Đăng Bởi -
Cho ý kiến dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá tình trạng vô cảm trước dân tăng hơn so với nhiệm kỳ trước ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và bắt đầu lan ra.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 23.10, các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã dành 1 ngày để thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Cho ý kiến về tình hình đất nước 5 năm qua, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị đánh giá đậm và kỹ hơn về yếu tố con người, yếu tố trong quản lý, đặc biệt là tính Đảng, tính chiến đấu, việc chấp hành nghị quyết, điều lệ và nguyên tắc Đảng trong quản lý và điều hành của các cấp, của từng cán bộ, đảng viên. Cùng với đó là có những yếu kém trong việc xây dựng hệ thống khuôn khổ pháp lý, kể cả những định hướng cho nền kinh tế phát triển.
Bà Nguyễn Thị Doan dẫn ví dụ, khi nhập các bộ thì cứ tưởng là thu gọn được đầu mối, nhưng kết quả là các tổng cục, các cục, bộ máy hầu như lại phình ra. Hệ quả là chi thường xuyên tăng cao, trong đó có chi lương, có những lãng phí trong chi quản lý và sự nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch nước, nếu nói đến nguyên nhân trong công tác xây dựng Đảng, thì phải nói đến hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý, kể cả bộ máy làm công tác Đảng. Vì vậy, cần đánh giá kỹ nguyên nhân hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nói chung và bộ máy làm công tác Đảng đã đủ mạnh chưa? Bà cho rằng viết như dự thảo Văn kiện về nguyên nhân chủ quan đúng nhưng chưa sâu, chưa đủ. Phải làm rõ được tại sao có tình trạng "trên nói, dưới không nghe, nói một đằng, làm một nẻo, đảng viên không thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc thực hiện nhiệm vụ với tính chất rất hình thức, sử dụng không hết giờ làm việc, công suất làm việc, cống hiến hết sức hạn chế".
Phó Chủ tịch nước băn khoăn vì chủ trương đường lối, chính sách đúng nhưng tại sao xuống đến dưới thì nhiều nơi cứ làm sai, cố tình làm sai như thế?. "Chi trả sai, hồ sơ giả, rất nhiều vấn đề. Nhiệm kỳ vừa rồi, tình trạng này có xu hướng tăng lên. Do đâu? Chúng ta đừng kiểm điểm không rõ. Vì Đại hội là đợt sinh hoạt tư tưởng trong toàn Đảng để chúng ta nhìn lại chính bản thân chúng ta trong 5 năm qua. Thế thì chúng ta phải đánh giá nguyên nhân chủ quan cho tốt" - Phó Chủ tịch nước trải lòng.
Đi thẳng vào nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong 5 năm qua chính là vấn đề cán bộ, đảng viên, Phó Chủ tịch nước thẳng thắn: "Tình trạng vô cảm trước dân có tăng hơn so với nhiệm kỳ trước ở một bộ phận, chứ không phải tất cả, nhưng bộ phận này bắt đầu lan ra, đặc biệt là cán bộ cơ sở vô cảm trước dân. Dân không vui, nhiều lúc chê trách chúng ta, chê trách cán bộ, đảng viên. Đó là nguyên nhân làm yếu Đảng".
Làm rõ thêm, Phó Chủ tịch nước cho rằng nguyên nhân tập trung nhất là con người, từ lãnh đạo đến đảng viên thường. "Chúng ta phải tập trung vào nguyên nhân này. Vì tiêu đề Đại hội này yêu cầu chúng ta trong thời gian tới phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, mà đẩy mạnh chính là là nhằm vào tổ chức, vào con người. Con người ở đây, đảng viên, bây giờ chúng ta đã lớn mạnh rồi, hơn 4 triệu đảng viên. Những con người này phải là nòng cốt. Nếu cứ tình trạng này, các đồng chí phát biểu ở tổ từ hôm qua thì thấy, tất cả là do con người hết" - bà góp ý.
Nhấn mạnh thêm sự "yếu kém" của một phận cán bộ, đảng viên, bà Doan gay gắt: "Ai lại cứ tình trạng đi chơi nhiều, đi chơi rồi cũng tập hợp nhau lại, cũng có những hình thức chơi bời hoang phí hơn nhiệm kỳ trước. Tôi đồng ý là phải đi chơi, phải có thể thao để có sức khoẻ nhưng nhiều khi cán bộ lấy cả giờ hành chính. Ngoài giờ thì thoải mái, muốn đi đâu thì đi".
Trước tình hình hình hiện nay, Phó Chủ tịch nước mong mỏi mọi cán bộ, đảng viên cùng đồng tâm, thực hiện làm việc hết mình, tôn trọng nguyên tắc tổ chức, tôn trọng điều lệ Đảng, phương pháp công tác thật tốt, phương pháp quần chúng thật tốt, thì không đến nỗi lần này phải đổi tiêu đề là tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
"Tôi phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan để dẫn đến thực hiện nhiệm vụ của Đại hội có những bước tiến, nhưng cũng có những bước lùi, có những cái chúng ta vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, vẫn tụt hậu, mặc dù chúng ta vẫn tiến, nhưng họ tiến nhanh hơn mình. Cho nên năng suất lao động tụt đi, nhiều mặt tụt đi, có nhiều mặt được" - bà Doan khẳng khái.
