Cái thâm nho nhiều hung hiểm gần như đã được mặc định tự lâu đời được dán nhãn Made in China là một thuộc tính bản chất của chủ nghĩa Đại Hán, là điều ít người không biết. Thế nhưng, thâm độc đi liền với xảo trá; trâng tráo đi liền với sự láo xược thì ít khi được lãnh đạo Tàu thể hiện ra bên ngoài – trừ một ngoại lệ, đó là khi áp dụng với… Việt Nam.
Hãy thử phân tích bài nói chuyện dài hơn hai chục phút của Tập Cận Bình trước 500 ĐBQH nước ta, sẽ hiểu rõ hơn, cũng như cay đắng nhiều hơn đối với người nghe (mà tôi nghĩ rằng ít đại biểu của ta, khi chứng kiến trực tiếp, hiểu rõ)…
Bài diễn văn dài 3.430 chữ, nếu quy đổi theo số tiền mà TQ viện trợ cho VN thì quả là không nhỏ một chút nào; 1 tỷ nhân dân tệ đổi được 3.640 tỷ VNĐ, tức là một chữ có giá hơn 1 tỷ đồng(!) Ta thử xem cái “sức nặng” của 1 từ/1 nhát/1 tỷ đó, nó thấm và đau đến đâu.
Ngay trong những lời đầu tiên, Tập đã lập tức cảnh cáo tất cả những ai có ý định làm xói mòn, hao tổn quan hệ Trung Việt bằng cách nhấn mạnh rằng Tập đặc biệt bày tỏ lòng ‘biết ơn đối với những người bạn đã có cống hiến quan trọng trong nỗ lực giữ gìn tình hữu nghị Trung Quốc Việt Nam’ (dẫn nguyên văn, in nghiêng và đậm là chúng tôi nhấn mạnh – HVT). Ván bài đã lật ngửa: Tập phân biệt rất rõ hai loại người bạn và không phải bạn đang ngồi trước mặt mình. Biết ơn loại người được TQ coi là bạn thì dĩ nhiên, ngầm ý đe dọa phần còn lại.
Sau những lời hoa mĩ tất yếu của cái gọi là thủ tục ngoại giao, Tập giáng một đòn trực diện - vỗ mặt vào người nghe khi nghênh ngang nói rằng ‘Dân tộc Trung Hoa từ trước đến nay đều yêu hòa bình, cái gen “hòa” của dân tộc từ trước tới nay đều không thay đổi,“ hòa” trong văn hóa được bảo lưu trường tồn, mãi mãi’. Tập còn cao giọng gáy như ở chốn không người khi trâng tráo vỗ ngực nói thêm rằng ‘Nguyện vọng hòa bình được mọc rễ từ trong con tìm của mọi người Trung Quốc, hòa nhập vào trong dòng máu của dân tộc Trung Hoa’(?)
Cách nói này đạt đến sự phi thường của… đểu cáng! Hóa ra, theo Tập, mọi xung đột, tranh chấp hiện nay đều do VN gây ra vì chỉ TQ có, đồng nghĩa rằng VN không có cái “gen” hòa?
Thật khó có thể hình dung có nhà lãnh đạo nào lại bất chấp tính chính đáng (legitimacy) của một chính khách, đại diện cho cường quốc lớn thứ hai thế giới, lại có thể bịp bợm một cách sống sượng như thế.
Tập bất chấp lịch sử tương tàn, truyền kiếp của các triều đại thống trị TQ đối với nhân dân VN: không cần kể đâu xa, Tập lờ đi, coi như không nhớ những cuộc chiến tranh gần nhất là chiến tranh xâm lược Hoàng Sa năm 1974, xâm lược phía Bắc nước ta năm 1979, xâm lược Trường Sa năm 1988 và cuộc xâm lược không tiếng súng bằng cách xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa trong những năm 2014-2015.
Đau nhất là người ta vẫn cứ vỗ tay rầm rầm khi nghe nói đến cái… “gen” hòa!
Trong bài phát biểu, Tập liên tục trích dẫn nhiều câu nói của người xưa (của TQ), ngầm ý khoe khoang rằng cái gì của Tàu cũng đúng, cũng phải. Chỉ có một lần duy nhất Tập dẫn thơ Hồ Chí Minh nhưng lại nói thêm rằng hai câu thơ đó giống với… Vương Bột (650-676)! Nói như thế có khác gì bảo HCM làm sau những… 1.267 năm (tính từ mốc năm 676, Vương chết và, năm1943, khi HCM viết những câu thơ này). Cay đắng hơn nữa là Tập CHỌN ra một nhà thơ có tuổi đời rất “non” để so sánh: Vương Bột chết lúc mới 26 tuổi, để hạ thấp hơn vị thế của HCM... Nhà nghiên cứu tài năng Lê Vinh Huy đã bình, dẫn về điều này rất hay trên Chiếu Làng, chúng tôi xin miễn bàn thêm (xem: chieulang.com.vn).
Tập đã xoi vào tai người nghe, gõ lên đầu kẻ biết khi bình về chữ TÍN: ‘Tín giả, giao hữu chi bản” ( lòng tin là cái căn bản để xây dựng tình bạn) ’. Rõ ràng, Tập ám chỉ đến việc bắt VN phải công nhận cách diễn đạt theo cách có lợi cho TQ từ Công văn của Phạm Văn Đồng trước đây – nói cách khác là trách mắng VN không coi trọng chữ tín!
Trong nhiều kiểu ví von mà người viết bài này biết, chưa từng nghe thấy ai ví kiểu Tập: ‘Huynh đệ đồng lòng, có thể chặt đứt được kim loại’(?) Ơ hay, “gen” hòa mà “chưởng nghiệp” đầu tiên của đồng lòng là để CHẶT, chém cái gì đó, ai đó, là sao đây? Nói như thế có khác gì tuyên bố rằng nếu không đồng lòng thì sẽ dùng “kim loại” (vũ khí) để chặt kẻ yếu hơn?
Với cái kiểu hoa ngôn, lòe ngôn khi làm ảo lẫn đầu óc người nghe rằng cả hai có ‘chung sinh mạng’, Tập đòi VN phải nghe theo TQ khi liên tục năm lần dùng chữ CẦN: ‘cần là đồng chí tốt, cần phải trở thành những đối tác tốt trong mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, cần trở thành láng giềng tốt, cần làm bạn bè tốt, cần phải lấy mốc 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao làm cơ hội’...
Nếu ai đó biện minh rằng cái chữ “cần” chỉ là cách nói bình thường thì nên đọc tiếp đoạn sau đó, với ngôn từ răn dạy, áp chế rất rõ ràng: ‘kiên quyết không được để bất kì kẻ nào phá vỡ bước đi của chúng ta, kiên quyết không được để bất kì thế lực nào dao động, thay đổi bức tường bảo vệ chế độ của chúng ta’.
“Không được” thế này, thế nọ có phải là mệnh lệnh thức người cha hay dùng để quát nạt con cái hay không?
Hãy nghĩ xem: Ngay cả Kinh Thánh của Chúa Trời mà Chúa cũng chỉ dùng từ đến mức khuyên can trong Mười Điều Răn: chớ giết người, chớ trộm cắp…; còn Tập, nói chuyện với 500 ĐBQH mà cứ như nói với hàng dưới, cần phải thế này, cần phải thế kia…
Tập coi chuyện giết dân ta, cướp đảo, biển của ta chỉ là “va chạm” của láng giềng là điều càn rỡ không thể chấp nhận nổi.
Trong cuộc đời của mỗi người, bác, bạn hay anh, chị đã từng tặng, cho ai đó một khoản tiền rồi ngay sau đó ngân nga đọc thành ngữ, tục ngữ để chửi thẳng vào mặt người nhận theo cách Tập đã làm hay không: ‘Cổ nhân có câu “ ngàn vàng chỉ để mua tình láng giềng”’. Chẳng phải mới hôm trước Tập hứa viện trợ nhỏ giọt cho VN một ngàn triệu nhân dân tệ (1 tỷ) và hôm sau, trước QH VN, Tập “hát” ngàn vàng?...
“Hát” xong câu ngàn vàng để mua, Tập nói thêm rằng, ‘Cổ nhân vốn có câu “ Người có viễn kiến thì mới có thể thu hoạch thêm càng nhiều lợi ích”’. Đó là cách nói của thầy giáo khi chê trách sinh viên rằng cách nhìn của trò thiển cận lắm, kém cỏi lắm…
Trước khi kết thúc bài này, xin nhấn mạnh rằng, chi tiết Hồ Chí Minh – Vương Bột, nghe qua cứ nghĩ là bàn về thơ, nhưng càng nghĩ thì càng ngấm nỗi đau của cách đệ nhất thâm nho tàn độc. Ai đã từng xem qua lịch sử đều biết cha của Vương Bột làm huyện lệnh một huyện ở… Giao Chỉ(!) và, trên đường trở về sau khi thăm cha, Vương bột chết trên đất Nghệ An. Nghe đâu, mộ phần của Vương Bột hiện vẫn còn ở Nghi Lộc, Nghệ An – quê bên ngoại của người viết bài này!
Bác hay bạn thử sắp xếp một loạt sự “ngẫu nhiên”: HCM và VB có quê và mộ ở Nghệ An, VN chỉ là một quận của VN, cái chết và mộ táng đều xảy ra ở VN, cái sự thơ giống nhau…, để phân tích thêm những ngầm ý mà, người viết, chẳng dám bàn thêm…
Diễn văn ngoại giao là dạng văn từ đặc biệt. Xưa nay, yêu cầu bắt buộc của nó là ý tứ càng giấu được xa cái chỗ định nói bao nhiêu, càng ẩn sâu cái mục đích bao nhiêu, thì càng thành công bấy nhiêu. Tập Cận Bình có đôi lúc “tôn trọng” quy tắc ấy nhưng lại rất nhiều khi bất kể nguyên tắc đối ngoại ấy.
Làm sao hơn 90 triệu người dân Việt có thể nuốt trôi cho nổi mớ ngôn từ trịch thượng, càn rỡ, bịp bợm và trơ tráo như thế?
Hà Văn Thịnh
Huế, 8.11.2015
(Dân Luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét