyền thông, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc từ nay tới khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa (1949-2049) là thách thức lớn đối với của ông Tập Cận Bình, người đứng đầu “Thê đội 5” – đưa quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành cường quốc hiện đại, vượt mức trung bình của các nước đang phát triển.
Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 khóa 18 ở Bắc Kinh (hạ tuần tháng 10), Trung Quốc đã đề ra mục tiêu cho kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020).
Đây là thời điểm mấu chốt, tạo dấu ấn trong thời gian nắm quyền của ông Tập Cận Bình, một người được đánh giá là thận trọng, không dễ thể hiện cảm xúc, ít nhất là trước công chúng.
(Theo PetroTimes)
Quan hệ Việt-Trung: Lòng tin kia cũng có ba bảy đường
Ảnh: TTXVN
Tại cuộc gặp Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 6.11 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bằng ngôn từ ngoại giao nhẹ nhàng đã nhắc nhở một sự thật không mấy nhẹ nhàng mà nhiều người Việt Nam, kể cả đảng viên Cộng sản, luôn canh cánh bên lòng.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng, những năm gần đây, lòng tin về quan hệ hai Đảng, hai nước trong một bộ phận quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam đã bị suy giảm bởi những tranh chấp, bất đồng giữa hai nước về vấn đề trên biển cũng như việc một số thỏa thuận hợp tác giữa hai nước không được thực hiện đầy đủ.
Theo Chủ tịch Sang, bất đồng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông là thực tế, nhưng quan trọng nhất là hai bên phải tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, kiểm soát tốt tình hình, phải thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, thông qua đàm phán giải quyết các mâu thuẫn một cách thỏa đáng, không có hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở biển Đông. Chủ tịch Sang cũng đề nghị hai bên đảm bảo an toàn hàng hải, hàng không và các hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của ngư dân, cùng nhau tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định phục vụ mục tiêu phát triển của cả hai nước và của khu vực.
Phát biểu của Chủ tịch Sang cho thấy lòng tin giữa các quốc gia không chỉ là việc của các nhà cầm quyền, không phải cứ hai nhà nước cùng hô hào là có được lòng tin mà còn phải dựa vào cảm nhận và tiếng nói của người dân. Một khi người dân bức xúc trước những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, cách hành xử bất chấp đạo lý, bất chấp lợi ích chính đáng của nước mình, dân tộc mình từ quốc gia láng giềng thì chuyện suy giảm lòng tin của người dân vào láng giềng là khó tránh khỏi. Và không nhà nước khôn ngoan nào lại có thể bất chấp tình cảm, suy nghĩ của người dân khi đặt lòng tin thật sự vào ai đó.
Trong khi đó, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam cùng ngày, cũng nói về lòng tin, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dụng công tầm chương trích cú để đi đến kết luận rằng: “Tín giả, giao hữu chi bản” (lòng tin là nền tảng để xây dựng tình bạn). Trung Quốc - Việt Nam là hai quốc gia có rất nhiều lợi ích chung, hợp tác hữu hảo trước sau chiếm đa số. Hai bên cần phải lấy quan hệ hữu hảo Trung Quốc Việt Nam cũng như đại cục phát triển hai nước làm trọng, giữ vững phương châm tôn trọng lẫn nhau, hữu hảo đàm phán, thu hẹp bất đồng, phát huy điểm chung, xử lí tốt mọi tranh chấp”. Tuy vậy, ông Tập Cận Bình đã không đả động tới những hành động gần đây của Trung Quốc ngoài biển Đông vốn là nguyên nhân gây sút giảm lòng tin vào quan hệ hai nước nơi người dân và đảng viên đảng CSVN: kéo giàn khoan Hải Dương vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, cấp tập bồi đắp đảo nhân tạo trái với luật pháp quốc tế, đối xử vô nhân đạo với ngư dân Việt Nam... Nếu người ta dễ dàng đồng ý với nguyên lý “lòng tin là nền tảng của quan hệ bạn bè” - bởi bạn bè mà không tin nhau sao có thể là bạn bè, thậm chí bạn bè đích thực còn có thể hy sinh cho nhau khi cần - thì người ta lại cũng không thể không đặt ra câu hỏi: ai đã xem nhẹ “đại cục” phát triển hai nước, ai đã tỏ ra thiếu tôn trọng lẫn nhau, ai đã mở rộng bất đồng, ai đã gây mất lòng tin khi tiến hành những hoạt động nêu trên?
Về phần mình, thừa nhận bất đồng giữa hai nước về vấn đề biển Đông là một thực tế, khi nói đến lòng tin, tuy không chỉ đích danh hoạt động cấp tập bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông mà chỉ nêu yêu cầu Trung Quốc không mở rộng tranh chấp, không quân sự hóa biển Đông, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã đề nghị cụ thể hai bên cần đảm bảo an toàn hàng hải, hàng không và các hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của ngư dân, cùng nhau tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định phục vụ mục tiêu phát triển của cả hai nước và của khu vực. Lòng tin ở đây đi liền và dựa trên những hành động cụ thể, phù hợp với luật pháp quốc tế và tinh thần nhân đạo mà mọi quốc gia văn minh đều đề cao.
Trong khi đó, trong văn cảnh câu nói của ông Tập Cận Bình, lòng tin là thứ gì đó một chiều, trở thành con tin vô điều kiện cho “quan hệ hữu hảo” giữa hai nước, bất kể Trung Quốc có hành động thế nào. Chẳng thế mà vừa rời Việt Nam sang Singapore, ông Tập Cận Bình đã lại lên tiếng nhận vơ biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại, bất chấp những bằng chứng lịch sử như tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Thủ tướng Trần Văn Hữu tại hội nghị quốc tế San Francisco năm 1951 mà không quốc gia nào phản đối.
Xem ra, lòng tin như vậy cũng có ba bảy đường.
Đoàn Khắc Xuyên
Xung quanh lời phát biểu này đến nay đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Nguyên nhân chính dẫn tới sự tranh luận này, có lẽ đều nhằm tới việc mổ xẻ, phán đoán “ẩn ý” của ông Tập trong bài phát biểu có liên quan đến bối cảnh quan hệ ngoại giao hai nước Trung- Việt.
Việc ông Tập Cận Bình trích đọc hai câu trong 2 bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà thơ Vương Bột của Trung Quốc nhằm nói gì? Tôi mạn phép diễn giải để bạn đọc cùng chia sẻ, ngõ hầu bớt đi những phán đoán về ‘ẩn ý’ của ông Tập.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đọc hai câu thơ cuối trong bài Tẩu lộ (Đi đường) nằm trong tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trùng sơn đăng đáo cao phong hậu, vạn lý dư đồ cố miện gian" (nghĩa là: Sau khi lên đến đỉnh cao nhất giữa các lớp núi, thì muôn dặm giang sơn thu cả vào trong tầm mắt). Sau đó ông Tập có nói rằng: “Nhà thơ Vương Bột đời Đường của Trung Quốc cũng từng nói: “Đăng Thái Sơn nhi lãm quần nhạc, tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã”.
Câu văn được ông Tập nhắc tới có xuất xứ từ bài Bát quái đại diễn luận (luận về sự mở rộng lớn lao của Bát quái). Nguyên văn đầy đủ của câu này là: “Cứ thương hải nhi quan chúng thuỷ, tắc giang hà chi hội quy khả kiến dã. Đăng Thái Sơn nhi lãm quần nhạc, tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã” (Theo biển xanh mà xem các nguồn nước, thì sự qui tụ của sông ngòi [về đó] có thể thấy được; lên Thái Sơn để ngắm núi non, thì gốc ngọn của núi gò có thể biết được).
|
Một điều ai cũng rõ đó là không phải ngẫu nhiên mà Tập Cận Bình đọc hai câu thơ trên của Hồ Chủ tịch, lại càng không phải ngẫu nhiên khi ông viện dẫn văn chương của Vương Bột để minh chứng cho một sự tương đồng về phương diện ý nghĩa tư tưởng giữa hai nước đồng văn, để rồi từ đó gửi gắm đi một thông điệp.
Vậy sự tương đồng đó là gì, theo cá nhân tôi, đó chính là vấn đề “đăng cao vọng viễn” (lên cao nhìn xa) như chính lời phát biểu ngay tiếp sau của ông Tập. Hình tượng lên núi nhìn xa, để thu trọn tất cả vào trong tầm mắt vốn đã xuất hiện trong rất nhiều các tác phẩm văn học, triết học... khác của cả Trung Quốc, Việt Nam. “Đăng cao vọng viễn” vốn dùng để chỉ cho một tư tưởng siêu việt, một tâm thái cao viễn, một tầm nhìn khoáng đạt, xa rộng, vốn được cổ nhân, đặc biệt là các nhà Nho Trung Quốc và các nước đồng văn, trong đó có Việt Nam xem trọng. Họ luôn coi đó là một nguyên tắc, một lý tưởng cần đạt được. Vì vậy, việc tương đồng ý nghĩa trong văn chương của Vương Bột và Hồ Chủ tịch là điều dễ hiểu.
Trong bối cảnh quan hệ hai nước Việt – Trung hiện nay, thông điệp của Tập Cận Bình gửi đi rất rõ, ông nói rằng: “Mối quan hệ hai nước Trung Việt đã đứng trên bước tiến mới của lịch sử, khiến chúng ta lên cao nhìn xa, chung tay nỗ lực, để mở ra một cục diện mới trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước Trung -Việt; xây dựng, duy trì sự hoà bình, thịnh vượng chung của châu Á và thế giới, tạo ra những cống hiến to lớn hơn nữa”.
Việc “lên cao nhìn xa” đó chính là nhằm mở ra một tầm nhìn rộng lớn, bao quát; một thế cục quảng đại, một cảnh giới cao xa, và có lẽ đó cũng là chỉ một thông điệp mang tính chất ngoại giao mà ông Tập muốn gửi đi trong bài phát biểu vừa qua mà thôi. Chúng ta không nên phán đoán, hay suy xét một cách khiên cưỡng, áp đặt để đưa vấn đề này đi quá xa.
Lê Phương Duy
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, Thạc sĩ Hán Nôm, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.