Đồng tình đánh giá hiện trạng một bộ phận cán bộ có vấn đề, Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TP Hà Nội Chu Sơn Hà nêu báo cáo chính trị đánh giá đầy đủ, chu đáo về công tác cán bộ, như nói một bộ phận cán bộ đạo đức chưa tốt, nhiều biểu hiện xấu gây bức xúc trong nhân dân, hay một bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu... Tuy nhiên, theo ông Hà, đánh giá này là chính xác và khách quan nhưng hai cái đó chính là một."Đạo đức xã hội biểu hiện xuống cấp, xảy ra trọng án hết sức nghiêm trọng là về mặt xã hội nhưng gắn vào công chức, viên chức thấy có vấn đề" - ông Chu Sơn Hà nói.
Cũng theo ông Hà, công tác tuyển chọn cán bộ hiện mới coi trọng bằng cấp, tức coi trọng hình thức chứ không phải bản chất bên trong và năng lực thực sự. Chỉ ra 4 việc liên quan công tác cán bộ là tuyển chọn, giáo dục - đào tạo, sử dụng và giám sát, ông Hà cho rằng phải quan tâm đạo đức và phẩm chất , tức cái “tâm” trước tiên bởi cái “tầm” chưa được thì đào tạo. Cùng với đó là giám sát minh bạch, công khai, đánh giá khách quan.
“Nếu làm được 4 giai đoạn trên thì bộ máy sẽ có con người hoạt động tốt, từ đó hiệu quả hoạt động của bộ máy nâng cao, như các cụ nói muốn làm tiên sinh trước hết phải làm học sinh của nhân dân. Trước hết coi trọng bố trí, sắp xếp người làm công tác tổ chức của cả hệ thống chính trị có tâm, có tầm để bộ máy vận hành tốt hơn, như đưa viên gạch vào đúng nơi của nó thì mới bền vững” - ông Hà ví von.
Cũng góp ý vào dự thảo Văn kiện ở công tác cán bộ, ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hoá) kiến nghị Đại hội XII phải lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá quyết định. Phải có cải cách, bước phát triển trong công tác cán bộ, công tác đảng viên. Dân chủ trong Đảng phải được nhấn mạnh, vì đó là 1 bước quyết định dân chủ ngoài xã hội. Phải dân chủ ở tất cả các khâu, trong đó có cả khâu bầu ra lãnh đạo ở các cấp. Cần tiến hành được cạnh tranh trong công tác bầu cử, để chúng ta thực sự lựa chọn được những người có đức, có tài để lãnh đạo Đảng ở các cấp.
"Gần đây dư luận xôn xao không ít trường hợp bổ nhiệm cán bộ trẻ. Ta nói đúng quy trình, tại sao dư luận vẫn xôn xao? Đây là điều phải xem lại. Trẻ hoá lãnh đạo cán bộ các cấp là luồng gió mới, là một làn sóng rất tốt, tại sao xã hội rất băn khoăn? Ta đã chọn một cách tâm phục khẩu phục chưa? Đã trung thực với Đảng chưa? Chứ không phải phản đối người trẻ" - ông Thông thắng thắn.
Ông Lê Minh Thông cho rằng cán bộ càng trẻ càng tốt, tuổi trẻ tài cao, nhưng làm sao các đồng chí trẻ lên nhận được sự ủng hộ, được tâm phục khẩu phục bởi đồng chí của mình, của toàn xã hội. Quy trình làm công tác cán bộ, cách thức bầu cử của chúng ta phải tính để làm sao tìm được người thực sự xứng đáng. Hy vọng thời gian tới, các đồng chí trẻ vừa qua sẽ chứng tỏ được năng lực. "Quy trình công tác cán bộ của ta chưa tạo được yên tâm trong xã hội. Đúng quy trình mà xã hội vẫn băn khoăn thì mắc ở chỗ nào? Trong Đảng phải nghiêm túc công tác này"- ông Thông bày tỏ.
Khẳng định Đảng không làm công tác cán bộ tốt, chắc chắn sẽ không có cán bộ tốt, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nói thẳng sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về công tác bổ nhiệm cán bộ đợt này. Theo ông Lợi, bổ nhiệm cán bộ trẻ là rất tốt, xu thế hay. Nhưng giữa quy định pháp luật của Nhà nước với nhiều nơi đang cho rằng “quy trình rất đúng” là hoàn toàn sai. Một là chúng ta chấp nhận theo con đường lựa chọn của xã hội, cứ người nào có tài thì được trọng dụng. Hai là phải làm bài bản, tức là phải ngồi vị trí đó tối thiểu 5 năm, phải là chuyên viên chính, phải cao cấp lý luận chính trị…
"Tất cả các tiêu chí chúng ta đã đặt ra trong quy định. Anh chưa đến 1 năm thì có thể ngồi vị trí đó không? Chúng ta phải rõ ràng, hoặc là sửa quy trình, cứ người mà dân đồng tình, Đảng lựa chọn thì ta bổ nhiệm. Hai là tuân thủ đúng quy trình"- ông Lợi quyết liệt.
Thế Dũng/ Người lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét